(HBĐT) -Vì sức đề kháng kém nên tôi hay ốm vặt. Cũng vì thường xuyên gặp chứng đau đầu, chóng mặt, cảm gió… nên mấy năm gần đây, hễ thấy có triệu chứng là tôi tự tìm đến hiệu thuốc. Phần vì sợ cảnh chen chúc ở bệnh viện, phần vì thói quen mua thuốc về tự điều trị đã ăn sâu.
Lần này cũng vậy: Hắt hơi, sổ mũi và ngây ngấy sốt, tôi tìm đến hiệu thuốc quen để được tư vấn. Uống thuốc tới 3 ngày, nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm, ngược lại mỗi ngày lại phát sinh một triệu chứng mới. Khi nóng, khi lạnh, ho hắng, kém ăn, mất ngủ… Không trụ nổi, tôi đành tìm đến bệnh viện. Thăm bệnh, đọc các xét nghiệm, phim chụp, bác sỹ phán: Điều trị không đúng cách dẫn đến tình trạng biến chứng!.
Cuối tuần, bạn bè có dịp đến thăm. Cô bạn tháo vát nhất trong nhóm thao thao bất tuyệt: "Bạn thấy thế nào, sao lại để đến nông nỗi này, đã đi khám bác sỹ chưa…?”. Nghe kể sự tình, mọi người chia sẻ: Đúng là ở đất nước mình rất "sẵn” hiệu thuốc, trong khi bệnh viện thì thường xuyên quá tải, lại có sự trợ giúp miễn phí 24/24 h của "giáo sư" google, nên nhiều người vững tin tự mua thuốc điều trị khi ốm. Nhưng theo lời khuyên của các chuyên gia về y học, thì thói quen này nên xóa bỏ. Bởi cơ chế gây bệnh ở mỗi người, mỗi thời điểm khác nhau. Cùng một chứng bệnh, nhưng thuốc điều trị đôi khi cũng khác nhau vì thuốc trị bệnh là "con dao 2 lưỡi”. Sử dụng thuốc không đúng không những không hiệu quả, hết bệnh mà còn dẫn đến kháng thuốc kháng sinh và làm phát sinh bệnh khác.
Vẫn là cô bạn sắc sảo, lanh lợi góp chuyện: "Như mẹ chồng tôi đấy. Luôn nghĩ mình là người có bệnh nên rất năng đi khám. Lẽ thường, khi bác sỹ cho biết không có bệnh thì nên mừng, nhưng bà lại không tin và muốn thăm khám ở tuyến trên. Lên tuyến Trung ương rồi vẫn không rõ bệnh bà chuyển sang kể lể với cậu cháu là dược sỹ. Mới đây, nghi bị viêm dạ dày, bà tự uống thuốc do cậu cháu dược sỹ kê đơn. Tuổi cao, sức yếu, sử dụng thuốc quá liều khiến bà rơi vào tình trạng suy nhược cơ thể, đãng trí…”.
Xoay quanh câu chuyện ốm đau, bệnh tật, phân tích cách xử trí… mọi người tán đồng ý kiến: Đừng tự coi mình là "bác sỹ"!.
Lam Nguyệt
(HBĐT) - Chỉ vì Thạch Phò mã mắc hết lỗi nọ đến tội kia, cực chẳng đã Vua cha đành bút phê ra Quyết định buộc thôi việc. Đang “ăn trên, ngồi trốc”, đi đâu cũng tiền hô, hậu ủng giờ trở về nghề cũ Thạch Sanh đầy tiếc nuối, ân hận. Từ đấy, vì mưu sinh nên vẫn phải ngày đêm băng rừng, vượt suối để lo cái ăn, cái mặc.
(HBĐT) - Năm hết, Tết đến, gia đình Thạch phò mã cùng con đàn, cháu đống dắt díu nhau tạm rời xa nhà tranh, vách đất nơi rừng xanh, núi đỏ để về đón một cái Tết đoàn viên bên vua cha. Những câu chuyện khóc giở, mếu giở cũng bắt đầu từ đấy.
(HBĐT) - Sau thời gian tập tành kinh doanh “mua đắt, bán rẻ”, Thạch Sanh lại trở về với cuộc sống nông điền nơi rừng xanh, núi đỏ. Thương con, xót rể, vua cha đành phải sắp xếp cho phò mã một chức quan nhỏ trông coi việc nông nghiệp ở địa phương. Thời gian đầu, Thạch Sanh tỏ ra một ông quan mẫn cán lắm.
(HBĐT) - Sau chuyến đi lên phố huyện mở mang đầu óc cùng anh Lý, tiền đã hẻo lại bị giao thông thổi phạt, lòng Thạch buồn lắm. Nhưng sẵn tư chất hơn người, Thạch phò mã nghĩ ngay tới mô hình kinh doanh làm đầu mối chuyên cung cấp chim trời, cá nước tự nhiên cho thị dân trên phố. Nghĩ là làm, đêm đó, Thạch bàn với Quỳnh Nga phu nhân mở đại lý chuyên cung cấp đặc sản miền sơn cước.