Trời xâm sẩm tối rồi mà nhà chị H. vẫn tối om om. Bà hàng xóm đánh tiếng trước khi vào nhà: "Ai ở nhà không? Quái, đi đâu hết thế”. Ối giời, chị H. đang ngồi nhặt rau ở cuối bếp. Bên cạnh thằng bé thứ 2 đang nhèo nhẹo khóc.
- Chú đi đâu mà mẹ con ngồi thui thủi thế này - Chị hàng xóm vỏng vót.
- Chào bác, bác sang chơi... để em bật điện. Vâng nhà em đi sinh nhật chị à.
- Sinh nhật ai, tầm này tuổi còn đàn đúm sinh nhật bạn bè à...
- Đâu có - tiếng chị H. như hụt hơi. Nghe như có tiếng nấc ấy... Mãi hồi bà hàng xóm hiểu ra câu chuyện...
Kỳ thực nhà chị H. thuộc diện hộ trung bình khá của phố. Anh làm tổ trưởng phân xưởng của nhà máy X. Còn chị bán rau ở chợ, kiêm "ship" hàng (quần áo, hoa quả, bánh mỳ...). Con gái lớn học lớp 10, thằng thứ 2 đang đi mẫu giáo. Nhà cửa "thường thường bậc trung"... Nhưng từ khi anh nhà được đôn lên tổ trưởng phân xưởng nọ, mọi sinh hoạt của anh thay đổi hoàn toàn. Thói quen cũng khác. Mọi khi về khoản quần áo, chị mua gì anh mặc nấy, đôi khi còn đây đẩy: "Tháng này con cún phải đóng tiền học thêm, để tiền đóng cho nó đã". Nói chung là giản dị, nhưng từ khi "lên chức", mua cái áo sơ mi tầm 250.000 đồng là anh có ý kiến và triết lý "Mẹ nó này, ăn cho mình, mặc cho người. Tôi phải mặc tầm 600.000 đồng/chiếc mới xứng".
Hôm nọ, chị hớn hở về khoe mới mua được hàng "Sida" cái áo phông tầm 200.000 đồng khá nhã màu, hợp với "body" của chồng... chưa kịp mừng, anh đã phán: "Màu này quê quá. Phố huyện họ mới xài. Phải tươi lên chút...". Vì chuyện ấy, chị thút thít cả đêm. Nhưng chuyện đó không lo bằng anh thiết lập một loạt mối quan hệ mới. Nay anh về khoe chuyện vừa làm quen được anh M. làm phó ngành nọ, mai thấy anh nức nở khen chị N. ở sở kia sao có nhiều hâm mộ. Rồi ngày nữa, anh nói vừa xin được số điện thoại của bác K., quản đốc. Cũng vì thế nên có cuộc sinh nhật này.
Nói thêm về bác K., năm nay cũng tầm 55 xuân rồi. Mấy năm nay, được thuộc cấp thiết kế nên đều đặn cuộc sinh nhật nào cũng để lại ấn tượng. Năm thì bồng bềnh trên du thuyền trên sông. Năm thì leo lên nhà hàng trên đồi. Năm thì yên vị ở quán thịt trâu lá lồm. Cũng tùy theo hứng.
Năm nay, anh chồng chị H. vừa xin được số điện thoại của bác K. thì đương nhiên được gọi mời sinh nhật. Theo như lời mời (từ thuộc cấp): Sau khi đánh chén tại quán Hương Đồi sẽ có một ga-la ca nhạc nội bộ tại quán karaoke, sau nữa... thì tùy cơn hứng khởi của "khổ chủ". Cho nên, khi khách đến miễn tặng hoa (già rồi, hoa hoét làm gì, không thực tế!?). Được mời từ tầm xa, nhưng anh H. mừng húm. Bên cạnh đó lại xuất hiện nỗi lo lắng: "Tiền đâu… đi bao nhiêu cho xứng tầm. Lương thì chưa đến kỳ… Hỏi mẹ nó”. Kế đó lại ổn. Khi nghe chồng nói một loạt các từ ngữ như: Cơ hội, tiến xa, họ là người sang, cần tranh thủ, nhiều người cũng thế, mình không bắt nhịp thời cuộc thì tụt hậu… chị đã xiêu lòng để anh sử dụng những 500.000 đồng tiết kiệm để làm phong bì (vì anh bảo đi phong bì 200.000 đồng nhom nhem lắm). Trong khi khoản đóng tiền ăn tháng này cho thằng bé vẫn chưa biết trông vào đâu…
- Dở hơi à… Dở hơi… Cả 2 ông ấy đều dở hơi - Bác hàng xóm nghe thủng câu chuyện lên tiếng thật bất ngờ. Giọng điệu lại có vẻ phẫn uất…
- Sao thế ạ - Chị H. lúng túng, thộn mặt ra.
- Lại không à… Ông ấy sinh nhật mà mời khách xa đến mấy tầm đại bác theo kiểu đổ đồng, kiểu hội nghị ấy. Mà chồng chị, "tuổi gì” mà bon chen vào chốn sang ấy. Chẳng bõ khổ vợ, khổ con… Đông như "quân Nguyên” ấy, cái ông kia biết chị là ai mà tý tởn chỗ ấy - Bác hàng xóm bĩu môi và lườm xéo một cái ra gian ngoài, tưởng như "2 ông kia” đang ngồi ngoài ấy…
Ừ nhỉ, chị cứ nghĩ chồng chị "lây” tý chỗ ấy sẽ đổi khác, lên đời. Nghe bác hàng xóm nói thế, chị bỗng thấy trách mình và trách cả anh ấy nữa. Hôm nay, chị sẽ nói mọi chuyện với anh ấy. Ôi sinh nhật…
Bùi Huy