Tản văn của Bùi Huy
"Con tôi xuống Hà Nội nhập học. Vẫn trường cũ của chúng ta. Tàu vừa qua sông Hồng… 10 năm mới "xuống núi. Xuống vào đúng mùa này… hơn 30 năm trước, chúng ta ngờ nghệch vào đại học, bạn xuôi đây nhé…”. Đọc tin nhắn của người bạn cũ đủ thấy cung bậc tình cảm xốn xang, rộn ràng trong từng câu chữ. Tất cả dâng trào. Và nữa, trong đó, thấy một tình cảm đặc biệt của bạn đối với Hà Nội… những ngày mùa thu. Bao nhiêu năm rồi nhỉ bạn?
Sao không thể gọi mùa thu Hà Nội - mùa tựu trường, mùa gặp gỡ, mùa tiếp nối của quá khứ, hiện tại và tương lai…
Từ một huyện vùng cao của Hoàng Liên Sơn (cũ) về học đại học những năm tháng đó quả là một kỳ tích. Bạn nói thế.
Cũng lần đầu về Hà Nội, bạn choáng váng đứng ở Bờ Hồ hàng tiếng đồng hồ để ngắm màu nước màu xanh ngọc của hồ Gươm, chờ rùa thiêng hiển linh.
Những con đường Nguyễn Du, Quang Trung, Phan Đình Phùng… xao xác lá vàng. Đứng thật lâu ở ngã tư Sở và ga Hà Nội để xem mọi người ngược xuôi. Lên Hồ Tây để ngắm sóng nước, chờ chim sâm cầm bay về. Không có chim sâm cầm và cũng chỉ có thể "ăn” bằng mắt, bằng mũi hương cốm sen làng Vòng, bánh tôm hồ Tây, chả cá Lã Vọng, ốc luộc… nhưng mỗi lần lòng vòng về phía ấy, bạn đều háo hức và nỗi chờ đợi vô cùng trong trẻo.
Mùa thu ngày ấy, sân ký túc xá ngập hương hoa ngâu cuối vụ. Lá rụng tơi bời. Hàng nhãn cọc còi, cây bằng lăng đứng tuổi… Còn hương hoa sữa la đà cả trong giấc ngủ.
Cả đám đã cười chẳng thành tiếng khi thấy mấy người bạn gái cùng lớp trốn ra đây khóc thầm vì nhớ nhà. Con đường ra ngoại thành mùa lúa sắp gặt tràn ngập ánh trăng vàng.
Thảm cỏ xanh bên hồ nước kia chờ đón bao đôi lứa tình tự.
Hà Nội thu ngày ấy, cứ qua lối rẽ cuối phố là gặp đồng, gặp lúa, gặp làng. Khu Thanh Xuân Bắc ngày ấy, hồ, ao, đầm còn nhiều. Đêm thu còn nghe cả ếch, chẫu chuộc đồng vọng. Không gian lãng đãng màu cổ tích, những đêm đi chơi về chưa khuya nhưng đường vắng vẻ. Bên hành lang, thoảng xuống tiếng ghi ta nhẹ nhàng một khúc nhạc thu.
Chỉ có gió mùa thu hào phóng thổi mãi, thổi mãi, mặc cơn đói luôn triền miên…
Mùa thu có "mùi”, có nét riêng nên ai cũng nhớ để rồi khi xa Hà Nội, trong hành trang theo con tàu ngược Bắc, bạn mang theo câu hát "Nhớ mùa thu Hà Nội”, tản văn trong "Thương Nhớ mười hai” cùng những bài hát về Hà Nội xưa của Dương Thụ, Nguyễn Cường, Phó Đức Phương, Trần Tiến, Phú Quang…
Hà Nội ngày tháng cũ lại gắn với thời tuổi trẻ thanh xuân, rực rỡ, sáng trong…ai mà quên cho được.
Cuộc sống và công việc nơi phố huyện vùng cao không dễ gì để bạn trở lại nên nay trở lại, bạn náo nức, hồi hộp và ngạc nhiên và… Y như rằng. Bạn bảo rằng: Giờ, Hà Nội hiện đại quá rồi. Nhà cao tầng mọc như nấm trên rừng, ken dày. Rồi đường sắt trên cao; phố xá tưng bừng, náo nhiệt suốt đêm ngày.
Làng, ao, chuôm, hồ đã thành khu chung cư, khu thương mại. Huyện xưa đã thành quận… Bạn thấy hụt hẫng… Cũng vì lẽ đó, sau những cuộc tụ họp bạn bè năm xưa, bạn đã rủ một số bạn ít đi lại một lượt các điểm xưa từng đi qua gắn với hồn thiêng sông núi đất Việt. Bạn sang Bát Tràng mua ít đồ gốm, khảm tranh thu Hà Nội; lên phố cổ uống cà phê.
Bạn bảo: Hoài cổ quá là không nên nhưng tôi vẫn luôn muốn được hưởng chút đầu thu Hà Nội "nguyên chất” năm nào. Điều ấy thật khó nhưng cũng dễ.
Mùa thu của Hà Nội 30 năm trước đâu còn "hồn vía” như mùa thu hôm nay. Nhưng vấn đề nằm trong tâm tưởng; cứ giữ mãi trong lòng cơn gió thu sông Hồng mỗi khi qua cầu Long Biên năm nào. Và phải đón nhận hương mùa thu mới của ngày hôm nay nữa chứ.
Như con gái bạn đây này, thích nghi nhanh quá. Cứ phơi phới bạn mới, trường mới ngày nhập trường. Đâu có biết bạn mẹ mình đang ngồi ở góc sân thư viện xưa, cạnh những gốc ngâu già có hàng chục năm tuổi.
Vẫn là mùa lá đổ, vẫn không gian xưa cũ… Nhưng nỗi niềm đã khác. Nhưng không thể trách. Và không thể khác được, không gian, con người, các thế hệ nối tiếp với những cảm nhận riêng.
Không thể khác, chỉ mong bạn tôi có thể vẫn giữ trong ký ức vẹn nguyên một tình yêu lớn với mùa thu Hà Nội; những góc thu Hà Nội của riêng mình. Như thế là đủ đầy cho một tình yêu trinh nguyên năm nào.