(HBĐT) - Những tháng ngày mùa thu rồi cũng trôi qua, tựa như một cơn gió thoảng. Mùa đông cũng vừa chạm như một nỗi nhớ da diết, bên thềm phố mây đã phủ trắng khắp trời.


Bắt đầu sẽ là những cơn mưa đầu mùa, chẳng nặng hạt cũng chẳng lây rây, cơn mưa đông nhẹ nhàng rớt xuống, rắc dấu báo hiệu mùa đã sang.

Đi giữa lòng thành phố vào mùa đông, lắm lúc ta thấy bản thân được chiều chuộng và yêu thương. Từ cái nhắc rất khẽ của bà cụ bán nước, bảo lạnh rồi nhớ choàng thêm khăn cho cổ họng được ấm áp. Hay như mới hôm qua thôi, một mình dạo trên những nhịp cầu thâm trầm của thành phố vùng ngoại ô, cô bán hàng rong vội vã chạy theo sau, ngỡ mình làm trò ngây dại, bảo về nhà đi, đừng suy nghĩ bồng bột, ở nhà bố mẹ đang chờ đấy. Tự nhiên hai hàng nước mắt tuôn trào như hồi còn thơ bé bị bố đánh đòn; bị bạn bè bắt nạt. Giữa thành phố với hàng triệu mặt người xa lạ, ta chỉ là một con người bé nhỏ, một cậu sinh viên tỉnh lẻ ấy thế mà không ngờ có ngày được quan tâm, được yêu thương và bao bọc. Đi giữa tiết trời lạnh lẽo của mùa đông mà lòng như được nhóm lên hàng vạn đốm lửa ấm áp.

Phố mùa đông mùa này nắng đã hanh hao trên từng lối đi, xôn xao bước chân người qua lại. Nhịp sống vẫn hối hả, tấp nập nhưng dường như ai cũng có cảm giác dòng thời gian đang chầm chậm trôi. Chắc cũng bởi vì áng mây trên khoảng không kia cứ lững thững, xam xám một màu buồn buồn vô định. Những cây bàng cuối phố ta ở đã trút hết lá đỏ rồi cũng chẳng còn xa nữa đâu dãy cây sẽ thay áo mới trên một bầu trời xanh trong vời vợi. Nỗi nhớ đưa ta về góc sân trường năm nào, cũng mùa đông, vào giờ ra chơi cùng nhau nhặt lá bàng rơi, ôm cả trời kỷ niệm vào lòng. Ta đã đi qua bao mùa với phố, xa bao mùa học trò cùng với lũ bạn. Chuyến tàu thời gian di chuyển về rồi đọng lại nơi góc phố, tán lá bàng đỏ ối năm xưa cùng với kỷ niệm ngọt ngào.

Ngồi ở phố, nhấp ngụm cà phê thoảng nghe lời bài hát "Làm sao về được mùa đông/ Mùa thu cây cầu đã gẫy/ Thôi đành ru lòng mình vậy/ Vờ như mùa đông đã về” của nhạc sỹ Phú Quang mà thấy quẩn quanh từng góc phố, ngõ nhỏ những yêu thương da diết. Nhớ những mùa đông năm xưa bên ngôi nhà nhỏ bình yên có bóng mẹ cha, có đàn em nhỏ rộn ràng tiếng cười. Mâm cơm nhà nghèo ngày đông chỉ có cơm trắng độn sắn, một ít cá khô rim mặn vậy mà thấy ngon quá là ngon. Ngày ấy cũng chẳng thấy nghèo, thấy khổ. Những ký ức đó là hành trang để ta trưởng thành, như những mùa cây trút lá, sau mỗi năm cây lại lớn lên và đón chào những tán lá xanh non. Đi xa mới cảm nhận được gia đình luôn là nơi bình yên nhất mà mỗi khi mệt mỏi ta lại muốn tìm về. Dẫu có lỗi lầm thì gia đình luôn bao dung, yêu thương ta vô điều kiện.

Cái rét của mùa đông theo ta suốt cả mùa hoa dã quỳ nở vàng rực. Ngọn đồi sau nhà, dã quỳ nở từng trạt, không biết cô bạn ngày xưa có còn nhớ nữa không, ngày mà hai đứa vẫn lén lút trốn bố mẹ ra sau đồi hái hoa, chơi trò kết vương miện. Bạn đặt vào tay những bông hoa vàng rực bảo, những bông hoa này minh chứng cho tình bạn thân thiết, mãi không thể rời xa. Ấy thế mà, khi lớn lên xa mùa đông quê nhà, xa mùa dã quỳ bao năm vẫn không thấy bạn trở về, hai đứa đã mất liên lạc với nhau từ độ dã quỳ mười tám. Ta tiếc nuối, về lại mùa đông, thấy dã quỳ nở vàng mà trong lòng nổi sóng gợn buồn.

Hôm nay đây, mùa đông đã chạm vào ký ức ta những thanh âm xưa cũ, những hình bóng đã phủ bụi thời gian. Ta vẫn nhớ, vẫn thương những mùa đông cũ, mang nhiều tâm tư, vui buồn trôi qua trong quá khứ nhưng vẫn mãi chưa bao giờ xa…

 

                                                 Tản văn của Tăng Hoàng Phi

 

Các tin khác


Ước vọng trăng rằm

(HBĐT) - Mỗi năm chu kỳ có mười hai lần trăng rằm nhưng hình như thiên nhiên tạo hóa đã tặng cho đêm rằm trung thu tháng tám là vầng trăng tròn vành vạnh nhất, sáng nhất.

Sông trong Mường

(HBĐT) - Bao đời nay, với "Tam Sơn, Tứ hải, Nhất phần điền” đã tạo nên hình hài đất nước ta. Nói về đất nước, dân ta cũng chỉ dùng hai thành tố non sông là đủ. Như vậy sông đóng vai trò chính tạo nên hình hài một vùng quê, một xứ sở, một quốc gia. Từ điển tiếng Việt ghi: "Sông là dòng nước lớn bắt nguồn từ núi chảy ra biển hoặc vào dòng sông khác”. Cũng như nhiều vùng quê trên đất nước, Hòa Bình có những dòng sông tạo nên "rường cột cho mình "với những đặc trưng riêng. Ngoài các sông lớn chủ yếu ở bốn Mường còn có một số sông nhỏ khác.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục