Là 1 trong 3 phong trào lớn do T.Ư HND Việt Nam phát động từ năm 1989, phong trào nông dân thi đua SX-KD giỏi đã phát huy vai trò trung tâm, nòng cốt của nông dân, đóng góp vào những thắng lợi toàn diện trên các lĩnh vực trong sự nghiệp đổi mới của tỉnh. Sau tái lập tỉnh (tháng 10/1991), tỉnh ta là một trong những tỉnh miền núi nghèo với tỷ lệ nông dân chiếm 90% dân số. Trong bối cảnh đó, với sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các cấp Hội đã chỉ đạo, tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hội viên, nông dân thực hiện chủ trương lớn trong nông nghiệp như: dồn điền, đổi thửa; hợp tác liên kết xây dựng HTX, tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; xây dựng cánh đồng lớn, hình thành vùng sản xuất tập trung, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Từ đó, các phong trào do Hội phát động ngày càng thu hút đông đảo hội viên tham gia.
Để phong trào phát triển cả về chất và lượng, công tác tuyên truyền, vận động của các cấp Hội không ngừng được đổi mới. Việc xây dựng các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao bám sát chương trình, mục tiêu phát triển KT-XH của từng địa phương. Đồng chí Nguyễn Thị Cẩm Phương, Chủ tịch HND tỉnh cho biết: KHKT là yếu tố quyết định sự thành công trong các mô hình phát triển kinh tế của người nông dân. Vì vậy, hàng năm, nhằm nâng cao hiệu quả dạy nghề, Hội phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh, các doanh nghiệp, đơn vị tổ chức hàng trăm lớp dạy nghề trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản... cho trên 72.000 lượt hội viên. Giúp nông dân đa dạng hóa việc làm phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn ở địa phương. Đẩy mạnh các hoạt động hướng dẫn, hỗ trợ nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể; tiếp cận tiến bộ KHCN; hỗ trợ cung ứng vật tư nông nghiệp; liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, nhằm khích lệ nông dân thay đổi tư duy, cách làm, vươn lên làm giàu.
Phong trào đã lan tỏa sâu rộng ở nhiều lĩnh vực, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên nông dân tham gia. Năm 2019, toàn tỉnh có 72.470 hộ nông dân đăng ký danh hiệu hộ SX-KD giỏi các cấp, có 37.613 hộ đạt danh hiệu đăng ký (tăng trên 1.400 hộ so với năm 2014). Toàn Hội đã thành lập nhiều mô hình kinh tế tập thể phù hợp với điều kiện phát triển từng địa phương, nâng tổng số mô hình hiện nay lên 361 HTX, tổ hợp tác. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH nông thôn; tạo việc làm, cải thiện đời sống cho hàng nghìn hộ nông dân; tăng thêm hộ nông dân khá, giàu; nâng thu nhập bình quân đầu người toàn tỉnh hiện nay lên trên 50 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn trên 14%.
Phát huy vai trò tổ chức Hội trong phát triển nông nghiệp, trong tạo vốn, các cấp Hội tiếp tục xây dựng và quản lý tốt Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) với tổng số tiền 31,5 tỷ đồng, trong đó, nguồn T.Ư Hội gần 13 tỷ đồng; ký kết chương trình phối hợp với Ngân hàng NN&PTNT, Ngân hàng CSXH, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt để khai thác hiệu quả các nguồn vốn vay. Các cấp Hội đang quản lý 1.687 tổ tiết kiệm và vay vốn của 3 ngân hàng. Từ các nguồn tín dụng, đã có 59.935 hộ được vay vốn phát triển sản xuất, với tổng dư nợ 3.258 tỷ đồng.
Đến xuất hiện nhiều tỷ phú nông dân
Điểm nhấn của phong trào thi đua SX-KD giỏi là đã có nhiều mô hình SX-KD ứng dụng các tiến bộ KHKT, công nghệ mới, doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm; hàng nghìn hội viên nông dân thoát nghèo, trở thành hộ SX-KD giỏi. Xuất hiện nhiều nông dân dám nghĩ, dám làm, sáng tạo, thử nghiệm và nhân rộng các giống mới, góp phần đa dạng hoá sản xuất, phát triển các ngành nghề, dịch vụ mới trong kinh tế nông thôn.
Vinh dự được nhận danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc" năm 2019, với mô hình V.A.C trên 4 ha, ngoài nuôi cá và trồng cây ăn quả, nông dân Bùi Văn Binh, xóm Dứng Ổi, xã Kim Bôi (Kim Bôi) đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại để chăn nuôi lợn theo phương pháp an toàn sinh học, quy mô gần 400 con lợn thịt và lợn nái. Mô hình đạt doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 5 - 7 lao động tùy thời điểm. Để có được danh hiệu cao quý này, bên cạnh ông luôn có sự đồng hành của các cấp HND. Ông chia sẻ: Từ cầu nối là HND, ông được vay vốn với lãi suất ưu đãi; được tập huấn KHKT để chăm sóc tốt cây trồng, vật nuôi. Cũng nhờ HND kết nối, nhiều nông dân trong, ngoài tỉnh tìm tới ông để học hỏi mô hình, mua giống về phát triển sản xuất. Ngoài tập trung làm ăn, hàng năm, gia đình ông tích cực đóng góp kinh phí, công lao động vào hoạt động xây dựng NTM của xã. Đồng thời, ủng hộ các quỹ phúc lợi và giúp đỡ 3 hộ nghèo, giúp các hộ từng bước ổn định cuộc sống.
Hội viên nông dân Hà Thị Chung, bản Pom Coọng, thị trấn Mai Châu (Mai Châu) đã thành công với hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch cộng đồng nhờ biết nắm bắt, khai thác những thế mạnh của địa phương. Song song với làm du lịch, khu homestay đậm đà bản sắc dân tộc còn góp phần liên kết, tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng như thổ cẩm, thực phẩm sạch; tạo việc làm ổn định cho 7 lao động địa phương, mức lương bình quân 4 triệu đồng/người/tháng; doanh thu từ homestay đạt 700 - trên 800 triệu đồng/năm (năm 2018 - 2019). Trong phong trào xây dựng NTM, bà là nông dân tiêu biểu, tình nguyện hiến đất làm đường giao thông nông thôn, tích cực đóng góp tiền, công lao động. Trong công tác xã hội, bà kêu gọi các nhà hảo tâm, tổ chức thiện nguyện chung tay hỗ trợ hộ hội viên nông dân khó khăn, hộ nghèo ở địa phương về nhà ở. Với những thành tích, đóng góp quan trọng, góp phần xây dựng quê hương, bà được các cấp Hội ghi nhận và vinh danh nông dân SX-KD giỏi cấp huyện, cấp tỉnh.
Phong trào thi đua SX-KD giỏi đã góp phần đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHKT, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH-HĐH, hội nhập quốc tế, phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo. Tuy nhiên, để phong trào đáp ứng được những yêu cầu trong thời đại mới. Các cấp Hội cần có giải pháp khắc phục những hạn chế: Vẫn còn một bộ phận nông dân trông chờ, ỷ lại; phương thức sản xuất cá thể, tự phát; trình độ KHKT, quản lý còn yếu; chưa coi trọng yếu tố VSATTP, chất lượng sản phẩm chưa đạt yêu cầu, thiếu sức cạnh tranh trên thị trường…
(Còn nữa)