Truyện ngắn của Bùi Huy

 

Mẹ tôi nhắn tin: "Nếu không bận, tuần này cả nhà sẽ lên thăm nhà bà cụ Miên. Bà ốm đấy. Con nhớ nhé”. Bà Miên, mẹ nuôi của mẹ tôi. Nhớ rồi. Bao năm rồi tôi chưa trở lại ngôi nhà dưới chân núi mà mỗi dịp đầu năm, hoa rừng nở trắng sườn non. Còn lối về nhà bà, hoa nở trắng rơi dọc ngõ nhỏ. Từ ngày tôi rời quê ra thành phố này lập nghiệp, nhịp sống phố thị đã cuốn đi ký ức của tôi về một thời đó rồi. Dẫu bố mẹ tôi năm nào cũng ngược núi cùng nhau trên chuyến xe ngựa hiếm hoi còn sót lại…

Ừ, những ngày cả nhà tôi đi sơ tán trên xóm núi đấy, vẫn luôn được mẹ nhắc nhớ. Dù sau này cả nhà đã trở về thị trấn sinh sống và không còn nghe tiếng máy bay Mỹ gầm rú, ném bom bắn phá cây cầu duy nhất nối giữa thị trấn và quốc lộ nữa. Hồi đó, bằng những mối quan hệ từ trước, bốn anh em chúng tôi được bố mẹ gửi gắm cho nhà bà Miên ở xóm Núi. Mẹ tôi quen bà sau những lần bà về thị trấn bán thuốc nam; được mẹ tôi nhường cho đầu hồi nhà để dọn hàng, xếp hàng. Sáng bà từ trên xóm xuống, chiều tối bà lại ngược xóm. Đồ bà mang về khi thì chút cá khô, khi thì vài ba lạng đường đỏ, mấy mớ rau. Lúc xuống là mấy quả chuối, quả bưởi hoặc cân gạo nếp nương thơm lừng cho đám trẻ nhỏ. Chẳng nhiều nhặn gì nhưng thấy bà là người chu đáo. Lúc bom rơi mù trời phía Hà Nội và một số thành phố phụ cận, bà Miên bày tỏ: "Trong lúc lũ giặc trời quấy phá thế này, chị cứ cho các cháu lên nhà tôi... Hang núi vững, không thứ bom Mỹ nào động tới được đâu”.

Lên đó, nói thật, thích nhất là tạm được nghỉ học. Thứ nữa là hang Thượng nằm lưng chừng núi ẩn chứa bao điều thú vị, muốn được khám phá. Gọi là hang Thượng vì nó cách chân núi tầm 30m. Lơ lửng thế mà dễ lên; hang rộng có thể chứa đến cả 100 người ấy chứ. Đứng trên cửa hang có thể bao quát cả xóm Núi và không gian cánh đồng trước mặt. Vòm hang rộng, vô vàn nhũ đá đẹp bắt mắt, nhiều nhánh tỏa đi nhiều hướng, nhưng chỉ duy nhất một lối thoát phía sau, rộng đủ 2 con trâu mộng đi lọt. Những hôm gió lộng, chẳng cần đến quạt nan, quạt mo làm gì mà mát rười rượi. Cũng vì có cửa hang phía sau mà lũ trẻ con chúng tôi phát hiện ra bãi bắn tập của bộ đội ta trước khi hành quân về Nam. Nơi chúng tôi lén lút trốn đi bắt chim sáo, "tập kích” bãi bắn của bộ đội để nhặt cát tút súng… để rồi có bao chuyện xảy ra…

Sáng ra, theo sự phân công: chị cả nấu cơm, gói cơm nắm, chuẩn bị muối vừng, cá khô rang đủ bữa trưa cho 4 người. Anh thứ hai được giao mang bộ chiếu cói và chiếc "chiếu” đan bằng cây nứa để lót tránh ẩm mốc. Còn tôi được giao khoác 2 ống bương to, dài bằng nửa người đựng nước vối uống cho cả mấy chị em trong một ngày. Tuần cao điểm đó, cứ 6 giờ sáng, theo dòng người của xóm chúng tôi lên hang đá tránh bom. Và buổi chiều, khi nắng tắt dần đến gốc gạo phía mương nước là lúc cả đoàn lục tục rời hang.

Mấy chục con người, trong đó phần lớn là trẻ em trú trong hang nhưng mọi chuyện khá ổn. Tất cả đều do hang trưởng sắp xếp. Người đó là bà Miên. Chẳng ai bầu nhưng đúng là tất cả các nhóm gia đình đều răm rắp nghe theo bà. Như mấy anh em tôi, ngày đầu lên cũng có "tiếng chì tiếng bấc”, "người lạ”, biết tốt xấu thế nào, nhỡ gián điệp, chỉ điểm thì sao? Bà Miên chỉ rành rẽ: "Lúc khó khăn, lúc bom đạn mới phải đi sơ tán xa nhà, chẳng ai muốn thế cả. Nên chúng ta phải biết đùm bọc lẫn nhau”. Nghe bà nói thế không ai nói thêm gì nữa, mọi chuyện bắt đầu cởi mở, thân thiện hơn. Bà Miên sắp xếp nơi trải chiếu, xếp đồ cho mấy chị em tôi ở giữa hang. Còn bà và mấy đứa cháu nội, ngoại chọn ngay lối vào cửa hang. Ngày đầu lên hang, ấn tượng nhất của tôi là hình ảnh mạnh khỏe, vâm váp của bà Miên: da nâu bóng, quần xắn móng lợn, tóc búi cao; miệng nói tay làm, thoăn thoắt phát đám cây dại xung quanh hang. Đôi khuyên tai bạc to, nặng lúc lỉu như muốn rơi trước đây bà hay đeo nay đã được gỡ bỏ. Tất cả ai có cặp tóc bằng kim loại đều phải quấn ngoài bằng ni lông xanh. Bà huy động người lớn, mà toàn là đàn bà con gái và chú Kéo - người đàn ông duy nhất bị dị tật ở mắt và chân đi khảo sát xung quanh các ngõ ngách, phát hết đám cây cỏ xung quanh hang để đề phòng rắn rết, muỗi, dĩn. Chẳng hiểu bà lấy đâu ra một bó lá sả rải xung quanh các lối rẽ dẫn vào hang. Miệng nói, tay phát cây cỏ nên mọi người làm theo, nhoáng cái nhìn đỡ rậm rạp, hoang hóa. Chú Kéo có vẻ không ưa gì bà Miên nhưng vẫn phải làm theo.

Một buổi trưa, khi đám trẻ vừa từ một ngách hang trở về chuẩn bị ăn trưa với cơm nắm, muối vừng thì thấy chú Kéo đang bô bô với mọi người chuyện chị X ở xóm Núi, có chồng đang ở chiến trường mà vẫn "đầu mày, cuối mắt” với anh bộ đội dừng chân huấn luyện. Bà Miên từ đâu chạy bổ đến, giọng sang sảng: "Sao chú nói thế, tội chết con X, nó trong tổ nấu nước tiếp cho các anh bộ đội thì gặp gỡ, cười nói, trò chuyện với họ là chuyện bình thường... Hỏi cả xóm, có con dâu nào chăm nuôi bố mẹ chồng, 3 đứa em chồng như cái X không. Rồi một nách 3 con. Đi cấy rẽ, trồng sắn, khoai, nuôi gà, lợn... đủ ăn cho tầm ấy người. Chú không nên hồ đồ như thế”. Chú Kéo phản ứng yếu ớt: "Thiên hạ đồn ầm lên kia kìa...”. Bà Miên đứng cửa hang, nói như không phải nói với riêng chú Kéo nữa: "Người ta ra trận ầm ầm. Mình không đi được thì nên làm điều tốt, điều thiện”. Chú Kéo tím mặt. Đầu giờ chiều, khi chúng tôi ngủ dậy, chiếc chiếu của bố con chú ấy không còn ở đấy nữa...

Đám trẻ chúng tôi có những ngày ở hang Thượng thật vui. Dường như chuyện bom rơi, đạn nổ chỉ diễn ra trên phim ảnh. Nếu mọi chuyện chỉ dừng ở câu chuyện chúng tôi chơi trận giả, chơi ô ăn quan, bắt tổ chim sáo... thì hết đợt đi sơ tán, mọi chuyện thật yên ả. Nhưng gần đến hết những ngày nóng bỏng ấy lại có chuyện không hay xảy ra: đứa em út của tôi bị rắn cắn khi cố tình theo đám anh lớn hơn "đột nhập” khu bãi bắn bộ đội. Lại vẫn là bà Miên có mặt đúng lúc (hình như duyên của gia đình tôi với bà), nên bà xử lý buộc ga-rô kịp thời, lấy lá thuốc đắp để hút độc rồi bà cõng thằng em 7 tuổi của tôi vùn vụt ra phía trạm y tế xã. Phía ấy đang gióng lên hồi kẻng báo động. Mấy chị em chúng tôi cũng nước mắt ngắn dài chạy theo, ồn cả xóm núi. Ơn trời, chuyện xấu đã không xảy ra. Đến giờ tôi vẫn còn ngạc nhiên về người phụ nữ mà mẹ tôi sau này nhận là mẹ nuôi lấy đâu sức lực để cõng em tôi và chạy một mạch gần 2 km ra ngoài đó cấp cứu kịp thời. Tôi nhớ trưa đấy bà chỉ kịp ăn 1 lát cơm nắm chấm muối vừng mà bà chuẩn bị từ sáng. Đám cháu nhà bà trẻ con quá, chỉ nghe bà kêu "no quá rồi” mà cứ đánh chén tì tì hết cả mo cơm to, quên để phần bà lát cơm thứ 2...


Các tin khác


Khoảnh khắc mùa Xuân

Đi qua mùa Đông lạnh giá, bầu trời bước vào những ngày Xuân ấm áp. Cánh cửa mùa Xuân mở ra vẫy gọi vạn vật đua sắc, khoe hương. Những vết tích của một mùa khắc nghiệt trong năm dần được thay thế bằng màu xanh lộc biếc, bằng rộn rã tiếng chim gọi bầy. Mặt trời chiếu những tia nắng dịu dàng, ấm áp. Cả đất trời như dệt gấm, thêu hoa rực rỡ. Còn khoảnh khắc nào đẹp hơn khoảnh khắc của mùa Xuân, khi mọi vật sinh sôi, sức sống tràn trề, khi cây cỏ đều được bừng thức như nhận ra sứ mệnh của mình.

Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

“Rau sạch”

Càng gần đến Tết Nguyên đán, cùng với tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài nên nhu cầu rau, củ, quả ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” ngày càng tăng cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục