Những ngày tháng tư lịch sử, chúng tôi đến thăm đại tá Bùi Xuân Hình, nguyên Phó Tham mưu trưởng Binh chủng đặc công tại nhà riêng ở khu 6, thị trấn Mường Khến (Tân Lạc). Ngoài 70 tuổi, sức khỏe của đại tá Hình đã giảm sút, bệnh cao huyết áp khiến trí nhớ phần nào suy giảm. Thế nhưng, ký ức về những ngày nằm gai, nếm mật, luồn sâu đánh hiểm của 50 năm trước vẫn còn nguyên vẹn trong tâm khảm của chiến sỹ đặc công ngày nào.
Đại tá Hình là người con dân tộc Mường, sinh ra ở xóm Đồi, xã Lỗ Sơn (Tân Lạc). Năm 1967, chàng thanh niên 22 tuổi Bùi Xuân Hình theo tiếng gọi của Tổ quốc lên đường Nam tiến. "Ra đi không hẹn ngày về” nhưng anh không mảy may lo sợ, trong lòng sôi sục ý chí căm thù giặc. Gần bốn tháng trời hành quân ròng rã, trên vai là 30 kg quân nhu, yếu phẩm, đi qua không biết bao nhiêu cánh rừng thiêng, nước độc, anh mới đến đơn vị. gia nhập đơn vị J16 – bộ đội đặc công, chiến đấu ở chiến trường miền Đông Nam Bộ (Tây Ninh).
Sau một tháng huấn luyện bổ sung Bùi xuân Hình tham gia trận chiến đầu tiên trong đời binh nghiệp. Đó là trận đánh vào đồn căn cứ Kà Tum, một căn cứ có vị trí chiến lược quan trọng của địch và giữ vai trò là tổ trưởng phụ trách tổ đánh chiếm mở cửa và giữ cửa để các tổ khác thâm nhập vào sâu bên trong đồn địch. Trên vai là khẩu B40 (súng chống tăng vác vai) với 6 quả đạn, anh cùng đồng đội vượt qua 9 lớp hào được gài mìn của địch. Sáu quả đạn mang theo được anh bắn phá về phía địch, trận đánh này đã hoàn thành mục tiêu trong việc tiêu hao sinh lực địch.
Đại tá Bùi Xuân Hình (bên phải) kể về những ký ức của những ngày tháng tư lịch sử năm 1975.
Trận đầu tiên đã giúp tân binh Bùi Xuân Hình rút ra nhiều bài học để tham gia nhiều trận đánh lớn nhỏ sau này. Đến năm 1970, anh nhận lệnh sang Campuchia, trên đường đi thì nhận thông tin Mỹ đảo chính Xihanúc, lâp nên chính quyền thân Mỹ Lon Nol. Sang Campuchia xây dựng căn cứ, đến năm 1971, cấp trên giao nhiệm vụ cho đơn vị Bùi Xuân Hình đánh sân bay Pôchentông. Đây là sân bay lớn nhất của Campuchia, nơi chứa hơn 100 máy bay chiến đấu và vận tải của ngụy quân Lon Nol.
Nhận lệnh, ông Hình (lúc này giữ vai trò là Tiểu đoàn phó) cùng đồng đội vừa đi, vừa chạy từ nơi đóng quân đến sân bay suốt 9 tiếng đồng hồ. Sau khi tiếp cận sân bay và làm nhiệm vụ trinh sát, ông Hình chỉ huy 2 đại đội, phối hợp với một tiểu đoàn khác tập kích vào sân bay của địch. Sau mấy tiếng đồng hồ chiến đấu, quân ta đã phá hủy trên 90 máy bay, các kho đạn dược và diệt gọn tiểu đoàn bảo vệ sân bay của địch. Đây là một trong hai trận đánh xuất sắc nhất của bộ đội đặc công Việt Nam trên đất Campuchia, khiến địch hoang mang, lo sợ.
Sau 3 năm chiến đấu ở Campuchia, đến năm 1973, ông Hình cùng đơn vị trở về chiến trường miền Nam. Lúc này, đơn vị nhận nhiệm vụ xây dựng căn cứ chiến đấu ở Gia Đ?nh. Tại đây, đơn vị của ông Hình (lúc này ông Hình là Tiểu đội trưởng) đã anh dũng, kiên cường đánh chiếm và giữ cây cầu lớn trên xa lộ Sài Gòn để đại quân tiến vào giải phóng. Sau khi các chiến dịch Huế - Đà Nẵng, Tây Nguyên nổ ra, quân địch đã co cụm lực lượng và dồn về Sài Gòn. Tiểu đoàn của ông Hình phải chặn đánh địch suốt ngày đêm trong vòng một tuần.
Suốt một tuần ngâm mình trong bùn đất, Tiểu đoàn của ông Hình đã hoàn thành nhiệm vụ, góp phần quan trọng tạo nên những ngày tháng tư lịch sử, non sông thống nhất một nhà. Tuy nhiên, những ngày vào sinh, ra tử của chiến sỹ đặc công Bùi Xuân Hình vẫn chưa dừng lại ở đó. Sau khi hành quân ra Bắc và về công tác tại Trường Sỹ quan đặc công, đến năm 1978, ông Hình lại vào Nam tham gia làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia. Năm 1979, ông tham gia chiến đấu trong chiến tranh biên giới.
Sau những năm tháng chiến tranh khốc liệt, đại tá Bùi Xuân Hình về công tác tại Học viện Quốc phòng rồi về làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 113 - Binh chủng đặc công. Sau này, ông được điều về làm Phó Tham mưu trưởng Binh chủng đặc công. Sự hy sinh, đóng góp của đại tá Bùi Xuân Hình được Đảng, Nhà nước ghi nhận bằng nhiều bằng khen, huân, huy chương cao quý. Đó là Huân chương Chiến sỹ giải phóng hạng nhất, hạng nhì; Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng ba hay bằng chứng nhận Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và công nghệ cho công trình khoa học "Sử dụng bộ đội đặc công trong nhiệm vụ tác chiến”.
Cả cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, những đóng góp của đại tá Bùi Xuân Hình đã truyền cảm hứng, thắp lên ngọn lửa thi đua ái quốc đến với thế hệ trẻ.
Viết Đào