Xem kết quả học kỳ I của "cậu ấm”, Thạch Sanh cũng bi quan lắm vì thấy chẳng môn nào "quý tử” vượt qua được con số 6. Nhưng với cương vị là "Tư lệnh” của một ngành ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” nên Thạch Giám đốc vẫn cố điềm tĩnh để tính toán đường đi, nước bước cho cậu ấm "lọt” được vào cánh cửa trường đại học.
Hôm ấy, Thạch Giám đốc đang mải mê suy ngẫm thì giật thót mình khi ông anh kết nghĩa lao vào phòng như một cơn gió. Chưa kịp chào hỏi, ông anh họ đã liến thoắng: "Chú đang lo việc cho thằng nhớn phải không, chuyện nhỏ ấy mà. Năm ngoái anh sắp xếp cho con út nhà anh vào thẳng trường đại học, không tốn kém mấy mà êm ro luôn”.
Vốn đã mấy lần "trở đi mắc núi, trở lại mắc sông” với ông anh họ, Thạch Giám đốc tỏ ra rất cảnh giác: "Thôi bác ạ, sức học của nó thế nào thì chịu thế, việc nhà em bác cứ để em tự lo”. Thạch Giám đốc vừa dứt lời, ông anh họ gạt phắt: "Vì tương lai con em chúng ta, lần này chú phải nghe anh”.
Không hiểu Lý Thông thầm thì, to nhỏ bầy mưu, tính kế như thế nào, chỉ thấy vẻ mặt Thạch Giám đốc mỗi lúc một thêm hớn hở và lúc chia tay hai người bắt tay nhau rõ chặt.
Trong kỳ thi đại học năm đó, "cậu ấm” của gia đình Thạch Giám đốc được đặc cách tuyển thẳng vào trường Đại học Y khiến cả vùng "rừng xanh, núi đỏ” đều ngỡ ngàng. Không ít những lời xì xào "Thằng ấy thì tài cán gì, chắc nhờ vía bố nó thôi”; "Học dốt nhưng nhiều tiền, biết lo lót thì việc gì chẳng xong”... Nhưng rồi mọi chuyện cũng qua đi, 7 năm "lều trõng”, trượt lên, trượt xuống và "cậu ấm” của gia đình Thạch Giám đốc cũng được ra trường với tấm bằng bác sỹ ngoại khoa.
Có bằng bổi đầy đủ nhưng đầu óc của bác sỹ "quý tử” rỗng tuếch, chẳng biết thăm khám, chẳng biết chẩn đoán, điều trị và vì thế cũng chẳng ai dám cho tham gia phẫu thuật. Vậy là "chữ thầy trả thầy”, nhưng vì nể Thạch Giám đốc nên bệnh viện vẫn bố trí cho làm nhân viên Khoa chống nhiễm khuẩn với công việc chính là giặt là quần, áo, ga gối của bệnh nhân.
Công việc đơn điệu khiến bác sỹ "quý tử” chán nản và lại lao sâu facebook, zalo, game và cá độ trên mạng. Hôm ấy, không biết có phải vì quá chén hay không mà giữa lúc đông người, bác sỹ "quý tử” lại gằn giọng với các bậc sinh thành: "Tôi ra nông nỗi này là tại ông, bà tất. Biết tôi học dốt còn cố mua cái giải ba quốc gia để được vào thẳng đại học. Biết tôi đầu đất còn cố bỏ tiền ra để mua điểm hết trình nọ đến trình kia. Mang tiếng là bác sỹ nhưng cũng chỉ là thằng giặt là”.
Tin dữ đồn xa, dân tình cả vùng "rừng xanh, núi đỏ” đều tỏ ra thương sót cho thân phận bác sỹ "quý tử” và đương nhiên vô cùng bất bình, bức xúc trước tình trạng mua, bán điểm thi đang ngày một lan tràn.
Đại Quang
(HBĐT)- Được nhóm cử
là trưởng nhóm các thành viên đi làm từ
thiện ở xã P, ông XX phấn
khởi lắm. Lần này, chắc chắn được phát biểu, được lên ti-vi, báo đài. Vì thế, ông
mất 5 đêm để soạn sẵn bài phát biểu khoảng 3 trang khá lâm li, thống thiết.
Cuối bài còn có một chùm lục bát khoảng 10 câu nói về quá trình quyên góp, ủng
hộ của tổ của các gia đình. Ông cũng quan tâm đến phần "khánh tiết”: Nào chuẩn
bị quần áo của nhóm, có lô-gô, sắc màu rực rỡ; tóc tai, giày dép cũng được tề
chỉnh. Rồi mất 2 ngày để tính toán mua bán các mặt hàng nhu yếu phẩm cần thiết
cho bà con, nay cả nhóm đã hòm hòm công việc. Cứ thế là lên đường thôi…Nhưng
ông thấy vẫn chưa ổn. À, suýt nữa quên mất, còn công tác tuyên truyền nữa nhỉ…Đã
mời báo đài chưa?