(HBĐT) - Quyết định số 830/NQ-UBTVQH, ngày 17/12/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Hòa Bình (quyết định có hiệu lực từ ngày 1/1/2020). Theo đó, sáp nhập toàn bộ diện tích và dân số của xã Tân Dân với toàn bộ 23 km2 và 840 người thuộc 5 xóm: Đoi, Nà Bó, Khoang, Nánh, Thầm Nhân của xã Tân Mai vừa giải thể thành xã Tân Thành (Mai Châu). Sau hơn 1 năm vận hành, xã mới Tân Thành đã nảy sinh những bất cập cần quan tâm…


Cán bộ xã Tân Thành (Mai Châu) phân công nhau nấu cơm trưa.

Thực trạng

 Xã Tân Thành hiện có diện tích 66,76 km2, dân số 3.363 người. Nếu chỉ căn cứ diện tích và dân số thì có lẽ chúng ta thấy ngay một điều "xã rộng, người thưa”. Nhưng điều đáng nói ở đây lại là chiều dài của con đường bộ dẫn từ đầu xã đến cuối xã, con đường Nhân dân và cán bộ đi lại hàng ngày, con đường bộ độc đạo dài 42km. Trụ UBND xã Tân Thành là trụ sở UBND xã Tân Dân cũ. Như vậy, theo hồ Hòa Bình thì toàn bộ bờ trái thuộc địa phận huyện Mai Châu từ xóm Nánh Nhân (xóm đầu) kéo đến Quang Minh và Chiềng Yên của huyện Vân Hồ - Sơn La chỉ là một xã Tân Thành hiện nay.

Sau sáp nhập, xã Tân Thành hiện còn 32 cán bộ diện công chức, 17 cán bộ bán chuyên trách chủ yếu là các phó trưởng ngành. Công chức xã hưởng lương theo ngạch bậc, cán bộ bán chuyên trách chỉ hưởng phụ cấp 1,0 là 1.490.000 đồng/tháng. Ông Lý Văn Hồng, cán bộ Văn phòng UBND xã, nhà ở xóm Nánh Nhân, cách trụ sở 27km. Hàng ngày, ông phải dậy sớm, hấp tấp ăn sáng để 6h đi xe máy tới nơi làm việc. Ông Hà Minh Thủy, sinh năm 1966, nguyên là Trưởng ban Công an xã Tân Mai, diện công chức. Khi lực lượng Công an chính quy về xã, ông Thủy chuyển sang làm cán bộ Tư pháp. Nhà ông Thủy ở xóm Suối Lốn (nay thuộc xã Xuân Thủy), cách trụ sở UBND xã Tân Thành gần 50 km. Hàng ngày, ông phải vượt chặng đường gần 100km (sáng đi, chiều về) đến trụ sở UBND xã Tân Thành làm việc. Không những thế, ông còn phải dùng cả hai loại phương tiện thủy, bộ để đi lại. Bà Hà Thị Hải, nhà ở Phúc Sạn, xã Sơn Thủy cách trụ sở UBND xã 39km, rất muốn ở lại nhưng không có chỗ nghỉ. Những ngày vì lý do thời tiết khó về, bà Hải chỉ còn biết tá túc nhờ bạn là giáo viên gần đó. Và tôi cũng đã gặp rất nhiều cán bộ xã Tân Thành, đó là ông Đinh Hải Thảo, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, nhà ở xóm Diềm 2, cách trụ sở 10 km; ông Bàn Văn Lợi, nhà ở Nà Bó, cánh trụ sở 24km… họ đều mở lòng chia sẻ về những khó khăn hiện nay. 

Với đặc thù địa bàn dài dằng dặc của xã nên gần như toàn bộ số cán bộ, công chức và cán bộ bán chuyên trách phải ở tại trụ sở UBND xã thông tầm (sáng đi, tối về). Buổi trưa xúm lại cùng nấu cơm ăn qua bữa rồi tranh thủ ngủ ngồi nơi làm việc. Bà Đinh Thị Hoa, sinh 1966, ông Đinh Hải Thảo, sinh 1961 có cùng tâm tư: Chúng tôi sắp nghỉ hưu nên có vất vả cũng chỉ còn thời gian ngắn thôi, chỉ thương lớp trẻ không biết có cách nào, khi nào mới giải quyết được tình trạng đi lại và ăn ở như này.

Là người được cho là ở gần thì ông Đinh Văn Kiệm, Chủ tịch UBND xã cũng cách trụ sở 13km, buổi trưa cũng ăn nghỉ tại trụ sở như mọi người. Ông Kiệm cho biết: Cái khó đầu tiên của việc sáp nhập xã là giải quyết biên chế dư dôi, sắp xếp lại công việc. Người sắp đến tuổi nghỉ hưu thì còn dễ chứ trường hợp khác rất khó. Ví như khi lực lượng Công an chính quy về xã thì Trưởng Công an xã đang là công chức phải điều chuyển. Xã Tân Thành, 2 đồng chí Trưởng Công an xã phải chuyển sang công tác Tư pháp làm cho bộ phận Tư pháp thừa ra 3 người (3/5) do biên chế chỉ được 2 người; Văn phòng UBND thừa 6 người (3/9); Địa chính thừa 2 người (2/4)… Việc này, chúng tôi chỉ biết chờ cách sắp xếp, điều động hay giải quyết chính sách của cấp trên.

Qua tinh giản biên chế, cán bộ giảm, địa bàn rộng, đi lại quá khó khăn, khối lượng công việc tăng kèm theo áp lực tăng là điều quá rõ. Còn về trụ sở, 2 xã nhập 1, tiếng là thừa ra một trụ sở, nhưng thực chất là sẽ thừa cả hai, vì trụ sở hiện tại (của một xã) không ở vị trí trung tâm của xã mới, trước sau rồi cũng phải xây trụ sở mới cho phù hợp. Hàng ngày, cán bộ đến trụ sở làm việc đã vậy nhưng người dân có việc cần đến UBND xã còn vất vả hơn. Ví như bà con xóm Ban thì phải đi đường bộ ra hồ rồi mới tìm thuyền đến xã. Cán bộ xã xuống với dân cũng khó khăn không kém. Ban ngày, bà con phải lên nương, tối về mệt mỏi, cơm nước xong đã muộn thì muốn nghỉ lấy sức ngày mai lại lên đồi. Có việc cần họp dân giờ rất khó.

Giải quyết tình thế

Thứ nhất, là việc ăn, nghỉ trưa của cán bộ. Xã đã dành diện tích hợp lý thành lập bếp ăn tập thể rồi cho một gia đình gần đó thuê địa điểm nấu ăn phục vụ cán bộ xã. Mọi chi phí tính vào suất ăn hoặc do người ăn báo theo nhu cầu. Còn chỗ nghỉ trưa, trước mắt mỗi phòng làm việc bố trí một chiếc giường nhỏ (1,2m) để có thể thay nhau người nằm giường, người ngồi ghế mà nghỉ.

Thứ hai, là điều chỉnh ngày làm việc cho cán bộ bán chuyên trách từ 4 ngày/tuần xuống 2 ngày/tuần để anh em đỡ phải đi lại.

Thứ ba, là tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân theo hai cách, một là, người dân có thể đến UBND xã vào buổi trưa, cán bộ xã ở lại sẵn sàng giải quyết công việc cho bà con; hai là những việc người dân cần nhưng không nhất thiết phải trực tiếp đến công sở xã thì tập trung lại cho cán bộ xã ở tại xóm đó mang lên xã làm giúp rồi cầm về cho bà con.

Chủ tịch UBND xã Đinh Văn Kiệm mong muốn cấp trên quan tâm để xã có nơi nghỉ trưa cho cán bộ; có nơi nghỉ lại cho những cán bộ quá xa có nhu cầu ở lại; cấp tiền đi đường thường xuyên cho cán bộ xã (nay chỉ khi đi họp huyện, tỉnh mới có); tăng phụ cấp cho lực lượng bán chuyên trách và xây dựng bếp ăn tập thể tại UBND xã…

Vĩ thanh

Việc thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính là một chủ chương lớn của Đảng, Nhà nước, trong đó có tỉnh Hòa Bình. Những thành tựu nổi bật của tỉnh trong nhiệm kỳ 2015 – 2020 đánh giá: "Thực hiện tốt việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện trên địa bàn tỉnh: Toàn tỉnh giảm 1 đơn vị hành chính cấp huyện; giảm 59 trong tổng số 210, bằng 28,1% đơn vị hành chính cấp xã (đứng đầu cả nước về tỷ lệ giảm đơn vị hành chính cấp xã); giảm 248 đơn vị sự nghiệp công lập, 576 thôn, xóm, tổ dân phố, 2.304 người hoạt động không chuyên trách và 2.880 tổ chức đoàn thể ở thôn, xóm, tổ dân phố… Từ đó giảm số chi thường xuyên tính đến 2020 là 170, 410 tỷ đồng”. Thiết nghĩ, bên cạnh cái được rất lớn như nêu trên, không thể tránh khỏi những khó khăn nảy sinh. Rất mong các cấp có thẩm quyền kịp thời nắm bắt và có biện pháp khắc phục, nhằm mang lại sự hợp lý tại các địa phương được sáp nhập của tỉnh Hòa Bình.

Lê Va 
(Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh)

Các tin khác


Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục