Giữa trưa nắng nóng, bà giáo già đang chuẩn bị sắp cơm cho cả nhà thì có tiếng chuông cửa reo.

Kéo "roạt” cánh cửa sắt, một gương mặt trẻ thơ ló vào. Một bé gái tầm 13 tuổi, tóc ngắn hoe vàng, có nước da ngăm. Một khuôn mặt rõ ràng không phải con nhà có điều kiện:

- Bà ơi, cháu xin lỗi vì phiền bà vào lúc này. Bà có thang không cho cháu mượn. Cháu trèo để cất ít đồ…

Gia đình người hàng xóm mới đến chiều qua, chưa kịp hỏi thăm.

- Cháu bé thế thì đóng thế nào, để anh cả nhà bà sang đóng cho…

Trên giường kê sát cửa sổ, một người phụ nữ tầm ngoài 40 nằm nghỉ, dáng mệt mỏi. Tóc đã lấm tấm bạc…

Cô bé liến thoắng:

- Cháu đã bảo mới chuyển đến thì nghỉ đi thế mẹ cháu vẫn tham công tiếc việc. 4 giờ sáng nay đã đòi đi chợ… Giờ lại dính sốt

Người phụ nữ dáng khắc khổ ngồi dậy như thanh minh, như xin lỗi:

- Cháu nó lại đường đột quấy quả bà và anh vào lúc này. Tôi đã bảo để chiều đã… - Giọng người phụ nữ như hụt hơi.

- Nhưng mẹ không nhớ là buổi chiều con còn phải đi "Ship” hàng à?

- Có chuyện gì đâu cơ chứ. Đến đây, cần việc gì, 2 mẹ con cứ nói nhé. Đừng ngại - Bà giáo già bộc bạch.

Qua câu chuyện vắn tắt, biết được 2 mẹ con chị mới chuyển từ huyện ra. May quá đã kịp thuê được căn phòng này. Nghe nói xung quang toàn nhà tử tế, mừng quá. Nếu "dính” gần gia đình có con nghiện thì chắc chết.

Chuyện gia đình éo le, chồng say cờ bạc lại thích rượu nên nhà cửa "đội nón” ra đi. Đã thế, lúc rượu vào thì đòn ra. Nhờ bên nội khuyên giải, rồi cả bên ngoại nữa cũng công cốc, không chịu nổi, 2 mẹ con đành dắt díu ra đây mong cuộc đời có bước ngoặt sáng. Người phụ nữ tên Nhan thở dài: "Tôi thì chẳng lo gì, nhưng chỉ lo cái Thúy nó lỡ dở học hành. Năm nay lên lớp 7 rồi. Ra đây không biết có theo được các bạn ngoài này không mà không biết có xin nổi mà đi học không…”.

Cũng may, cô bé hàng xóm nhà bà là đứa vừa mau mồm, mau miệng lại nhanh nhẹn nên cuộc sống của 2 mẹ con cũng dần đi vào ổn định. Hè đó, mẹ gánh chè dạo hết phường nọ, phố kia còn bé Thúy buổi sáng phụ bác bán bánh mỳ phố bên, chiều và tối cũng kẽo kẹt chiếc xe đạp đi "Síp” hàng nhờ mối lái của chị họ. Từ đầu mối của chị, cô bé "ship” đủ thứ từ quần áo, giày dép, mỹ phẩm… Nhiều hôm, con bé tranh thủ về uống nước, bà giáo già thương tình dúi cho chai nước sinh tố:

- Thế cháu không thấy mệt à, làm cũng phải nghỉ ngơi chứ? - Bà phe phẩy chiếc quạt về phía nó.

- Không bà ạ, cứ nghĩ đến việc được gánh phần nào trả tiền nhà, tiền, điện nước cùng mẹ là cháu hết mệt. Vả lại, được thêm đồng nào, cháu còn phải gửi chút cho bố cháu… Nghe nói dạo này bố ốm…

Nó chợt trầm tư. Khuôn mặt buồn so. Thấy vậy, bà từ tốn:

- Việc gia đình cháu, bà chẳng dám tham gia nhưng theo mẹ cháu nói, bố cháu là nguyên nhân để gia đình ly tán mà… Cháu còn lăn tăn ư?

- Bố cháu sai… sai nhiều lắm, nhưng chỉ mấy năm nay thôi. Chứ còn hồi trước, khi cháu 3-4 tuổi, bố cháu hiền cực… Chăm chỉ lắm, nuôi bao nhiêu gà đẻ trứng để bồi dưỡng cho cháu. Nửa đêm còn đi bắt tôm ngoài suối để bồi bổ cho cháu. Vì hồi bé, cháu còi dí… Thế mà sau này, chẳng hiểu sao… - Nó nói bằng một giọng nói hồ hởi cùng gương mặt sáng bừng rồi chợt tắt lịm.

Ngày ấy, ngày nhỏ là thế mà sao mọi chuyện lại quay ngoắt như vậy. Bà giáo già bâng quơ nhìn ra phía cổng, khẽ giấu tiếng thở dài. Sao người lớn lại cứ làm khổ trẻ con như vậy…

Cuộc sống của mẹ con gia đình hàng xóm cứ trôi chảy theo dòng thời gian… Bà giáo già thấy nhẹ lòng hơn mỗi khi nghe con bé Thúy ríu ran kể chuyện với mẹ về bạn hàng, lời lãi làm ăn, chuyện ở khu tập thể. Nhưng cũng có lần bà nghe thấy cô Nhan quát con bé Thúy:

- Mẹ cấm, mẹ không cho con nhắc đến chuyện đó… Mẹ muốn quên đi những ngày đó…

Sau đó là tiếng sụt sùi của bé Thúy:

- Có thể bố cũng nghĩ lại chứ mẹ, bố cũng hối hận chứ…

Mọi chuyện cũng qua đi, một tháng sau đó, bà giáo già đang thiu thiu ngủ trưa thì có tiếng to nhỏ ngoài hành lang phía nhà cô Nhan.

Tiếng một người phụ nữ, giọng khá chát chúa:

- Rõ ràng là cháu đưa thiếu tiền cho cô. Số hàng đó, phải tròn 3 triệu đồng, vậy mà chỉ có 2, 5 triệu đồng.

- Lúc đưa, cháu nói cô đếm cho chắc, mặc dù trước khi đưa cháu đã đếm kỹ - Tiếng con bé Thúy rành rẽ.

- Nhưng vì vội quá, cô không đếm. Về đến nhà, mở ra thì thiếu… Làm đến mấy ngày mới đủ số tiền kia… Cháu cứ kiểm tra giúp cô… - Giọng người phụ nữ cao vống lên.

Bà giáo già mở cửa bước ra. Gương mặt bé Thúy như có ngấn nước. Còn người phụ nữ lớn tuổi như đang ở thế thắng.

- Chuyện tiền bạc nên cân nhắc cô à. Cô kiểm tra lại xem - Giọng bà giáo nhẹ nhàng - Con bé Thúy chắc không đến nỗi tham lam đâu…

Câu nói của bà giáo khiến cuộc nói chuyện (thực ra là đôi co) dịu hẳn. Người phụ nữ đứng tuổi nói như phân bua:

- 500.000 chứ ít đâu. Tiền ăn của gia đình tôi cả tuần đó, bà thông cảm đã làm gia đình mất buổi nghỉ trưa.

- Theo tôi, chị cứ kiểm tra lại…

- Giọng bà giáo cương quyết.

Cô Nhan, mẹ bé Thúy, từ lúc đứng ở góc phòng, mặt tái đi không biết vì điều gì. Nước mắt như trực rơi. Như không đừng được, người mẹ bâng quơ:

- Thúy, nếu con có nhầm, có lấy thì nói để cô ấy thương tình, bỏ qua…

Mắt con Thúy long lên:

- Mẹ ạ, nhà mình nghèo, nhưng không bao giờ tham lam, lấy của người khác làm của mình. Mẹ chẳng bao lần dặn con như thế còn gì… Phải có lòng tự trọng.

Trong khi hai mẹ con lời qua, tiếng lại, người phụ nữ bạn hàng của Thúy dốc mấy túi đồ ra khắp nhà, mở các túi ngách, lật lên, lật xuống rồi có tiếng reo:

- Đây rồi, đây rồi, tôi nhầm, tôi đã nhét riêng số tiền này… Tính để tiết kiệm, thế mà quên mất… Cô xin lỗi cháu nhé. Xin lỗi bà và 2 mẹ con. Cô tạ lỗi cháu này… - Mắt người phụ nữ nhìn xuống đất như ngượng ngùng như thanh minh rồi đưa tờ 200.000 đồng ra phía Thúy.

Khuôn mặt con bé Thúy sáng bừng, nhưng chối bai bải:

- Cô tìm được là may rồi. Cháu không thể nhận đâu. Mồ hôi, công sức của cô mà…

Lần sau, chuyện tiền bạc cô phải cẩn thận. Một mất, mười ngờ…

Không khí dịu hẳn đi. Ngoài hành lang, những cơn gió mát ngập tràn chợt ùa về, miên man. Phía hiên nhà cuối hành lang, vang lên tiếng chim gù, yên bình.

                                                                            Truyện ngắn của Bùi Huy

 

Các tin khác


Người cô họ

(HBĐT) - Bố tôi là con một và ông trẻ chỉ có 1 con là cô Leng nên cô cũng được coi như thành viên của gia đình tôi. Từ nhỏ, cô đã ăn ở nhà tôi nhiều hơn nhà cô ở cuối vườn. Nhiều người lầm tưởng bố tôi và cô là anh em ruột. ông nội thấy thế chỉ cười cười.

Làm từ thiện

(HBĐT)- Được nhóm cử là trưởng nhóm các thành viên đi làm từ thiện ở xã P, ông XX phấn khởi lắm. Lần này, chắc chắn được phát biểu, được lên ti-vi, báo đài. Vì thế, ông mất 5 đêm để soạn sẵn bài phát biểu khoảng 3 trang khá lâm li, thống thiết. Cuối bài còn có một chùm lục bát khoảng 10 câu nói về quá trình quyên góp, ủng hộ của tổ của các gia đình. Ông cũng quan tâm đến phần "khánh tiết”: Nào chuẩn bị quần áo của nhóm, có lô-gô, sắc màu rực rỡ; tóc tai, giày dép cũng được tề chỉnh. Rồi mất 2 ngày để tính toán mua bán các mặt hàng nhu yếu phẩm cần thiết cho bà con, nay cả nhóm đã hòm hòm công việc. Cứ thế là lên đường thôi…Nhưng ông thấy vẫn chưa ổn. À, suýt nữa quên mất, còn công tác tuyên truyền nữa nhỉ…Đã mời báo đài chưa?

Nở rộ... “ca sĩ” mạng xã hội...

(HBĐT) - Giữa trưa nắng nóng, đang ngủ thì nghe âm thanh tin nhắn… teng, teng… Gì đấy, sao lại có tin nhắn vào lúc này vậy? Tin nhắn của anh bạn cùng học phổ thông. Nghe có vẻ mùi mẫn đây: Đã nhận được đĩa CD ca nhạc của cậu H.H. chưa? Cả thị trấn nhà mình đang rôm rả nghe đây này. Trên "Iu -Tu-bì” và " Phây búc” cũng có đấy… xem đi…

Mùa hoa phượng tháng năm

(HBĐT) - Hạ về, hoa phượng đỏ ối khắp nơi, hình ảnh gợi nhớ trong ký ức chúng ta về mùa thi đã đến và những dấu ấn kỷ niệm về tuổi thơ. Tuổi học trò trong trắng tinh khôi, đầy ắp hoài bão, ước mơ. Kỷ niệm sâu sắc nhất trong tôi là quãng thời gian là học sinh sư phạm, học nghề dạy chữ, dạy người. Hoài bão lớn lao đó đã đưa tôi về với mái trường trung học sư phạm 7 + 3 Hòa Bình. Cái tuổi 17, 18 chập chững bước vào đời tập làm người lớn đầy bỡ ngỡ, khó khăn… Khi xa gia đình để tự lập, tự lo. Đó là dấu ấn đầy ý nghĩa không thể nào quên của cuộc đời mỗi con người mà không ai có thể làm lại được.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục