Chẳng quên lời hẹn ước từ năm ngoái, mùa thu này, chúng tôi xuôi thuyền về vùng đồng sông. gặp tháng nhuận, heo may như bảng lảng hơn, sương sớm mịn mà đặc quánh bủa vây tứ phía. nhớ đêm trước, ngược dốc lên lưng chừng con sông Đà, người đau ê ẩm. vậy mà sáng nay thuyền xuôi trở lại, những làng xóm dưới hạ lưu con sông hung dữ nhất miền tây bắc lại thấy tan biến hết mệt nhọc, chỉ lâng lâng một cảm xúc lạ thường.
Sông Đà từ khi có đập thủy điện hòa bình trữ nước đã tạo nên nhiều phân khúc đường thủy với đời sống, khí hậu rất lạ. phía trên là lòng hồ thủy điện dâng nước lên các mỏm núi cao, biến những tổ chim, hang hốc chót vót thành những mỏm đảo nhỏ. từ lòng hồ ấy, khí hậu núi cao thành khí hậu ốc đảo, sương ôm đỉnh núi giờ thành sương khói mặt hồ. phía dưới đâu còn những lần dâng nước cướp đi ruộng lúa, bãi ngô mà thay vào đó là những khúc lặng hiền hòa trước khi dòng Đà giang về trung hà hợp lưu ở ngã ba sông. nhưng đó là chuyện rộng dài sông núi, còn ở vùng đất vốn hiền hòa này, cứ phải là ngọt bùi ngô, khoai với thơm nồng cá nướng, xanh mát hoa trái.
Vừa xuống thuyền, theo chân người đàn ông cả cuộc đời say mê với đồng bãi, theo con đường nhỏ như đường về ký ức những tuổi thơ, chúng tôi bước vào căn nhà ngói hướng ra mặt sông. vừa nhấp ngụm chè xanh, ăn tạm củ khoai nướng còn nóng hổi, chúng tôi đã sốt ruột theo ông ra bến buông câu cho một ngày bận bịu với những món ăn dân dã. thay vì những mè, những chép, trường giang béo ngậy trên vùng lòng hồ, ở đây chỉ gặp những chú cá mương, cá chày thon dài mà chắc nịch. quanh năm bơi lội trong sóng nước, tìm kiếm những miếng mồi phù du rồi về mắc mồi câu như củ khoai lang mọc nơi cuống rễ. cá được mổ sạch, khía những lát như họa tiết, tẩm ướp gia vị rồi ngậm một thanh tre vót tròn mà dựng dọc hay nằm ngang trên đống than đỏ rực. mùa này tuy mới có gió lạnh nhưng nghe nói đến khi đông giá, những lò than rực đỏ như thế này cũng chỉ đủ bạt đi khí lạnh vẫn đang bủa vây con cá trên dàn nướng.
Đồng sông mùa này còn những bãi ngô trên phù sa mùa lũ thơm dẻo đến lạ thường. không nổi danh như ngô thung khe, không nhạt vị như ngô trong ruộng, ngô bãi món quà đầu đông suýt xoa đầu ngõ phố trong tiếng nổ lép bép, tiếng tẽ ngô tí tách và tâm sự rủ rỉ của những cặp tình nhân chớm yêu mùa giá lạnh. nhìn từ xa, màu xanh của ngô là tín hiệu của sự yên bình, của một bờ bãi ít khi bị nước dâng hay xói lở. màu xanh ấy, với người trên bờ là sự no ấm thì với những ai lênh đênh sông nước là sự ấm lòng.
Vùng đồng sông cũng có cả một hậu phương vườn tược, ao chuồng rất quy củ và đầm ấp. những chú lợn chỉ vừa cắp nách được thả trong vườn chắc nịch với những bộ lông dày dựng đứng. chúng tôi vừa xiên những xiên thịt hồng lịm nướng lên than vừa hít hà mùi thịt thơm phức. nhưng ngon nhất phải là những miếng thịt đã được thái từ mấy ngày trước đem trộn với thích, lá ổi thành món nem chạo đem ra đãi khách.
Ở vùng đồng sông này còn có một món ăn đơn giản mà thú vị. ngày nước lặng, người ta thường dong thuyền đi bắt những con tép bé được gọi là con moi đem về làm thứ mắm chấm. chẳng rõ người ở những hòn đảo như phú quốc, cát hải làm nước mắm thế nào, chẳng hay đồng bào tày vùng chiêm hóa (tuyên quang) làm mắm cá chép ruộng ra sao nhưng mắm tép ở đây có vị ngọt khá lạ. vào mùa cải, đem những búp ngồng xanh thẫm, đắng đến cay sống mũi chấm với nước mắm ấy thì thật tuyệt.
Trong câu chuyện với gia chủ, chúng tôi biết bao năm nay, những vùng bãi xanh tươi ấy vẫn yên bình một nhịp sống nông nghiệp. người dân ở đây ham trồng trọt, chài lưới trong nhịp sóng bình yên với lòng sông xanh trong thư thái. trong quá khứ, vùng sông nước này vốn là những bãi quèn sinh sôi làng mạc rồi quần tụ. nói xa xôi thì đây là vùng đất lành, nhìn ngay trước mắt thì đây là vùng trù phú của hoa màu, ăm ắp tình người giữa mênh mang sóng nước. phải chăng bên cạnh những ghềnh thác dữ dằn đó, sông Đà lại lắng lòng lại, sống chậm lại bằng những khúc sông như thế, tạo nên những miền đồng sông ngọt ngào sâu lắng.
Ngược thuyền quay về thành phố khi ánh đèn đã lung linh hắt xuống mặt sông, bao lời hẹn ước đành gửi lại đợi một dịp nào đó cùng trở lại vùng quê ấy.