Tháng 9-1973, ông Nguyễn Đức Huy (đứng ngoài cùng, bên phải) vinh
dự được gặp Chủ tịch Fidel Castro khi lãnh tụ Fidel Castro vào thăm chiến trường
Quảng Trị- ảnh do nhân vật cung cấp.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy - nguyên Trung đoàn phó Trung đoàn 9,
Sư đoàn 304; nguyên Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Sư đoàn 325 - là người từng có
nhiều năm gắn bó với chiến trường Quảng Trị trong kháng chiến chống Mỹ.
Những câu hỏi tại sao?
Vào dịp kỷ niệm 30 năm giải phóng Khe Sanh (7.1998), một đoàn cựu
binh Mỹ đã vượt nửa vòng trái đất tới thăm lại chiến trường Khe Sanh, Quảng Trị.
Trưởng đoàn là Đại tướng Raymond David, nguyên Tư lệnh Sư đoàn 3 thủy quân Lục
chiến Mỹ, một đơn vị từng chiến đấu với Quân giải phóng tại Quảng Trị và đã bị
đánh bại ở Khe Sanh năm 1968.
"Trong chuyến đi, chính tướng Raymond David đã đề nghị với Hội Cựu chiến binh Việt Nam được gặp một chỉ huy quân đội từng trực tiếp tham gia đánh sư đoàn thủy quân lục chiến của ông ta, và tôi đã được Trung ương Hội Cựu chiến binh mời tới tiếp chuyện đoàn cựu chiến binh Mỹ”, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy nhớ lại.
Trong cuộc trò chuyện kéo dài nhiều giờ tại một khách sạn ở Hà Nội,
tướng Raymond David đã được người cựu binh (nguyên Tiểu đoàn trưởng 1, nguyên
Tham mưu trưởng Trung đoàn 9 từng chiến đấu tại cứ điểm Làng Vây) giải đáp nhiều
câu hỏi. Song, vẫn có những câu trả lời mà ở thời điểm ấy, Thiếu tướng Nguyễn Đức
Huy chưa thể giúp đối phương thỏa mãn sự "tò mò”.
"Hồi đó, tại sao các ông lại có thể đánh thắng một lực lượng mạnh
và vũ khí hiện đại hơn hẳn? Phải chăng chúng tôi không đánh giá hết tiềm năng
quân sự và bản chất con người Việt Nam?”, Tướng Raymond David hỏi.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy mềm mỏng trả lời: "Công nhận là các ông
rất mạnh, nhưng chúng tôi thắng vì chúng tôi am hiểu địa hình, am hiểu chiến
trường. Hơn nữa, chúng tôi đã cố gắng đoán trước quân Mỹ sẽ làm gì và chuẩn bị
phương án tấn công một cách kỹ càng. Khi cần, chúng tôi sẽ tấn công hoặc dùng
giao thông hào để tiếp cận các ông mà không bị lộ”.
Giải mật về những cỗ xe tăng
"Có một việc mà 30 năm nay tôi vẫn thắc mắc: Không hiểu tại sao xe
tăng của các ông lại có thể xuất hiện đột ngột trên chiến trường và bất ngờ tấn
công quân Mỹ trong trận Làng Vây. Các ông đã làm cách nào vậy?”, Tướng Raymond
David thắc mắc.
Năm 1998, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy (thứ tư, từ trái sang) đã gặp
lại Tướng Raymond David (thứ ba, từ trái sang) – nguyên Tư lệnh Sư đoàn 3 thủy
quân lục chiến Mỹ từng tham chiến ở Chiến dịch Khe Sanh Quảng Trị. Ảnh: Do nhân
vật cung cấp.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy trả lời: "Với chúng tôi, đó vẫn là một
bí mật, chúng tôi cần đề phòng trong trường hợp phải dùng lại. Thực tế là chúng
tôi có một tiểu đoàn xe tăng xung trận và được chia làm hai mũi vào cứ điểm
Làng Vây, một mũi theo hướng sông Sê Pôn, một mũi tiến theo trục Đường 9…”.
Bây giờ thì điều bí mật ấy đã được công bố rộng rãi, nhưng khi
sang Việt Nam cách đây hơn chục năm, các cựu binh Sư đoàn 3 thủy quân lục chiến
Mỹ đã đưa ra nhiều phỏng đoán và giải thích khác nhau về những chiếc xe tăng "từ
trên trời rơi xuống” trong trận đánh cách đó 30 năm.
Là người trong cuộc, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy nhớ rất rõ thời điểm
chuẩn bị diễn ra trận Làng Vây đầu năm 1968, khi đó, ta có phương án đưa một tiểu
đoàn thiếu (tức 2 đại đội xe tăng) vào trận. Loại xe tăng được sử dụng là loại
xe lội nước. Những chiếc xe tăng đã được quân ta đưa qua sông Sê Pôn như những
chiếc thuyền và một đại đội công binh có nhiệm vụ đẩy từng "chiếc thuyền” ấy từ
Lào sang Việt Nam. Thời điểm ấy, do sông Sê Pôn đang cạn nên quân ta phải cất
công dùng đất, đá chặn dòng để nước dâng cao tạo ra những "âu thuyền” cho xe
tăng qua sông. Sau gần một tuần, việc vận chuyển và ngụy trang những chiếc
"thuyền” ấy mới hoàn tất.
Trên bờ, ta làm sẵn một con đường từ bờ sông Sê Pôn hướng đến cứ
điểm Làng Vây, tới cách Làng Vây 3km thì dừng lại để bố trí đội hình. Trên hướng
Đường 9, lực lượng công binh của ta cũng tiến hành sửa ngầm và ngụy trang, dọn
đường cho xe tăng tiến về cứ điểm Làng Vây. Khi trận đánh diễn ra, xe tăng mới
bắt đầu tăng tốc và tiến vào trận địa.
"Dĩ nhiên là những công việc ấy được giữ bí mật tuyệt đối, chỉ những
người trong cuộc hoặc cán bộ cấp trung đoàn trở lên mới được biết. Hôm gặp Tướng
Raymond David, tôi chỉ trả lời chung chung là chúng ta có nhiều "mẹo” để đưa xe
tăng vào”, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy kể.
Theo ông, do chưa nắm rõ sự việc mà một thời gian dài sau đó,
không chỉ đối phương mà một số cựu chiến binh hoặc báo chí đã đăng tải, thêu dệt
những câu chuyện mang tính huyền thoại, nào là phía ta đã… tháo rời các bộ phận
của xe tăng; nào là ta tìm cách chôn giấu, lấp kín xe tăng dưới lòng đất; thậm
chí có người còn cho rằng ta đã bí mật sử dụng trực thăng hạng nặng của Liên Xô
để vận chuyển...
Kỷ niệm khó quên trên vùng đất lửa
Ngồi ôn lại chuyện cũ, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy đã kể lại một kỷ
niệm xúc động gắn với tấm ảnh mà ông đang gìn giữ như một kỷ vật quý. Ông
kể: "Giữa tháng 9.1973, tại chiến trường Quảng Trị đã diễn ra lễ đón tiếp Thủ
tướng Phạm Văn Đồng và Chủ tịch Fidel Castro với sự góp mặt của hàng ngàn cán bộ,
chiến sĩ thuộc các đơn vị bộ đội chủ lực đang làm nhiệm vụ như các Sư đoàn:
304, 325, 324, 320, 312, 308… cùng lực lượng bộ đội địa phương.
Tại lễ đón, với cương vị là Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Sư đoàn
325 - một trong những đơn từng trực tiếp bảo vệ và giữ vững thành cổ Quảng Trị
trong 81 ngày đêm, tôi đã vinh dự được đến báo cáo thành tích, bắt
tay Chủ tịch Fidel Castro và Thủ tướng Phạm Văn Đồng”.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy còn cho biết, sau ngày miền Nam hoàn
toàn giải phóng, ông đã thay mặt Sư đoàn 325 về báo công với lãnh đạo và nhân
dân tỉnh Bình Trị Thiên (cũ). Ngày ấy, lãnh đạo địa phương đã bố trí cho ông được
ngủ trên chiếc giường có chiều dài hơn 2m và chiều rộng gần 2m, đó chính là chiếc
giường mà lãnh tụ Fidel Castro đã nghỉ tại Nhà khách Quảng Bình trong chuyến
thăm chiến trường Quảng Trị năm 1973…
Bốn thập kỷ đã trôi qua, song tấm ảnh ghi lại khoảnh khắc xúc động
ngày ấy đã trở thành một kỷ niệm khó quên trong cuộc đời quân ngũ của vị tướng
trận mạc.
Đi qua 3 cuộc chiến
Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy sinh năm 1931 tại vùng quê Ông Đình
(Khoái Châu, Hưng Yên). Suốt 48 năm quân ngũ, ông đã trải qua ba cuộc kháng chiến
chống Pháp, chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc.
Tại chiến trường Khe Sanh rực lửa 50 năm trước, ông giữ chức Tiểu
đoàn trưởng Tiểu đoàn 1, sau đó là Tham mưu trưởng Trung đoàn 9 thuộc Sư đoàn
304 làm nhiệm vụ chiến đấu tại cứ điểm Làng Vây. Sau Chiến dịch giải phóng Quảng
Trị năm 1972, với cương vị Trung đoàn phó Trung đoàn 9, Nguyễn Đức Huy được cấp
trên chỉ định làm Chủ tịch Ủy ban Quân quản lâm thời thị xã Quảng Trị.
Khi được hỏi về thời điểm ông có mặt trong cuộc kháng chiến bảo vệ
biên giới phía Bắc, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy kể: "Tháng 3.1985, khi đang là
Phó Tham mưu trưởng Quân khu Thủ đô, tôi nhận lệnh lên tăng cường cho mặt trận
Vị Xuyên. Lúc được cấp trên hỏi ý kiến về sự điều động này, tôi đã trả lời mình
sẵn sàng nhận nhiệm vụ, tuy nhiên nếu trong chiến đấu mà là cán bộ tăng cường
thì sẽ rất khó làm việc, vì vậy tôi đã đề nghị cấp trên ra quyết định điều động
tôi về hẳn Bộ tư lệnh Quân khu 2”.
Năm ấy, nguyện vọng của người lính trận mạc đã được chấp thuận.
Ông được điều về làm Phó Tham mưu trưởng Quân khu 2 và phụ trách tác chiến tại
Mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang), sau đó giữ cương vị Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng
Quân khu 2, rồi quyền Tư lệnh Quân khu 2 cho tới khi nghỉ hưu.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy hiện trú tại phố Lạc Long Quân (Tây Hồ,
Hà Nội) và được đồng đội tín nhiệm bầu là Trưởng ban liên lạc Cựu chiến binh Mặt
trận Vị Xuyên- Hà Giang toàn quốc.
TheoLaodong