(HBĐT) - Đá Lát là đảo chìm đầu tiên trong hải trình thăm, tặng quà Tết cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân huyện đảo Trường Sa đón Tết Bính Thân 2016 của đoàn cán bộ Vùng 4 Hải quân và các phóng viên báo chí. Vì điều kiện trên đảo và việc di chuyển từ tàu 561 đến đảo có nhiều khó khăn nên đại tá, đoàn trưởng đoàn công tác Bùi Đình Dương thông báo danh sách một nửa số nhà báo trong đoàn công tác được xuống đảo. Tôi là phóng viên may mắn có trong danh sách.
Chăm sóc rau xanh trên đảo Đá Lát.
Dù đã nghe, đọc về các đảo chìm nhưng tôi vẫn không thể hình dung nổi, đảo chìm như thế nào và các chiến sĩ ở đảo sống, công tác ra sao. Vừa phấn khởi vì lần đầu được tới một đảo chìm, tôi lại lo lắng ngay vì cán bộ đoàn dặn dò chúng tôi phải thật cẩn thận từng chi tiết nhỏ để bảo đảm an toàn tuyệt đối khi ngồi trên chiếc xuồng CQ bé nhỏ tiếp cận đảo.
“Đè đầu” những con sóng dữ, 2 chiếc xuồng chuyền tải CQ 1879 và 1875 từ từ rời tàu 561 đưa đoàn công tác và những thùng quà đến với cán bộ, chiến sĩ đảo chìm Đá Lát. Dù khoảng cách từ vị trí neo tàu vào bờ không xa lắm nhưng các chiến sĩ phải căng mắt điều khiển chiếc xuồng tránh những mỏm san hô sắc cứng để tiếp cận đảo. Chúng tôi chỉ mỗi nhiệm vụ ngồi im, tay giữ chặt tấm bạt để che những đợt nước biển bắn tung khi chiếc xuồng CQ chồm tới mà nhiều phen thót tim, người ướt sũng vì nước biển và mồ hôi.
Vậy là chúng tôi đã được đặt chân lên đảo chìm Đá Lát. Đảo trấn giữa cửa ngõ tây nam của quần đảo Trường Sa, là một trong những đảo chìm xây dựng nhà cao chân “đội sóng” sớm nhất. Nhà trên Đá Lát hoàn thành năm 1988. Vừa hướng dẫn các chiến sĩ neo xuồng, đón đoàn và chuyển hàng hóa lên đảo, thượng úy Đoàn Văn Hiến, chỉ huy trưởng đảo Đá Lát kể chuyện: Cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ trên đảo còn rất nhiều khó khăn, vất vả nhưng anh em luôn sát cánh động viên nhau nỗ lực vươn lên. Vì thế, nhiều nhiệm vụ hoàn thành với chất lượng tốt, trong đó có mặt được cấp trên đánh giá cao....
Cùng với việc thực hiện tốt các nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, trong những năm qua, cán bộ, chiến sĩ đảo đã tự tăng gia sản xuất và đưa vào bữa ăn hàng ngày của bộ đội thịt, cá các loại và rau xanh. Do chủ động khắc phục khó khăn nên đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ không ngừng được cải thiện. Cùng với việc nâng cao chất lượng đời sống vật chất, đời sống tinh thần của bộ đội cũng từng bước được nâng lên. Hiện đảo Đá Lát đã được trang bị ti vi thu sóng vệ tinh Vinasat và sóng điện thoại phủ kín. Do vậy, những thông tin kinh tế, chính trị, các hoạt động văn hóa, TD-TT trong nước và quốc tế diễn ra hàng ngày kịp thời được cập nhật.
Được biết, nằm cách đảo Trường Sa khoảng gần 3 giờ hải trình về phía tây nam nên đảo chìm Đá Lát được xem như cửa ngõ từ đất liền ra biển Đông và từ nhà giàn DK1 đi lên. Đây còn là nơi gần với tuyến đường hàng hải quốc tế với số lượng tàu, thuyền qua lại rất đông. Mặt khác, nơi đây còn là vùng ngư trường truyền thống của ngư dân các tỉnh miền Trung như: Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Khánh Hòa... với hàng trăm lượt tàu, thuyền qua lại. Riêng năm 2015, đảo Đá Lát đã tiếp nhận và giúp đỡ hơn 400 tàu thuyền đánh cá dài ngày trên biển của ngư dân các tỉnh miền Trung. Vào buổi sáng, khi mặt trời vừa ló rạng, cũng là lúc thủy triều rút xuống, đảo chìm Đá Lát nhô lên khỏi mặt biển dần lộ ra một vùng san hô rộng lớn.
Tuy nhiên, cuộc sống, sinh hoạt lính đảo Đá Lát và tất cả tuyến đảo chìm thuộc quần đảo Trường Sa gặp hai khó khăn lớn nhất là nước ngọt và rau xanh. Thượng úy Đoàn Văn Hiến, Chỉ huy trưởng đảo Đá Lát cho biết: “Một năm, Trường Sa có hai mùa. Mùa khô, trồng rau rất tốt vì ít có sóng biển. Các loại mồng tơi, rau muống, cải bẹ xanh, rau dền, sâm đất... tại vườn rau thanh niên trồng trong khay nhựa composite, đất mang từ đất liền ra, phát triển rất tốt. Cán bộ, chiến sĩ trên đảo có đủ rau xanh cho bữa ăn hàng ngày thì lại thiếu nước ngọt sinh hoạt. Nước sinh hoạt đều trông cậy vào “giếng trời”. Mùa khô nào giông nhiều, xem như lính đảo tích trữ đủ nước. Nước ngọt từ đất liền ra rất hạn chế. Ngược lại, vào mùa mưa, bộ đội có đầy đủ nước ngọt thì sóng to, gió lớn. Sóng biển nhiều cơn trùm kín đảo, nước biển làm rau xanh làm cháy rụi lại phải trồng lại từ đầu...
Thời gian trôi đi nhanh nhất đối với những người lính đảo chìm Đá Lát có lẽ là quãng thời gian chào đón những đoàn công tác đến thăm đảo. Với chúng tôi, hai giờ được ở trên đảo sẽ là quãng thời gian nhớ mãi trong đời. Khi đoàn trưởng – đại tá Bùi Đình Dương thông báo thời gian thăm đảo Đá Lát đã hết, cần phải quay lại tàu 561 trước khi mặt trời lặn. Trong lòng tôi cảm thấy hẫng hụt. Vừa mới quen nhau, cảm nhận chút ấm áp tình quân dân nơi đầu sóng, ngọn gió lại phải chia tay. Chút buồn, nhớ dâng trào khi những người lính đảo cứ nắm chặt tay chúng tôi không muốn rời…
Hồng Duyên
(HBĐT) - Cách trung tâm xã 7 km nhưng bao đời nay, người dân ở xóm Pheo, xã Văn Nghĩa (Lạc Sơn) vẫn sống trong cảnh leo lét ánh đèn dầu. Không ánh điện, không đường giao thông và “nhiều không” khác nên đời sống của bà con nơi đây còn vô cùng gian khó…
(HBĐT) - “Em nhớ Tết Độc lập quê mình, nhớ nhà nhiều lắm. Nhưng em sẽ cố gắng, vững vàng, hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng của tuổi trẻ, của người lính nơi tuyến đầu Tổ quốc...”. Đó là những lời tâm sự đầy quyết tâm của chiến sỹ Nguyễn Tiến Bảo qua điện thoại - người chiến sĩ đảo Trường Sa Đông - đồng hương Hoà Bình duy nhất tôi gặp trong hành trình thăm, tặng quà chúc Tết chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa Tết Bính Thân 2016. Dù qua điện thoại nhưng tôi cảm nhận được sự rắn rỏi, trưởng thành của em. Hình ảnh người chiến sĩ đồng hương lần đầu ra đảo và một Trường Sa Đông gần gũi, thân thương… cứ nhớ đến cồn cào!
(HBĐT) - Thời gian vừa qua, người dân xóm Bãi Thoáng, xã Yên Thượng (Cao Phong) phản ánh về tình trạng nguồn nước sinh hoạt hàng ngày lấy từ con suối Ngạn bị ô nhiễm từ khi nhà máy sản xuất quặng đồng An Phú đi vào hoạt động. Các hộ dân trong xóm đã nhiều lần làm đơn đề nghị lên xã, công ty và huyện yêu cầu Công ty CP khoáng sản đồng An Phú khoan giếng cho các hộ bị ảnh hưởng nguồn nước nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. UBND xã nhiều lần có văn bản đề nghị Công ty khắc phục nguồn nước bị ô nhiễm cho người dân. Để rộng đường dư luận, phóng viên Báo Hoà Bình đã tìm hiểu thực tế.
(HBĐT) - Massage, xông hơi, karaoke, quầy bar, bàn bi-a, các phòng nghỉ riêng tư rộng chừng 10 m2, nhà sàn bê tông, khách sạn xây mới theo phong cách hiện đại... Đó là những hình ảnh đang xuất hiện ngày càng nhiều ở các bản, làng du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh ta. Nó đã làm cho bức tranh yên bình, đậm đà bản sắc văn hóa ngày càng trở nên hỗn tạp, méo mó. Khách du lịch sụt giảm, văn hóa truyền thống mai một, tiềm ẩn nguy cơ tai - tệ nạn xã hội là “góc khuất” đang diễn ra tại các bản, làng du lịch cộng đồng hiện nay.
(HBĐT) - Trong lá đơn gửi Báo Hòa Bình, vợ chồng ông Bùi Văn Thức và bà Nguyễn Thị Đua, trú tại tổ 5, phường Chăm Mát (TP Hòa Bình) bày tỏ: “18 năm trước (năm 1998), vợ chồng tôi có mua 100m2 đất của ông Lê Văn Chăm, có giấy tờ chuyển nhượng, hàng năm đóng thuế đất đầy đủ - và đã xây nhà để ở. Thế nhưng, không hiểu tại sao em gái ông Chăm lại có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) trên mảnh đất ấy và lấy đó làm cơ sở để đuổi chúng tôi đi, thậm chí còn kiện chúng tôi ra tòa”… phóng viên Báo Hòa Bình đã đã xác minh, tìm hiểu sự việc.
(HBĐT) - Không phải Đảng bộ, chính quyền các cấp huyện Mai Châu không vào cuộc. Ngược lại, các biện pháp từ tuyên truyền, vận động đến xử phạt đều đã được áp dụng, tuy nhiên vấn nạn tảo hôn vẫn chưa được kiểm soát, thậm chí còn bùng phát trong 6 tháng đầu năm nay. Theo thống kê sơ bộ, đến thời điểm này, số vụ tảo hôn ở huyện Mai Châu đã tăng gấp ba so với cả năm 2015 với trên 100 vụ và chắc chắn vẫn còn khó kiểm soát khi có không ít trường hợp tảo hôn là con của Phó Chủ tịch UBND xã, Phó Bí thư Chi bộ, đảng viên, giáo viên.