Có những ngày thật lạ, giữa ngày hè nóng bừng bừng mà lòng bình yên, nhẹ nhõm, chẳng vướng bận một phút giây ngột ngạt, cứ thế tâm thức men theo về những kỷ niệm, về miền tuổi thơ yêu dấu.

Ngày ấy, cuộc sống khó khăn trăm bề, những đứa trẻ chúng tôi thiếu ăn, thiếu mặc cho dù bố mẹ cũng đã cố gắng xoay xở, vun vén. Nhưng có làm sao đâu, chúng tôi vẫn lớn lên, vẫn hồn nhiên, vẫn cười đùa, hài lòng với thực tại. Những ngày hè ở quê là những ngày chúng tôi như được sống với thiên đường của mình. Từ góc sân trước nhà, con ngõ chật chội một vài lối người qua cho tới góc vườn, bờ sông, cánh đồng, triền núi đâu đâu cũng có bóng dáng của con nít, đâu đâu cũng thấy tiếng cười râm ran vang khắp. Chúng tôi đã đi suốt cả mùa hè với tình bạn ngọt ngào với những trò chơi mà chỉ có tuổi thơ mới biết.

Cả trăm trò chơi xoay vòng, chơi đi, chơi lại mà nào đâu ai biết chán. Thậm chí, đến bây giờ có đứa thành bố, thành mẹ, có đứa đi xa cách quê nhà cả nửa vòng trái đất cũng không thể quên được những trò chơi xưa. ô ăn quan với những viên sỏi nhặt vội ngoài vườn, chơi lò cò thì phải co một chân, hai đội đối kháng rồi nhảy dây chun, chơi năm mười, đánh khăng, đánh đáo…

Nhớ biết bao những ngày hè thênh thang ngoài đồng, men theo những cánh diều tự làm, chạy vấp ngược, vấp xuôi, mặt lấm lem bùn đất nhưng trên môi lúc nào nụ cười cũng hiện diện. Tôi nhớ tới khoảnh khắc lần đầu tiên cầm dây diều, chân trần chạy trên triền đê cỏ mềm mượt, mắt ngước lên bầu trời cao xanh, ước mình bay theo cánh diều cao tít. Nhớ cả phút giây ngây ngô cả bọn cùng viết ước mơ vào cánh diều với một niềm tin mãnh liệt rằng diều bay được là tương lai sẽ thành hiện thực.

Đôi khi, thoảng trong cơn gió trưa có tiếng khóc của trẻ nhỏ, tôi ngỡ là mình của những tháng năm về trước, mải chơi trong nắng quên lối về bị bố đánh đòn. Cái roi mây bố giắt trên mái nhà hệt như một con quỷ dữ, chỉ nhìn thấy thôi cũng làm tim run lên bần bật. Cũng đã qua rồi ngày tôi ghét roi mây, ghét bố để rồi lớn lên lặng người khi nhìn thấy người đàn ông vĩ đại của cuộc đời mình với khuôn mặt khắc khổ, bên hiên nhà, mắt trầm tư cùng khói thuốc lảng vảng bay lên. Cuộc đời bố đã hy sinh cho tôi, cho tôi tuổi thơ, thanh xuân đẹp nhất nhưng tôi chưa một lần nói lời cảm ơn, chưa một lần nói yêu thương. Ký ức ấy, kỷ niệm ấy ùa về trong tôi bằng một nỗi nhớ da diết, bằng niềm đau đáu không thể gọi tên…

Bạn bè tôi, giờ mỗi đứa mỗi ngả, có đứa đến nơi mà ở đó chẳng bao giờ có mùa hè. Còn tôi, không biết là may mắn hay không, cơ duyên cho tôi được sống và làm việc nơi tôi từng sinh ra và lớn lên, những mùa hè nắng chảy tràn đỏ rực. Khi tôi bước ra vườn, bắt gặp một tiếng ve cũng đủ tiếng lòng xao động. Mọi ngõ ngách, từng mô đất, giàn mướp, cây xoan, cây thị thay đổi ít nhiều nhưng sao kỷ niệm tôi thấy vẫn còn vẹn nguyên. Tôi bồi hồi nhận ra cánh cửa tuổi thơ đã khép, những dòng ký ức tràn đầy góc nhớ trong tim. Những ngày hè tuổi thơ vẫn mãi là khúc hát trong trẻo nhất mà mỗi chúng ta đều mong được trở về dẫu chỉ một lần trong đời.

 


Tản văn của Cao Văn Quyền


Các tin khác


Dốc Cun

(HBĐT) - Miền núi nước ta có nhiều đèo, dốc. Nếu đèo là đường đi qua ngọn núi thì dốc là đường đi lên, xuống giữa hai đầu cao, thấp của một ngọn núi. Dốc Cun có những nét đặc trưng khá nổi tiếng của xứ Mường nói riêng, vùng Tây Bắc Tổ quốc ta nói chung.

Đi dọc đất Mường

(HBĐT) - Đứng giữa đất Mường, ta cảm nhận rõ những điều thiêng liêng và huyền diệu bởi đâu đây vẫn còn những dấu tích được nhắc đến trong những áng mo. Tiếng chiêng ngân vang kể cho ta nghe những điều bí ẩn trên mảnh đất này. Nhưng, xứ sở này cũng vô cùng bình dị và mộc mạc như bông lúa chín vàng dưới chân núi Cột Cờ, ruộng vườn biếc xanh bên dòng sông Bôi, những mái nhà sàn yên ả trên đất Mường Vang... Thật khó để lý giải về cội nguồn văn hóa của một dân tộc.

Người cô họ

(HBĐT) - Bố tôi là con một và ông trẻ chỉ có 1 con là cô Leng nên cô cũng được coi như thành viên của gia đình tôi. Từ nhỏ, cô đã ăn ở nhà tôi nhiều hơn nhà cô ở cuối vườn. Nhiều người lầm tưởng bố tôi và cô là anh em ruột. ông nội thấy thế chỉ cười cười.

Làm từ thiện

(HBĐT)- Được nhóm cử là trưởng nhóm các thành viên đi làm từ thiện ở xã P, ông XX phấn khởi lắm. Lần này, chắc chắn được phát biểu, được lên ti-vi, báo đài. Vì thế, ông mất 5 đêm để soạn sẵn bài phát biểu khoảng 3 trang khá lâm li, thống thiết. Cuối bài còn có một chùm lục bát khoảng 10 câu nói về quá trình quyên góp, ủng hộ của tổ của các gia đình. Ông cũng quan tâm đến phần "khánh tiết”: Nào chuẩn bị quần áo của nhóm, có lô-gô, sắc màu rực rỡ; tóc tai, giày dép cũng được tề chỉnh. Rồi mất 2 ngày để tính toán mua bán các mặt hàng nhu yếu phẩm cần thiết cho bà con, nay cả nhóm đã hòm hòm công việc. Cứ thế là lên đường thôi…Nhưng ông thấy vẫn chưa ổn. À, suýt nữa quên mất, còn công tác tuyên truyền nữa nhỉ…Đã mời báo đài chưa?

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục