(HBĐT) - Thời gian gần đây, Báo Hòa Bình nhận được khá nhiều đơn - thư phản ánh, “kêu cứu” vì bị anh, em, chú, bác, bạn… lợi dụng lòng tin để chiếm đoạt quyền sử dụng đất . Có vụ - việc đã được đưa ra tòa để giải quyết, có vụ đang trông chờ vào sự hòa giải của chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể ở cơ sở với hy vọng “mưa dầm thấm đất”, người chiếm đoạt sẽ tự nguyện trao trả… Xin nêu một vài vụ - việc để thấy rằng đó là vấn đề đáng lưu tâm.
Mới là những ngày đầu năm 2016, khi những người trong giới kinh doanh, buôn bán gác lại mọi việc để đến với đền, chùa cầu tài, cầu lộc, may mắn và bình an… thì chị H., một công dân làm nghề kinh doanh, buôn bán nhỏ ở huyện Tân Lạc lại tất tả ngược xuôi, gõ cửa các cơ quan công quyền để kêu cứu vì lỡ tin người “anh em kết nghĩa” mà bị mất đất, mất nhà. Mang đến Báo Hòa Bình một lá đơn “kêu cứu”, kèm theo cả tập văn bản, giấy tờ liên quan, chị H. giãy bày: Gia đình tôi có một thửa đất với tổng diện tích 2.000 m2 (gồm 400 m2 đất ở và 1.600 m2 đất vườn). Do cần tiền làm ăn buôn bán và trả nợ ngân hàng, vợ chồng tôi đã vay anh N., “người anh em kết nghĩa” 500 triệu đồng và lấy bìa đỏ diện tích đất trên làm tài sản thế chấp (trên mảnh đất ấy có ngôi nhà vợ chồng chị mới xây, đang ở trị giá trên 2 tỷ đồng). Bỗng dưng một ngày, vợ chồng tôi. nhận được giấy triệu tập của tòa án đến để giải quyết vụ án “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ và tài sản gắn liền với đất” thửa đất trên, do anh N. là nguyên đơn. Đến đây, vợ chồng chị H. mới “tá hỏa” vì người “anh em kết nghĩa” đã âm thầm làm thủ tục sang tên thửa đất và lấy đó làm cơ sở để kiện vợ chồng chị ra tòa với mục đích đòi QSDĐ. Trước nguy cơ mất đất, mất nhà, ít thông hiểu về pháp luật, lại bị động từ nhiều phía, vợ chồng chị H. phải chạy vạy khắp nơi để kêu cứu, mong được làm sáng tỏ.
Những lá đơn được gửi đến Báo Hòa Bình và các cơ quan chức năng mong được giúp đỡ đòi lại quyền sử dụng đất hợp pháp đã bị chiếm đoạt bởi ... tình thân.
Cùng thời điểm đó, vợ chồng anh P. ở huyện Cao Phong cũng “vác đơn” đến tòa báo nhờ can thiệp để giữ lại hơn 3 ha keo 7-8 tuổi, trên 17.000 cây cam Canh, trong đó có 500 cây đã 5 năm tuổi và khoảng 12.000 cây đã 2 năm tuổi. Chuyện là: vợ chồng anh P. có nhờ người anh rể đứng tên đấu thầu khu đất diện tích khoảng 75.000 m2 (thuộc bãi chăn thả của xã) để sử dụng vào mục đích trồng rừng. Thời hạn cho thầu đất là 7 năm, vì vậy gia đình anh P. đã quy hoạch, cải tạo để trồng cây ăn quả. Hàng năm, gia đình anh P. vẫn thực hiện nghĩa vụ nộp thuế đất (qua anh rể). Khi hết thời hạn thuê đất (năm 2013), vợ chồng anh P. có lời “nhờ” anh rể xin tiếp tục ký hợp đồng để giữ lại cây trồng trên đất thì được trả lời: khu đất đang chờ được cấp sổ đỏ hãy yên tâm chờ đợi. Tin tưởng vào người anh rể, vợ chồng anh P. tiếp tục quy hoạch, cải tạo đất và trồng cây trên khu đất ấy. Cuối năm 2015, người anh rể yêu cầu vợ chồng anh P. phá bỏ cây trồng để hoàn trả thửa đất trên (vì người anh rể đã làm thủ tục để được cấp bìa đất - QSDĐ đất hợp pháp mang tên mình). Vì sự thất tín của người anh rể, vì tình cảm anh em rạn nứt và vì hàng nghìn cây cam, nhãn đã hẹn ngày thu hoạch... vợ chồng anh P. đã phải nhờ đến sự can thiệp của chính quyền xã và cơ quan truyền thông để giải quyết sự việc được thấu tình, đạt lý.
Mới đây, Báo Hòa Bình tiếp nhận thêm 1 vụ việc khá hy hữu cùng chung mạch chủ đề này. Nói hy hữu bởi đây là sự việc xảy ra ở ngay TP Hòa Bình và nội dung câu chuyện cũng khá đặc biệt. Hai người phụ nữ, bà A. (58 tuổi) hiện đang cư trú tại phường Thái Bình (TP Hòa Bình) và bà L. (56 tuổi) hiện đang cư trú tại xã Cao Sơn (Đà Bắc) cùng lên tiếng bảo vệ cô cháu gái (26 tuổi) mồ côi bị chính người cô ruột chiếm đất, chiếm nhà. 2 lá đơn của 2 người phụ nữ có chung 1 nội dung phản ánh việc làm trái với “luân thường, đạo lý” của người cô ruột, cũng chính là người em gái của 2 bà đang tâm đuổi cô cháu gái mồ côi đi để chiếm dụng ngôi nhà vốn là tài sản thừa kế của cha mẹ cháu. Chuyện là 2 bà A, L có người em trai (SN 1962) được sở hữu diện tích đất trên 200 m2 (do cha mẹ để lại). Thấy vợ chồng người em gái khó khăn về chỗ ở ông đã gọi về ở cùng. Tin tưởng em, khi bán đi diện tích 100m2 đất ông đã ủy quyền cho em gái làm thủ tục chuyển nhượng. Năm 2008 ông mất, khi đó cô con gái duy nhất vừa 20 tuổi đi làm ăn xa. Cha mất, cháu T. trở về nhà để ở và lo việc thờ cúng cha mẹ, ông bà, tổ tiên thì bị vợ chồng cô ruột đuổi đi (lý do người cô ruột đang cầm trong tay giấy CNQSDĐ mang tên cô)…
Đó là những vụ - việc cụ thể đã và đang diễn ra trên địa bàn tỉnh. Chuyện không chỉ ở làng mà có cả ở nơi phố thị (nơi trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh) vốn được mặc định là có dân trí cao, ANTT, ATXH luôn được đảm bảo. Dẫu không nhiều nhưng những vụ - việc trên thực sự đáng lưu tâm để phòng tránh những hệ lụy không đáng có: mất tài sản và mất cả... tình thân.
PBĐ-TL
(HBĐT) - Thời gian vừa qua, người dân xóm Bãi Thoáng, xã Yên Thượng (Cao Phong) phản ánh về tình trạng nguồn nước sinh hoạt hàng ngày lấy từ con suối Ngạn bị ô nhiễm từ khi nhà máy sản xuất quặng đồng An Phú đi vào hoạt động. Các hộ dân trong xóm đã nhiều lần làm đơn đề nghị lên xã, công ty và huyện yêu cầu Công ty CP khoáng sản đồng An Phú khoan giếng cho các hộ bị ảnh hưởng nguồn nước nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. UBND xã nhiều lần có văn bản đề nghị Công ty khắc phục nguồn nước bị ô nhiễm cho người dân. Để rộng đường dư luận, phóng viên Báo Hoà Bình đã tìm hiểu thực tế.
(HBĐT) - Massage, xông hơi, karaoke, quầy bar, bàn bi-a, các phòng nghỉ riêng tư rộng chừng 10 m2, nhà sàn bê tông, khách sạn xây mới theo phong cách hiện đại... Đó là những hình ảnh đang xuất hiện ngày càng nhiều ở các bản, làng du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh ta. Nó đã làm cho bức tranh yên bình, đậm đà bản sắc văn hóa ngày càng trở nên hỗn tạp, méo mó. Khách du lịch sụt giảm, văn hóa truyền thống mai một, tiềm ẩn nguy cơ tai - tệ nạn xã hội là “góc khuất” đang diễn ra tại các bản, làng du lịch cộng đồng hiện nay.
(HBĐT) - Trong lá đơn gửi Báo Hòa Bình, vợ chồng ông Bùi Văn Thức và bà Nguyễn Thị Đua, trú tại tổ 5, phường Chăm Mát (TP Hòa Bình) bày tỏ: “18 năm trước (năm 1998), vợ chồng tôi có mua 100m2 đất của ông Lê Văn Chăm, có giấy tờ chuyển nhượng, hàng năm đóng thuế đất đầy đủ - và đã xây nhà để ở. Thế nhưng, không hiểu tại sao em gái ông Chăm lại có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) trên mảnh đất ấy và lấy đó làm cơ sở để đuổi chúng tôi đi, thậm chí còn kiện chúng tôi ra tòa”… phóng viên Báo Hòa Bình đã đã xác minh, tìm hiểu sự việc.
(HBĐT) - Không phải Đảng bộ, chính quyền các cấp huyện Mai Châu không vào cuộc. Ngược lại, các biện pháp từ tuyên truyền, vận động đến xử phạt đều đã được áp dụng, tuy nhiên vấn nạn tảo hôn vẫn chưa được kiểm soát, thậm chí còn bùng phát trong 6 tháng đầu năm nay. Theo thống kê sơ bộ, đến thời điểm này, số vụ tảo hôn ở huyện Mai Châu đã tăng gấp ba so với cả năm 2015 với trên 100 vụ và chắc chắn vẫn còn khó kiểm soát khi có không ít trường hợp tảo hôn là con của Phó Chủ tịch UBND xã, Phó Bí thư Chi bộ, đảng viên, giáo viên.
(HBĐT) - Sau mấy thập kỷ căn bệnh quái ác ập đến, dù được sự quan tâm của toàn xã hội nhưng những người mắc bệnh “sợ” nắng (bệnh khô da sắc tố) ở xã Mường Chiềng (Đà Bắc) vẫn lay lắt sống với “án tử”. Bệnh tật hành hạ nhưng họ khao khát được sống và mong được chữa khỏi bệnh.
(HBĐT) - Luồng khói trắng phụt ra từ miệng lò sau tiếng nổ giòn đanh từ những khối bộc phá của những người lính công binh - Bộ CHQS tỉnh làm núi rừng Cuối Hạ rung chuyển. Một khối lượng lớn đất, đá ụp đổ, bịt kín những đường lò sâu hun hút vào lòng đất đã đặt dấu chấm hết cho nạn “than tặc” vốn gây bức xúc cho người dân bấy lâu nay...