(HBĐT) - Cách trung tâm xã 7 km nhưng bao đời nay, người dân ở xóm Pheo, xã Văn Nghĩa (Lạc Sơn) vẫn sống trong cảnh leo lét ánh đèn dầu. Không ánh điện, không đường giao thông và “nhiều không” khác nên đời sống của bà con nơi đây còn vô cùng gian khó…

 

Gian nan đường về Pheo  

Sau trận mưa lớn đêm hôm trước, đồng chí Bùi Văn Chung, Chủ tịch UBND xã Văn Nghĩa tỏ ra e ngại khi chúng tôi muốn lên Pheo. Bởi lẽ, “nắng đi đã khó chứ đừng nói trời mưa”. May sao, hôm đó là phiên trực của đồng chí Bùi Văn Chính, công an viên xóm Pheo nên chúng tôi được dịp “bám càng”. Theo anh Chính, để lên được Pheo cần phải có “đồ chuyên dụng”, đó là một vòng xích được làm từ xích cam của xe máy dùng để quấn vào lốp xe, chống trơn trượt.  

Trời mưa tầm tã, để lên Pheo, anh Chính gửi xe máy của tôi lại xóm Đồi và đi đường nhánh vì đường chính bị sạt lở. Qua đoạn đường bê tông ở xóm Đồi, “cánh cửa” lên Pheo mở ra trước mắt là con dốc dài chừng 5 m, phân trâu, bùn, sỏi trộn lẫn vào nhau đang chảy xuống. “Chú cố gắng ngồi yên nhé, đoạn này lầy, trượt bánh là trôi xuống dốc đấy”, tôi nín thở nghe anh Chính nhắc nhở.  

Đường lên xóm Pheo, xã Văn Nghĩa (Lạc Sơn) với dốc đá trơn trượt là nỗi trăn trở của bà con xóm nghèo này.

Cuối cùng, với kinh nghiệm và sự liều lĩnh, anh Chính đã đưa tôi qua con dốc đầu tiên. Chiếc xe máy hiệu Angel của anh Chính dù mới tậu được hơn 2 năm nhưng trông “già hơn tuổi” rất nhiều liên tục dở chứng. “Thấm mệt” sau con dốc đầu tiên, chiếc xe bị chết máy khi vừa leo được nửa con dốc tiếp theo khiến chúng tôi được phen hú vía. Càng lên cao, mưa càng dày hạt, những “con mương” nước chảy xì xèo ngay trên đường khiến hành trình về Pheo ngày thêm gian nan và nguy hiểm hơn.  

Gần 2 tiếng đi trong mưa rừng, xóm Pheo hiện ra mờ ảo trong làn sương trắng xóa với những mái nhà sàn nằm thưa thớt. Đây là bản làng của 80 hộ dân người Mường với 365 nhân khẩu. Đồng chí Bùi Hồng Nhu, Bí thư chi bộ xóm cho biết: Năm 2010, Pheo mới có đường đi được xe máy, mưa nhỏ thì trơn, mưa to thành mương nước. Xóm chia thành 2 KDC, từ Pheo 2 vào đến Pheo 1 mất gần 1 tiếng đồng hồ đi bộ.  

 “Giấu mình” ở núi …  

Đường vào nơi sinh sống của 15 hộ dân ở Pheo 1 sâu hun hút, chỉ thấy núi là núi. Sau cơn mưa rừng, ai nấy đều phải xắn quần cao, vừa để đỡ bẩn, vừa dễ phát hiện nếu bị vắt tấn công. Chúng tôi ghé thăm gia đình ông Bùi Văn Danh, là 1 trong 5 hộ nằm sâu nhất xóm. Với 2 đứa con tật nguyền, kinh tế phụ thuộc vào hơn 2.000 m2 ruộng nên gia đình ông thuộc diện nghèo khó nhất xóm. Mới ngoài 40 tuổi nhưng ông Danh không biết đi xe máy và cũng chẳng mua được xe máy nên quanh năm chỉ quẩn quanh nơi núi rừng.  

Chưa có điện nên bé Bùi Hạnh My (bên phải) cùng với những đứa trẻ ở xóm Pheo, xã Văn Nghĩa (Lạc Sơn) phải học bài dưới ánh đèn dầu leo lét.  

