(HBĐT) - Kinh tế trang trại (KTTT) là cơ sở, tiền đề khơi dậy tiềm năng trong Nhân dân để chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thúc đẩy áp dụng KH-KT vào sản xuất, góp phần tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, làm tăng khối lượng và giá trị hàng hóa. Tuy nhiên, hiện nay, KTTT phát triển chưa ổn định, không đồng đều giữa các vùng. Đa số các chủ trang trại hoạt động độc lập, chưa có sự liên kết giữa các trang trại với nhau và với tổ chức kinh tế khác như liên kết vùng sản xuất, tiêu thụ, chế biến sản phẩm.

 

Bài 2 - Để kinh tế trang trại phát triển bền vững




Ông Nguyễn Thành Tô (bên trái), xóm Thung Dao Bắc, xã Tú Sơn (Kim Bôi) chủ trang trại trồng trọt chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế trang trại.

 Xu thế tất yếu của sản xuất nông nghiệp hàng hóa

 Tỉnh có tiềm năng lớn về đất đai là cơ sở để các hộ gia đình phát triển KTTT. Theo thống kê của Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, đến cuối năm 2019, theo Thông tư số 27, ngày 13/4/2011 của Bộ NN&PTNT (TT 27), toàn tỉnh có 180 trang trại, gồm: 89 trang trại chăn nuôi, 63 trang trại tổng hợp, 14 trang trại trồng trọt, 10 trang trại thủy sản và 4 trang trại lâm nghiệp. Có 135 trang trại được cấp giấy chứng nhận theo TT 27. Tổng diện tích đất của các trang trại là 627,26 ha. Vốn trung bình một trang trại là 258.218 triệu đồng. Tổng số lao động thường xuyên là 779 người. Giá trị nông, lâm, thủy sản bình quân một trang trại thu được hơn 1,434 tỷ đồng.

Thực tế cho thấy, KTTT giúp tạo việc làm ổn định với thu nhập khá cho nhiều lao động nông thôn; góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và xây dựng NTM. Đặc biệt, KTTT làm thay đổi tư duy phát triển kinh tế của một bộ phận nông dân, giúp người dân năng động, sáng tạo áp dụng KH-KT vào sản xuất, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo thị trường tiêu thụ ổn định. KTTT còn góp phần hình thành những vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tiêu biểu như vùng cam Cao Phong, bưởi Tân Lạc, gà Lạc Thủy, rau Lương Sơn...

Bên cạnh đó, phát triển KTTT đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm soát tốt dịch bệnh, tạo nền tảng cho sản xuất nông nghiệp bền vững. Chất thải nông nghiệp được chủ trang trại xử lý đảm bảo đúng tiêu chuẩn, nhờ vậy giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông thôn. Ngoài ra, các trang trại đa số sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, có tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, liên kết sản xuất và tiêu thụ. Hàng hóa có chất lượng tốt, sức cạnh tranh cao trên thị trường trong và ngoài nước.

Theo Thông tư số 02, ngày 28/2/2020 của Bộ NN&PTNT các tiêu chí để được công nhận là trang trại hiện nay cao hơn nhiều so với TT 27. Vì vậy, số lượng trang trại trên địa bàn tỉnh giảm tương đối nhiều. Hiện, toàn tỉnh có 87 trang trại, trong đó có 28 trang trại trồng trọt, 29 trang trại chăn nuôi, 27 trang trại tổng hợp, 2 trang trại thủy sản và 1 trang trại lâm nghiệp. Lạc Thủy là huyện có số lượng trang trại nhiều nhất với 29 trang trại, Kim Bôi 16 trang trại; huyện Đà Bắc và Mai Châu không có trang trại nào đạt tiêu chuẩn theo Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT.

Để kinh tế trang trại phát triển bền vững

Sự phát triển của KTTT đã góp phần quan trọng trong quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn gắn với xây dựng NTM. Tuy nhiên, việc phát triển KTTT thời gian qua vẫn chưa tương xứng với tiềm năng đất đai, lao động... KTTT phát triển chưa ổn định, không đồng đều giữa các vùng, chưa gắn với quy hoạch các vùng sản xuất và công nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ sản. Hiện nay, sản phẩm hàng hoá của các trang trại có quy mô ngày càng lớn, song thị trường tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế. Đầu ra, giá nông sản vẫn là nỗi lo thường xuyên của các chủ trang trại. Tình trạng thiếu vốn khá phổ biến, nguồn vốn vay còn nhiều khó khăn nên các trang trại chủ yếu đầu tư phát triển theo chiều rộng, chưa đủ sức đầu tư theo chiều sâu. Thiếu sự gắn kết, liên kết giữa các trang trại với nhau và với các tổ chức kinh tế khác như liên kết vùng sản xuất, tiêu thụ, chế biến sản phẩm, học tập, hỗ trợ kinh nghiệm về quản lý, ứng dụng công nghệ, vốn...

Trình độ quản lý, chuyên môn của các trang trại còn nhiều hạn chế, phần lớn các chủ trang trại quen với mô hình sản xuất nhỏ, kỹ thuật sản xuất thấp, việc tổ chức sản xuất, kinh doanh, quản lý kinh tế chủ yếu theo kinh nghiệm, thiếu hiểu biết về thị trường. Phát triển KTTT còn gặp khó khăn do các yếu tố khách quan, mức độ rủi ro cao, phụ thuộc nhiều vào thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng, dịch bệnh...

Anh Nguyễn Văn Thắng, xóm Thung Dao Bắc, xã Tú Sơn (Kim Bôi) chia sẻ: Hiện, trang trại của gia đình tôi rộng hơn 4 ha, cây trồng chính là bưởi, cam, nhãn, sản xuất chủ yếu theo tiêu chuẩn VietGAP nên cần nhiều vốn để đầu tư. Vì vậy, tôi mong muốn các cấp, ngành tiếp tục tạo điều kiện để được vay vốn nhằm mở rộng quy mô sản xuất; có chính sách hỗ trợ trang trại từ khâu chọn giống, vật tư; tạo điều kiện cho các trang trại tham gia hội chợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm.

Đồng chí Nguyễn Anh Quân, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Thời gian tới, để KTTT tiếp tục phát triển bền vững, T.Ư, tỉnh, huyện cần có thêm nhiều chính sách hỗ trợ cho các trang trại. Các cấp, ngành tổ chức các lớp bồi dưỡng về công tác quản lý, thiết kế quy hoạch trang trại, trao đổi, học tập kinh nghiệm, cách làm giàu từ phát triển KTTT cho không chỉ các chủ trang trại mà cho cả những người có nguyện vọng, khả năng trở thành các chủ trang trại trong tương lai. Nội dung bồi dưỡng cần định hướng về xu hướng phát triển của trang trại; chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc thúc đẩy phát triển KTTT. Đặc biệt là những kiến thức về công tác tổ chức quản lý, thiết kế quy hoạch, kỹ thuật sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch. Tổ chức chương trình bồi dưỡng, hướng dẫn kỹ thuật nông nghiệp cho lao động nông thôn, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao ứng dụng công nghệ cho chủ trang trại nhằm tăng năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm.

Bên cạnh đó, tỉnh đẩy nhanh tiến độ chuyển giao KH-KT, đưa cơ giới hoá vào sản xuất, thực hiện CNH-HĐH nông nghiệp nông thôn. Khuyến khích các hình thức liên kết, hợp tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp, trong đó, coi trọng liên kết giữa các trung tâm, viện nghiên cứu với các trang trại hạt nhân điển hình để nghiên cứu tạo ra những loại giống cây trồng, vật nuôi phù hợp, cho sản phẩm đem lại giá trị kinh tế cao. Miễn, giảm tiền thuê đất đối với các trang trại ở vùng sâu, xa, vùng cao, vùng đồi núi theo quy định của pháp luật; đối với các loại đất đai khi thuê đất trống, đồi núi trọc, đất hoang hoá để trồng rừng, trồng cây lâu năm; các vùng có diện tích mặt nước tự nhiên chưa có đầu tư cải tạo vào mục đích nuôi trồng thuỷ sản. Các cấp, ngành tăng cường hỗ trợ KTTT phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa và tham gia vào chuỗi giá trị nông sản.


Thu Thủy

Các tin khác


Chuyện về một ngôi làng giữa rừng Biều

(HBĐT) - Làng rừng bản Sưng, xã Cao Sơn hiện diện ở lưng chừng núi Biều, là của quý còn sót lại không chỉ của huyện Đà Bắc mà là của cả quốc gia, nhân loại…

Hiện thực hóa khát vọng thoát ngưỡng "bình bình"

(HBĐT) - Muốn phát triển KT-XH một cách bền vững, nhất thiết phải dựa vào nguồn lực nội tại, đồng thời thu hút nguồn lực từ bên ngoài để tạo đột phá. Xác định rõ điều này, những năm gần đây, tỉnh đã tập trung gỡ "nút thắt” về thủ tục hành chính (TTHC) để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Bài 2 - Tập trung cải cách hành chính để thu hút đầu tư

Hiện thực hóa khát vọng thoát ngưỡng "bình bình"

(HBĐT) - Hòa Bình là cửa ngõ của vùng Tây Bắc và cũng là tỉnh thuộc ven Thủ đô Hà Nội, có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển. Trước thời cơ và thách thức, những năm gần đây, tỉnh đã có nhiều nỗ lực để tạo sự bứt phá trên một số lĩnh vực, góp phần tạo nền tảng thúc đẩy phát triển KT-XH, để Hòa Bình sớm thoát khỏi ngưỡng "bình bình”. 
Bài 1 - Thắp sáng lộ trình giảm nghèo bền vững

Xây dựng thương hiệu du lịch Hòa Bình

Bài 2 - Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có thương hiệu
(HBĐT) - Lĩnh vực du lịch của tỉnh có những bước tiến quan trọng nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Để du lịch có bước phát triển mới mang tính đột phá, cần các giải pháp và chính sách đặc thù, phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, mũi nhọn, từng bước xây dựng thương hiệu du lịch Hòa Bình.

Xây dựng thương hiệu du lịch Hòa Bình

Bài 1 - Đánh thức tiềm năng, phát triển ngành "công nghiệp không khói”

(HBĐT) - Với vị trí thuận lợi, phong cảnh tươi đẹp, hùng vĩ và bản sắc văn hóa độc đáo, Hòa Bình có nhiều tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành các nghị quyết, đề án, kế hoạch... để khai thác tiềm năng, phát triển du lịch, đưa ngành "công nghiệp không khói” trở thành ngành kinh tế quan trọng, mũi nhọn.

Màu xanh no ấm

(HBĐT) - Hiện, toàn tỉnh có 459.063 ha đất tự nhiên, trong đó, 298.013 ha đất quy hoạch cho lâm nghiệp (chiếm 64,66%). Diện tích đất quy hoạch rừng sản xuất là 149.492 ha (chiếm 51,7% tổng diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp). Sản xuất lâm nghiệp góp phần xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm, thu nhập cho dân cư nông thôn. Bên cạnh giá trị kinh tế, sản xuất lâm nghiệp còn có vai trò đảm bảo độ che phủ rừng (trên 50%), duy trì nguồn nước, chống xói mòn, cân bằng môi trường sinh thái, thúc đẩy ngành du lịch phát triển và đảm bảo AN-QP.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục