Truyện ngắn của Bùi Huy

Mấy ngày nay, nhà anh Tin như có đám. Mẹ anh cứ ngồi cửa vóong nhìn xa xăm. Bà năm nay cũng ngoài 60 tuổi rồi, rất ít nói. Còn vợ anh lại nháo nhào làng trên, xóm dưới để cập nhật thông tin. 2 đứa trẻ nhà anh thì ngạc nhiên vì mọi khi cả nhà có chuyện gì cũng đưa ra bàn bạc rôm rả lắm.

Anh là cán bộ thôn có khiếu ăn nói và văn nghệ nên nhà cửa luôn đông người đến chơi, cười đùa, hút thuốc lào, hát hò… Nhưng 1 tuần nay, cứ tầm xâm xẩm tối là anh quán triệt cho vợ ra đóng cổng. Điện ở sân mọi khi sáng trưng, nay tối om. Hàng cau xào xạc như muốn mách bảo hàng xóm chuyện gia đình anh. Tối nay, chị vợ anh Tin vừa gội xong đầu, quay tít tóc hỏi võng vẽo về phía chái nhà, nơi anh đang nằm im lìm trong bóng tối: Bố nó hay nhỉ, gì thì gì cũng phải rõ "đầu cua, tai nheo chứ. Thời buổi này thông tin gì mà chẳng có…

Anh Tin tay vò mớ tóc xoăn rối bù gắt: Đi mà hỏi. Hơn 40 năm sống yên ổn, bỗng một ngày đẹp trời, có thông tin (mà thực ra là có nhân chứng) đến gặp nhận lại con cái, họ hàng, ai mà chẳng xốc.

Bắt đầu từ buổi sáng nọ, nhà có khách. Hẳn xe 4 chỗ xộc đến chở theo 4 người cả già lẫn trẻ. Nhìn dáng vẻ, rõ là người có máu mặt, quý phái, sang chảnh (chắc người phố thị). Vừa bước lên cầu thang, cả một dòng thơm của nước hoa đắt tiền ùa vào. Chị vợ anh Tin như ngộp thở. Còn mẹ anh thì đờ người ra như nhận ra người quen. Toàn bộ câu chuyện hôm ấy vợ anh ghi âm lại hết. Tối đó, trước khi bật điện thoại cho anh nghe, chị làm màn giới thiệu:

- Thật quá bất ngờ. Em suýt ngã đấy. Hóa ra anh vẫn còn bố à… Sạo lại thế nhỉ?

Thì ra trong đoàn người ấy có 2 người là người thân của bố anh (tạm gọi là thế) gồm vợ và cô con gái duy nhất. Mẹ anh và người phụ nữ kia đã từng gặp nhau 1 lần cách đây rất lâu rồi. Còn lần này, nghe nói bố đẻ anh bị K. sắp quy tiên. Trước khi nhắm mắt xuôi tay muốn tìm lại đứa con trai mà mình bỏ rơi 40 năm nay; sám hối, muốn bù đắp cho con. Vì muốn làm đẹp lòng người sắp mất, vợ con ông đã chấp nhận đi tìm mà thực chất là đến gặp vì từ lâu họ láng máng về một người con rơi ở huyện bên. Và điều nữa (theo bà) là còn rất lắt léo liên quan đến tờ di chúc của người chồng, người bố sắp mất kia kìa. Không hiểu thế nào (chắc ông ấy đã nghĩ rất kỹ) lại nói có phần này nọ cho người con trai ở xã kia với đầy đủ tên họ, địa chỉ… Theo như người phụ nữ kia, ban đầu nghĩ cũng cay lắm nhưng nếu không dứt điểm mọi chuyện khi ông mất rồi, việc thừa kế sẽ rất phức tạp đây. Chị vợ anh đưa thêm thông tin:

- Bà nội nói chắc như đinh đóng cột với mẹ con bà kia rằng, đến thời điểm này, thằng Tin chưa biết, chưa gặp người đàn ông là bố ấy lần nào. Nó vẫn tưởng rằng bố nó mất trong 1 trận lũ khi nó mới lọt lòng. Cho nên chuyện thừa kế mẹ con tôi không quan tâm đâu… Nhưng anh biết chuyện gì nữa không: bà ấy nói bố anh ra điều kiện, ông mất, anh về chống gậy, làm các thủ tục đối với người mất lúc đưa đám nữa như lăn đường thì anh sẽ có phần thừa kế. Bố anh nói lúc này mới thấy hối hận vì chuyện ngày xưa. Bà nội thì nói mọi chuyện qua rồi, chuyện này anh sẽ quyết.

Đời sao éo le vậy. Anh Tin thấy như mình đang ôm hòn đá tảng ngang ngực. Anh có bố ư? Anh có xót thương khi nghe tin ông lâm bệnh, anh có muốn gặp không? Nếu không nghe tiếng vợ bình luận, phân tích, mách nước, khơi gợi bên tai… chắc anh sẽ chạy ra con dốc đầu làng, vừa đi, vừa hú để vơi để sức nặng của những câu chuyện kia đấy. Đúng là chẳng vui, chẳng buồn…

Mẹ anh đã đứng bên giường từ lúc nào. Trong bóng tối, anh và chị vợ thấy có dòng nước mắt tràn lên khuôn mặt mẹ - người phụ nữ đã sống trọn cuộc đời cho con cháu; không một lần kêu than cho thân phận mình. Ký ức như ngọn lửa đỏ nhưng bỏng rát ập tràn vào cuộc sống gia đình. Đúng là ngày ấy, bà và người đàn ông ấy cũng có tình ý với nhau. Nhưng bà - người con gái thôn, bản hồi ấy không hiểu nổi người đàn ông với những khát vọng hướng tới phía quầng sáng phố thị. Nơi ông từng học hành, công tác. ông còn phải có tiền đồ phía trước. Nhưng nếu như ông đàng hoàng nói chuyện, đàng hoàng nhìn vào sự thật thì chắc bà không phải lạnh lòng với ông ngay cả khi nghe tin ông bệnh trọng.

Chiều ấy, nếu không có sự quẫy đạp rất mạnh của cái thai trong bụng, có khi bà chẳng lê nổi thân mình vượt dốc về bản. Đói, mệt thì rõ nhưng cái cảnh khi thấy bà thập thò ngoài khu tập thể, ông nhào ra không phải đưa bà vào nhà mà kéo sềnh sệch bà khuất ra bờ đê kèm tiếng gắt gỏng: "Sao cô lại ra đây, ai cho phép. Đã bảo uống thuốc để "tẩy” đi cơ mà”. Bà nức nở: "Không tìm anh thì biết tìm ai. Làng xóm dị nghị, anh phải dứt khoát…”. "Em phải thương anh, anh còn phấn đấu, cứ về đi, cứ về đi đã… Rồi anh tính tiếp”.

Dúi tay bà chút tiền, ông khoát tay cỗ xe ngựa. Đến bây giờ, mỗi khi nghĩ về người đàn ông tệ bạc ấy với tia mắt vằn đỏ, trố cùng mái tóc xoăn điệu nghệ rất nghệ sĩ ấy, bà lại thấy lòng bất an… Ngày ấy… Về bản, về bản hay đi đâu? Vâng, bà vẫn về để sống nốt cuộc sống của mình và còn đứa con nữa. Lúc đó, bà có linh cảm đứa con này rất hiểu mình, đã biết chia sẻ với mẹ. Mỗi khi bà có ý nghĩ buồn, tiêu cực, "nó” lại như hối thúc, đạp gấp, nhắc nhở bà… Những năm tháng đó, nếu không có bố mẹ, các em thì bà biết làm thế nào. Gắng gượng để vào đời cùng một đứa trẻ bởi từ đó, không ai còn thấy người đàn ông đó xuất hiện ở bản nữa… Thế đấy, éo le và buồn. May mà anh cu Tin lại là người biết thương mẹ không thì chẳng còn biết bấu víu vào đâu. Nghe những điều mẹ giãi bày, vợ anh Tin không thể tin nổi rằng người mẹ chồng đã có những đận khó khăn đó, nước mắt chị thánh thót rơi xuống vai bà như vỗ về, chia sẻ…

Bà lên tiếng:

- Tùy vợ chồng con quyết. Có định ra gặp ông ấy lần cuối không… Nghe nói cũng căng lắm…

Anh thở dài đánh thượt:

- Vâng. Ngày mai 2 vợ chồng con sẽ ra thăm. Nhưng con cũng sẽ nói rõ với gia đình họ, khi ông mất, có thể con vẫn về chịu tang nhưng dứt khoát sẽ không thực hiện các thủ tục như di chúc đâu… Không lăn đường… Con không liên quan gì đến cái gọi là tài sản nọ kia. Thế thôi…

Gió ngoài vườn thổi ràn rạt trên những tàu cau già. Tiếng cánh cửa vóong đập liên hồi. Lâu lắm rồi, khu vườn và ngôi nhà của anh Tin mới cả gió như vậy. Trong ánh chớp liên hồi, người đi được có thể nhìn thấy họ đang ngồi bên nhau dõi về phía chân dốc cuối đồi. Nơi đó, hình như không có giông gió.

 


Các tin khác


Mưa thời con gái

(HBĐT) - Mưa xối xả như cái vòi hoa sen mà gã chồng tôi ngày trước hay quên chuyển chế độ trong toilet khi tôi vào rửa tay. Dãy phố đang sầm uất bỗng bất lực nhìn nước mưa tràn trề từ mái nhà xuống đường, xuống miệng cống. Mưa. Bốn mươi tuổi cũng đâu ngờ được mưa lúc nào. Vẫn quên mang theo mấy cái áo đi mưa, vẫn quên nhìn cơn phía núi xa để gọi chuyến taxi chỉ tốn mấy chục bạc cho ba mẹ con.

Ký ức xanh

(HBĐT) - Cỗ xe ngựa cũ kỹ màu thời gian chợt đưa anh đi về cuối con đường, nơi có thể ngắm ngã ba sông. Nắng cuối ngày đã nhạt dần trên các triền đê. Nhưng phía xa kia, dưới tán phượng hồng rực, đám học sinh đang chí chóe vừa trêu nhau, vừa chụp ảnh lưu niệm. Màu áo trắng học trò… tinh khôi, sáng trong. Anh bỗng thở dài khi nhìn sang bên kia sông… Nhà người ấy còn ở đó hay đã chuyển nơi nào?

Dốc Cun

(HBĐT) - Miền núi nước ta có nhiều đèo, dốc. Nếu đèo là đường đi qua ngọn núi thì dốc là đường đi lên, xuống giữa hai đầu cao, thấp của một ngọn núi. Dốc Cun có những nét đặc trưng khá nổi tiếng của xứ Mường nói riêng, vùng Tây Bắc Tổ quốc ta nói chung.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục