(HBĐT) - Với đại tá Nguyễn Văn Sơn, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Lạc Thuỷ; thượng tá Nguyễn Thanh Khoa, Chánh thanh tra quốc phòng - Bộ CHQS tỉnh hay thương tá Mai Quốc Tuấn, Phó Chủ nhiệm kỹ thuật - Bộ CHQS tỉnh - những người đã từng cầm súng giữ đảo thì Trường sa gần lắm. Vì Trường Sa đã ở trong tim rồi...


Trường Sa của những chàng "Sơn Tinh” đất Mường...

Đã lâu rồi... những ngày giữ biển, giữ đảo nơi nghìn trùng sóng vỗ với thượng tá Nguyễn Thanh Khoa, Chánh thanh tra Quốc phòng - Bộ CHQS tỉnh.  Nhưng khi gợi lại những kỷ niệm về cái thời làm "lính đảo” Trường Sa Đông, Nam Yết thì ký ức về nơi đầu sóng đầu gió lại cồn lên trong nỗi nhớ của người lính Trường Sa năm xưa...

Năm 1989, khi chiến dịch CQ88 đang vào giai đoạn nóng bỏng, khẩn trương nhất, anh lính trẻ Nguyễn Thanh Khoa đang ở Lữ đoàn tăng thiết giáp 408 đóng quân ở Quảng Ninh cùng đơn vị được điều động vào Khánh Hòa tổ chức huấn luyện trong thời gian 2 tháng để chuẩn bị nhận công tác tại Trường Sa. Được sinh ra và lớn lên tại vùng đất Kỳ Sơn, vốn quen với những dãy núi, bãi ngô khoai xanh mướt chạy dài ven con sông Đà kỳ vĩ, nay lại ra biển. Nơi đầu sóng, đầu gió; nơi mà anh lính trẻ Nguyễn Thanh Khoa còn chưa hình dung được nó như thế nào. Nhưng với mệnh lệnh bảo vệ Tổ quốc trong trái tim người lính thì: "Cứ nói đến hai tiếng Trường Sa là cánh lính trẻ chúng t lên đường với sự háo hức lạ kỳ. Dẫu biết phía trước là vô vàn khó khăn”, thượng tá Nguyễn Thanh Khoa chia sẻ.

Sau 2 tháng huấn luyện khẩn trương và gần 1 tháng lênh đênh trên biển, Nguyễn Thanh Khoa cùng hơn 10 người được "thả” xuống Trường Sa Đông giữa trùng khơi. "Khi ấy, đảo Trường Sa Đông chỉ là một bãi san hô nhỏ, giống như cái bát úp nhô lên mặt biển. Không nước ngọt, cũng chẳng cây xanh. Chỉ có nắng, có sóng, gió và san hô sắc lẹm”, thượng tá Nguyễn Thanh Khoa nhớ lại. Là những người đầu tiên đặt chân lên đảo Trường Sa Đông. Thế nên, việc đầu tiên họ cùng bắt tay vào xây dựng đảo giữa vô vàn khó khăn. Nhà dựng lên, có khi chỉ sau một trận sóng dữ lại đổ ụp xuống, trôi ra biển. Thế nhưng, đó chưa phải là khó khăn nhất. "Với lính đảo khó khăn nhất đó là nước ngọt và rau xanh. Tất cả đều phải sử dụng một cách dè sẻn, tiết kiệm nhất có thể. Bởi đó chính là sự sống giữa trùng khơi. Ngoài ra, còn rất nhiều cái để nói là thiếu và nghĩ để thèm. Nhưng với lính đảo, cái thèm nhất đó là được nhìn thấy người lạ, được nói chuyện với người lạ và thèm được nghe thông tin từ đất liền. "Điều này anh em chúng tôi vẫn hay đùa đó là một ước mơ xa xỉ. Bởi khi đó, đất nước còn khó khăn, lại là nơi đảo xa nên mỗi năm chỉ có một lần được gặp người "lạ”. Đó là khi có tàu tiếp tế lương thực, thực phẩm thế nên ai cũng thèm”, nhớ lại thời kỳ còn là lính đảo, thượng tá Nguyễn Thanh Khoa chia sẻ. Dẫu vậy, khó khăn đó đã không bao giờ quật ngã được những người lính đảo kiên cường. Để trong suốt 4 năm đóng quân từ Trường Sa Đông đến Nam Yết, Nguyễn Thanh Khoa cùng đồng đội luôn chắc tay súng, kiên cường giữ đảo dù cho họ luôn phải đối mặt với những khó khăn, gian khổ.


Đại tá Nguyễn Văn Sơn, CHT Ban CHQS huyện Lạc Thủy (mặc quân phục thứ 2 từ phải sang) luôn là người truyền lửa cho thế hệ trẻ về tình yêu biển đảo, tình yêu Tổ quốc qua những câu chuyện về Trường Sa.

Cũng giống như thượng tá Nguyễn Thanh Khoa, thượng tá Mai Quốc Tuấn, Phó Chủ nhiệm Kỹ thuật - Bộ CHQS tỉnh cũng từng là một người "lính đảo”. Tháng 10/1988 chàng trung úy Mai Quốc Tuấn khi đó đang ở Lữ đoàn 146 Hải Quân được lệnh "đi” đảo. "Khi ấy, mới 20 tuổi chưa có người yêu để nhớ nên chúng tôi cũng hăm hở lên đường lắm”, trung tá Mai Quốc Tuấn chia sẻ. Sau gần 1 tháng lênh đênh trên biển, Mai Quốc Tuấn được đưa đến đóng quân trên đảo Sinh Tồn lớn. Dù là đảo nổi có cây phong ba, cây bàng vuông nhưng cũng giống như nhiều đảo khác trong quần đảo Trường Sa, Sinh Tồn lớn không có nước. Nguồn nước sinh hoạt của người lính hoàn toàn phụ thuộc vào nước mưa hoặc từ đất liền mang ra. Không có nước, đồng nghĩa với việc không có rau xanh. Cuộc sống khó khăn, lại càng trở nên buồn tẻ khi sợi dây nối kết giữa những người lính đảo là chiếc đài bán dẫn chạy pin cứ "giống như anh bạn bị ốm khật khừ, lúc được lúc không. Dù thế cũng chẳng dám bật nhiều vì ở đảo không có điện đài chạy pin. Mà khi đó hết pin cũng đành chịu bỏ đấy đợi đến khi có pin”, trung tá Mai Quốc Tuấn chia sẻ. Cuộc sống thiếu thốn nơi đảo xa, nhưng bù lại cái tình cảm gắn bó giữa những người đồng chí, đồng đội đã luôn gắn kết họ với nhau, cùng chia sẻ niềm vui, nỗi buồn; cùng động viên nhau vững tay súng, chắc niềm tin để bảo vệ đảo trước những lăm le, nhòm ngó của các thế lực bên ngoài. Sau "tăng” 1 với 18 tháng đóng quân trên đảo Sinh Tồn lớn, Mai Quốc Tuấn đi tiếp "tăng" 2 ở đảo Nam Yết. Gần 5 năm trời đã quen cái vị mặn mòi của gió biển, tiếng xào xạo của cát san hô dưới mỗi bước chân Mai Quốc Tuấn trở về đất liền để mỗi cơn gió đi qua lại quay quắt nỗi nhớ biển, nhớ đảo, nhớ Phong ba và nhớ cả những cây Bàng vuông rợp bóng mát nữa.

...chỉ cách một nỗi nhớ mà thôi

Cũng giống như thượng tá Nguyễn Thanh Khoa và thượng tá Mai Quốc Tuấn, đầu năm 1989 khi đó đại tá Nguyễn Văn Sơn, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Lạc Thủy cũng đang công tác ở Sư đoàn 323 đóng quân ở Quảng Ninh cũng đã được lệnh điều động, tăng cường ra Trường Sa. Điểm đến của Nguyễn Văn Sơn và những người lính trẻ là Tốc Tan B. Đây là đảo chìm thế nên ngay từ khi đặt chân lên đảo những người lính đã ngay lập tức phải đối mặt với vô vàn khó khăn, gian khổ. "Chúng tôi là những người đầu tiên được đưa ra giữ đảo trong bối cảnh các thế lực bên ngoài nhòm ngó, nhăm nhe chiếm đảo. Do vậy, khó khăn là không thể kể hết”, đại tá Nguyễn Văn Sơn bồi hồi nhớ lại. Ra đảo Tốc Tan B lúc đó mới được thành lập đơn vị chốt giữ đảo. Thế nên lúc đó, Tốc Tan B cũng chỉ mới có 1 nhà lâu bền bé nhỏ giữa mênh mông sóng nước. "Cũng là điểm đóng quân mới nên cánh lính chúng tớ đã phải đối mặt với vô vàn những khó khăn. Là đảo chìm, mọi thứ hầu như còn sơ khai nên chẳng có gì, không điện, không nước ngọt, thậm chí cả về thời gian cũng chỉ biết đếm theo ngày và đêm. Do là đảo chìm nên diện tích nhỏ. Anh em đi ra đi vào là chạm mặt nhau. Nhiều khi chỉ thèm có một vài "người lạ” đến để trò chuyện nhưng đây cũng là một điều xa xỉ. Bởi mỗi năm một lần đảo có một chuyến tàu đưa hàng hóa, nhu yếu phẩm và nước ngọt ra. Thế nhưng, tàu đến rồi lại đi ngay nên cũng chẳng mấy khi anh em chúng tôi được nghe tiếng "người lạ”. Tuy vậy, trên đảo cũng có một thành viên mà anh em rất quý, luôn quấn quýt bên nhau đó là chú chó được mang ra đảo từ đất liền cùng với chúng tôi. Do ở đảo Tốc Tan nên, tất cả anh em trên đảo đều thống nhất đặt tên cho chú chó là Tan. Có chú chó, nên nỗi nhớ quê nhà, nhớ đất liền cũng vơi đi phần nào...”, như chạm vào nỗi nhớ từ nơi sâu thẳm trong ký ức, những câu chuyện về Trường Sa được đại tá Nguyễn Văn Sơn say sưa kể cho chúng tôi nghe.


Thanh niên huyện Lạc Thủy tìm hiểu tư liệu trưng bày về chủ quyền 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa do Sở TT&TT phối hợp với UBD huyện Lạc Thủy tổ chức mới đây.

Cũng trong câu chuyện của đại tá Nguyễn Văn Sơn thì sau "tăng” 1 đóng quân ở Tốc Tan B, đến giữa năm 1990, anh lại tiếp tục đi Trường Sa "tăng 2”. Lần này là ở Sinh Tồn. Ở Trường Sa, thời kỳ ấy đảo nào cũng vậy, cũng khó khăn, thiếu thốn như nhau. Kể cả ở những đảo nổi như Sinh Tồn. Dù là đảo nổi, nhưng khi ấy Sinh Tồn không có nước ngọt, hầu như không có cây cối, chỉ có sóng, gió và bãi cát san hô chạy dài. "Từ Sinh Tồn nhìn sang Cô Lin, Gạc Ma cũng chỉ một tầm mắt. Khi đó, sau sự kiện 14/3/1988 Trung Quốc tấn công, chiếm đóng Gạc Ma thì Cô Lin, Sinh Tồn luôn nằm trong tầm ngắm, âm mưu xâm chiếm của thế lực ngoại bang. Thế nhưng dã tâm đó không bao giờ có thể thực hiện được vì ở đó luôn có những người lính sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Dù rằng, chúng tớ luôn phải đối mặt với những khó khăn, khắc nghiệt của tự nhiên”, đại tá Nguyễn Văn Sơn Chia sẻ. Theo đó, ở Trường Sa chỉ có 2 mùa. Về mùa khô thì lúc nào nắng cũng bỏng rát, hất hơi muối mặn chát từ biển vào, khô khốc, ngột ngạt. Còn về mùa mưa thì giông bão ầm ập kéo dài có khi đến cả tháng trời. Nhưng điều đó không đáng sợ bằng thiếu nước. Toàn bộ nước ngọt của đảo đều được lấy từ nước mưa hoặc chở từ đất liền ra, thế nên nước ngọt đối với cuộc sống của anh em trên đảo vô cùng quý. Việc sử dụng đều phải chia theo định mức trong từng ngày. Nước ngọt quý đến nỗi "súng đạn, tài liệu, đồ đạc tư trang cá nhân không bao giờ phải dùng đến khóa. Nhưng riêng bồn chứa nước ngọt thì luôn trong tình trạng bị khóa, chỉ khi đến giờ mới được mở và cũng chỉ s dụng rất dè sẻn vào những việc thiết yếu. Hoàn toàn không có chuyện dùng nước ngọt vào việc tắm giặt thoải mái. Còn về thời tiết, khí hậu thì vô cùng khắc nghiệt. Vào mùa mưa thì gió lớn, sóng lớn gào thét suốt đêm ngày. Sóng, gió mạnh đến mức có những anh em luyện tập, bắn súng ở cuối đảo, nhưng chỉ cách đó không xa cũng chẳng nghe thấy tiếng súng mà chỉ thấy ù ù gió thổi...” đại tá Nguyễn Văn Sơn bồi hồi nhớ lại...

Từ đó đến nay, dẫu chưa một lần được trở lại với Trường Sa nhưng với đại tá Nguyễn Văn Sơn, thượng tá Nguyễn Thanh Khoa và thượng tá Mai Quốc Tuấn, Trường Sa vẫn luôn là nỗi nhớ trong tim. Một nỗi nhớ có cái mặn mòi của vị gió biển, của những cơn sóng bạc đầu; của những đêm trăng sáng, vút lên giọng ca của cô văn công đầy lưu luyến. Nhớ hơn cả, là những cái Tết sớm. Dù đơn sơ, nhưng có đủ cả vị Tết và hơi ấm tình đồng đội. Trò chuyện với chúng tôi, các anh vẫn đau đáu ước nguyện "thèm được một lần trở lại Trường Sa. Ước nguyện đó, nói như đại tá Nguyễn Văn Sơn thì: Đến nay, dù đã nhiều năm nhưng mỗi khi nhắc đến Trường Sa, trong tim chúng tôi vẫn cồn lên một nỗi nhớ cồn cào. Nhiều lúc còn hiện hữu cả trong những giấc mơ. Trong giấc mơ ấy, tôi thấy dáng hình đồng đội với nụ cười ấm áp cùng nhau vượt qua bao gian khó nơi gió giông, sóng bạc. Trường Sa, với những người từng là lính đảo như chúng tôi gần lắm, cũng chỉ cách một nỗi nhớ mà thôi!

Cái tinh thần sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng hy sinh, luôn nhận về mình phần khó của lớp người đi trước đã trở thành ngọn lửa truyền qua biết bao thế hệ thanh niên đất Mường. Tiếp bước cha, anh nhiều chàng "Sơn Tinh” của vùng đất "bốn Mường” đã tự nguyện xung phong ra nơi đầu sóng, kiên cường như cây Phong ba vươn lên từ nơi mặn mòi biển cả. Hàng trăm lá đơn tình nguyện, xung phong lên đường nhập ngũ vào các đơn vị làm nhiệm vụ canh giữ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong đợt tuyển quân năm 2018 như một minh chứng rõ nét cho ngọn lửa truyền thống đã luôn bùng cháy trong tim thế hệ trẻ đất Mường ngày nay cùng với thanh niên cả nước giữ vững lời thề: Sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ vững chắc chủ quyền Tổ quốc Việt Nam thân yêu.

(Còn nữa)


Mạnh Hùng

Các tin khác


Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục