(HBĐT) - Bên cạnh nét đẹp văn hóa được giữ gìn, trong xu thế hội nhập, toàn cầu hóa và tác động của cơ chế thị trường, đô thị hóa..., cùng với những thuận lợi cũng xuất hiện nhiều nguy cơ mai một văn hóa, mờ dần bản sắc. Vì vậy, rất cần những giải pháp để bản sắc văn hóa mãi trường tồn cùng dân tộc, thực sự là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển bền vững.
Nguy cơ mai một văn hóa dân tộc
Hơn 10 năm dạy chữ Nôm - Dao cho con em dân tộc mình, cụ Bàn Văn Thân ở xã Vầy Nưa (Đà Bắc) đã dạy cho trên 100 người tại xã Vầy Nưa, Hiền Lương. Điều đặc biệt là cả người dạy và người học đều tự nguyện nhằm giữ bản sắc văn hóa. Trong bài học, cái vươn tới cao nhất là chữ "đức” - dạy làm người. Những người đã học đều không ai gây ra điều gì đáng tiếc, phải chê trách. Song ở tuổi 80, cụ lo lắng: Văn hóa dân tộc bị mai một, nhiều nhất lại là chữ "đức”. Một chữ thôi nhưng chứa đựng bao điều răn tốt đẹp của cha ông. Vậy nhưng ngày càng nhiều người không thích học hoặc không kiên trì được. Có lớp lúc đầu 130 người nhưng chỉ còn 30 người theo đến cùng. Bây giờ, không ít người đạo đức xuống cấp đáng lo ngại, cờ bạc, đánh nhau..., chỉ quan tâm kiếm tiền, thậm chí bất chấp mọi cách và cho rằng học cái khác mới làm quan, ra tiền, chứ học chữ dân tộc chỉ mất thời gian?! Tôi rồi cũng phải về với tổ tiên, nhưng sợ là mang đi luôn vốn tri thức quý của dân tộc mà chưa truyền lại được cho nhiều người.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Huy Vọng ở xã Hương Nhượng (Lạc Sơn) sau nhiều năm miệt mài tìm hiểu, nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân tộc Mường cũng trăn trở về sự mai một giá trị văn hóa. Trẻ con không biết nói tiếng mẹ đẻ, không biết đánh chiêng, xa lạ với mo Mường, không biết và không thích mặc trang phục dân tộc, những làn điệu dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian... của dân tộc mình. Nhiều thanh niên đi công nhân xa, nơi đó lại không có điều kiện, môi trường văn hóa.
Nhiều người tâm huyết với giá trị văn hóa truyền thống cũng lo lắng khi hiện nay lối sống thực dụng, chạy theo đồng tiền, xa vào tệ nạn xã hội, theo những xu hướng lệch chuẩn trên mạng internet, xa rời truyền thống văn hóa, trái thuần phong mỹ tục... len lỏi vào đời sống.
Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Lưu Huy Linh nhận định: Cơ chế thị trường, quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, toàn cầu hóa, hội nhập, mạng internet, bùng nổ thông tin, làn sóng văn hóa ngoại nhập... tác động lớn đến việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Bên cạnh những thuận lợi, cơ hội để tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, nguy cơ mai một bản sắc đang hiện hữu. Có những ông mo không có học trò; ít bản làng còn giữ được không gian văn hóa; ngay cả bản du lịch nổi tiếng như bản Lác, xã Chiềng Châu (Mai Châu) cũng có những yếu tố mới làm phá vỡ cảnh quan... Nhìn lại hạn chế trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020 lĩnh vực văn hóa thấy rằng: Chưa có cơ chế, chính sách cụ thể, tạo điều kiện phát triển văn hóa. Việc xây dựng các thiết chế văn hoá chưa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cộng đồng. Kinh phí bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa hạn hẹp. Chất lượng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” chưa cao, thiếu sự đầu tư cho phong trào cơ sở, kết quả không bền vững; còn tình trạng chạy theo thành tích. Nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền và người dân về giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc chưa đầy đủ, đúng mức.
Để bản sắc văn hóa mãi trường tồn cùng dân tộc
Trước nguy cơ mai một thì việc giữ gìn bản sắc văn hóa trong tiến trình phát triển là cấp thiết. Kết luận số 76-KL/TW, ngày 4/6/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của BCH T.Ư Đảng khóa XI nhấn mạnh: Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh.
Để giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa trong thời gian tới, tỉnh đã ban hành các đề án, kế hoạch... Mới đây là Đề án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể tiêu biểu các dân tộc tỉnh giai đoạn 2020 -2030. Đại hội Đảng bộ từ cấp chi bộ, đến Đảng bộ cấp xã, huyện đều bám sát định hướng về phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước trong giai đoạn mới, hầu hết đều dành cụm từ "giữ gìn bản sắc văn hóa” trong phần mục tiêu. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII sắp tới, trong nhiều nhiệm vụ, chắc chắn không thể thiếu lĩnh vực văn hóa nói chung và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa nói riêng.
Góp ý vào dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, về nhiệm vụ, giải pháp lĩnh vực văn hóa, Sở VH-TT&DL cho rằng: Cần bám sát, thực hiện tốt Kết luận số 76-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW. Tăng cường huy động các nguồn lực để bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị đối với nhiệm vụ xây dựng, phát triển văn hóa. Nâng cao chất lượng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, gắn với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”...
Tỉnh ủy cũng đã xác định phương hướng, nhiệm vụ tiếp theo trong thực hiện Chương trình hành động số 27 thực hiện Nghị quyết số 33: Quan tâm công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng, xây dựng NTM. Khai thác có hiệu quả các nguồn lực về văn hóa của địa phương. Tuyên truyền, phổ biến, dạy và học chữ Mường trong các cơ sở giáo dục. Bước đầu xây dựng phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa. Phấn đấu đến năm 2030 có được hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật đồng bộ, sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, sức cạnh tranh, mang đậm bản sắc văn hóa của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Tăng cường quảng bá bản sắc văn hóa...
Theo Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Lưu Huy Linh, bên cạnh các giải pháp của cơ quan chức năng, vấn đề mấu chốt là ý thức giữ gìn của chính đồng bào, thúc đẩy vai trò của cộng đồng các dân tộc. Bởi họ chính là chủ thể xây dựng, sáng tạo, nắm giữ các hệ giá trị hình thành nên bản sắc văn hóa. Chỉ khi bản thân đồng bào thấy tự thân cần phải bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa thì mới thực sự đem lại hiệu quả. Cùng với đó, cần có cơ chế riêng cho việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa; quy hoạch cần gắn với tạo nguồn thu phục vụ nâng cao đời sống đồng bào, thì sẽ tác động trở lại việc bảo tồn. Sở sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ kiểm kê, quy hoạch, định hướng bảo tồn những giá trị văn hóa tiêu biểu của các dân tộc trong tỉnh.
Đối với nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Huy Vọng cho rằng, cần có 4 giải pháp: đưa các giá trị văn hóa tiêu biểu vào giảng dạy trong nhà trường; có cơ chế khuyến khích các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, nghệ nhân; thành lập các câu lạc bộ hạt nhân để lan tỏa; tuyên truyền, giáo dục cho lớp trẻ.
Cẩm Lệ