Dù nằm cạnh kênh dẫn nước nhưng mảnh ruộng trồng
ngô, lạc của gia đình anh Bùi Văn Chiến ở xóm Đình, xã Phú Lai (Yên
Thủy) luôn trong tình trạng thiếu nước.
Đất "khát”
Vùng đất Yên Thủy xưa có tên là Mường âm. Dù đất đai bằng phẳng, trù phú nhưng theo những người già trong vùng thì "từ xưa đến giờ, vùng đất này luôn khó khăn về nguồn nước”. Chính vì thế, để làm ra hạt lúa ở nơi khác người ta chỉ bỏ công một thì ở vùng đất này lại là cả một quá trình đầy gian nan, vất vả.
Theo thống kê, hiện nay, trên địa bàn huyện diện tích canh tác vùng bấp bênh về nước (có công trình thuỷ lợi nhưng xa nguồn nước, thường bị hạn khi nguồn nước không đảm bảo) vào khoảng 3.620 ha; diện tích đất canh tác vùng không có công trình thủy lợi 2.101 ha. Điều này theo lý giải của đồng chí Bùi Thị Thư, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Yên Thủy là do: Địa bàn huyện không có sông, suối lớn chảy qua. Nguồn nước phục vụ sản xuất chủ yếu lấy từ các hồ, đập và phụ thuộc vào nguồn nước mưa nên sản xuất nông nghiệp ở Yên Thuỷ vốn đã khó khăn lại càng trở nên khó khăn hơn dù trên địa bàn huyện có đến 152 công trình thủy lợi, trong đó, có 66 hồ chứa nước, 85 bai dâng và 1 trạm bơm điện.
Theo đánh giá, năm 2017, lượng mưa trung bình nhiều hơn mọi năm nên mực nước tại các hồ, đập trên địa bàn huyện đạt khoảng 60% so với dung tích thiết kế. Tuy nhiên, do bị rò rỉ nên một số hồ, đập đã cạn, dưới mực nước chết như hồ Mền 1 (xã Đoàn Kết); hồ Hơm, hồ Cáp, hồ Hang (xã Đa Phúc); hồ xóm Hồng, xóm Đầm (xã Bảo Hiệu); hồ Nhâm (xã Yên Lạc). Ngoài ra, trong đợt mưa lũ lịch sử xảy ra tháng 10/2017, trên địa bàn huyện có 24 công trình thuỷ lợi bị hư hỏng. Trong đó, 10 hồ, 10 bai và 1 kênh mương dẫn nước cần phải đầu tư, sửa chữa. Do vậy, theo đánh giá của phòng NN&PTNT huyện, mức độ đáp ứng tưới của hệ thống công trình thuỷ lợi trên địa bàn hiện chỉ đạt khoảng 54% so với nhu cầu nước tưới của tổng diện tích gieo trồng toàn huyện. Diện tích đất canh tác còn lại hoàn toàn phụ thuộc vào lượng mưa tự nhiên.
Theo người dân địa phương, từ đầu năm đến nay, lượng mưa trên địa bàn huyện rất ít. Mới đây nhất, trong khoảng trung tuần tháng 2 đến đầu tháng 3, trên địa bàn huyện có 2 đợt mưa đáng kể. Tuy nhiên, đợt mưa vào khoảng trung tuần tháng 2 là mưa acid, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp của địa phương. Trong đó, nặng nhất là các loại cây ăn quả có múi bởi đó là thời điểm cây đang trong giai đoạn ra hoa, kết quả. Sau trận mưa này, nhiều diện tích cây có múi của huyện đã thiệt hại nặng khi hoa, quả rụng hàng loạt; nhiều diện tích rau, màu cũng bị "cháy” lá...
Không thể mãi chờ đợi những cơn mưa "vàng”
Có thể nói, với người nông dân ở Yên Thủy, cơn mưa kéo dài trong suốt ngày 6/4/2018 thực sự trở thành cơn mưa "vàng”. Chỉ vào ruộng ngô trồng xen lạc đang hồi sinh mạnh mẽ, chị Bùi Thị Khoá ở xóm Đình, xã Phú Lai chia sẻ: Nhà mình có gần 4 sào ngô, lạc, do bị hạn và cách xa nguồn nước tưới, trong thời gian dài lại không có mưa nên cây phát triển yếu ớt, tưởng như bị mất trắng. Thế nhưng vừa qua có được trận mưa to, kéo dài liên tục trong nhiều giờ đã giải được "cơn khát” cho cây trồng. Sau trận mưa, cây trồng hồi sinh mạnh mẽ. Nếu không có trận mưa đó có lẽ đến bây giờ nhiều diện tích cây trồng đã héo rũ.
Cũng chung mối lo đó, đồng chí Bùi Văn Dậu, Phó Chủ tịch UBND xã Đoàn Kết chia sẻ: Cả xã có 11 xóm thì cả 11 xóm đều thuộc vùng hạn. Trên địa bàn xã có 6 hồ, đập, tuy nhiên do được xây dựng từ những năm 1970 nên đã cũ hỏng, xuống cấp, thân đập bị rò rỉ, không đảm bảo khả năng tích nước phục vụ tưới tiêu. Ngoài ra, hệ thống kênh mương dẫn nước của xã chưa được đầu tư. Hiện nay, cả xã mới có khoảng 20% hệ thống kênh mương tưới tiêu được cứng hoá. Số còn lại vẫn là mương đất được đào đắp từ hàng chục năm trước nên quá trình tưới tiêu gây thất thoát, lãng phí lượng lớn nước tưới. Do vậy nhiều diện tích đất sản xuất của xã phải bỏ vì không có nước.
Theo thống kê, tổng diện tích gieo trồng vụ đông - xuân năm 2018 toàn huyện Yên Thủy là 7.762,8 ha. Trong đó, diện tích lúa 480 ha, ngô 1.500 ha, cây có củ lấy bột (khoai lang, sắn, khoai sọ) 1.519 ha, mía 1.500 ha, cây công nghiệp ngắn ngày (lạc, đậu tương, vừng) 1.746 ha, rau, đậu thực phẩm 689,8 ha. Đồng chí Bùi Thị Thư, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Yên Thủy cho biết thêm: Thời điểm này tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện gặp nhiều khó khăn do thiếu nước tưới nhưng vẫn chưa đến mức quá khô hạn như những năm trước. Vụ đông - xuân 2018, dự kiến toàn huyện có khoảng 650 ha cây trồng có khả năng bị hạn. Trong đó, diện tích lúa bị hạn khoảng 85 ha, cây màu khoảng 500 ha và diện tích rau bị hạn khoảng 66 ha.
Để chống hạn hiệu quả, ngay từ đầu năm 2018, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn và các xã chủ động xây dựng phương án chống hạn cho vụ đông - xuân. Trong đó, yêu cầu các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch tưới tiêu, điều tiết nguồn nước hợp lý, chống rò rỉ, thất thoát, sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả; tổ chức nạo vét kênh mương, các cửa vào cống lấy nước, trạm bơm; khơi thông dòng chảy và đào giếng, khoan giếng, tận dụng mọi nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt trong vụ đông - xuân năm 2018; hỗ trợ tiền điện, tiền dầu, hỗ trợ kinh phí mua máy bơm cho các xã, thị trấn để phục vụ sản xuất, sinh hoạt; sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa xuống cấp, kiên cố hoá hệ thống kênh mương đảm bảo nguồn nước tưới phục vụ sản xuất.
Mạnh Hùng