(HBĐT) - Vào những năm 80 của thế kỷ trước, hình ảnh những chuyên gia Liên Xô rất gần gũi với người dân thị xã Hòa Bình. Trên công trường, họ là những "ông Tây” đội mũ nhựa trắng, áo bảo hộ, tay cầm đèn lò lăn lộn khắp các điểm nóng của công trình. Vào buổi chiều hay ngày nghỉ, tại chợ Vồ, chợ Tổng, chợ Phương Lâm…, các "bà Liên Xô” cởi mở, thân thiện cùng những đứa trẻ xinh xắn lượn chợ ngắm nghía mua đồ, hoa quả, xì xồ trả giá. Các bà, các chị bán hàng ở chợ nói tiếng Nga như gió… Nhưng theo thời gian, những hình ảnh của họ còn đọng được bao nhiêu trong ký ức người dân Hòa Bình!


Một du khách người Nga từng là chuyên gia trên công trường Thủy điện Hòa Bình cùng con gái và cháu gái trở lại thăm Làng Nga và nhà máy thủy điện Hoà Bình.

Chuyên gia Liên xô, những người thầy mang tinh thần Quốc tế Cộng sản

Con sông Đà nổi tiếng với hàng trăm ghềnh thác hung dữ bắt nguồn từ Trung Quốc, chảy dọc miền Tây Bắc Việt Nam trên chiều dài 543 km. Nhưng con sông bất trị cũng có tiềm năng kinh tế lớn. Riêng trữ năng của dòng chính trên 30 tỷ kWh, chiếm một phần ba trữ năng kinh tế thủy điện cả nước.

Ước mơ trị thủy dòng sông hung dữ phục vụ đời sống con người đã có từ thời xa xưa qua truyền thuyết Ông Đùng, Bà Đùng nắn sông, dời núi. Thời Pháp thuộc, họ gọi sông Đà là Sông Đen. Để phục vụ cho mục đích khai thác thuộc địa, các kỹ sư người Pháp đã tiến hành thăm dò, khảo sát cho các dự án táo bạo về năng lượng và mở mang tuyến đường thủy nối Hà Nội tới các tỉnh vùng Tây Bắc giàu có tài nguyên nhưng đã thất bại do thiếu công nghệ và nguồn lực. Trước khi người Liên Xô bắt tay vào việc trị thủy sông Đà, các chuyên gia Trung Quốc cũng đã thử khoan thăm dò và lắc đầu bó tay "Không thể làm được đập thủy điện trên sông Đà". Đến thời đại Hồ Chí Minh, sau khi nước nhà thống nhất, những chàng trai, cô gái hậu duệ của Sơn Tinh với tinh thần "không có việc gì khó” đã chinh phục thành công con sông Đà hung dữ, biến "con Sông Đen” thành "Dòng sông Ánh sáng”.

Sáng 6/11/1979, sau tiếng mìn nổ rung đồi Ông Tượng, với sự giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô, công trình xây dựng thủy điện Hòa Bình trên sông Đà chính thức được khởi công. Cuối năm 1988, tổ máy đầu tiên phát điện. Bảy tổ máy còn lại lần lượt hoạt động 6 năm sau đó. Năm 1994, Công trình thủy điện lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á trong thế kỷ XX hoàn thành. Trong quãng thời gian 15 năm đằng đẵng, hàng trăm lượt kỹ sư, chuyên gia Liên Xô đã không tiếc mồ hôi công sức và cả tính mạng để cùng hàng vạn công nhân trai tài, gái sắc Việt Nam lăn lộn ngày đêm chung sức xây dựng công trình.

Theo một số chuyên gia Việt Nam, vào thời điểm đó, mọi tinh túy của ngành thủy điện của Liên Xô cùng toàn bộ vật tư, thiết bị, phương tiện máy móc thi công bạn đều đưa sang giúp chúng ta xây dựng Thủy điện Hòa Bình một cách vô tư, không đòi hỏi điều kiện. Cho đến nay, cũng chưa có số liệu chính thức về ngân sách đầu tư cho công trình thủy điện mà chủ yếu là do Liên Xô viện trợ trị giá bao nhiêu. Còn những chuyên gia Liên Xô trực tiếp sang giúp Việt Nam thì với tinh thần Quốc tế Cộng sản, luôn coi việc xây dựng Thủy điện Hòa Bình giống như kiến tạo một công trình tối quan trọng cho đất nước mình ở chính xứ sở Bạch Dương.

Đại công trường thủy điện Hòa Bình đã đào tạo cho đất nước một đội ngũ quản lý, thiết kế, kỹ sư xây dựng đến những công nhân lành nghề. Thế hệ đó giờ đã trở thành những tinh hoa trong lĩnh vực xây dựng thủy điện. Thời đó, họ chỉ tâm niệm: đi xây dựng công trình thế kỷ với niềm tin chưa biết thì chuyên gia Liên Xô sẽ dạy, rồi sẽ làm được. Hàng vạn thanh niên mới học xong phổ thông, được "ném" vào "lò” đào tạo ấy đã trở thành công nhân đào hầm, nổ mìn phá đá, khoan lộ thiên, khoan hầm, đổ bê tông, cơ khí, lắp máy, lái những cỗ xe lu, Belar, máy cẩu, máy xúc khổng lồ. Lớp kỹ sư mới ra trường có nơi thực hành, biết xử lý màn chống thấm. Đội ngũ ấy sau này tiếp tục xây dựng đường dây 500 kV Bắc Nam, Thủy điện Yali, Sơn La, Lai Châu, hầm đèo Hải Vân... Người Hòa Bình luôn tự hào vì sự hy sinh, đóng góp cho công trình thế kỷ. Đến ngày nay, Thủy Điện Hòa Bình đã đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách, lòng hồ Hòa Bình là điểm thăm quan du lịch văn hóa tâm linh nổi tiếng.

Núi Shaxa và những ký ức về những người bạn chí thiết, chân tình

Ở Hòa Bình, ai cũng biết có một dãy núi thuộc xã Độc Lập, là đoạn cuối kéo dài của dãy Trường Sơn. Trên dãy núi có một chỏm núi khác lạ in bóng xuống đầm Quỳnh Lâm và dòng sông Đà. Nếu ở bất kỳ điểm nào bờ trái đều nhìn rất rõ. Chòm núi như hình mặt người nằm ngửa lên trời, chân duỗi thẳng theo hướng dòng sông. Vào những ngày đẹp trời, dáng núi càng giống một người nằm nghỉ sau một ngày lao động vất vả. Ngày có mây mù, núi giống như người nằm xả khói thuốc lên trời, mà khói thuốc là những đám mây vướng vào đỉnh núi. Hồi còn nhỏ, tôi được nghe người già kể một câu chuyện hư thực. Rằng ở đó là nơi có kho báu. Vào những ngày trái trời, cầu vồng bảy sắc xuất hiện vắt từ chân núi ra bờ sông, sẽ có những đàn chim lớn bay từ trời chở châu báu về núi cất giữ. Chuyện về núi không chỉ có vậy, với tôi, ngọn núi này là nơi lưu giữ kỷ niệm với Shaxa Rupxốp - một người bạn Xô viết trong thời gian hơn 5 năm làm phiên dịch tại công trường. Hồi đó, sau khi tốt nghiệp Đại học ở Liên Xô, tôi được phân về làm phiên dịch ở Công ty Thủy Công và một số công ty khác của công trường thủy điện. Tôi đã cùng làm việc, được lăn lộn ngày đêm chui hầm, leo khối, được hít thở bụi khói trong tiếng máy, tiếng nổ mìn đinh tai với các bạn chuyên gia Liên Xô tại hầu hết các điểm nóng công trường. Họ là những chuyên gia giỏi được tuyển chọn từ hầu hết các nước cộng hòa thuộc CCCP. Đó là kỹ sư trưởng Búckhơman người gốc Do Thái hiền từ, có trí nhớ tuyệt vời, chỉ cần xem bản vẽ một lần là nhớ như in trong đầu. Là kỹ sư Anđơrây đẹp trai có bộ ria mép của người Côdắc vùng sông Kuban; là kỹ sư trắc địa Trycốpxki (người đã hy sinh tại công trình), là anh chàng Trinatde đếntừ Cộng hòa Grudia thuộc vùng núi Capcadơ hay nổi nóng, văng tục và cả những người đến từ Ucraina, Belarus, Mônđôva…Chúng tôi đã từng nhiều lần với họ liên hoan thịt cầy, chia nhau điếu thuốc, cùng gia đình họ ăn Tết Việt Nam, mừng kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga… Ngày tôi tổ chức đám cưới, họ đến dự rất đông, uống rượu nút lá chuối, tặng nhiều quà.

Trong số họ, tôi chơi thân nhất với Shaxa Rupxốp. Tình bạn ý hợp, tâm đầu của tôi và anh bắt đầu từ một kỷ niệm. Có lần, tôi được bạn gái đèo xe Cuốc đưa đi làm ca chiều. Rupxôp được phân làm cùng ca với tôi. Thấy bạn gái tôi có mái tóc rất đẹp và dày, dài chấm gót, Shaxa rất cảm tình với mái tóc đó. Sau khi chào hỏi làm quen, Shaxa bảo: "Thôi, hôm nay cho mày nghỉ đưa người yêu đi chơi. Công việc tao lo được”. Và chúng tôi quý nhau từ đó. Mỗi khi có dịp, chúng tôi lại cùng gia đình đến thăm nhau. Tôi nhớ mãi lần Shaxa Rupxốp mời tôi, anh Đinh Hòa kỹ sư đường hầm, anh Đức Thuận - giáo viên tiếng Nga sang nhà uống rượu nhân dịp vợ anh là Galia và con gái là Acxanhia từ quê Matxcơva sang. Galia chiêu đãi chúng tôi toàn món Nga, như: Dưa chuột muối, salat Nga, konbaxa, saxlưc nướng, mỡ muối, cá hun khói Astrakhan…. Vừa uống Vôtka, chúng tôi cùng nghe bài hát "Tiếng đàn Balalaika trên sông Đà”. Trong lúc vui vẻ, Galia kéo tôi ra ban công, chỉ tay lên ngọn núi bên kia sông, bảo: "Bình, bạn có thấy không? Đó là khuôn mặt Shaxa đang ngửa mặt lên trời nghỉ ngơi, hút thuốc sau ca chui hầm mệt nhọc đấy”. Từ đó, tôi và Shaxa quen gọi ngọn núi đó là núi Shaxa. Khi chia tay về nước, sau bữa tiệc rượu ngà ngà say, tại bờ sông công viên Tổng, Shaxa bồi hồi: "Mai tao về nước rồi, mày có nhớ tao thì hãy nhìn về đỉnh núi mặt người kia nhé. Tao vẫn nằm nghỉ, hút thuốc Belamor ở đó”…

Hiện nay, tại Thủy điện Hòa Bình có một số địa điểm ghi lại dấu ấn của những chuyên gia Liên Xô, đó là Đài Tưởng niệm, Nhà truyền thống, Bức thư Thế kỷ bằng hai ngôn ngữ Việt - Nga đặt trong khối bê tông mà phải 100 năm sau mới được đọc và Làng Nga một thời nổi tiếng. Tuy nhiên, ngoài Tượng đài Bác Hồ trên đồi Ông Tượng, đến nay, chưa có tác phẩm nghệ thuật, kiến trúc tương xứng với Công trình thế kỷ. Theo ước nguyện chung: Sẽ rất tuyệt vời, nếu thành phố điện Hòa Bình có những công trình kiến trúc nghệ thuật, tượng đài tầm cỡ ghi lại dấu tích của Ông Đùng, Bà Đùng, những chàng trai, cô gái hậu duệ Sơn Tinh thế hệ Hồ Chí Minh và hình tượng các chuyên gia Liên Xô đặt tại những địa điểm trang trọng để mọi người thăm quan, tưởng nhớ về một thời hào hùng, sự cống hiến, hy sinh của những người thợ sông Đà. Bởi Thủy điện Hòa Bình là biểu tượng của tình hữu nghị và quốc tế cao cả, trong sáng giữa Việt Nam và Liên Xô (nay là Liên bang Nga). Dẫu lịch sử có những khúc quanh thăng trầm thì những "dấu ấn Xô viết” trên công trình Thủy điện Hòa Bình vẫn hiện hữu và không được phép quên lãng bởi chúng có giá trị vô cùng to lớn nhắc nhở các thế hệ sau về tình hữu nghị, cách ứng sử nhân văn mà nhân dân Liên Xô đã dành tặng Việt Nam, cho dù các bạn cũng đang ở thời điểm khó khăn nhất của cuộc khủng hoảng đầu những năm 90 của thế kỷ trước.

 


Thùy An


Các tin khác


Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Chuyện về người phụ nữ sống một mình không điện trong rừng

Cách đường tỉnh 435 gần 3km ở xóm Lòn, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong là một căn nhà sàn cũ. Đó là căn nhà của bà Đinh Thị Thảo năm nay 63 tuổi, bà ở một mình. Nhiều năm nay bà Thảo sống trong cảnh không có điện, không ti vi với niềm đam mê trồng rừng và giữ rừng.

Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo

Những năm qua, cùng với triển khai các giải pháp nhằm tạo sinh kế cho người nghèo vươn lên, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo cũng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Ngoài đề án, chương trình hỗ trợ nhà ở, các cấp, ngành đã tăng cường huy động nguồn lực để hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực để các hộ vươn lên thoát nghèo.

Người "hóa rồng" cho tre Hòa Bình

Từ một cây tre ngà bình thường, ông Nguyễn Văn Nam ở xã Yên Trị, huyện Yên Thủy đã biến thành "rồng tre”, thể hiện tinh thần đoàn kết với mong muốn Việt Nam muốn làm bạn với các nước trên thế giới. Những tác phẩm của ông đã được nhiều nước biết đến.

Lắng đọng, thiêng liêng ở Nghĩa trang Hàng Dương

Nghĩa trang Hàng Dương, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gắn với Khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo trong những ngày Xuân đón du khách ở mọi miền đất nước đến thăm viếng. Từ sáng sớm đến 24h, những nén hương, những bông hoa thơm ngát, tinh khôi được thắp, dâng trang trọng trên những phần mộ đem đến cho ta những cảm xúc trào dâng. Trong khuôn viên rất nhiều loài hoa khoe sắc như muốn chia sẻ, tri ân những người con đã nằm lại nơi đây.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục