(HBĐT) - Những năm gần đây, số lượng, chất lượng trang trại không ngừng tăng, thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa sản xuất nông nghiệp từ sản xuất nhỏ tự cấp, tự túc sang sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, gắn với thị trường tiêu thụ. Các trang trại khai thác được tiềm năng, thế mạnh về đất đai, lao động; áp dụng tiến bộ KH-KT, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm. Nhờ vậy, đời sống của người nông dân không ngừng cải thiện, xuất hiện nhiều tỷ phú trang trại.
Bài 1 - Những tỷ phú trang trại
Trang trại tổng hợp của gia đình ông Nguyễn Duy Lành, thôn Bột, xã Phú Thành (Lạc Thủy) đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Bên cạnh những chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT ban hành một số văn bản nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại (KTTT). Bên cạnh đó, hàng năm, ngành nông nghiệp phối hợp các sở, ngành, huyện, thành phố tổ chức tập huấn trang bị kiến thức cho chủ trang trại. Quỹ Hỗ trợ nông dân tạo điều kiện để trang trại tiếp cận nguồn vốn vay hiệu quả. Tăng cường tuyên truyền, khuyến khích, vận động các hộ gia đình tham gia phát triển KTTT. Theo thống kê của Hội Nông dân tỉnh, hàng năm, trên 60% số hộ đăng ký và đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đều phát triển kinh tế theo mô hình trang trại.
Lạc Thủy là huyện có số lượng trang trại lớn nhất tỉnh. Năm 2015, toàn huyện có 40 trang trại, đến năm 2019 tăng lên 93 trang trại. Có được kết quả trên là nhờ sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp. Trên cơ sở những chủ trương, đường lối phát triển KTTT, cấp ủy, chính quyền huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các hộ gia đình phát triển KTTT. Ngoài ra, huyện có nhiều chính sách hỗ trợ trang trại phát triển. Giai đoạn 2010 - 2015, mỗi trang trại thành lập được huyện hỗ trợ 500.000 đồng. Giai đoạn 2015 - 2016, đối với trang trại trồng cam năm thứ nhất được hỗ trợ 10 triệu đồng/1ha. Giai đoạn 2017-2018, hỗ trợ 5 triệu đồng/ha đối với cam trồng năm thứ nhất và năm thứ 2. Giai đoạn 2017 - 2018, huyện đầu tư 500 triệu đồng cho chăn nuôi gà sinh học. Hỗ trợ 30 trang trại gà quy mô lớn mỗi trang trại 500 con gà giống và thức ăn... Với nhiều chính sách hỗ trợ phát triển trang trại, đến nay, tổng đàn gà của huyện Lạc Thủy đạt hơn 1 triệu con; diện tích cây có múi là 1.308 ha, trong đó, hơn 100 ha trồng theo tiêu chuẩn VietGAP.
Đồng chí Hoàng Đình Chính, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Lạc Thủy cho biết: Theo Thông tư số 02, ngày 28/2/2020 của Bộ NN&PTNT, các tiêu chí để được công nhận là trang trại cao hơn nhiều so với Thông tư số 27/2011/TT-BNNPTNT, nên số lượng trang trại trên địa bàn huyện giảm nhiều về số lượng. Tuy nhiên, Lạc Thủy vẫn đứng đầu cả tỉnh về số lượng và quy mô trang trại. Đến nay, toàn huyện có 29 trang trại (chiếm 33,33% số trang trại toàn tỉnh), gồm: 10 trang trại trồng trọt, 8 trang trại tổng hợp, 9 trang trại chăn nuôi, 2 trang trại thủy sản. Các trang trại trên địa bàn huyện tích cực ứng dụng KH-KT vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ… Nhiều trang trại tham gia sản xuất theo chuỗi giá trị, tiêu biểu như trang trại gà của anh Bùi Đông Giang, thôn An Sơn I, xã An Bình. Cuối năm 2019, trang trại đã ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với siêu thị Big C, sản phẩm của trang trại được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh. 30% sản phẩm của các trang trại trên địa bàn huyện được cấp tem truy xuất nguồn gốc. Diện tích đất sản xuất đạt khoảng 2 ha/trang trại; giá trị sản xuất bình quân đạt trên 2 tỷ đồng/trang trại; thu nhập bình quân người lao động đạt 4 triệu đồng/tháng.
Cùng cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Lạc Thủy, chúng tôi tới thăm trang trại tổng hợp của tỷ phú nông dân Nguyễn Duy Lành, thôn Bột, xã Phú Thành. Trong ngôi nhà khang trang vừa mới xây xong, ông Lành phấn khởi chia sẻ: Từ đầu năm đến nay, trang trại của gia đình tôi "trúng lớn”. 6 tháng năm nay, nhà tôi đã xuất chuồng được 20 tấn lợn với giá 90.000 đồng/kg, 36 vạn con gà giống...Trừ chi phí đầu tư cho lãi khoảng 2 tỷ đồng.
Thực tế, phát triển trang trại tổng hợp không dễ dàng nhưng ông Lành đã gắn bó với KTTT từ năm 2005. Năm 2005, với 1 ha đất canh tác, ông Lành vay ngân hàng 5 triệu đồng để trồng 300 cây cam lòng vàng, 200 cây bưởi. Đến năm 2008, gia đình ông thu được 200 triệu đồng. Giai đoạn 2010 - 2012, gia đình ông đầu tư nuôi thêm gà thả đồi với số lượng 500 con gà thương phẩm, mua 4 máy ấp trứng, mỗi máy công suất 1,2 vạn con. Hiện tại, trang trại của gia đình ông có quy mô 2 ha, chủ yếu nuôi lợn và trồng bưởi, trong đó có 50 con lợn nái, 500 lợn thịt; 9.000 con gà thương phẩm và 3.000 gà đẻ.
Đồng chí Hoàng Đình Chính chia sẻ thêm: Người dân Lạc Thủy phong cho ông Nguyễn Duy Lành danh hiệu "người hùng” trong phát triển kinh tế trang trại. Ông là tấm gương sáng vượt khó vươn lên làm giàu. Năm 2017, ông vinh dự là hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp T.Ư, được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen.
Dời trang trại của gia đình ông Nguyễn Duy Lành, chúng tôi tới thăm mô hình trang trại trồng trọt của gia đình ông Nguyễn Thành Tô, xóm Thung Dao Bắc, xã Tú Sơn (Kim Bôi). Trên cung đường uốn lượn quanh co của xóm Thung Dao Bắc hiện ra trước mắt là bưởi, từng hàng thẳng tắp, ngút ngàn. Trang trại trồng bưởi nằm ven dãy núi. Được biết, trước đây đất trang trại của gia đình ông Tô là cỏ dại um tùm, nay đã được thay thế bằng vườn bưởi sai trĩu quả, xanh tốt.
Ông Nguyễn Thành Tô đón chúng tôi với nụ cười hiền hậu, nhâm nhi chén trà mạn, ông chia sẻ: Để có được cơ ngơi như ngày hôm nay là nhờ sự kiên trì khai hoang đất làm trang trại của gia đình. Tôi là người gốc Hải Phòng, năm 1993, rời quân ngũ tôi cùng gia đình tới xã Tú Sơn lập nghiệp. Cấp ủy, chính quyền xã đã tạo điều kiện cho gia đình tôi khai hoang để lấy đất ở và làm nông nghiệp. Vườn bưởi rộng 3 ha trước kia là cỏ dại, lau lách um tùm, sỏi đá gập gềnh. Tôi thử trồng nhiều loại cây, nhưng phải đến năm 2015, sau nhiều lần thất bại, tôi mới thành công với cây bưởi. Thổ nhưỡng và khí hậu ở Thung Dao Bắc rất thích hợp trồng cây bưởi. Gia đình tôi chủ yếu sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học.
Vườn bưởi hiện có 200 gốc bưởi Diễn, 600 gốc bưởi đỏ. Năm 2019, trang trại của gia đình ông thu hàng chục vạn quả bưởi, doanh thu đạt khoảng 1,2 tỷ đồng. Ông luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm lựa chọn giống bưởi, kỹ thuật chăm sóc cho người dân trong xã và các địa phương khác.
KTTT là "chìa khóa” giúp các hộ gia đình làm giàu. Phát triển KTTT giúp người nông dân khai thác, sử dụng có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về đất đai. Ngoài ra, còn giúp người nông dân có kinh nghiệm quản lý, kỹ thuật, nguồn lực, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững, tạo việc làm, tăng thu nhập, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh CNH - HĐH nông nghiệp, nông thôn.
(Còn nữa)
Thu Thủy
(HBĐT) - Muốn phát triển KT-XH một cách bền vững, nhất thiết phải dựa vào nguồn lực nội tại, đồng thời thu hút nguồn lực từ bên ngoài để tạo đột phá. Xác định rõ điều này, những năm gần đây, tỉnh đã tập trung gỡ "nút thắt” về thủ tục hành chính (TTHC) để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Bài 2 - Tập trung cải cách hành chính để thu hút đầu tư
(HBĐT) - Hòa Bình là cửa ngõ của vùng Tây Bắc và cũng là tỉnh thuộc ven Thủ đô Hà Nội, có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển. Trước thời cơ và thách thức, những năm gần đây, tỉnh đã có nhiều nỗ lực để tạo sự bứt phá trên một số lĩnh vực, góp phần tạo nền tảng thúc đẩy phát triển KT-XH, để Hòa Bình sớm thoát khỏi ngưỡng "bình bình”.
Bài 1 - Thắp sáng lộ trình giảm nghèo bền vững
Bài 2 - Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có thương hiệu
(HBĐT) - Lĩnh vực du lịch của tỉnh có những bước tiến quan trọng nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Để du lịch có bước phát triển mới mang tính đột phá, cần các giải pháp và chính sách đặc thù, phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, mũi nhọn, từng bước xây dựng thương hiệu du lịch Hòa Bình.
Bài 1 - Đánh thức tiềm năng, phát triển ngành "công nghiệp không khói”
(HBĐT) - Với vị trí thuận lợi, phong cảnh tươi đẹp, hùng vĩ và bản sắc văn hóa độc đáo, Hòa Bình có nhiều tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành các nghị quyết, đề án, kế hoạch... để khai thác tiềm năng, phát triển du lịch, đưa ngành "công nghiệp không khói” trở thành ngành kinh tế quan trọng, mũi nhọn.
(HBĐT) - Hiện, toàn tỉnh có 459.063 ha đất tự nhiên, trong đó, 298.013 ha đất quy hoạch cho lâm nghiệp (chiếm 64,66%). Diện tích đất quy hoạch rừng sản xuất là 149.492 ha (chiếm 51,7% tổng diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp). Sản xuất lâm nghiệp góp phần xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm, thu nhập cho dân cư nông thôn. Bên cạnh giá trị kinh tế, sản xuất lâm nghiệp còn có vai trò đảm bảo độ che phủ rừng (trên 50%), duy trì nguồn nước, chống xói mòn, cân bằng môi trường sinh thái, thúc đẩy ngành du lịch phát triển và đảm bảo AN-QP.
(HBĐT) - Gắn phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau" với phong trào thi đua "Cả nước chung tay xây dựng NTM"; thực hiện đầy đủ các chính sách ưu đãi về tín dụng, y tế, giáo dục, đầu tư hạ tầng; phát huy tối đa mọi nguồn lực trong xã hội, lồng ghép các chương trình, dự án giúp hộ nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập và vươn lên khá giả... Bằng quyết tâm, nỗ lực, tỉnh ta đã đạt được dấu ấn nổi bật trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững (GNBV).