Những cánh sen mong manh cuối mùa nhưng lại có một sức hút về hương thơm khó cưỡng. Thường thì sen cuối mùa búp sẽ bé hơn sen độ giữa hạ, nhưng chắc chắn rằng, cánh của nó màu thắm hơn và hương cũng đằm hơn. Tôi nhớ hồi còn ở quê, nội tôi có sở thích chưng sen cuối mùa, trong căn phòng của nội lúc nào cũng ngan ngát hương sen rất dễ chịu. Nội tôi cũng đặt giữa cái bàn uống nước con con một giỏ thị vàng ươm. Những người bạn của nội, sáng sáng thường ghé qua nhâm nhi chén nước, thong thả kể chuyện xa xưa… trong hương thơm của sen và thị quyện chặt thân thương.
Vườn quê tháng tám hoa quả dịu ngọt vẫy mời. Trước tiên phải kể tới hàng ổi sẻ ngay ngắn dọc bờ ao ông tôi trồng. ổi sẻ thi thoảng ở phố tôi cũng có bắt gặp nhưng rất ít, tôi cũng chẳng dám sà xuống hàng ổi sẻ, nắm lấy vạt áo chà sơ qua rồi cho vào miệng như hồi ăn ổi ở nhà. ổi sẻ có ruột màu hồng đỏ rất mềm, rất ngọt, đặc biệt hương thơm thì thơm dịu dàng, thơm từ bờ ao thơm vào khoảnh sân trước nhà. Rồi đến na, đến bưởi, đến hồng…, quả nào cũng ngon, cũng ngọt, cũng muốn thưởng thức.
Tháng tám, nghe đâu đây trong lồng ngực của miền ký ức xanh ngời là tiếng trống trường giục giã gieo vào tôi, vào những đứa học trò nhỏ dại. Ngày ấy, đường làng chưa được đổ bê tông như bây giờ, vẫn là những con đường dính bê bết đất và cỏ dại thì mọc um tùm. Tôi nắm gấu áo mẹ, cảm giác háo hức xen kẽ sợ hãi khi lần đầu đến trường. Và không biết bao mùa tựu trường như thế, năm tháng đã nhuộm tóc mẹ bạc trắng, phủ lên khóe mắt mẹ hàng chục vết chân chim nhưng người vẫn đều đặn đưa tôi đến trường mỗi dịp khai giảng. Tôi vẫn nhớ ngày ấy, òa khóc sau lưng mẹ khi thấy giữa một biển người xa lạ, cứ chực muốn theo mẹ trở về. Bao năm qua, mỗi lần nghe tiếng trống trường, lồng ngực tôi lại bồi hồi, thèm được trở về thơ dại, thèm một cái vỗ về an ủi của mẹ và thèm những yêu thương đong đầy!
Tháng tám bây giờ không còn là học sinh nữa, tôi xa nhà, xa quê lên phố học tập rồi ở lại mưu sinh. Trong bộn bề của cuộc sống, những bon chen thường nhật, thảng trong những cơn mưa đổ xuống da diết miên man lòng cồn cào thương quê, thương mẹ bươn chải một nắng, hai sương cực khổ. Lòng an nhiên sao được khi mùa bão tháng tám lại về, mảnh vườn với rau trái của mẹ lại ngả nghiêng xiêu vẹo? Muốn được trở về thật nhanh, bên quê, bên mẹ dọn dẹp lại những ngổn ngang bão gió vừa đi qua, ủi an lòng mẹ qua những ngày gian khó…
Tháng tám, ngày mẹ sinh tôi trong một chiều mưa tầm tã. Hai mươi lăm năm qua mẹ nuôi nấng, cõng tôi đi qua những cơn mưa tháng tám, khóc cười cùng tôi chắt chiu từng giọt mồ hôi, từng tờ tiền bạc lẻ nuôi tôi khôn lớn trưởng thành. Tháng tám sinh nhật vui vì mình thêm một tuổi, buồn vì tóc mây trắng mẹ bay, thời gian nhanh vô chừng, hẹp thu khoảng cách tôi được ở bên mẹ.
Tháng tám là những ngày hoài niệm, xưa cũ, chất chứa bao khoảnh khắc có đau thương, buồn tủi và hạnh phúc. Tôi vẫn cứ mong mỗi tháng tám trôi qua sẽ thật bình yên với mẹ, với quê nhà và với bản thân mình nữa. Để tháng tám năm sau, năm sau nữa mỗi khi nhớ về quá khứ lòng sẽ thật an yên, nhẹ nhàng như những ánh nắng tháng tám trong veo.
Tản văn của Tăng Hoàng Phi
(HBĐT)- Được nhóm cử
là trưởng nhóm các thành viên đi làm từ
thiện ở xã P, ông XX phấn
khởi lắm. Lần này, chắc chắn được phát biểu, được lên ti-vi, báo đài. Vì thế, ông
mất 5 đêm để soạn sẵn bài phát biểu khoảng 3 trang khá lâm li, thống thiết.
Cuối bài còn có một chùm lục bát khoảng 10 câu nói về quá trình quyên góp, ủng
hộ của tổ của các gia đình. Ông cũng quan tâm đến phần "khánh tiết”: Nào chuẩn
bị quần áo của nhóm, có lô-gô, sắc màu rực rỡ; tóc tai, giày dép cũng được tề
chỉnh. Rồi mất 2 ngày để tính toán mua bán các mặt hàng nhu yếu phẩm cần thiết
cho bà con, nay cả nhóm đã hòm hòm công việc. Cứ thế là lên đường thôi…Nhưng
ông thấy vẫn chưa ổn. À, suýt nữa quên mất, còn công tác tuyên truyền nữa nhỉ…Đã
mời báo đài chưa?