(HBĐT) - Thành phố Hoà Bình đang sải những bước đi ngoạn mục, chuẩn bị các điều kiện để trở thành đô thị loại II. Trên con đường thênh thang ấy còn không ít những chướng ngại vật - một trong số chướng ngại đó là vấn đề môi trường. Bởi đã hơn 2 năm qua, TP Hòa Bình không có khu xử lý rác thải. Chi tiền tỷ hàng năm để xử lý rác thải ở cự ly 35 km và luôn nơm nớp ở thế bị động đã đến lúc cần xây dựng được nơi xử lý rác thải cho riêng mình và đó thực sự là điều cấp thiết.

 

Xót lòng vì món tiền tỷ cho việc vận chuyển, xử lý rác thải

 

 

 

 

Vì lý do quá tải nên “núi rác” tồn đọng ở nơi tiếp nhận rác của Chi nhánh Công ty TNHH Đầu tư thương mại Hoàng Long ngày càng cao, gây ô nhiễm môi trường khu vực thị trấn Lương Sơn.

 

 

 Lượng rác thải sinh hoạt của TP Hòa Bình hiện lên tới 58 tấn/ngày. ảnh: Công ty CP Môi trường đô thị Hòa Bình thu gom rác trên địa bàn thành phố. 

 

 

Do được đánh giá là ô nhiễm môi trường, tháng 12/ 2014, UBND TP Hòa Bình chính thức đóng cửa bãi rác dốc Búng, phường Tân Hoà (TP Hòa Bình). Từ thời điểm đó, thành phố đã phải đổ tiền tỷ cho việc vận chuyển và xử lý rác thải cách xa thành phố khoảng 35 km (tại huyện Lương Sơn). Đồng chí Nguyễn Thanh Huy, Chủ tịch UBND TP Hoà Bình bày tỏ nỗi niềm: Hiện, Công ty cổ phần môi trường đô thị Hoà Bình thu gom khoảng 55 tấn chất thải rắn/ngày, đêm. Sau đó, rác của thành phố được vận chuyển bằng xe chuyên dụng đến khu xử lý rác thải của huyện Lương Sơn do Chi nhánh Công ty TNHH đầu tư thương mại Hoàng Long tại Hoà Bình (gọi tắt là Công ty Hoàng Long) quản lý và vận hành. Năm 2015, chi phí vận chuyển rác thải 3,85 tỷ đồng và chi phí xử lý rác thải 4,6 tỷ đồng. Dự kiến năm nay, chi phí vận chuyển rác thải 4,56 tỷ đồng và chi phí xử lý rác sẽ lên tới  6,1 tỷ đồng. Số tiền này thực sự không hề nhỏ đối với nguồn ngân sách còn hạn hẹp của một thành phố trẻ. Tuy vậy, theo tính toán từ phía Công ty Hoàng Long,  nguồn kinh phí này chưa đáp ứng so với số lượng rác phát sinh. Cụ thể, tại báo cáo số 18, ngày 30/8/2016 về tình hình tiếp nhận, xử lý rác sinh hoạt của TP Hòa Bình và huyện Lương Sơn) của Công ty Hoàng Long  nêu rõ: Theo hợp đồng đã ký giữa Công ty TNHH Hoàng Long  với Phòng Quản lý đô thị TP Hoà Bình thì năm 2014, khối lượng rác phải vận chuyển, xử lý 36 tấn/ngày, nhưng năm 2015 đã tăng lên 54,3 tấn/ngày và kể từ tháng 4/2016  là 58,5 tấn/ngày. Theo hợp đồng đã ký, kinh phí dự tính cho công tác xử lý rác thải sinh hoạt TP Hòa Bình 9 tháng (nửa cuối năm 2016) 4.915.337.400 đồng. Tuy nhiên, với mức rác thải phát sinh từ đầu năm đến nay thì kinh phí cần cho xử lý rác thải sinh hoạt phải 5.082.504.570 đồng và như vậy, kinh phí dự tính cho công tác xử lý rác thải 9 tháng ( nửa cuối năm 2016) còn thiếu 167.167.170 đồng. Tốn kém- chuyện đã rõ ràng nhưng bên cạnh đó còn một nỗi lo luôn hiện hữu đó là sự thiếu ổn định về đầu ra cho rác thải.

 

Nơm nớp nỗi lo chỗ … đổ thải

 

Nỗi lo ấy hoàn toàn có cơ sở vì hiện tại khu vực tiếp nhận, xử lý rác của Chi nhánh Công ty TNHH đầu tư thương mại Hoàng Long - tại xóm Mòng- thị trấn Lương Sơn đã quá tải. Tại báo cáo số 18, ngày 30/8/2016 của Công ty Hoàng Long nêu rõ: Với công suất 1,8 tấn /ngày, năm 2015 Công ty xử lý được 14.512,2 tấn rác. Như vậy, lượng rác tồn lại của năm 2015 là 7.932,3 tấn. Trong 6 tháng đầu năm 2016 xử lý được 7.257,6 tấn. Từ ngày 15/3/2016, Công ty đã  đưa vào hoạt động lò đốt rác thứ số 2 với công suất thiết kế 5 tấn/giờ, thực tế khi hoạt động xử lý được 4 tấn/giờ, đốt 3 ca mỗi ngày. Dù đã chạy hết công suất nhưng đến hết tháng 6/2016, Công ty mới xử lý được 14.457,6 tấn. Tính đến hết tháng 9, lượng rác thải tồn đọng chưa được xử lý ước lên tới khoảng 9.000 tấn. Lượng rác tồn đọng lớn như vậy nhưng phương pháp xử lý (trong thời gian tới) được Công ty đưa ra chỉ là: mở rộng khu tiếp nhận rác, lót bạt chống thấm, xây rãnh thu nước rỉ rác phục vụ đốt trong lò. Tăng cường phun dung dịch khử mùi tránh gây ô nhiễm.          

  

Trên thực tế, “núi rác” ngất ngưởng của Công ty Hoàng Long đã gây ô nhiễm nguồn nước và không khí khu vực thị trấn Lương Sơn trong thời gian khá dài khiến người dân nơi đây phản ứng mạnh mẽ. Theo phản ánh của nhân dân, vừa qua, đoàn công tác của TT HĐND tỉnh do đồng chí Hoàng Văn Tứ, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn đã có buổi thị sát nắm tình hình công tác xử lý rác thải ở Công ty Hoàng Long. Đồng chí Nguyễn Hữu Chương, Chánh Văn phòng HĐND tỉnh, thành viên trong đoàn công tác xác nhận: Phản ánh của người dân là hoàn toàn có cơ sở. Nước suối chảy qua khu vực thị trấn Lương Sơn đã bị pha trộn với nước dịch từ bãi rác chuyển màu xanh đen và bốc mùi khó chịu. Không khí ( trong vòng cự ly 300 m) cũng hết sức ngột ngạt bởi mùi rác. Khi làm việc với đoàn công tác, phía Công ty đưa ra dự kiến trong vòng khoảng 1 năm nữa xử lý hết lượng rác tồn đọng. Tuy nhiên, nhìn vào năng lực thực tại của Công ty đã có rất nhiều cái lắc đầu ngao ngán. Bởi cam kết còn khó thực hiện nữa là những dự kiến mà cơ sở thực hiện hết sức mong manh.

 

Nhà máy xử lý rác thải đã quá tải và gây ô nhiễm môi trường- đó là thực tế. Nhiều câu hỏi đã được đặt ra từ phía các nhà quản lý các cơ quan hữu quan của tỉnh, thành phố: Nếu như một ngày Nhà máy xử lý rác của Công ty Hoàng Long dừng gặp sự cố phải ngưng hoạt động thì hơn 55 tấn rác mỗi ngày của TP Hòa Bình sẽ đổ về đâu?

 

Cần tập trung gỡ khó cho dự án xây dựng khu xử lý rác thải TP Hoà Bình

 

Thực tế, ngay khi đóng cửa bãi rác dốc Búng, tỉnh đã có chủ trương xây dựng khu xử lý rác thải mới cho TPHB và địa điểm được quy hoạch là khu đất 2 xóm Liên Hòa 1 và Liên Hòa 2 của xã Yên Mông (TP Hòa Bình). Tháng 7/2015, UBND tỉnh đã ban hành quyết định V/v phê duyệt nhiệm vụ thiết kế đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 khu xử lý chất thải TP Hòa Bình. Tháng 12/2015, Sở Xây dựng đã hoàn thành việc thẩm định đồ án báo cáo UBND tỉnh phê duyệt.  Thời gian qua, lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, UB MTTQ, và các ban, ngành, đoàn thể của thành phố đã nhiều lần đối thoại với nhân dân, đề nghị 2 xóm Liên Hòa 1 và Liên Hòa 2 cử đại diện các hộ dân đi tham quan một số mô hình Nhà máy xử lý rác thải thải Hà Tĩnh và Quảng Nam. Tuy nhiên, cho đến nay, dự án này vẫn không nhận được sự đồng tình của người dân vì vậy không thể thực hiện các bước tiếp theo. Đồng chí Nguyễn Thanh Huy, Chủ tịch UBND TP Hòa Bình bày tỏ: Nhu cầu về Khu xử lý rác thải của thành phố đã thực sự cấp thiết. Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền đã nỗ lực hết mình để triển khai, thực hiện. Tuy nhiên, thực tế có rất nhiều vướng mắc phát sinh. TP Hòa Bình  mong có sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để sớm hoàn thành dự án Khu xử lý rác thải thành phố Hòa Bình.

 

Chi nhánh Công ty TNHH Đầu tư thương mại Hoàng Long:

 

Đề nghị tỉnh cụ thể rõ thời gian vận chuyển, xử lý rác thải TP Hòa Bình để có kế hoạch đầu tư sản xuất

 

Hiện tại, lượng rác tồn đọng tại nơi tiếp nhận rác của Công ty ước khoảng trên 9.000 tấn. Số lượng rác phát sinh lớn như vậy là do lượng rác phát sinh từ các đơn vị ký hợp đồng với Công ty thu gom xử lý rác thải ngày càng lớn. Tại báo cáo số 18, ngày 30/8/2016, Công ty TNHH Đầu tư thương mại Hoàng Long đã nêu: Hiện, Công ty đang trong giai đoạn thi công và hoàn thành một số hạng mục theo báo cáo đánh giá tác động môi trường do Bộ Tài nguyên& Môi trường cấp nên một số hạng mục chưa thực hiện đầy đủ theo báo cáo đánh giá tác động môi trường đã phê duyệt. Bên cạnh đó, hiện Công ty đang gặp khó khăn về tài chính chưa thể mở rộng sản xuất. Đề nghị HĐND, UBND tỉnh cho chủ trương, cụ thể rõ về thời gian vận chuyển và xử lý rác thải TP Hòa Bình về khu xử ý rác thải Lương Sơn đến thời điểm nào để Công ty có kế hoạch đầu tư sản xuất. Đồng thời cấp nguồn kinh phí để UBND TP Hòa Bình và UBND huyện Lương Sơn trả hết nợ cũ cho Công ty và ký kết hợp đồng xử lý rác mới. Xem xét thay đổi phương án giá đốt rác sinh hoạt theo Quyết định số 322/QĐ-BXD ngày 6/4/2012 của Bộ Xây dựng về công bố suất vốn đầu tư xây dựng và  chi phí xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

 

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Khu xử lý chất thải TP Hòa Bình

 

Tại cuộc họp định kỳ tháng 10 vừa qua, thường trực HĐND tỉnh đã nghe UBND thành phố Hòa Bình, Sở Tài nguyên& Môi trường, Sở Xây dựng giải trình, làm rõ tình hình xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, tập trung vào tiến độ xây dựng dự án Khu xử lý chất thải TP Hòa Bình. Qua phần báo cáo, giải trình của các đại biểu cho thấy: tiến độ thực hiện xây dựng Khu xử lý chất thải thành phố Hòa Bình quá chậm do có nhiều vướng mắc. Sau cuộc họp, TT HĐND tỉnh đã ban hành Thông báo số 228 ngày 18/10/2016 - Kết luận của TT HĐND tỉnh tại cuộc họp ngày 11/10/2016, trong đó, nêu rõ: Để khắc phục khó khăn trong triển khai xây dựng dự án Khu xử lý chất thải TP Hòa Bình, TT HĐND tỉnh đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh làm việc với Bộ Xây dựng để xin ý kiến vào đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu xử lý chất thải TP Hòa Bình; khẩn trương phê duyệt đồ án quy hoạch để làm cơ sở tổ chức thực hiện các bước tiếp theo. Đồng thời, tập trung chỉ đạo huyện Lương ớơn và các cơ quan chuyên môn tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở SX-KD, đặc biệt là quy trình xử lý rác thải tại Công ty Hoàng Long theo quy định của pháp luật. Có giải pháp tạm thời giảm lượng rác thải chuyển về thị trấn Lươnínhơn và xử lý tình trạng ô nhiễm hiện nay. 

TP Hòa Bình chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan tăng cường tiếp xúc, đối thoại với nhân dân xóm Yên Hòa 1, Yên Hòa 2, xã Yên Mông để giành được sự ủng hộ của nhân dân đối với chủ trương xây dựng khu xử lý rác thải TP Hòa Bình. Chủ động thực hiện xây dựng đề án đánh giá tác động môi trường và đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Khu xử lý chất thải TP Hòa Bình.

Đừng bắt chúng tôi phải sống chung với… rác!

 

Trước kia, khi chưa có bãi rác của Công ty TNHH Đầu tư thương mại Hoàng Long, con suối này trong xanh lắm, thậm chí chúng tôi còn có thể uống và tắm mát khi đi làm đồng. Thế nhưng, 2 năm lại đây, con suối này đã trở nên ô nhiễm: dòng nước đen kịt, bọt nổi trắng xóa và bốc mùi rất khó chịu và nếu lỡ nhúng chân tay sẽ bị mẩn ngứa.

Không chỉ có  vậy dòng nước này còn làm cho những ruộng lúa của chúng tôi trở nên xơ xác. Vụ vừa qua, chúng tôi đã chuyển hướng sang trồng xả làm hàng hóa nhưng cũng không xong vì cây không phát triển được, khô héo dần và chết.  Bên cạnh đó, mùi của rác đã ám ảnh cuộc sống, sinh hoạt của chúng tôi  trong từng bữa ăn, giấc ngủ. Chúng tôi đã kêu cứu, phản ảnh rất nhiều nhưng vẫn chưa thấy có gì thay đổi, thậm chí mức độ ô nhiễm còn nặng hơn. Vẫn biết thu hút đầu tư là việc làm quan trọng để phát triển kinh tế cho địa phương. Thế nhưng, mong các cấp, các ngành quan tâm kiểm tra, giám sát quá trình hoạt động của doanh nghiệp, có biện pháp xử lý rác thải tồn đọng ở Công ty Hoàng Long. Đừng bắt người dân chúng tôi  phải ngày ngày sống chung với… rác!

 

Nguyễn Thị Tưởng (Xóm Mòng - thị trấn Lương Sơn)

 

 

 

                                                        Thúy Hằng

 

Các tin khác


Ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép tại hạ lưu sông Đà

(HBĐT) - Theo rà soát của Sở TN &MT, trên địa bàn tỉnh có 30 tổ chức, cá nhân có hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát, sỏi tại các khu vực bãi bồi ven sông. Riêng trên địa bàn TP Hòa Bình và huyện Kỳ Sơn có 23 điểm tập kết, kinh doanh cát, sỏi với tổng diện tích 9, 5 ha. Hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát, sỏi vùng hạ lưu sông Đà diễn ra khá phức tạp.Tình trạng khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép vẫn tồn tại.

Đảo chìm Đá Lát vững vàng nơi đầu sóng

(HBĐT) - Đá Lát là đảo chìm đầu tiên trong hải trình thăm, tặng quà Tết cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân huyện đảo Trường Sa đón Tết Bính Thân 2016 của đoàn cán bộ Vùng 4 Hải quân và các phóng viên báo chí. Vì điều kiện trên đảo và việc di chuyển từ tàu 561 đến đảo có nhiều khó khăn nên đại tá, đoàn trưởng đoàn công tác Bùi Đình Dương thông báo danh sách một nửa số nhà báo trong đoàn công tác được xuống đảo. Tôi là phóng viên may mắn có trong danh sách.

“Đón”... rác ở Thung Nai

(HBĐT) - Không chỉ cỏ rác mà còn có nhiều, rất nhiều rác thải là vỏ chai, lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) độc hại theo dòng suối Tráng dồn về xã Thung Nai (Cao Phong).

Lợi dụng tình thân để chiếm đoạt đất đai - chuyện không chỉ ở làng!

(HBĐT) - Thời gian gần đây, Báo Hòa Bình nhận được khá nhiều đơn - thư phản ánh, “kêu cứu” vì bị anh, em, chú, bác, bạn… lợi dụng lòng tin để chiếm đoạt quyền sử dụng đất . Có vụ - việc đã được đưa ra tòa để giải quyết, có vụ đang trông chờ vào sự hòa giải của chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể ở cơ sở với hy vọng “mưa dầm thấm đất”, người chiếm đoạt sẽ tự nguyện trao trả… Xin nêu một vài vụ - việc để thấy rằng đó là vấn đề đáng lưu tâm.

Người dân xóm Sổ mong mỏi công trình nước sạch

(HBĐT) - Cách UBND xã Hữu Lợi (Yên Thuỷ) 2 km, thế nhưng mãi đến năm 2009 xóm Sổ mới có điện. Thoát được gánh nặng về “ánh sáng” thì giờ đây, cuộc sống của 48 hộ dân với 196 nhân khẩu xóm Sổ (1 trong 36 xóm đặc biệt khó khăn của tỉnh) lại đối mặt với khó khăn do sử dụng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh.

Người dân thị trấn Đà Bắc mong mỏi được dùng nước sạch

(HBĐT) - Hơn 1.300 hộ dân thị trấn Đà Bắc (Đà Bắc) đã từng được sử dụng nước sạch, nhưng đó là câu chuyện của gần 10 năm về trước. Còn suốt bao năm qua và cho đến nay, nguồn nước sinh hoạt, kinh doanh của hàng ngàn hộ dân, các cơ quan... trên địa bàn chỉ biết trông chờ từ nguồn nước giếng tự đào, nơi thì lấy nước tự chảy quanh các khe núi, không đảm bảo vệ sinh, ảnh hưởng đến sức khoẻ của nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục