(HBĐT) - Được đế thăm Trường Sa - quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc, với chúng tôi đó là niềm vinh dự, tự hào và một trải nghiệm quý báu của tuổi trẻ. Với hải trình gần 20 ngày, chúng tôi được gặp gỡ quân dân ở các đảo tiền tiêu, nghe những câu chuyện kể về quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Những năm gần đây, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Nhân dân mọi miền đất nước, quân dân trên quần đảo Trường Sa đã có đủ nước ngọt để sử dụng.
"Trường Sa đang thay da, đổi thịt từng ngày, về mọi mặt”, chúng tôi ra khơi với sự hứng khởi và tò mò khám phá từ lời giới thiệu ngắn gọn của đại tá Lê Đình Hải, Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa)…
Điện, nước ngọt không còn là nỗi lo
Hành trình đến thăm tuyến phía Nam quần đảo Trường Sa có 7 đảo, 13 điểm đóng quân, bắt đầu là đảo chìm Đá Lát, rồi đến Trường Sa Lớn, An Bang, Thuyền Chài, Đá Đông, Trường Sa Đông, và kết thúc hải trình với 3 điểm đảo Đá Tây. Quan sát thực tế, rồi qua gặp gỡ, trò chuyện với quân và dân nơi đảo xa, Trường Sa đã và đang thay đổi từng ngày cả về cơ sở vật chất, lẫn đời sống tinh thần. Minh chứng rõ ràng nhất là các đảo đã giải quyết được bài toán thiếu điện, thiếu nước ngọt.
Đến thăm các đảo, một hình ảnh mới mẻ là đảo nào cũng có các cột điện gió, trên mái nhà là những tấm pin năng lượng mặt trời. Ở đảo Trường Sa Lớn, những cột điện gió, tấm pin năng lượng mặt trời đã đem lại nguồn năng lượng sạch cho đảo. Để đảm bảo cung cấp điện cho quân dân, đảo Trường Sa Lớn có trạm xử lý điện. Anh Trần Văn Quân, quản lý trạm cho biết: Những năm đầu giải phóng, điện chỉ sử dụng được 1 - 2 giờ đồng hồ. Đa số nguồn điện từ các bình ắc quy nạp sẵn đem ra từ đất liền, hoặc dùng năng lượng dầu diesel để chạy máy phát điện. Hiện nay, với hệ thống điện gió và pin năng lượng mặt trời, vào những ngày nắng đẹp, mỗi giờ đồng hồ, trạm được nạp thêm 200 kWh. Nguồn điện này đủ cung cấp 24/24h cho hoạt động quốc phòng, và khoảng 16 tiếng đồng hồ mỗi ngày cho sinh hoạt của người dân.
Ở Trường Sa, nước ngọt là máu. 2 ngày 1 đêm lưu trú ở Trường Sa Lớn và Trường Sa Đông đã cho chúng tôi hiểu được giá trị của câu nói đó. Trước đây, để khắc phục tình trạng thiếu nước ngọt, lính đảo Trường Sa Lớn đã nảy ra sáng kiến đào giếng khơi. Vất vả dùng cuốc chim bổ xuống những khối đá lớn, nhưng thành quả nhận lại chỉ là dòng nước lợ, không thể dùng để uống được. Khi đó, nguồn nước ngọt chỉ trông vào nguồn nước mưa và từ đất liền vận chuyển ra. Còn hiện nay, quân dân trên đảo đã có đủ nước ngọt để sử dụng. "Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các đảo được đầu tư xây dựng các bể chứa nước lớn. Đặc biệt là hệ thống máy lọc nước biển thành nước ngọt, có thể uống trực tiếp tại vòi, nên đảm bảo đủ nước ngọt để sử dụng” -thiếu tá Trịnh Xuân Huân, Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa cho biết.
Có điện nên các hộ dân trên đảo Trường Sa Lớn đều mua sắm được ti vi, tủ lạnh để sử dụng hàng ngày. Đủ nước ngọt không chỉ đảm bảo cho sinh hoạt, mà còn giúp các đảo có nước tưới để tăng gia, sản xuất, nâng cao đời sống.
Trường Sa trong tình yêu thương của cả nước
Sự đổi thay của Trường Sa còn thể hiện qua hệ thống cơ sở vật chất, doanh trại, với cảnh quan ngày càng xanh, sạch đẹp và khang trang. Hạ tầng giáo dục ngày càng được cải thiện, giúp học sinh có điều kiện được học tập như ở đất liền. Hệ thống y tế cũng đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh cho quân dân trên đảo và ngư dân ra khơi đánh bắt. "Ở trên đảo, ngoài nhận được sự quan tâm, dạy dỗ của các thầy giáo và cán bộ, chiến sỹ (CB, CS), các con còn nhận được sách vở, đồ chơi do bà con trong đất liền ra thăm đảo tặng. Trạm xá ở đảo cũng được đầu tư máy chụp X-quang, máy nội soi, phòng mổ hiện đại, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho Nhân dân và ngư dân ra khơi đánh bắt cá” - anh Lâm Văn Vinh, người dân đảo Trường Sa Lớn chia sẻ.
Để có được Trường Sa như ngày hôm nay là nhờ sự đùm bọc, yêu thương của Nhân dân mọi miền đất nước. Đến đảo nào, khi chia sẻ với đoàn công tác, CB, CS cũng bày tỏ sự trân trọng đối với tình cảm của bà con ở đất liền. Trong những ngày cuối của hải trình, với chuyến thăm đảo Đá Tây A, Đá Tây C, chúng tôi đã có dịp được "check in” tại 2 công trình, được coi là biểu tượng cho tình yêu thương của cả nước đối với Trường Sa. Đó là 2 công trình nhà đa năng khang trang, được xây dựng từ chương trình "Góp đá xây Trường Sa” mà Báo Tuổi Trẻ TP Hồ Chí Minh đã phát động, với hàng triệu người dân cả nước hưởng ứng. Trung tá Nguyễn Văn Khoái, Chỉ huy trưởng đảo Đá Tây chia sẻ: Công trình không chỉ là nhà ở, nơi tổ chức hội họp, mà còn là nơi CB, CS tập luyện thể thao để giải trí, nâng cao sức khỏe mỗi ngày. Sự đùm bọc, giúp đỡ của quân dân cả nước là nguồn cổ vũ, động viên rất lớn để CB, CS luôn chắc tay súng, bảo vệ vững chắc biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Nơi đầu sóng ngọn gió khí hậu vô cùng khắc nghiệt, nhưng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của quân dân cả nước, đặc biệt là sự kiên trung, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo của CB, CS, Trường Sa đang ngày càng "thay da, đổi thịt”. Và những người con đất Việt đang viết tiếp những bản hùng ca của cha anh.
Những ngày cuối tháng tư năm 2020, tại căn nhà nhỏ thuộc khu phố Nguyễn Trãi, phường Lái Thiêu, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương, nhân chứng lịch sử Nguyễn Thị Ngọc Mỹ kể lại câu chuyện năm xưa ngồi trên xe tăng dẫn đường cho đoàn quân tiến vào giải phóng Sài Gòn cách đây 45 năm (30/4/1975 - 30/4/2020).
(HBĐT) - Trong căn phòng nhỏ đơn sơ chỉ có vài vật dụng thiết yếu, góc trân quý nhất đối với ông Phạm Minh Giám, tổ 25, phường Phương Lâm (TP Hòa Bình) là bức tường treo tấm ảnh đen trắng người lính cầm súng bị hoen mờ được phóng to. Bức ảnh đã được sử dụng trong nhiều tài liệu lịch sử liên quan đến chiến dịch mùa khô 1971 – 1972, và những chiến công hiển hách của quân tình nguyện Việt Nam tại mặt trận Cánh đồng Chum – Xiêng Khoảng (Lào). Bức ảnh đề nội dung: Chiến sỹ Phạm Minh Giám, c24e866 một mình đánh cao điểm 1433 (Đông nam Long Chẹng).
Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử với 5 cánh quân tiến về giải phóng Sài Gòn bằng những bước chân thần tốc, táo bạo, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới, quyết chiến đã giành lấy toàn thắng. Miền Nam được giải phóng, non sông một dải, Sài Gòn được giữ gần như nguyên vẹn và ta nhanh chóng tiếp quản thành phố.
Tháng Tư lịch sử, bao nhiêu ký ức, kỷ niệm về Ngày giải phóng miền Nam lại xếp lớp dày đặc trong tâm trí những người khoác lên mình bộ quân phục màu xanh, nhận lấy danh xưng người lính Bộ đội Cụ Hồ.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã đưa đến non song gấm vóc, đất nước liền một dải. Làm nên thắng lợi đó có sự đóng góp to lớn của quân dân miền Bắc khi trở thành nền, thành gốc cho cuộc đấu tranh thống nhất đất nước.
"Bộ đội Thu Hà” là đơn vị nữ vũ trang đầu tiên của tỉnh Bến Tre trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ và được phát triển chuyên nghiệp tiếp nối thời kỳ "đội quân tóc dài” sinh ra trong phong trào Đồng Khởi. Tính kiên cường, khí phách của đơn vị nữ lực lượng vũ trang này đã có tác động mạnh mẽ đến các lực lượng kháng chiến khác khi cùng hợp sức chiến đấu chống giặc cứu nước và giành toàn thắng cho quê hương xứ dừa Bến Tre.