Tản văn của Đức Dũng



"Bao giờ đom đóm bay ra/ Hoa gạo rụng xuống thì tra hạt vừng". Chẳng phải ngẫu nhiên mà tục ngữ, ca dao về chủ đề lao động sản xuất lại đúc kết một trong những câu như thế, vì đó là kho tàng, là sản phẩm, là kinh nghiệm bao đời mà cha ông ta truyền lại. Nghe câu ca dao đó, có người đơn giản cho rằng: Thì đó là người làm nghề nông phải nắm bắt quy luật của thời tiết, thời vụ để áp dụng chứ sao? Đúng, giản đơn là thế nhưng có biết rằng, chính đom đóm và hoa gạo lại là "đốm sáng" và "đốm lửa" hằn in và theo suốt hành trình mỗi cuộc đời.

Bao mùa đom đóm đi qua là bấy nhiêu mùa mẹ tôi nhẫn nại tra hạt vừng, rồi thu hoạch. Tuổi thơ tôi gắn với làng quê, những nương ngô, bãi sắn, với cả những "sóng lúa mênh mông cuộn đổ về". Suốt quãng đời đi học phổ thông, ánh sáng bên trang sách học trò là ánh đèn dầu leo lét. Còn nhớ cứ hết mùa Xuân sang đầu mùa Hạ, đom đóm từ đâu bay ra như muôn vàn ngôi sao nhấp nháy khắp sân vườn, đồi nương, như những ''hạt ngọc" lấp lánh trên những ngọn lúa chiêm đang ngái ngủ thì con gái. Lũ chúng tôi rượt đuổi bắt những con đom đóm đực vì chúng phát sáng mạnh hơn. Do chúng bay cao hơn và nhanh hơn nên phải "huy động" cả chổi rơm, chổi cọ để bắt rồi bỏ vào ống tiêm, lọ Penicillin, lọ mực Cửu Long hoặc ống thí nghiệm bằng thủy tinh. Và bên ánh đèn dầu có ánh đèn đom đóm sáng xanh, chập chờn hắt xuống những bài toán, những câu văn chúng tôi tập viết buổi đầu đời... Thấy chúng tôi nô đùa và "thi" đèn đom đóm đứa nào sáng hơn, đẹp hơn, mẹ tôi bảo: "Bắt làm gì chúng hở các con, loài đom đóm hôi lắm nhưng nó có ích đấy". Rồi bà lẩm bẩm "Bao giờ đom đóm bay ra/ Hoa gạo rụng xuống...” để chuẩn bị sàng sảy chọn giống những hạt vừng, tra ở nơi chân ruộng cao hoặc vạt đồi, chờ đợi vị ngậy thơm của muối vừng quyến rũ.

Nếu tháng ba (âm lịch) là tháng cuối cùng của mùa Xuân để chuyển giao cho những ngày đầu Hè khắc nghiệt mà tín hiệu được phát trong muôn vàn ánh lập lòe của đom đóm thì cũng là lúc hoa gạo cháy rực trời. Tôi đã trưởng thành, rời quê hương về chốn thị thành để có dịp sải bước khắp các phương trời đất nước. Hoa gạo vì thế vừa ào ạt xô về trong hoài niệm, vừa hiện hữu ở khắp các vùng miền, in những chùm rực rỡ trên mặt các hồ ao, sông suối, thỉnh thoảng có bông rơi bõm xuống nước khiến những cánh bèo ong xao động, lũ cá vùng vẫy thỏa thuê; cháy rực cả một góc trời chiều cùng hoàng hôn nhuộm đỏ cánh đầu đao cong tròn như dấu hỏi nơi mái đình làng rêu phong cổ kính; như một "mâm xôi gấc” khổng lồ ở góc sân trường được đội lên cao để bầy trẻ thơ ngước nhìn thích thú, có "hợp âm" ríu rít của các loài chim. Trên những con đường quanh co xa ngái ở những vùng quê hoặc nơi chân đồi lộng gió, những cành "hoa lửa" xòe ra như những bàn tay vẫy kẻ lữ hành bình an, làm dịu đi cơn khát. Cây gạo - đặc điểm gốc xù xì, lồi lõm, thân to mập, thẳng, từ thân đến các cành chi chít gai nhọn nên khó mà trèo lên được. Có phải những cây gạo cổ thụ là chứng tích cho bao tình yêu đôi lứa, bao cuộc ra đi? Có phải những chùm hoa như lửa đó khoe sắc tươi hơn, dang rộng vòng tay hơn đón những mảnh đời bao năm ly biệt, đón cả những người con của làng quê sau chiến thắng trở về?

Hoa gạo, ở những vùng miền khác của đất nước còn có những tên gọi khác nhau. Như ở Tây Nguyên gọi là hoa Pơ lang gắn với ca khúc "Em là hoa Pơ lang” của nhạc sĩ Đức Minh: "Anh có nhớ buôn làng nhớ người con gái/ Nhớ cánh hoa Pơ lang đẹp nhất rừng Tây Nguyên... Tây Nguyên này có bao cô gái đều là hoa Pơ lang”. Ngược theo những cung đường uốn lượn lên Tây Bắc qua các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, chếch sang cổng trời phía bên kia nơi cực Bắc là Hà Giang lô xô đá đứng, đá ngồi… thì hoa gạo lại gọi là hoa mộc miên (cây mộc miên).

Cũng là màu đỏ cháy hết mình suốt mùa Hè nóng bỏng là hoa phượng, nhưng hoa gạo - 5 cánh của chúng lại dày, mềm và thô, nhụy của hoa gạo là màu trắng nhạt, lấm tấm như những hạt gạo chiêm. Ta chợt nghĩ đến cơm nắm dẻo thơm nấu từ gạo chiêm xuân chấm với muối vừng của mẹ, tra hạt từ lúc "đom đóm bay ra... hoa gạo rụng xuống” ấy, có lẽ không một đặc sản nào trên đời sánh nổi!


Các tin khác


Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

“Rau sạch”

Càng gần đến Tết Nguyên đán, cùng với tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài nên nhu cầu rau, củ, quả ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” ngày càng tăng cao.

Anh vẫn hành quân

Cứ dịp tháng 12, khi về quê lại được nghe chú họ thổi sáo bài "Anh vẫn hành quân”(nhạc Huy Du, lời thơ Trần Hữu Thung). Chú không phải nghệ sĩ chuyên nghiệp, tuổi cũng không còn trẻ nhưng tiếng sáo rất khí thế như có hồn, bay bổng và vi vút đến không ngờ. Lúc mạnh mẽ trào dâng như đoàn quân băng băng về phía trước, lúc lại nhẹ nhàng, tha thướt, trữ tình như câu hát, tiếng sáo hay câu ca dao mộc mạc bay lượn trên những cánh đồng, vạt ngô xanh nơi đồng bãi quê nhà… "Anh vẫn hành quân/ Trên đường ra chiến dịch/ Mé đồi quê anh bước/ Trăng non ló đỉnh rừng/ Anh vẫn hành quân/ Lưng đèo qua bãi suối/ Súng ngang đầu anh gối/ Anh qua khắp tuyến đường…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục