(HBĐT) - Đã nhiều ngày nay, số người nhiễm Covid-19 trên địa bàn tỉnh tăng mạnh với trên, dưới 2.500 trường hợp mắc mới mỗi ngày. Trong đó, TP Hòa Bình luôn dẫn đầu về số ca mắc, đỉnh điểm có ngày lên tới gần 830 ca, trải rộng ở các phường, xã. Dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu suy giảm, cũng đồng nghĩa với việc cuộc sống đang bị đảo lộn. Nhiều gia đình lao đao, chật vật chống đỡ với dịch bệnh và mưu sinh.



Thời điểm này, nhiều nhà thuốc trên địa bàn TP Hòa Bình khan hiếm một số loại thuốc, dược phẩm, vật tư y tế phục vụ phòng chống dịch bệnh.

Gia đình chị H.T.H (phường Thống Nhất) vừa phải trải qua những ngày lo âu, lận đận do Covid-19. Vì công việc, ngày nào chồng chị cũng phải đi Hà Nội lấy hàng về TP Hòa Bình giao cho các cửa hàng. Biết là dịch bệnh tại Hà Nội lâu nay rất căng thẳng nhưng vì cuộc sống nên không thể bỏ. Mặc dù đã tiêm 2 mũi vắc xin và luôn có ý thức phòng dịch, song chồng chị cũng không tránh khỏi nhiễm bệnh. Chị H. chia sẻ: "Chồng tôi làm ngoài, 10 ngày ở nhà chữa trị đã ảnh hưởng nhiều tới thu nhập, chi tiêu của gia đình. Vừa tiền mua thuốc điều trị, que test, tiền mua các sản phẩm hỗ trợ đã mất ngót nghét 2 triệu đồng, đấy là chưa kể phải mua nhiều hoa quả, thức ăn đủ chất để tăng sức đề kháng. May là 3 mẹ con tôi kịp thời cách ly, chứ nếu cả 4 người nhiễm bệnh thì mất tong gần 2 tháng lương rồi, lấy gì mà sống".

Không được may mắn như nhà chị H., gia đình chị T.T.A. (phường Phương Lâm) cả nhà đều mắc Covid-19 khiến cuộc sống xáo trộn và rất khó khăn. "Cán bộ Nhà nước nghỉ ốm còn có lương chứ như chúng tôi làm ngày nào thì có tiền ngày ấy. Suốt từ Tết ra đến giờ gần như chẳng đi chợ buôn bán gì được vì trong nhà liên tục có F0. Tiền sinh hoạt hàng ngày không dám tính, chỉ riêng tiền thuốc thôi đã đội nón ra đi gần chục triệu rồi" - chị A. cười buồn.

Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới hàng nghìn gia đình có người mắc bệnh mà dịch Covid-19 đã và đang tác động tiêu cực đến cuộc sống cộng đồng. Thu nhập chính của gia đình chị N.T.T (phường Thái Bình) trông vào quầy bán hàng ăn sáng. Vậy mà cả năm nay chị cứ phải đóng, mở không ổn định. Chị T. bộc bạch: "Một hai tháng đầu năm, rồi đến những tháng giữa năm 2021, thời điểm thực hiện giãn cách xã hội, rồi có khi phải tạm dừng các hoạt động kinh doanh ăn uống nên tôi phải đóng quán suốt. Đến tháng 9 mở lại được một thời gian thì cuối tháng 11, dịch Covid-19 lại bùng phát mạnh. Suốt từ đó đến nay hàng quán bấp bênh. Lượng bán chỉ bằng một nửa khi chưa bùng dịch. Nguyên nhân 1 phần vì khách lo lây nhiễm bệnh không muốn đến nơi đông người, một phần vì eo hẹp chi tiêu, bởi khu vực này phần nhiều là lao động tự do, dịch bệnh kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến công việc, thu nhập của các gia đình".

Chưa bao giờ chợ Thái Bình, chợ Dân Chủ lại ảm đạm, thưa thớt kẻ mua, người bán như thời điểm này cũng chỉ vì dịch bệnh Covid-19 xâm nhập vào các chợ. Cả khu vực bán thịt của chợ Thái Bình với gần 20 chục quầy hàng, thường ngày tấp nập, ồn ã là vậy, mà mấy ngày qua cảnh đìu hiu bao trùm, có những hôm trơ trọi chỉ còn 1, 2 quầy hàng, bởi các tiểu thương đã bị lây nhiễm bệnh. Các khu vực bán rau, hàng khô, đồ gia dụng cũng vắng vẻ. Nguồn cung bị ảnh hưởng nên không tránh khỏi một số mặt hàng tăng giá. Đơn cử như thịt, cá tăng 2-3 giá, rau xanh trước chỉ 5-6 nghìn đồng/mớ nay đã lên 8 nghìn, bắp cải từ 12 nghìn lên 15 - 18 nghìn/cái, cà chua từ 20 nghìn tăng lên 30 nghìn đồng/kg...

Không chỉ thực phẩm tăng giá mà nhiều loại thuốc, vật tư y tế, giá cả cũng biến động, thậm chí là khan hoặc cháy hàng do nhu cầu quá lớn. Nhà có F0 thì phải mua thuốc điều trị, thuốc hỗ trợ; nhà may mắn chưa có người nhiễm bệnh lại phải tăng cường phòng, chống. Chính vì vậy các mặt hàng như: Nước muối sinh lý, vitaminC, thuốc xông mũi họng, bổ phế, dầu gió, cồn 700C, nước sát khuẩn, que test... đều tăng giá, cũng có nghĩa người dân lại phải gánh thêm chi phí và khó khăn đội thêm khó khăn.

Dịch bệnh được kìm chế để sớm trở lại cuộc sống bình thường mới là mong mỏi của tất cả các gia đình. Tuy nhiên, để đạt được lại phụ thuộc phần lớn vào ý thức của mỗi cá nhân. Do vậy, người dân không tụ tập đông người, không ra khỏi nhà khi không thực sự cần thiết; tiếp tục thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế; trường hợp F0, F1 tuân thủ quy định cách ly y tế... là những việc cần làm để chung tay phòng, chống dịch bệnh.

Bình Giang

Các tin khác


Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục