Những sông lớn có sự tương đồng về tên gọi. Không biết tự bao giờ và ai là người đã đặt tên cho những dòng sông: sông Bưởi, sông Bôi, sông Bùi, kể cả dòng sông Đà "độc bắc lưu” cũng có một tên khác là sông Bờ. Ngoài sông Bờ ra, các sông đều bắt nguồn từ những triền núi trong mường, các thung lũng lớn trở thành các lưu vực của sông. Lưu vực các sông này không lớn chỉ dưới 2.000 km2. Với chiều dài các sông không quá 200 km, chạy theo hướng tây bắc - đông nam để rồi hòa vào các dòng sông khác hợp sức tìm ra với biển.
Không đâu như ở vùng mường, sông chảy men theo những chân núi, lẩn khuất bên những xóm, bản, chịu thương, chịu khó như những người dân bản xứ. Hai bên những bờ sông là những triền ruộng bậc thang, những bãi mía, vườn cây trái, bãi bằng làm áng còn, những bánh xe nước cót két ngày đêm, cối giã gạo thâu đêm, suốt sáng. Theo năm tháng sông tự bồi đắp những bưa bằng làm nên mùa màng "Bông cơm trái lúa” nuôi sống bao đời người.
Vùng thượng lưu các dòng sông trong mường tạo nên những nét đặc trưng riêng, rất khiêm nhường, trong lành và thanh sạch. Từ ngàn xưa, vùng đầu nguồn thường xuất hiện những người con gái rất đẹp, nước da nõn nà, mái tóc thướt tha… Phải chăng con người ở đây được tắm gội nước đầu nguồn từ đời này qua đời khác? Hạ du những dòng sông này là vùng bán sơn địa nên lòng sông rộng hơn, sâu hơn, nước chảy chậm lại. Đây đó đã xuất hiện những bãi bồi, lác đác những chiếc thuyền nan của người dân đi đặt lờ, thả lưới. Nước sông dồn tụ phù sa về tạo nên những bãi cát đen, cát vàng cho con người, như một sự dâng hiến hào phóng bao đời nay.
Trước kia vùng hạ du sông rộng và sâu hơn nên là đầu mối giao thương với vùng châu thổ Bắc Bộ. Lâm thổ sản từ vùng mường theo bè mảng về xuôi, hàng tạp hóa, đồ gia dụng lên với miền ngược theo những thuyền buôn. Từ đó, hình thành nên các chợ ven sông: sông Đà có chợ Thầy, chợ Pheo, chợ Bãi Vĩnh, chợ Bờ; sông Bùi có chợ Đồn; sông Bôi có chợ Bo, chợ Gò Chè; sông Bưởi có chợ Lâm Hóa, chợ Trào… Ngày nay, hệ thống giao thông đường bộ phát triển nên việc giao lưu trên sông đã thưa vắngrất nhiều nhưng sông vẫn cần mẫn làmnhững công việc từ ngàn xưa, từ đó khẳng định vị thế của mình trước thế giới tự nhiên nói chung và con người nói riêng.
Sự song hành giữa con người và dòng sông ngày càng bộc lộ những xung đột mang tính thời sự, vì thế nhiều người, nhiều quốc gia đã nhận rõ mối quan hệ tương hỗ, có đi có lại giữa người và các dòng sông. Có thời chúng ta lầm tưởng "Sông bao nhiêu nước cũng vừa…” cho dù có lúc lại chợt nhận ra "tràn bờ, lở bãi”. Sông với người không chỉ còn là những kỷ niệm đẹp mà ngày càng có thêm những trang buồn cho lịch sử của sông, song nhiều người vẫn lầm tưởng lỗi tại dòng sông.
Hầu hết các dòng sông ngày nay đã cạn kiệt nguồn thủy sản. Đôi bờ sông, lưu vực sông đã giảm đi các thảm thực vật, nhiều nơi bị bồi đắp tác động đến dòng chảy gây nên ngập úng khu vực. Việc khai thác cát, sỏi không đúng quy hoạch, quy trình cũng tác động đến dòng sông. Nhiều dòng sông lớn được xây dựng các nhà máy thủy điện. Con người đã chinh phục các dòng sông này, mang lại lợi ích nhiều mặt cho đất nước. Mặc dù đã bị chinh phục, sông vẫn là một chỉnh thể, do đó cần được con người ứng xử sao cho thỏa đáng, không những phía đầu nguồn mà cả phía hạ du để dòng sông tồn tại bền vững trên con đường vô địnhtìm ra với biển.
Tôi may mắn được đặt chân tới nhữngnơi khởi nguồn các dòng sông trong mường, kể cả sông Đà. Để được mang tên sông, nó đã phải chắt chiu bao nguồn mạch trong suốt mùa khô và vật vã trong những ngày mưa lũ, tạo nên vóc dáng cho mình. Ngồi viết những dòng này, phía sau tôi là những dòng sông trong mường lặng lẽ về xuôi, hợp lưu với sông Đáy, sông Hoàng Long, sông Mã… để ra biển cả mênh mông. Trước mắt tôi, ngoài kia là hạ du sông Đà, sau nhiều ngày mưa lũ đã phải mở cửa xả đáy ở nhà máy thủy điện Hòa Bình, sông lấm lem, rã rời xuôi dòng. Rất gần là những tập sáng tác của nhiều thế hệ tác giả, trong đó có hàng trăm tập thơ mà bạn bè đã đề tặng tôi. Hầu hết các tác phẩm đó đều có tên các dòng sông trên đất nước mình. Sông là nguồn cảm hứng vô tận của thi ca và chính thi ca đã làm cho nhiều dòng sông rạng rỡ, lung linh, sống mãi trong tâm hồn con người.
Một dòng sông không biết đã và sẽ đi qua bao đời người? May mắn thì mỗi người chúng ta có được vài ba dòng sông hoài niệm. Sông thì vô tư hào phóng và cần mẫn vì con người, nhưng quyền ứng xử thì chỉ phía con người chúng ta. Để kết thúc bài viết này, mời bạn đọc nghe mấy vần thơ trong bài thơ Đôi bờ của tôi "Xin người chớ bỏ dòng sông/Mà về phố thị rỗng không lòng đò/ Còn người còn có đôi bờ/ Còn đôi bờ mới hẹn hò lứa đôi”.
Tùy bút của Đinh Đăng Lượng