Với sự tập trung chỉ đạo quyết liệt của Ban Chỉ đạo các dự án trọng điểm của tỉnh, cuối tháng 9 vừa qua tỉnh đã tổ chức khởi công dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn từ km 19+00 - km 53+ 00) trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, đánh dấu sự kiện quan trọng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh và khu vực. Theo kế hoạch, chỉ trong vài năm tới, Hòa Bình sẽ có tuyến đường cao tốc đầu tiên, thúc đẩy giao thương thuận lợi, mở ra không gian rộng lớn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.




Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Bí thư Tỉnh ủy Hoà Bình Nguyễn Phi Long kiểm tra quy hoạch hướng tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu.

Đột phá hạ tầng giao thông 

Dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu đoạn qua tỉnh Hòa Bình là dự án trọng điểm của tỉnh được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3079/QĐ-UBND, ngày 29/12/2023 với chiều dài 34 km, tổng mức đầu tư 9.997 tỉ đồng (8.243 tỉ đồng từ ngân sách trung ương, 1.754 tỉ đồng của tỉnh). Điểm đầu thuộc thị trấn Đà Bắc, huyện Đà Bắc; điểm cuối tại xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Thời gian thực hiện từ năm 2022-2028. Giai đoạn đầu, đường được thiết kế 2 làn xe, nền đường rộng 12m, mặt đường rộng 11m. Tuyến đường có 3 hầm, 30 cầu, trong đó 29 cầu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, một cầu dây văng vượt lòng hồ Thủy điện Hòa Bình. Theo kế hoạch, dự án hoàn thành vào năm 2028.

Đây là dự án đặc biệt quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh Tây Bắc nói chung và tỉnh nói riêng, tạo tiền đề hoàn thiện tuyến cao tốc CT.03 (Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên) theo Quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hình thành đường giao thông liên vùng: Sơn La, các tỉnh Tây Bắc - Hà Nội, Hòa Bình, Phú Thọ, các tỉnh vùng núi phía Bắc. Từ đó, phát huy khả năng khai thác của toàn bộ mạng lưới giao thông liên vùng; giảm tải cho tuyến quốc lộ 6 đoạn Hòa Bình - Sơn La. Hoàn thành các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Dự án đưa vào sử dụng sẽ rút ngắn thời gian từ Hà Nội đến Mộc Châu, tỉnh Sơn La; góp phần thu hút đầu tư vào các địa phương mà tuyến đường đi qua. Đặc biệt, tuyến đường có vai trò kết nối các trung tâm kinh tế, hành chính của tỉnh Hòa Bình với khu du lịch Mộc Châu. Trong tương lai, tạo ra hiệu quả tổng hợp phát triển kinh tế - xã hội, tăng nguồn thu cho ngân sách, tạo việc làm cho lao động địa phương trong quá trình xây dựng và khai thác dự án.

Ban Chỉ đạo các dự án trọng điểm tỉnh đã phân công đồng chí Phó Chủ  tịch UBND tỉnh Quách Tất Liêm trực tiếp chỉ đạo dự án, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tháo gỡ khó khăn, nhất là các thủ tục, công tác GPMB, đấu thầu, lựa chọn nhà thầu; lên kế hoạch chi tiết từng phần việc phải giải quyết theo theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Thường trực Tỉnh uỷ theo hướng rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ sản phẩm trong quá trình triển khai dự án.

Đồng chí Đinh Anh Tuấn, Giám đốc Sở GTVT, Tổ phó Tổ giúp việc dự án cho biết: Tổ giúp việc tham mưu, giúp Chủ tịch UBND tỉnh trong việc chỉ đạo triển khai các giải pháp, phương hướng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện lập, thẩm định hồ sơ thiết kế kỹ thuật và dự toán công trình cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu theo quy định. Đối với công tác GPMB đã hoàn thành 8,2 km, thuộc địa phận xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc, chi trả bồi thường cho 30 hộ dân; diện tích còn lại thuộc các huyện Mai Châu, Đà Bắc đã thực hiện xong công tác kiểm kê và niêm yết công khai để chi trả cho các hộ dân. Địa phận huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, UBND huyện Vân Hồ đã hoàn thành công tác kiểm đếm lập phương án đề bù GPMB, xác định nguồn gốc đất, các hộ bị ảnh hưởng để khái toán kinh phí đền bù. Chủ đầu tư phối hợp triển khai các thủ tục về chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất lúa; thực hiện thẩm định về an toàn giao thông dự án theo quy định phục vụ phương án 4 làn xe.

Phấn đấu về đích trước 1 năm

Đây là dự án thực hiện chủ trương phân cấp, giao trách nhiệm cho các địa phương về đầu tư phát triển hạ tầng theo tinh thần Hội nghị Trung ương 10 "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm". Lần đầu tiên Hòa Bình được làm giao làm chủ đầu tư dự án quan trọng có tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng. Chính vì vậy, quá trình triển khai đòi hỏi năng lực và trách rất cao.

Đồng chí Bùi Ngọc Tâm, Giám đốc Ban Quản lý các dự án công trình giao thông, đơn vị đại diện chủ đầu tư quản lý dự án cho biết: Do đặc thù của dự án đi qua địa hình đồi, núi hiểm trở, điều kiện địa chất phức tạp; dự án thiết kế xây dựng 1 cầu dây văng cấp đặc biệt (cầu Hòa Sơn có nhịp chính dây văng lớn nhất Việt Nam dài 550m), 3 hầm qua núi, 6 cầu có trụ cao trên 50m và khoảng 5.558m cầu cạn, mất nhiều thời gian, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thực hiện.

Theo chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo các dự án trọng điểm tỉnh, UBND tỉnh, về phía chủ đầu tư tổ chức nhân lực, bám cơ sở, đôn đốc triển khai từng phần việc cụ thể theo chỉ phấn đấu cao nhất để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho từng dự án. Phân công lãnh đạo, thành lập tổ công tác bám, nắm cơ sở, kể cả các bộ, ngành Trung ương để tháo gỡ khó khăn về thủ tục chuyển đổi đất rừng, đất lúa; bám nắm địa phương, cơ sở để triển khai các phương án đề bù, GPMB… Với sự chỉ đạo quyết liệt và cố gắng của hệ thống chính trị, tỉnh đã rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục theo quy định gần 1 năm và đã tổ chức khởi công dự án. Các nhà thầu thi công xây lắp được lựa chọn là những nhà thầu có năng lực, uy tín, từng triển khai nhiều dự án giao thông quan trọng đảm bảo tiến độ và chất lượng. Nguồn lực của ngân sách Trung ương đã phân bổ đảm bảo cho quá trình triển khai dự án.

Chỉ đạo, phát lệnh khởi công dự án cao tốc Hòa Bình- Mộc Châu đoạn qua tỉnh Hòa Bình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Việc tập trung nguồn lực đầu tư, hoàn thành cao tốc Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên (CT.03) có ý nghĩa chiến lược, thúc đẩy kết nối giữa các tỉnh Tây Bắc, giữa Tây Bắc với Hà Nội và các tỉnh Đồng bằng sông Hồng; tạo động lực mới để thu hút đầu tư, phát triển các ngành kinh tế, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH nhanh và bền vững, bảo đảm an ninh, quốc phòng, mở ra không gian phát triển, đưa Tây Bắc bước sang thời kỳ phát triển mới mạnh mẽ hơn. Với ý nghĩa quan trọng đó, Thủ tướng yêu cầu cả hệ thống chính trị tỉnh Hòa Bình phải vào cuộc với tinh thần "trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, "tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng”, không để các doanh nghiệp thi công "cô đơn trên công trường". Phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ sản phẩm; kết quả phải cân, đong, đo, đếm được. Chủ đầu tư, các đơn vị thi công phải thực hiện dự án với tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó; tích cực phối hợp chặt chẽ với các địa phương; huy động mọi lực lượng tại chỗ có đủ năng lực tham gia.

Thủ tướng chỉ đạo rút ngắn thời gian thi công dự án và phải xong trước tháng 31/12/2027, đảm bảo tiến độ an toàn, chất lượng, kỹ - mỹ thuật. Song song với đó, xây dựng dự án giai đoạn 2 mở rộng thành 4 làn xe. Các nhà thầu thi công, đơn vị tư vấn, giám sát phải bảo đảm thi công đúng tiến độ, chất lượng, ,phải chống lãng phí, tham nhũng, tiêu cực. Phải cố gắng quyết tâm rất cao, thi công với tinh thần "vượt nắng, thắng mưa”, "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, thi công "3 ca, 4 kíp”, "xuyên lễ, xuyên Tết”, "làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”, "chỉ bàn làm không bàn lùi" để dự án hoàn thành sớm hơn kế hoạch đề ra trên tinh thần "Đã cam kết là phải làm, đã làm phải có hiệu quả, phải đi vào cuộc sống, mang lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân.
(Còn nữa)


Lê Chung


Các tin khác


Động lực cho người khuyết tật, trẻ mồ côi vượt lên nghịch cảnh

Trải qua khó khăn, trở ngại, bỏ lại đằng sau sự mặc cảm, tự ti, nhiều người khuyết tật (NKT) mạnh mẽ vươn lên, nhiều trẻ mồ côi (TMC) nỗ lực học tập để có một tương lai tốt đẹp. Bên cạnh ý chí của bản thân NTK, TMC, tinh thần trợ giúp và vòng tay yêu thương của cộng đồng chính là động lực cho NKT, TMC phát huy hết khả năng và sống hòa nhập. 

 Bài 1 - Lan tỏa nghị lực sống

Định vị giá trị văn hóa, con người Hòa Bình: Bài 5 - Tháo gỡ rào cản, tạo động lực để văn hoá Hoà Bình “cất cánh”

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong thời đại công nghệ 4.0, quá trình phát triển, đô thị hóa đã tác động mạnh mẽ đến đời sống của đồng bào các dân tộc cả mặt tích cực, tiêu cực; nhiều giá trị văn hoá truyền thống có nguy cơ bị mai một trở thành thách thức đối với quá trình xây dựng văn hóa, con người Hòa Bình trong giai đoạn mới.

Định vị giá trị văn hóa, con người Hòa Bình: Bài 4 - Tôn vinh giá trị văn hóa Mường và nền "Văn hóa Hòa Bình"

Chiếm hơn 64% dân số toàn tỉnh, trong quá trình sinh sống, lao động sản xuất, người Mường ở Hòa Bình đã sáng tạo ra những giá trị văn hoá độc đáo, thể hiện trong phong tục, tập quán, tín ngưỡng, ẩm thực, nghề thủ công truyền thống, dân ca, dân vũ, truyện cổ tích, tục ngữ, lễ hội, tri thức dân gian…, đặc biệt là mo Mường. Di sản văn hoá của người Mường Hòa Bình là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị văn hoá mới. Cùng với đó, nền "Văn hoá Hoà Bình” cũng là một di sản quý giá không chỉ đối với tỉnh mà của đất nước và nhân loại, cần được tiếp tục nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị mang tầm thế giới.

Định vị giá trị văn hóa, con người Hòa Bình: Bài 3 - Xây dựng “bảo tàng sống” trong cộng đồng để bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa

Trong những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc được tỉnh Hoà Bình quan tâm thực hiện. Điểm mới tỉnh hướng tới là xây dựng "bảo tàng sống” trong mỗi cộng đồng dân cư các dân tộc, phát huy sức mạnh nội sinh để bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá.

Định vị giá trị văn hóa, con người Hòa Bình: Bài 2 - Hướng đến phát triển toàn diện con người Hòa Bình về đức - trí - thể - mỹ

Những năm qua, tỉnh Hòa Bình không ngừng chăm lo, tạo điều kiện để người dân phát triển toàn diện về đức - trí - thể - mỹ. Trong đó, thường xuyên bồi dưỡng, đề cao tinh thần yêu nước, tình yêu quê hương, niềm tự hào dân tộc, ý thức, nghĩa vụ công dân, thượng tôn pháp luật của mỗi công dân, nhất là đối với thế hệ trẻ; phát huy những giá trị chuẩn mực, truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc.

Khởi công cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu: Mở ra cơ hội và không gian phát triển mới

Dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có chiều dài khoảng 34 km; tổng mức đầu tư 9.997 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự án từ năm 2022 - 2028. Giải phóng mặt bằng giai đoạn hoàn thiện quy mô 4 làn xe có tổng diện tích khoảng 354,37 ha.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục