Mùa Xuân bao giờ cũng cho tôi một lối cỏ hoa. Tôi nhận ra điều ấy khi tóc đã bạc, chân đã bước qua nhiều miền đất xa xôi. Tôi đi từ ngõ nhà mình ra thấy con đường bụi bặm, cằn cỗi hôm nào bỗng hào hứng bằng muôn thứ hoa cỏ lạ. Hóa ra, mình đã trách nhầm những cơn gió mùa, trách nhầm mưa phùn giá rét vì trong sự u ám, rét mướt đó đã có bao hạt mầm tha hương đến đây. Những hoang dại không tên làm nên lối đi đầy xúc cảm.

Một thời, người ta quay lưng lại với hoang dại. Lúc hô hào nhau dọn đường, tôi thấy tiếc vì nhiều loài cây dại nhưng hoa rất đẹp, lại chẳng gai góc, um tùm gì nhưng biết làm sao được, đã không thuộc về hồng, lan, cúc, thược dược... thì bị phá bỏ để trồng những cây mới. Rồi đến một ngày người ta nhận ra không phải thứ hoa nào trong vườn cũng thay thế được hoa dại, nhận ra cỏ không phải thứ vứt đi thì mới hối hả tìm đến mà làm hoang dã lại chính không gian sống của mình.

Nhớ mẹ tôi bảo, từ lúc sinh ra mẹ tôi đã thấy lối hoa cỏ như thế này. Từng đàn bướm vàng, từng đàn chim về vui hót mừng nắng Xuân như càng thôi thúc những loài cây bé nhỏ vươn mình lên. Người chân đất bước trên đường đất thấy cỏ hoa bụi bặm, bé nhỏ như gấm, như lụa đủ mỹ miều, diêm dúa mà vui lòng mình. Qua cuộc trăm năm, kiếp người thác về miền hoa cỏ ấy thiên nhiên lại hào phóng đón nhận một sinh linh để bắt đầu một luân hồi khác.

Xa xa là bóng núi như lưng mẹ đã còng mà vững vàng trong lòng tôi. Hôm nay tôi về khu vườn cũ giờ chỉ có cậu em họ ở gần hay qua quét dọn. Tôi tháo giày, để chân trần đi trên lối cỏ mặc cho bàn chân đau rát. Một cảm giác rất lạ như được về với ngày xưa của mẹ, của đứa con đã tự đổi thay tìm về với kí ức của mình. Về với mẹ, làm được chi khi mẹ chỉ có một lối mòn cỏ hoa xưa cũ ấy.

Hồi nhỏ đi học, tôi thường bị bọn bạn dưới phố trêu trọc vì quần lúc nào cũng dính cỏ. Dù tôi đã cố gắng đi học thật sớm, sau đó đến ngồi ở mỏm đá hình con rùa rồi chăm chú nhặt hết những dấu tích của thiên nhiên bám trên chiếc quần nhưng chẳng biết bằng cách nào, bọn bạn vẫn phát hiện ra. Chúng phá lên cười, gọi tôi bằng những từ ngữ ví von này nọ ra điều đứa quê mùa như tôi sẽ chẳng bao giờ thoát được sự ám ảnh xấu hổ đó.

Tôi đem nỗi buồn ấy về hỏi mẹ mà đâu biết rằng cả đến những người lớn và thành đạt hình như khi vấp ngã cũng từng tìm về với mẹ để được bé nhỏ như thế. Mẹ xoa đầu và ôm tôi vào lòng. Ôi, cái xoa đầu ấy rộng lớn như bầu trời mà có trưởng thành đến đâu cũng không vượt qua được. Mẹ bảo: "Người ta sinh ra ở đâu thì sẽ lớn lên ở nơi ấy dẫu trong sự bụi bặm, lấm lem. Đó là sự chân thật chứ không phải vết nhọ, vết nhơ”. Sau này lớn lên tôi mới hiểu người ta sẽ khổ sở thế nào nếu trong tâm hồn mình chẳng đọng lại gì nơi gắn bó quãng đời tuổi thơ…

Cỏ hoa dại đã dành cho tôi một lối nhỏ vào đời thật bình yên. Tôi phải thầm cảm ơn điều tưởng như bé nhỏ ấy. Mùa Thu về, mùa Đông sang, Xuân qua, Hạ đến… có mưa gió, nắng gắt cũng chưa bao giờ đối xử tệ với mình. Chúng tự biết làm nên sự xanh tươi, biết cất giấu bí mật sự trường tồn và bừng lên sắc hoa không tên mà ngạo nghễ. Chỉ cần ta trân trọng những gì đã có, bước trên đôi chân với gót giày đã mòn, gối đã mỏi nhưng vẫn tìm thấy niềm vui và hạnh phúc khi may mắn được sinh ra và lớn lên ở đất này…

Tản văn của Bùi Việt Phương

Các tin khác


Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

“Rau sạch”

Càng gần đến Tết Nguyên đán, cùng với tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài nên nhu cầu rau, củ, quả ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” ngày càng tăng cao.

Anh vẫn hành quân

Cứ dịp tháng 12, khi về quê lại được nghe chú họ thổi sáo bài "Anh vẫn hành quân”(nhạc Huy Du, lời thơ Trần Hữu Thung). Chú không phải nghệ sĩ chuyên nghiệp, tuổi cũng không còn trẻ nhưng tiếng sáo rất khí thế như có hồn, bay bổng và vi vút đến không ngờ. Lúc mạnh mẽ trào dâng như đoàn quân băng băng về phía trước, lúc lại nhẹ nhàng, tha thướt, trữ tình như câu hát, tiếng sáo hay câu ca dao mộc mạc bay lượn trên những cánh đồng, vạt ngô xanh nơi đồng bãi quê nhà… "Anh vẫn hành quân/ Trên đường ra chiến dịch/ Mé đồi quê anh bước/ Trăng non ló đỉnh rừng/ Anh vẫn hành quân/ Lưng đèo qua bãi suối/ Súng ngang đầu anh gối/ Anh qua khắp tuyến đường…

Dòng thương nhớ ngày đông

Không chỉ là một dòng sông thông thường, dòng chảy thân thương ấy dường như từ lâu đã thành dáng, thành vẻ và thành hồn của cả mảnh đất và con người nơi đây. Một lúc nào đó đầu Đông, liệu rằng có ai là người con của vùng đất này ở nơi xa mà chẳng nhớ, chẳng thương và bâng khuâng nghĩ tới mảnh đất nuôi mình khôn lớn với con sông Đà mềm mại chia đôi bờ.

Câu ví Mường xanh mãi

Đại đội 9 hành quân từ Mãn Đức Tân Lạc lên đến Lũng Vân đã 4 giờ chiều. Đường xa, đèo dốc chênh vênh nhưng ai cũng vui khi nhìn núi đồi nối nhau, bồng bềnh mây ôm đẹp đến quên mệt mỏi. Chúng tôi tìm được một bãi cỏ rộng để cắm trại, cả đơn vị tập trung đi kiếm củi, nổi lửa nấu cơm. Các mẹ, các đoàn thể ở Lũng Vân với tấm lòng thơm thảo, yêu quý bộ đội Cụ Hồ thời chiến, đã mang cho chúng tôi rau xanh, chuối tây... cả ngày hôm sau chúng tôi ăn không hết.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục