(HBĐT) - Nếu tính về quy mô thì có lẽ nghĩa trang liệt sỹ K34 (thôn Liên Ba, xã Liên Hoà, huyện Lạc Thuỷ) cũng được xếp vào là một trong những nghĩa trang liệt sỹ thời kỳ chống Pháp có số liệt sỹ vô danh nhiều nhất cả nước. Nó chỉ đứng sau nghĩa trang liệt sỹ đồi Độc Lập, nghĩa trang liệt sỹ đồi A1 - nghĩa trang liệt sỹ Điện Biên Phủ (Điện Biên Phủ) và đứng trên nghĩa trang liệt sỹ Tu Vũ (Thanh Thuỷ - Phú Thọ). Tuy vậy không phải ai cũng biết về nghĩa trang K34 và những liệt sỹ còn nằm lại đó...
Bần thần ngồi trước những bia mộ liệt sỹ, đôi mắt cụ Trần Thị Thụ cứ rưng rưng như muốn khóc.
Không chỉ bản thân tôi bất ngờ mà đến ngay cả những người cùng đi, trong đó có cả người sinh ra và lớn lên, có người từng công tác lâu năm ở vùng đất Lạc Thuỷ cũng bất ngờ khi được nghe đại tá Nguyễn Văn Sơn, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện kể về nghĩa trang liệt sỹ K34 (người dân vẫn hay gọi là nghĩa trang liệt sỹ thời kỳ chống Pháp) tại xã Liên Hoà. Nghĩa trang liệt sỹ này theo như anh Sơn kể thì trước đó, anh đã từng nghe nói. Nhưng gần đây trong quá trình đi khảo sát địa điểm tổ chức diễn tập KVPT huyện, anh mới có dịp đến thắp hương cho những liệt sỹ còn nằm lại. Anh chia sẻ: Nói thật, khi đến nơi tớ hơi bất ngờ. Nghĩa trang đã được UBND huyện trích kinh phí để tôn tạo, tu sửa khang trang, sạch đẹp. Nhưng cái bất ngờ lớn hơn đó là hầu hết các phần mộ ở đây đều ghi, liệt sỹ chưa biết tên.
Từ những thông tin ít ỏi của đại tá Nguyễn Văn Sơn, chúng tôi tìm về xã Liên Hoà. Con đường từ trung tâm huyện về Liên Hoà quanh co theo những chân ruộng cạn, cánh rừng keo. ở UBND xã Liên Hoà cũng không có mấy người biết rõ về nghĩa trang K34. Theo ông Phan Thế Thức, Chủ tịch Hội CCB xã, hiện nay ở thôn Liên Ba vẫn còn một bà cụ tên là Trần Thị Thụ, năm nay 85 tuổi là người biết rõ nhất về những liệt sỹ đang yên nghỉ tại đây. Bởi hồi còn trẻ, cụ Thụ chính là người được chọn để tải thương từ bến Cáy (Liên Hoà) về chữa trị tại đây và cụ cũng là một trong những người trực tiếp đưa những người hy sinh đi an táng tại nghĩa trang này. Đến bây giờ, chỉ duy nhất một mình cụ còn sống. Đó là một thông tin cực kỳ quý giá khi chúng tôi còn chưa biết việc tìm hiểu thông tin về nghĩa trang liệt sỹ K34 phải bắt đầu từ đâu. Theo sự chỉ dẫn của ông Thức, chúng tôi theo con đường liên thôn tìm về khu nghĩa trang và tìm về ngôi nhà nhỏ có bà cụ Trần Thị Thụ sinh sống. Theo con đường, nghĩa trang K34 dần hiện ra, nổi bật giữa những vườn cây ăn quả xanh ngút ngàn và chòm xóm với những nếp nhà yên vui của xóm Liên Ba.
Gặp cụ Thụ ở nhà người quản trang Trần Văn Mạnh khi cụ vừa đi bán rau ngoài chợ về. Đưa chúng tôi sang nghĩa trang, với chất giọng sang sảng, trí nhớ còn mẫn tiệp, cụ bảo: Nghĩa trang K34 này có tất thảy 270 ngôi mộ. Trong đó có 268 chiến sỹ du kích và 2 dân công hoả tuyến. Tất cả đều là người ở các tỉnh vùng đồng bằng như Nam Định, Hà Nam, Hải Phòng, Hà Đông, Ninh Bình được đưa về đây chữa trị theo đường sông Bôi qua bến Cáy. Do vậy, trong số 270 ngôi mộ ở nghĩa trang này, không có ai là người địa phương. Tuy nhiên, do điều kiện lúc đó rất khó khăn về thuốc men và điều kiện vệ sinh nên đã nằm lại đây. Họ hy sinh rải rác trong khoảng thời gian từ năm 1949 - 1953.
... Chung một dòng tên
Giữa màu trắng hoang hoải nhưng yên bình. Bóng cụ Thụ nhỏ quắt cùng ông quản trang với mái đầu bạc trắng vin vào từng bia mộ lầm lũi dọn dẹp những chân nhang còn vương vãi, chỉnh lại từng bát hương cho ngay ngắn ở từng phần mộ. Vừa làm, họ vừa lẩm nhẩm điều gì đó mà tôi không thể nghe rõ. Có lẽ, đó là những cuộc trò chuyện với linh hồn người đã khuất. Với những người dân sống xung quanh, điều này đã trở thành quen thuộc.
Đợi cho việc vệ sinh, dọn dẹp nghĩa trang của cụ Thụ và ông quản trang xong, chúng tôi mới bắt chuyện về nghĩa trang liệt sỹ khá đặc biệt này. Cụ Thụ kể: Sau ngày toàn quốc kháng chiến, nhân dân ở khắp nơi cùng đứng dậy tham gia các đội du kích đánh giặc. Các phong trào đấu tranh vũ trang diễn ra ngày càng nhiều. Trong quá trình chiến đấu, ta cũng không tránh khỏi thương vong. Để có địa điểm điều trị cho thương binh đảm bảo an toàn, bí mật. Năm 1949, Trung ương đã chọn và đưa trạm điều trị K34 về đặt tại Liên Hoà (Lạc Thuỷ) để cứu chữa thương binh. Sau khi được đưa về đây, Trạm đã tiếp nhận thương binh từ các tỉnh Hà Nam,
Cũng theo cụ Thụ, những ngôi mộ liệt sỹ ở đây không phải là không có tên. Khi chúng tôi chôn cất các liệt sỹ đều có đánh dấu tên tuổi, quê quán, ngày tháng hy sinh đầy đủ cả. Nhưng qua thời gian dài và 3 lần di chuyển, cải tạo, nâng cấp vào các năm 1959 - 1960, 1987 - 1988 và năm 2013 đã mất dấu, thất lạc gần hết. Hiện nay, trong số 270 mộ liệt sỹ chỉ còn 31 ngôi là có đầy đủ tên tuổi, thông tin quê quán, còn lại được đánh dấu theo số thứ tự. Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, lo máy bay Mỹ đến ném bom, làm mất dấu những ngôi mộ liệt sỹ ở nghĩa trang K34, những người dân trong xóm đã vẽ sơ đồ, ghi lại thông tin của từng phần mộ rồi giao cho xã Đội trưởng giữ. Tuy nhiên, qua thời gian dài thiên tai, địch hoạ, tấm sơ đồ đó đã bị thất lạc.
Bần thần ngồi trước những bia mộ liệt sỹ, đôi mắt cụ Thụ cứ rưng rưng như muốn khóc. Hỏi, cụ bảo giờ chẳng biết ngôi mộ nào là của ai. Nhưng trong ký ức của cụ vẫn hằn sâu những khuôn mặt trẻ trai, thanh thản và nhẹ nhàng của những người đã hy sinh khi ở trạm điều trị K34. Bởi lẽ, trong số gần 300 liệt sỹ hy sinh ở đây có đến hơn một nửa là do chính tay cụ đưa đi chôn. Vì thế nên cụ vẫn còn nhớ lắm!
Có một điều đặc biệt nói như quản trang Trần Văn Mạnh thì dù những ngôi mộ liệt sỹ ở nghĩa trang K34 là người ở nơi khác, không có người thân thích ở địa phương nhưng đều “có chủ” hết. Ngay từ khi được di chuyển về đây, xã đã giao cho mỗi nhà chăm sóc 3 ngôi mộ. Do vậy, những ngôi mộ được chăm sóc, hương khói đầy đủ và luôn ấm hơi người. Thời kỳ những năm 60 - 70, để kiếm được một que hương cúng tổ tiên trong những ngày tết còn khó khăn nhưng người dân vẫn luôn cố gắng có nén hương thắp cho các anh, các bác. Hành động dù nhỏ nhưng luôn là một sự tri ân lớn lao với những người đã ngã xuống vì đất nước...
Mạnh Hùng
(HBĐT) - Cách UBND xã Hữu Lợi (Yên Thuỷ) 2 km, thế nhưng mãi đến năm 2009 xóm Sổ mới có điện. Thoát được gánh nặng về “ánh sáng” thì giờ đây, cuộc sống của 48 hộ dân với 196 nhân khẩu xóm Sổ (1 trong 36 xóm đặc biệt khó khăn của tỉnh) lại đối mặt với khó khăn do sử dụng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh.
(HBĐT) - Hơn 1.300 hộ dân thị trấn Đà Bắc (Đà Bắc) đã từng được sử dụng nước sạch, nhưng đó là câu chuyện của gần 10 năm về trước. Còn suốt bao năm qua và cho đến nay, nguồn nước sinh hoạt, kinh doanh của hàng ngàn hộ dân, các cơ quan... trên địa bàn chỉ biết trông chờ từ nguồn nước giếng tự đào, nơi thì lấy nước tự chảy quanh các khe núi, không đảm bảo vệ sinh, ảnh hưởng đến sức khoẻ của nhân dân.
(HBĐT) - Cách trung tâm xã 7 km nhưng bao đời nay, người dân ở xóm Pheo, xã Văn Nghĩa (Lạc Sơn) vẫn sống trong cảnh leo lét ánh đèn dầu. Không ánh điện, không đường giao thông và “nhiều không” khác nên đời sống của bà con nơi đây còn vô cùng gian khó…
(HBĐT) - “Em nhớ Tết Độc lập quê mình, nhớ nhà nhiều lắm. Nhưng em sẽ cố gắng, vững vàng, hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng của tuổi trẻ, của người lính nơi tuyến đầu Tổ quốc...”. Đó là những lời tâm sự đầy quyết tâm của chiến sỹ Nguyễn Tiến Bảo qua điện thoại - người chiến sĩ đảo Trường Sa Đông - đồng hương Hoà Bình duy nhất tôi gặp trong hành trình thăm, tặng quà chúc Tết chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa Tết Bính Thân 2016. Dù qua điện thoại nhưng tôi cảm nhận được sự rắn rỏi, trưởng thành của em. Hình ảnh người chiến sĩ đồng hương lần đầu ra đảo và một Trường Sa Đông gần gũi, thân thương… cứ nhớ đến cồn cào!
(HBĐT) - Thời gian vừa qua, người dân xóm Bãi Thoáng, xã Yên Thượng (Cao Phong) phản ánh về tình trạng nguồn nước sinh hoạt hàng ngày lấy từ con suối Ngạn bị ô nhiễm từ khi nhà máy sản xuất quặng đồng An Phú đi vào hoạt động. Các hộ dân trong xóm đã nhiều lần làm đơn đề nghị lên xã, công ty và huyện yêu cầu Công ty CP khoáng sản đồng An Phú khoan giếng cho các hộ bị ảnh hưởng nguồn nước nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. UBND xã nhiều lần có văn bản đề nghị Công ty khắc phục nguồn nước bị ô nhiễm cho người dân. Để rộng đường dư luận, phóng viên Báo Hoà Bình đã tìm hiểu thực tế.
(HBĐT) - Massage, xông hơi, karaoke, quầy bar, bàn bi-a, các phòng nghỉ riêng tư rộng chừng 10 m2, nhà sàn bê tông, khách sạn xây mới theo phong cách hiện đại... Đó là những hình ảnh đang xuất hiện ngày càng nhiều ở các bản, làng du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh ta. Nó đã làm cho bức tranh yên bình, đậm đà bản sắc văn hóa ngày càng trở nên hỗn tạp, méo mó. Khách du lịch sụt giảm, văn hóa truyền thống mai một, tiềm ẩn nguy cơ tai - tệ nạn xã hội là “góc khuất” đang diễn ra tại các bản, làng du lịch cộng đồng hiện nay.