(HBĐT) - Cuối năm là mùa cưới với biết bao chuyện vui buồn, tâm tư, lo lắng kể cả gia chủ, người thân, đến những người được mời cưới. Các cụ ta chả bảo: Cưới xin là 1 trong 3 việc lớn, quan trọng của cuộc đời (xây nhà, lấy vợ gả chồng, tậu trâu) với bao việc chất chồng, phải lo toan.

Đối với gia chủ, chuẩn bị cưới xin chẳng khác gì chuẩn bị tổ chức hội nghị, lo lắng đến toát cả mồ hôi. Thứ nhất là chuẩn bị tài chính, rồi lên kế hoạch xem ngày giờ, địa điểm tổ chức, mua sắm vật dụng, lên phương án đặt cỗ, mời khách, bố trí người tiếp khách, xe đưa đón, tặng quà cô dâu, chú rể. Chỉ riêng chuyện mời cưới, đặt cỗ thôi cũng tốn rất nhiều tâm lực của gia chủ, người thân. Cưới là chuyện trăm năm hạnh phúc, thế nên phải đàng hoàng. Cỗ phải đặt hợp lý vừa với điều kiện tài chính, khách mời cũng phải tính toán thật kỹ, cỗ không ngon, cỗ thiếu, cỗ thừa cũng bị chê cười. Tiếp khách không chu đáo cũng bị phàn nàn. Rồi vòng vàng, vòng bạc tặng cô dâu, chú rể chưa xứng đáng, cũng không vênh vang được với hàng xóm, quan khách. Mời khách nhiều mà không đến hết thành ra cỗ ế mang tiếng dài dài. Nhiều gia đình sau cưới cũng được món hời lớn, cũng không ít gia đình hạch toán sau cưới "âm" tới hàng chục triệu đồng, có đôi trẻ bị chì chiết mãi. Tổ chức đám cưới làm sao vừa đủ độ là vui vẻ nhất. Không so đo, tính toán, vui vẻ được người, được của, không phải rước nợ vào thân là vui, mừng nhất.

Thế nên sau cưới xin, gia chủ bải hoải hết cả người. Nhiều gia đình có điều kiện thuê nhà hàng, khách sạn, hoặc nhà cửa rộng rãi dựng rạp, tổ chức cưới thì đỡ. Nhưng nhiều gia đình phải bắc rạp ở trên đường giao thông vừa bụi, vừa mất an toàn, quan khách đến dự cưới gắp miếng thức ăn mà cứ lo ngay ngáy. Biết đâu bùm một phát thế là "toang” rồi ông giáo ơi. 

Thực tế, xung quanh câu chuyện cưới xin, vui trăm năm hạnh phúc có không ít băn khoăn, tâm tư, cám cảnh. Ông Bình ở phường Hữu Nghị (TP Hòa Bình) là cán bộ cơ quan Nhà nước. Vào dịp cuối năm này, cả hai vợ chồng đều bận tíu tít đi ăn cưới xin. Ông Bình bảo: Cuối năm, nhiều ngày đẹp, được ăn cưới liên miên. Là cán bộ thu nhập ở mức trung bình khá. Thế nhưng, gia đình cũng liêu xiêu vì mừng cưới. Chuyện mừng cưới cho gia chủ đã đành. Nhưng nhiều khi vướng vào cảnh tiến thoái lưỡng nan, do nhiều người nhờ miệng đóng phong bì gửi cưới. Có đám cưới, tính ra cỡ dăm, bảy người gửi, bỏ rẻ cũng mất cỡ vài triệu. Sau cưới, có người nhớ trả, còn nhẹ nhàng, nhưng nhiều người quên, mà nhắc thì ngại, đành thôi. Thế là mất cả nửa tháng lương. Bà Hiền, bạn ông Bình thì lại có kinh nghiệm hơn nên không lâm vào tình trạng của ông Bình. Bà Hiền chia sẻ: Bây giờ thời buổi 4.0, ai chẳng có tài khoản, nên bảo chuyển khoản hoặc cứ gật đầu nhận chuyển, nhưng không chuyển. Nếu họ trả thì mang phong bì đến đưa cho gia chủ, nói tránh là quên mất bây giờ mới nhớ ra. Từ lâu, bà Hiền áp dụng phương pháp này, cũng bớt đau đầu, vừa không mất lòng, lại không lâm vào tình trạng "thả gà ra đuổi". 

Với nhiều người thu nhập chẳng cao như ông Quang, cán bộ về hưu ở phường Tân Thịnh thì mùa cưới đúng là nỗi niềm lắm. Cả tháng áp Tết này, riêng ông nhận tới hơn chục thiếp mời cưới, toàn con đầu, cháu sớm và toàn chỗ không thể không đi, không mừng. Đang loay hoay, cân đong đo đếm đi cưới đau hết cả đầu, ông Quang giật mình thảng thốt khi nghe tiếng đập cửa cộc cộc, ông bà Quang có nhà không? Cầu trời!!!

L.C


Các tin khác


Đánh tráo mã QR

Sau khi bị buộc thôi việc vì quá nhiều lỗi lầm, trở về vùng rừng sâu núi thẳm, chàng tiều phu suốt ngày lẫm lũi với cung, rìu, búa, nỏ săn bắt chim muông để kiếm kế sinh nhai.

Thạch Sanh tân truyện: Không có ngoại lệ

(HBĐT) - Nhờ có thành tích diệt chằn tinh cứu công chúa, đánh đuổi giặc ngoại bang làm "rạng danh” cho vùng "rừng xanh, núi đỏ” nên Thạch Sanh được cung đình rất sủng ái và người dân trong vùng hết sức nể trọng. Cũng vì thế trong cuộc bầu trưởng thôn vừa qua, chàng tiều phu được cử tri tín nhiệm với tỷ lệ tuyệt đối.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục