Không còn đất đẹp, những mảnh đất đồi dốc được nhiều người cải tạo đầu tư trồng cam.
(HBĐT) - Trong vài năm lại đây, trên địa bàn huyện Cao Phong, cùng với cam, chanh được giá thì giá đất nông nghiệp cũng được sốt theo. Chỗ đất đẹp, thuận lợi điện, nước, đường giao thông giá tăng theo từng ngày. Không chỉ chỗ đẹp nhiều mảnh đất “khỉ ho cò gáy” cũng được nhiều người lùng mua để đầu tư trồng.
Đất mới đắt, đất “cũ” ế
Theo tìm hiểu của chúng tôi, giá đất ở huyện Cao Phong tăng nhanh chóng mặt. Có mảnh đất sáng một giá, chiều lại giá khác. Nhiều người nghĩ rằng đất không đẻ ra thêm được, nhất là chỗ đẹp, do vậy, dù mua cao một chút nhưng bù lại các chi phí khác giảm đi nên đầu tư chỉ vài năm là hồi lại vốn. Hiện tại khu vực xung quanh thị trấn Cao Phong giá đất trắng chưa trồng cam khoảng từ 1 tỷ đồng/ha. Nếu đã trồng cây đang cho thu hoạch, giá từ 1,2 - 1,6 tỷ đồng/ha. Anh Đinh Mạnh Trường, khu 6, thị trấn Cao Phong cho biết: Những mảnh đất quanh thị trấn Cao Phong được giới đầu tư săn lùng nhiều nhất. Nguyên nhân là nhiều hộ có vườn được thu muốn mua thêm vườn gần để tiện làm không phải đi xa, giảm chi phí đầu tư và trông coi. Mặt khác, không chỉ người Cao Phong mà nhiều người ở nơi khác như ở Hà Nội lên mua. Họ có điều kiện kinh tế nên chọn những mảnh đất đẹp, thuận lợi đầu tư nên đẩy giá đất lên cao. Có mảnh đất chỉ sau 4-5 tháng, các chủ sang tay nhau giá gấp đôi. Có khi sáng mua được đất, chiều có người hỏi mua lại giá cao hơn.
Đối với những người ít tiền, muốn gần nhà, điện, nước phải mua đất dốc, đất xấu rồi đánh bậc thang để cải tạo. Anh Nguyễn Văn Bình, khu 2, thị trấn Cao Phong cho biết: Tôi có 3.000m2 cam năm nay đang cho thu hoạch. Về lâu dài, diện tích này không đủ cho gia đình làm nên tôi muốn thêm đất. Tôi đi tìm hiểu nhiều nhưng ít tiền thì rất khó nên quyết định mua một mảnh 4.000m2 với giá 78 triệu đồng ở xã Tân Phong, cách nhà 6km. Diện tích nhỏ, đồi dốc phải đánh bậc thang. Mình không có nhiều tiền, muốn gần nhà nên không còn lựa chọn nào khác.
Khi đất đẹp không còn, nhiều người đành phải đi xa mua đất làm ăn họ tìm mua ở vùng lân cận như Tân Lạc, Kim Bôi, Lương Sơn, Lạc Sơn… Họ chấp nhận đi xa nhưng bù lại mua được diện tích lớn. Biết nhu cầu của nhiều người nên đất những khu vực này cũng được đẩy giá lên cao. Anh Lê Văn Vinh ở xã Tử Nê (Tân Lạc) cho biết: Trước đây, giá đất ở các xã Tử Nê, Thanh Hối, Phong, Đông Lai… được chuyển nhượng cho nhau giá chỉ 20-30 triệu đồng/ha nhưng nay, do nhiều người ở Cao Phong xuống mua nên giá đẩy lên cao trên 100 triệu đồng/ha. Nhiều mảnh đất trước đây để hoang hóa nay cũng bán được để người mua trồng cây ăn quả. Tại các huyện Kim Bôi, Lạc Sơn, giá chuyển nhượng cũng từ 70 triệu - trên 100 triệu đồng/ha. Nhiều chỗ chủ đất cũng không muốn bán vì nghĩ giá còn có thể lên nữa. Không mua được hoặc không có nhiều tiền mua, nhiều hộ thầu lại đất trồng cam.
Tuy giá đất ở vị trí thuận lợi cao, nhiều người săn lùng nhưng vẫn có những mảnh đất đẹp ế khách. Ông Nguyễn Văn Trang, ở khu 4, thị trấn Cao Phong cho biết: Đó là những mảnh đất đã trồng cam chu kỳ 2. Chủ đất đã trồng một chu kỳ gần 20 năm, sau đó không cải tạo hoặc cải tạo thời gian ngắn đã trồng lại. Những diện tích đã trồng lại thường hay bị bệnh và rất khó chăm sóc. Nếu cây lớn đến thời kỳ kinh doanh, cho năng suất rất thấp. Nhiều hộ muốn chuyển nhượng nhưng khó bán dù đất đẹp, vị trí thuận lợi và giá hợp lý. Có hộ gia đình rao bán 1-2 năm nhưng vẫn không có người mua.
Cẩn trọng với đất trồng cam
Qua tìm hiểu những người trồng cam lâu năm ở Cao Phong, nhiều người mua đất đầu tư trồng cam như hiện nay là điều đáng mừng. Đất cam được mở rộng, sản lượng tăng, thương hiệu Cam Cao Phong ngày càng có chỗ đứng trên thị trường. Tuy nhiên, khác với những cây trồng khác, cây cam vốn kén đất hợp thổ nhưỡng từng vùng, tiểu khí hậu, như trong cùng huyện Cao Phong đã có hộ đầu tư trồng tại xóm Mừng, xã Xuân Phong vài ha nhưng cây không phát triển đành phải bỏ. Có nơi trồng cam không có vị ngọt như ở Cao Phong. Với những nơi có nhiều sương mù, năng suất thấp hoặc không có quả do thời điểm ra hoa không gặp nắng… Do vậy, người đầu tư cần lựa chọn đất cẩn thận để đầu tư.
Việt Lâm
(HBĐT) - Độc đáo của gỗ lũa Lâm Sơn (Lương Sơn) là ở vẻ đẹp tự nhiên, vốn có. Có những gỗ lũa bản thân nó đã là những hình khối có dáng dấp, mang ý nghĩa. Có những gỗ lũa thoạt nhìn rất trìu tượng, qua bàn tay khéo léo, tài hoa của người thợ mới trở thành một tác phẩm đẹp, có giá trị...
(HBĐT) - Ai đã từng được thử một lần cầm lái hay ngồi sau những chiếc xe mô tô phân khối lớn đều có chung cảm giác bay bổng, choáng ngợp xen lẫn phấn khích khi nghe tiếng máy nổ giòn tan, mạnh mẽ cùng pha tăng tốc “xé gió” của những “ông hoàng tốc độ”. Đối với các địa phương khác, thú chơi mô tô phân khối lớn không mấy xa lạ, nhưng với người dân Hòa Bình đây là thú chơi mới đầy xa xỉ. Những người có chung niềm đam mê đã thêm gắn bó cùng nhau trải nghiệm, khám phá những địa danh mới và trên hết, họ đã đi khắp mọi miền đất nước để mang tấm lòng sẻ chia tới đồng bào vùng sâu, vùng xa.
(HBĐT) - Với phương châm “Nhanh nhất, mạnh nhất, hiệu quả nhất”, những năm qua, Đội Cảnh sát 113 (Công an tỉnh) đã trở thành điểm tựa của lòng dân trong đảm bảo sự bình yên của cuộc sống.
(HBĐT) - Họ là những người nông dân sống ở chốn thành thị nên không thể bám mãi lấy cái cày, con trâu bên những thửa bờ xôi, ruộng mật mà phải tích cực cày đường nhựa để sinh nhai. Theo khả năng, họ chọn cho mình một hay vài nghề phù hợp vừa kết hợp SX -KD dịch vụ và họ đã thành công. Năm 2014, TPHB có 3.285 hộ nông dân đăng ký SX -KD giỏi, tăng 875 hộ so với năm 2013, đó thực sự là điều đáng mừng.
(HBĐT) - Từ năm 2006 đến nay, xã Dân Hòa (Kỳ Sơn) đã tiếp nhận gần 20 dự án đầu tư tại xã, trong đó, 16 dự án chính thức đi vào hoạt động hứa hẹn sẽ mang lại cơ hội việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương. Thực hiện các dự án này, nhân dân trong xã đã nhường 196 ha đất để các DN xây dựng nhà máy, xí nghiệp. Dân Hòa cũng đã được xếp vào vùng đệm của KCN Mông Hóa. Tuy nhiên, hiện nay, Dân Hòa là xã có người đi làm ăn xa đông nhất trong huyện. Nghịch lý này đang gây nhiều tác động trái chiều, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an sinh xã hội trên địa bàn.
(HBĐT) - Đi trên con đường từ QL6 vào trung tâm xã Nam Phong (Cao Phong) ngập tràn hương hoa trái. Trường học, nhà dân, các công trình hạ tầng ẩn mình trong màu xanh cây lá. Thiên nhiên, khí hậu ưu ái cho đất và người Nam Phong. Người dân đang nắm lấy cơ hội để thoát nghèo và làm giàu.