Tiếp tục đi sâu thêm gần 200 m, chúng tôi mới đến nhà anh Bùi Văn Hiền, tận cùng của xóm. Trong căn nhà sàn nhỏ, chỉ có chiếc ti vi đen trắng “để cho vui mắt” và vài bao tải thóc. Mời khách chén mật ong do gia đình nuôi, anh Hiền tâm sự: “Nhà nuôi được 7 tổ ong mật, giờ còn mấy chai mật nhưng đã bán được đâu. Lâu lâu mới đi một chuyến xuống chợ mua mắm, muối thôi chứ thực phẩm hàng ngày thì tự cung, tự cấp”.  

Không chỉ ở Pheo 1, mà cả Pheo 2, bà con cũng đang “giấu mình” ở núi bất đắc dĩ vì đường quá khó khăn. Như chia sẻ của cụ Bùi Văn Rức  “Đã hơn 10 năm tôi chưa xuống đến UBND xã, chứ đừng nói đi thăm Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thủ đô Hà Nội. Đường xa, tuổi già đi không nổi”.  

Ở Pheo, đêm dài đằng đẵng…  

Màn đêm buông xuống thật nhanh, ngoài ánh điện hiếm hoi lóe ra từ mái nhà sàn của gia đình Bí thư chi bộ Bùi Hồng Nhu cả xóm Pheo chìm trong màn đêm tĩnh mịch. Từ nhà ông Nhu, mò mẫm theo con đường liên xóm chạy giữa cánh đồng, chúng tôi sang nhà anh Chính, công an viên của xóm. Bà con nói vui với chúng tôi rằng, với những người lạ, vào buổi đêm, nếu không nghe thấy tiếng chó sủa chẳng ai biết đây là một bản làng.  

19 giờ, mùi khen khét của chiếc đèn dầu đã lan toả khắp căn nhà của gia đình anh Bùi Văn Chính. Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên với bộ âm ly, chiếc loa to và màn hình tivi màu, anh Chính giải thích: “Sắm để phục vụ đám cưới ở trong xóm, muốn chạy được phải dùng máy nổ. Một năm, nhiều lắm dùng dăm, bảy lần thôi”. Theo anh Chính, không có điện nên mua quạt điện hay tivi về cũng chỉ để vậy, còn kem, nước lạnh là thứ quá xa xỉ đối với bà con nơi này.  

Quây quần bên chiếc đèn dầu, qua 2 tuần trà, câu chuyện của chúng tôi  rôm rả hơn. ở buồng trong, bé Bùi Hạnh My, con gái anh Chính cùng đứa em đang chăm chú ngồi học bài. ánh đèn dầu vàng vọt cộng thêm làn khói đen nên chốc My lại đưa tay lên dụi mắt. Trưởng xóm Pheo Bùi Văn Bình cho biết: Hiện, xóm có  trên 20 em học sinh đang học các cấp. Do thiếu thốn nhiều mặt nên lực học của các em kém hơn so với mặt bằng chung của cả xã và số lượng chuyển cấp lên THPT rất ít.  

Xung quanh câu chuyện về đường, chúng tôi vẫn ám ảnh về chuyện chị Bùi Thị Diệp đẻ rơi trên đường xuống trạm y tế, cách đây 4 năm hay những mẩu chuyện về những cú ngã để đời của không ít người khi ngược lên Pheo, nhất là sự trăn trở của bà con khi con gà, con lợn, bắp ngô, củ sắn bán rẻ hơn và khó thành hàng hóa.  

Là 1 trong 36 thôn, xóm đặc biệt khó khăn của tỉnh, những năm qua, xóm Pheo đã nhận được những sự hỗ trợ thiết thực từ các cấp ủy Đảng, chính quyền. “Sự hỗ trợ về cây giống, con giống như hiện nay phù hợp với điều kiện của xóm Pheo. Tuy nhiên, mong các cấp quan tâm hơn nữa, nhất là trực tiếp hướng dẫn cho bà con về kỹ thuật”,  đồng chí Bí thư chi bộ Bùi Hồng Nhu bày tỏ.  

Không có điện, đêm ở Pheo như kéo dài hơn nhưng câu chuyện, trăn trở của bà con vẫn chưa hết. Sau một ngày dầm mưa và mệt nhoài với chuyến cuốc bộ, chúng tôi ngủ thiếp đi giữa lành lạnh của nơi vùng cao mây mù. Khi tỉnh dậy lại được phen “hành xác” với hành trình hạ sơn trên con đường ngoằn nghoèo, nham nhở bùn đất nơi lưng chừng núi.

                                                                             Viết Đào

 

Các tin khác


“Nóng” tình trạng tảo hôn ở huyện Mai Châu

(HBĐT) - Không phải Đảng bộ, chính quyền các cấp huyện Mai Châu không vào cuộc. Ngược lại, các biện pháp từ tuyên truyền, vận động đến xử phạt đều đã được áp dụng, tuy nhiên vấn nạn tảo hôn vẫn chưa được kiểm soát, thậm chí còn bùng phát trong 6 tháng đầu năm nay. Theo thống kê sơ bộ, đến thời điểm này, số vụ tảo hôn ở huyện Mai Châu đã tăng gấp ba so với cả năm 2015 với trên 100 vụ và chắc chắn vẫn còn khó kiểm soát khi có không ít trường hợp tảo hôn là con của Phó Chủ tịch UBND xã, Phó Bí thư Chi bộ, đảng viên, giáo viên.

Bao giờ người dân xã Mường Chiềng hết “sợ” nắng…

(HBĐT) - Sau mấy thập kỷ căn bệnh quái ác ập đến, dù được sự quan tâm của toàn xã hội nhưng những người mắc bệnh “sợ” nắng (bệnh khô da sắc tố) ở xã Mường Chiềng (Đà Bắc) vẫn lay lắt sống với “án tử”. Bệnh tật hành hạ nhưng họ khao khát được sống và mong được chữa khỏi bệnh.

Xóa tận gốc nạn “than tặc”

(HBĐT) - Luồng khói trắng phụt ra từ miệng lò sau tiếng nổ giòn đanh từ những khối bộc phá của những người lính công binh - Bộ CHQS tỉnh làm núi rừng Cuối Hạ rung chuyển. Một khối lượng lớn đất, đá ụp đổ, bịt kín những đường lò sâu hun hút vào lòng đất đã đặt dấu chấm hết cho nạn “than tặc” vốn gây bức xúc cho người dân bấy lâu nay...

Suối Cỏ bảo tồn nghề làm giấy dó

(HBĐT) - Theo giới thiệu của lãnh đạo xã Hợp Hòa (Lương Sơn), chúng tôi đến thăm tổ sản xuất giấy dó thủ công tại thôn Suối Cỏ. Trong không gian nhỏ hẹp, những người thợ thủ công với đôi bàn tay khéo léo đang miệt mài sản xuất ra những tờ giấy dó truyền thống.

Huyện Lương Sơn: Bức xúc ô nhiễm môi trường từ khu xử lý rác thải

(HBĐT) - Đã nhiều ngày nay, người dân sinh sống gần khu vực xử lý rác thải thuộc tiểu khu 10, thị trấn Lương Sơn (Lương Sơn) bức xúc trước thực trạng ô nhiễm môi trường mà nguyên nhân trực tiếp do việc tồn đọng rác thải tại khu xử lý gây ra. Theo ông Nguyễn Hồng Bảo, Bí thư chi bộ tiểu khu 10, nhà dân ở cách xa hàng ki lô mét mà vẫn ngộp thở bởi không khí nặng mùi xú uế, muỗi và ruồi nhặng bay từng đàn. Nguồn nước giếng đào của bà con giờ không ai dám sử dụng trong sinh hoạt.

Xã Mỵ Hòa (Kim Bôi): Nông dân mòn mỏi chờ tiền mía

(HBĐT) - Đã bước sang tháng 8, người nông dân trồng mía nguyên liệu ở xã Mỵ Hòa (Kim Bôi) vẫn mòn mỏi chờ Công ty CP Mía đường Hòa Bình thanh toán tiền mía nguyên liệu. Thực trạng này không chỉ gây khó khăn đến đời sống của bà con mà còn khiến niềm tin của họ đối với cây mía - từng được coi là cây XĐ-GN của xã xuống thấp hơn bao giờ hết.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục