(HBĐT) - Trải qua hàng chục nghìn năm xây dựng, nền "Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng với kho tàng di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đồ sộ mà ít nền văn hóa nào có thể sánh bì. Nhân dân các dân tộc trong tỉnh tự hào là miền đất sử thi với những áng mo Mường mang khúc thức và ngôn ngữ cổ như tìm về thuở hồng hoang, với âm vang tiếng cồng, tiếng chiêng, những lễ hội giàu bản sắc, vốn văn nghệ dân gian phong phú và những làn điệu dân ca, dân vũ ngọt ngào.
Để các di sản văn hóa được lưu truyền không thể không nhắc đến họ - những nghệ nhân vẫn âm thầm, bền bỉ gìn giữ vốn quý mà tổ tiên, ông bà để lại, nỗ lực bảo tồn giá trị di sản và trao truyền cho con cháu.
Trong ngôi nhà sàn cũ kỹ và có phần đơn sơ, nghệ nhân Bùi Tiến Xô ở xóm 168, xã Vĩnh Tiến (Kim Bôi) dành không gian đặc biệt, trang trọng nhất để trưng bày khối gia tài đồ sộ của mình với 55 chiếc chiêng Mường, trong đó có 18 chiêng cổ, 28 chiêng kim, còn lại là chiêng thâu. Không chỉ sưu tầm giữ chiêng, giữ nhà sàn, ông còn là một trong những nghệ nhân am hiểu thâm sâu những làn điệu chiêng Mường, nghệ thuật trình diễn dân gian. Theo những gì anh Bùi Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Tiến chia sẻ thì nghệ nhân Bùi Tiến Xô yêu chiêng, giữ chiêng như máu thịt. Vì quý chiêng, giữ chiêng nên mấy chục năm nay, bao nhiêu công sức, tiền của đều được ông đổ dồn vào việc sắm chiêng. Ngoài "kho báu” chiêng Mường, ông gần như không sắm sửa được vật dụng gì tiện nghi, đáng giá trong nhà. Tình yêu của ông đối với chiêng Mường còn lan tỏa khắp cộng đồng. Những ngày địa phương, khu dân cư tổ chức hoạt động văn hóa, lễ hội, ông sẵn lòng cho mượn cả bộ chiêng và là người tham gia tích cực nhất. Bằng vốn kiến thức của mình, ông đã truyền dạy cho hàng trăm người khắp làng trên, xóm dưới, các xã của vùng Mường Động biết và yêu mến làn điệu chiêng. Nhiều học trò của ông là học sinh ở các nhà trường, đại diện cho lớp trẻ.
Bên cạnh di sản văn hóa chiêng Mường và nghệ thuật chiêng Mường, 4 vùng Mường: Bi, Vang, Thàng, Động còn được biết đến là miền đất của những áng mo. Các ông: Bùi Văn Lựng - xã Phong Phú, Đinh Công Tỉnh, Bùi Văn Hung - xã Mỹ Hòa (Tân Lạc), Bùi Văn Minh - xã Văn Sơn (Lạc Sơn)… là những người nghệ nhân đang kế tục, trau dồi, thực hành, truyền dạy mo Mường cho các thế hệ. Đồng chí Đinh Sơn Tùng, Trưởng Phòng VH-TT huyện Tân Lạc cho biết: Mo rất sâu sắc, có tính khoa học, toàn diện, tổng quan. Những áng mo Mường có nội dung gắn liền với đời sống tâm linh, thể hiện quan niệm về nhân sinh quan, thế giới quan. Đặc biệt, áng mo Mường vẫn có thể ứng nghiệm trong cuộc sống xã hội hôm nay, có tính "gạn đục, khơi trong”, tiếp cận văn hóa, văn minh và mang giá trị nhân văn, giáo dục truyền thống. Đơn cử trong bài mo dặn dò con cháu, lời thầy mo thay người đã khuất từ biệt, căn dặn kỹ người thân trong gia đình thực hiện nếp ăn, nếp ở, ứng xử văn minh giữa người với người, với cộng đồng làng xóm; với bài mo Tết thể hiện tấm lòng tạ ơn của con cháu với tổ tiên khi kết thúc năm cũ, bước sang năm mới; bằng mâm cơm cúng mời tổ tiên về dự để báo cáo, cầu mong việc này, việc kia được như ý nguyện. Trong nhiều ông mo giỏi của huyện có ông Bùi Văn Lựng, xã Phong Phú là một trong số ít nghệ nhân từng được tham gia diễn xướng mo Mường ở nước ngoài.
Vùng Mường Hòa Bình cũng là nơi sản sinh ra những làn điệu dân ca, dân vũ, thường đang, bộ mẹng có sức lan tỏa, làm phong phú và phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân. Trên địa bàn có những nghệ nhân hát dân ca Mường nổi tiếng, sưu tầm và lưu giữ nhiều tri thức về ngôn ngữ Mường như các bà: Quách Thị Lon, xã Ân Nghĩa (Lạc Sơn); Đinh Thị Thảo, phường Kỳ Sơn (TP Hòa Bình)…
Có thực tế là cùng với dòng chảy thời gian, cơ chế thị trường, xu thế công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã tác động đến đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Các di sản đang đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền, nhất là đối với di sản mo Mường. Năm 2001, khi tỉnh tổ chức khôi phục lễ hội Khai hạ Mường Bi (Tân Lạc), lượng chiêng ở các địa phương qua kiểm kê và huy động thực hành tại lễ hội còn hạn chế. Năm 2016, UBND tỉnh tổ chức buổi gặp mặt, qua đó, số lượng thầy mo được thống kê trên 200 thầy. Tuy nhiên, sau khi tiến hành kiểm kê lại, số lượng các thầy mo giảm còn 190 thầy, chủ yếu do các các thầy đã mất vì tuổi cao, ít có sự trao truyền. Đây cũng là vấn đề đặt ra cấp bách bảo tồn giá trị di sản mo Mường.
Đồng chí Bùi Thị Niềm, Giám đốc Sở VH-TT&DL nhận định: Giá trị của các di sản văn hóa nằm trong tay các nghệ nhân, nói cách khác, họ chính là người nắm giữ, là "kho tư liệu sống” mo Mường, nghệ thuật chiêng Mường, hát dân ca. Việc quan tâm, kịp thời động viên lớp nghệ nhân này cùng các giải pháp về tuyên truyền, quảng bá, sưu tầm, nghiên cứu, tìm kiếm người tiếp nối… sẽ xóa nguy cơ các di sản mai một, thất truyền. Năm 2018, UBND tỉnh phê duyệt và ban hành đề án "Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể tiêu biểu dân tộc Mường, giai đoạn 2018-2030”; đề án "Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa mo Mường Hòa Bình, giai đoạn 2019-2025 và những năm tiếp theo”. Đây cũng là năm dấu mốc lịch sử khi tỉnh xây dựng được bộ chữ viết dân tộc Mường, có ý nghĩa quan trọng trong việc ghi lại các áng mo. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra nhiệm vụ: "Huy động các nguồn lực để bảo tồn, tôn tạo và phát huy bản sắc văn hóa miền núi đặc sắc của các dân tộc thiếu số trong tỉnh gắn với phát triển du lịch, trình tổ chức UNESCO hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể mo Mường ghi danh tại danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp”. Các ngành chức năng thực hiện sưu tầm, thống kê đầy đủ các giá trị di sản mo Mường, biên soạn từ điển mo Mường, tư liệu hóa, số hóa di sản văn hóa mo Mường làm cơ sở để lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể mo Mường Hòa Bình trình Thủ tướng Chính phủ cho phép đệ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Bùi Minh