Nắng sớm, mưa chiều là câu cửa miệng của cư dân miền nhiệt đới nóng ẩm, mưa nhiều. Nói rộng ra là thế, còn nhìn gần, hình như nó giống với câu chuyện của một ngày mùa hạ. Đầu ngày là nắng đổ gay gắt và cuối ngày đong đầy những giọt mưa.

Tôi nhớ về hai thời khắc đó của mùa hạ với sự ám ảnh trong những năm tháng tuổi thơ sống trên vùng núi cao. Dù con người luôn có cách tính lịch, nhớ các tiết trong năm để cúng tế, thực hiện các nghi lễ như một cách kiểm soát thời gian; dù chúng ta luôn tri nhận, đoán định về khoảng cách như một sự nắm bắt không gian nhưng luôn chịu sự tác động ghê gớm của địa hình, địa thế, khí hậu… Bởi thế, một ngọn núi gọi mưa về từ xa thẳm, những ban mai nắng hửng phía non cao đã đi vào lời ca, tiếng hát, câu tục ngữ truyền đời. Người ở núi không nghĩ nhiều như người ở phố chợ, họ chỉ nằm lòng hai lẽ tương sinh, tương khắc ấy là nắng và mưa.

Tôi nhớ những năm tháng tuổi thơ lam lũ, cha mẹ tôi thường phải đi làm từ khi nắng còn chưa lấp lánh trên những bông hoa cà phê trắng muốt. Tôi thường giữ chân ba, níu tay mẹ với những lời mè nheo vòi vĩnh. Cuộc chia tay hôm sớm ấy bao giờ cũng bịn rịn cùng lời hứa: "Chiều về ba sẽ cõng con lên đồi cỏ”, "Chiều về mẹ sẽ dắt con đi hái rau…”. Xong xuôi, người lớn thường lầm lũi ra đi như thể ném mình vào cuộc mưu sinh nhọc nhằn, còn với trẻ con thì chúng nhớ dai lắm. Thế là, ngày hạ bỗng dài đằng đẵng bởi tâm hồn bé nhỏ luôn sốt sắng, háo hức như đứa trẻ dưới vùng đồng bằng mong mẹ về chợ. Ở núi, quà của cha mẹ không có tấm bánh, cái kẹo mà chỉ có những lời hứa ban chiều. Cho đến hôm nay, tôi chẳng hiểu vì sao người ta lại chưa viết về điều đó bằng một ca khúc hay truyện ngắn nào. Phải chăng, đấy là những bí mật riêng của những đứa trẻ sinh ra ở miền núi.

Thế rồi, ngày dài trong tiếng ve cùng tiếng của những bánh xe bò khô khốc, của gió thốc trên mái nhà, của những cành cây khô nỏ. Cái nóng hình như làm thời gian chảy ra, dài lê thê, não nề và oi bức. Nhưng rồi, lời hứa ấy lại lỡ dở bởi cơn mưa rừng ào ra từ núi. Trong đầu óc trẻ con, mưa nấp trong núi nhiều lắm như thể một đàn ong. Ấm ức với ông trời, mọi tức giận trẻ con đổ vào người lớn. Những nụ cười ban sáng đã chuyển thành giọt nước mắt ấm ức trong mưa chiều. Ông trời đỏng đảnh, đánh lừa trẻ con như thế hay sao?

Lớn lên, tôi lại chìm trong một cảm thức khác. Ném phật cái cuốc xuống đất, hơi thở dốc qua tai, lưng đẫm mồ hôi, nhìn mây đen kịt và mưa sầm sập đến không kịp vuốt mặt. Một ngày ngắn quá, mấy anh em tôi tranh thủ vỡ đất để trồng màu mà ngày này sang ngày kia chưa kịp. Sáng, đi làm từ lúc mặt trời chưa lên, chạy đua với nắng. Chiều, chạy về trước cơn mưa lo cất ngô, thóc, quần áo, củi đuốc… vào kho, lán để khỏi bị ướt. Cứ thế, từng ngày là cuộc chạy đua, không có thời gian để mà chán nản, ca thán. Nắng và mưa, đón đợi và né tránh là những cung bậc cảm xúc của một người nông dân miền núi…

Chúng tôi về thành phố theo tiếng gọi của mưu sinh. Cuộc sống trong các tòa nhà lệ thuộc quá nhiều vào đèn điện, điều hòa, còn chiếc đồng hồ luôn quay gấp gáp. Kim đồng hồ chỉ 11 giờ và 17 giờ như hai bờ hối thúc dòng sông thời gian mải miết. Mưa đấy, cầm chiếc ô mà bước. Nắng đấy, điều hòa mát lạnh trong xe hơi, người sống với người vào nhìn ánh mắt, thái độ thay vì thời tiết.

Chiều nay mưa, kèm theo mất điện khiến phố núi cũ đi đến mười năm. Mười năm qua tôi đã ở đây, gây dựng một mái nhà và ép mình vào một nền nếp khác. Nắng vẫn ửng lên mỗi sáng đầu hạ như một đứa trẻ vô ưu, mưa vẫn sầm sập như một người lớn tuổi đầy âu lo. Mưa chiều làm tôi nhớ tuổi thơ, nhớ ngày xưa quá, như thể cả thế kỉ trôi qua. Giờ đây, mẹ đã già, núi đồi đã đổi thay, những người bạn đã tha hương… mưa và nắng cứ đến và đi như lẽ tự nhiên của đất trời.

Nắng sớm rồi mưa chiều, Hạ qua, Thu đến, Đông về, Xuân tới, sự vận hành của đất trời đọng lại trong mái tóc pha sương của một người phơi trải. Ngày mai, nắng lại ùa về, gom đủ "lửa” đủ nhiệt hun đúc nên sức nóng làm tan những đám mây đang tha thẩn cuối trời thành giọt mưa chiều tìm về nơi đất cũ…


Tản văn của Bùi Việt Phương

Các tin khác


Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

“Rau sạch”

Càng gần đến Tết Nguyên đán, cùng với tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài nên nhu cầu rau, củ, quả ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” ngày càng tăng cao.

Anh vẫn hành quân

Cứ dịp tháng 12, khi về quê lại được nghe chú họ thổi sáo bài "Anh vẫn hành quân”(nhạc Huy Du, lời thơ Trần Hữu Thung). Chú không phải nghệ sĩ chuyên nghiệp, tuổi cũng không còn trẻ nhưng tiếng sáo rất khí thế như có hồn, bay bổng và vi vút đến không ngờ. Lúc mạnh mẽ trào dâng như đoàn quân băng băng về phía trước, lúc lại nhẹ nhàng, tha thướt, trữ tình như câu hát, tiếng sáo hay câu ca dao mộc mạc bay lượn trên những cánh đồng, vạt ngô xanh nơi đồng bãi quê nhà… "Anh vẫn hành quân/ Trên đường ra chiến dịch/ Mé đồi quê anh bước/ Trăng non ló đỉnh rừng/ Anh vẫn hành quân/ Lưng đèo qua bãi suối/ Súng ngang đầu anh gối/ Anh qua khắp tuyến đường…

Dòng thương nhớ ngày đông

Không chỉ là một dòng sông thông thường, dòng chảy thân thương ấy dường như từ lâu đã thành dáng, thành vẻ và thành hồn của cả mảnh đất và con người nơi đây. Một lúc nào đó đầu Đông, liệu rằng có ai là người con của vùng đất này ở nơi xa mà chẳng nhớ, chẳng thương và bâng khuâng nghĩ tới mảnh đất nuôi mình khôn lớn với con sông Đà mềm mại chia đôi bờ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục