Huyện Lạc Sơn: Nhiều kẻ đầu cơ “ôm” đất trái phép để trục lợi
Thứ năm, 1/4/2021 | 9:51:51 Sáng
(HBĐT) - Khi thông tin về việc Tập đoàn Sun Group xin chủ trương khảo sát lập dự án đầu tư khu du lịch nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp tại khu vực Đồi Thung, xã Quý Hòa (Lạc Sơn), ngay lập tức việc mua bán đất trái phép tại khu vực này bất ngờ lên cơn sốt. Nhiều kẻ mang danh nghĩa "nhà đầu tư” nhảy vào lừa phỉnh người dân để "ôm” hàng chục, thậm chí hàng trăm ha đất tại những vị trí để chờ trục lợi khi Sun Group triển khai dự án tại đây.
Chi bộ, Ban quản lý xóm Thung 1, xã Quý Hòa (Lạc Sơn) họp bàn triển khai công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật đất đai cho Nhân dân, không thực hiện chuyển nhượng, mua bán trái phép.
Từ những lá đơn kêu cứu
Đồng chí Bùi Văn Dát, Chủ tịch UBND xã Quý Hòa cho biết: Vừa qua, UBND xã nhận được đơn đề nghị của người dân các xóm: Thung 1, Thung 2 trình báo về việc bị một số người đến mua đất sau khi mang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) đi không thấy quay trở lại.
Như đơn của ông Bùi Văn T., trú tại xóm Thung 2 trình bày: Ngày 3/6/2020 có anh tự giới thiệu tên là Phạm Tuấn Khang (SN 1975), địa chỉ ở Tiên Lữ (Hưng Yên), số chứng minh nhân dân (CMND) 145017218, do Công an tỉnh Hưng Yên cấp đến hỏi mua đất ruộng của gia đình. Tôi đã ký hợp đồng bán 595 m2 đất nông nghiệp tại khu vực Nà Đồi được Nhà nước cấp năm 1997. Sau khi thỏa thuận mua bán đất, tôi chưa hề nhận tiền của anh Khang. Sau khi ký vào hợp đồng mua bán và một số tờ giấy lưu không, anh Khang mượn giấy CNQSDĐ của tôi nói là để làm giấy tờ, hẹn 20 ngày sau quay lại đưa tiền. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay không thấy anh Khang quay lại trả giấy tờ đất. Hay đơn của anh Bùi Văn L., xóm Thung 1 nêu: Do không hiểu biết quy định của pháp luật nên vào tháng 6/2020 đã bán cho ông Khang 6.000 m2 đất lâm nghiệp, với số tiền 55 triệu đồng. Sau 3 lần chi trả mới nhận được 42 triệu đồng. Số tiền còn lại ông Khang hẹn 1 tuần sau sẽ trả đủ. Tuy vậy, đến nay, ông Khang vẫn chưa trả nốt số tiền còn lại. Ngoài số tiền chưa trả, ông Khang còn cầm giấy CNQSDĐ của gia đình tôi từ tháng 6/2020 đến nay. Khi làm thủ tục mua bán, ông Khang đã đưa chúng tôi ký vào các văn bản hợp đồng có trước và các tờ giấy trắng lưu không. Do ông Khang nhiều lần hứa hẹn sẽ thanh toán nốt tiền mua đất nhưng không thực hiện nên đã yêu cầu ông Khang trả lại giấy CNQSDĐ, tiền đặt cọc mua đất, nhưng ông Khang không đồng ý và dọa sẽ phạt gấp 20 lần số tiền đã nhận vì tôi phá hợp đồng mua bán đất...
Nhà đầu tư... mất tích
Trao đổi xung quanh vấn đề này, đồng chí Bùi Văn Dát cho biết thêm: Sau khi nhận đơn của người dân, UBND xã đã thành lập tổ công tác để rà soát, nắm bắt tình hình. Qua nắm bắt thấy có nhiều hộ cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Sự việc này xã đã báo cáo UBND huyện để xin ý kiến giải quyết. Đồng thời, cử cán bộ đến tuyên truyền cho người dân về các quy định pháp luật, chính sách đất đai của Nhà nước. Đến nay, người dân đã hiểu và không để các đối tượng lợi dụng thực hiện việc mua bán đất trái phép.
Quá trình giải quyết kiến nghị của người dân, địa phương đã nhiều lần có công văn gửi ông Phạm Tuấn Khang theo địa chỉ trụ sở công ty đăng ký với cơ quan chức năng tại tầng 29, tòa nhà Ngọc Khánh Plaza, số 1, Phạm Huy Thông, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình (Hà Nội) đều bị trả lại vì... không đúng địa chỉ; liên lạc qua điện thoại ban đầu còn nghe máy, sau đó không nghe nữa. Theo số máy của người dân cung cấp, phóng viên cũng đã gọi điện liên lạc với ông Phạm Tuấn Khang đặt lịch làm việc. Dù có được cái hẹn, nhưng sau nhiều ngày chờ đợi, chúng tôi vẫn chưa thể làm việc được với người này. Nhiều lần gọi lại cũng không liên lạc được.
Theo báo cáo mới nhất của UBND xã Quý Hòa về tình hình chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng đất tại các xóm Thung 1, Thung 2 liên quan đến Công ty CP tập đoàn đầu tư Gia Khang, do ông Phạm Tuấn Khang làm Chủ tịch HĐQT và một số cá nhân có liên quan, tổng diện tích đất ông Phạm Tuấn Khang đã thực hiện giao dịch mua bán với 16 hộ dân tại 2 xóm Thung 1, Thung 2 khoảng hơn 50 ha. Tất cả các trường hợp này đều được ông Khang đưa đi ký văn bản hợp đồng giao dịch ở văn phòng công chứng tại TP Hòa Bình. Tại đây, đại diện các hộ dân được ông Khang cho ký và điểm chỉ vào 6 tờ giấy lưu không. Hiện, các hộ dân đều đưa giấy CNQSDĐ cho ông Khang giữ. "Đáng nói là trong giấy CNQSDĐ của các hộ đều thể hiện nhiều diện tích đất ở các khu vực khác nhau, chứ không riêng diện tích mà các hộ và ông Phạm Tuấn Khang đã chuyển nhượng mua bán. Vừa qua, chúng tôi được biết về hồ sơ đề nghị xin chủ trương khảo sát, lập quy hoạch đầu tư khu đô thị Cổng trời Việt Nam tại xóm Thung 1, Thung 2, Công ty CP tập đoàn đầu tư Gia Khang nêu hiện đang quản lý khoảng... 200 ha đất tại khu vực Đồi Thung. Điều này đã gây bức xúc trong Nhân dân” - đồng chí Bùi Văn Dát chia sẻ thêm.
Ngoài các trường hợp giao dịch mua bán với ông Phạm Tuấn Khang, quá trình rà soát, tổ công tác của UBND xã Quý Hòa ghi nhận có 3 trường hợp thực hiện giao dịch mua bán đất rừng với ông Nguyễn Huy Bổng, địa chỉ tại thị trấn Vụ Bản (Lạc Sơn), với tổng diện tích hơn 7 ha; 22 hộ chuyển nhượng khoảng 20 ha đất các loại, trong đó, gần 1 ha đất trồng lúa cho ông Quách Trung Kiên, là người nơi khác đến nhưng đã nhập khẩu, đăng ký thường trú tại xóm Thung 2; 1 hộ chuyển nhượng đất vườn cho ông Nguyễn Văn Chính, địa chỉ tại huyện Kim Bôi với diện tích 3.000 m2; 6 hộ chuyển nhượng hơn 21 ha đất các loại, trong đó có 3.500 m2 đất lúa cho bà Nguyễn Thị Hồng, địa chỉ tại TP Hòa Bình. "Chúng tôi xác định đây là các trường hợp "ôm” đất trái phép nhằm mục đích trục lợi, gây khó khăn cho công tác đền bù, GPMB khi có nhà đầu tư triển khai dự án tại Đồi Thung” - đồng chí Quách Khắc Dương, Trưởng phòng TN&MT huyện Lạc Sơn nhấn mạnh.
Kiên quyết xử lý các trường hợp chuyển nhượng đất trái phép
Trước thực trạng trên, đồng chí Bùi Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Sơn cho biết: UBND huyện đã có nhiều văn bản chỉ đạo các phòng, ngành chức năng và chính quyền địa phương triển khai thực hiện các biện pháp ngăn chặn, với quan điểm nhất quán là kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về quản lý đất đai, mua bán, chuyển nhượng đất trái phép.
Vừa qua, Văn phòng UBND tỉnh có công văn gửi UBND huyện Lạc Sơn xem xét, giải quyết đề nghị của Công ty CP tập đoàn đầu tư Gia Khang về việc xin chủ trương khảo sát, lập quy hoạch đầu tư khu đô thị Cổng trời Việt Nam tại xóm Thung 1, Thung 2, xã Quý Hòa. Tuy nhiên, trước vấn đề này, UBND huyện đã có văn bản trả lời một cách thẳng thắn: Hiện nay, trên địa bàn khu vực Đồi Thung, xã Quý Hòa, Công ty CP Sun Group đã được Tỉnh ủy đồng ý chủ trương cho phép phối hợp các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện Lạc Sơn nghiên cứu lập quy hoạch xây dựng chi tiết tỷ lệ 1/500, đề xuất thực hiện các dự án tại xã Quý Hòa (Lạc Sơn) và xã Cuối Hạ (Kim Bôi); UBND tỉnh có Văn bản số 2282/UBND-PCNXD, ngày 25/12/2020 và Văn bản số 71/UBND-NNTN về chủ trương cho Tập đoàn Sun Group nghiên cứu, khảo sát, lập quy hoạch chi tiết 1/500 và lập đề xuất dự án quần thể du lịch văn hóa, dịch vụ nghỉ dưỡng tại khu vực đồi Thung. Ngoài 2 văn bản nêu trên, UBND huyện Lạc Sơn chưa nhận được văn bản nào của UBND tỉnh đồng ý cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện các nội dung đầu tư trên địa bàn đồi Thung. Việc Công ty CP tập đoàn đầu tư Gia Khang tự thực hiện thỏa thuận với các hộ dân Đồi Thung, theo hình thức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép là vi phạm quy định của Luật Đất đai, Luật Đầu tư. Nội dung này, các cơ quan chức năng của huyện và UBND xã Quý Hòa kiểm tra, xác minh, đề xuất xử lý vi phạm theo quy định.
Trước sự việc này, đồng chí Nguyễn Ngọc Điệp, Bí thư Huyện ủy Lạc Sơn nhấn mạnh: Về phía huyện ủng hộ chủ trương thu hút các nhà đầu tư có năng lực, nguyện vọng đầu tư thực hiện dự án trên địa bàn nhằm tạo việc làm, thu nhập cho Nhân dân, góp phần phát triển KT-XH địa phương. Còn đối với các tổ chức, cá nhân lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để mua bán đất trái pháp luật nhằm đầu cơ, trục lợi, huyện sẽ kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật, không để ảnh hưởng đến chủ trương thu hút đầu tư của huyện.
(HBĐT) - Lạc Sơn là huyện có nhiều địa bàn đặc biệt khó khăn (ĐBKK), tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cũng cao hàng đầu so với các địa phương trong tỉnh. Nhưng với quyết tâm chính trị cao và các nhóm giải pháp phù hợp, huyện đang từng bước vượt khó vươn lên để đạt nhiều thành quả tốt đẹp trong phát triển KT-XH.
(HBĐT) - Mấy năm gần đây, giới trẻ và những người thích "xê dịch” luôn tìm đến những điểm du lịch có cảnh đẹp còn hoang sơ để "sống ảo”. Họ muốn đến nơi hoang dã để quên đi những bận rộn, xô bồ, lo toan của cuộc sống thực tại. Và Tà Xùa (huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La) là một nơi như vậy.
(HBĐT) - Như chưa bao giờ lỗi hẹn với mùa xuân, vào những ngày giáp Tết Nguyên đán, nước sông Bôi lại xanh biếc, đẹp đến nao lòng. Từ trên cao nhìn xuống, dòng sông Bôi mang màu xanh bất tận tuôn dài sóng nước tuyệt mỹ của mình để tạo thành một chiếc khăn lụa đặc biệt. Trước khi đổ ra biển lớn, sông Bôi lặng lẽ đi qua những vùng đất đẹp tươi, trong đó có huyện Lạc Thủy - nơi sông Bôi lắng lại dịu dàng, gọi mùa xuân đến sớm.
(HBĐT) - Buổi sáng ban mai trong lành, ngồi nhâm nhi tách trà, ly cà phê nóng, nhìn cây cỏ, hoa rừng thưởng thức tiếng chim hót líu lo, thánh thót thì thanh nhã, đẳng cấp nào bằng. Chẳng thế thú chơi chim, dưỡng chim giờ đã phát triển thành phong trào, ngày càng thu hút đông đảo mọi lứa tuổi tham gia, không kể giàu nghèo, bất kỳ những ai yêu thích chim đều khảo sát, tìm cho mình một loài chim làm bạn để trao gửi thương yêu, chăm chút. Có người mê tiếng hót du dương của họa mi, giọng luyến láy của khướu, có người lại yêu vẻ đẹp của những chú chích chòe lửa...
(HBĐT) - Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thành công tốt đẹp với việc hoàn thành các nội dung, chương trình đề ra. Trong những ngày diễn ra đại hội, cùng với các đoàn đại biểu dự đại hội, đoàn đại biểu tỉnh ta đã phát huy dân chủ, trách nhiệm, trí tuệ, thẳng thắn đóng góp ý kiến trên tinh thần xây dựng, góp phần vào thành công của đại hội.
(HBĐT) - Ngày 10/1/2021, trong ngày phát lệnh khởi công dự án Nhà máy Thủy điện (NMTĐ) Hòa Bình mở rộng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Những công trình thủy điện trên dòng sông Đà là biểu tượng của sự nghiệp CNH-HĐH của đất nước.