(HBĐT) - Với những chiến công diệt trăn tinh, ác điểu cứu công chúa, Thạch Sanh không chỉ trở thành phò mã mà còn được nhà vua phong cho làm Giám đốc của một Sở ở vùng "rừng xanh, núi đỏ”. Quán xuyến hàng nghìn quân cán, chỉ đạo hàng trăm đầu việc khiến Thạch Giám đốc suốt ngày đêm trăn trở để lo cho công việc trôi chảy, "ấm trên, bền dưới”.
Thời gian đầu, nhờ thắt chặt kỷ cương, nên quân sỹ dưới quyền Thạch Giám đốc tuân lệnh răm rắp. Mọi vụ việc đều được phát hiện và xử lý nghiêm từ lúc mới manh nha nên vùng "rừng xanh, núi đỏ” luôn được triều đình ghi nhận là an lành, bình yên, phát triển bền vững.
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, chả mấy chốc Giám đốc Thạch đã tại vị được gần 1 năm. Thời điểm năm sắp hết, Tết sắp đến, Thạch Giám đốc càng thấy rõ hơn uy quyền của mình. Chả là để đẹp lòng sếp, không chỉ quan phòng, quan huyện mà cả quan đội, quan xã cũng cố gắng tìm tòi bằng được sơn hào, hải vị, kèm theo phong bao lớn, nhỏ để cung tiến. Vì thế, Tết năm ấy, trong nhà lúc nào cũng đầy quà cáp, ca táp thì ngồn ngộn phong bì, nên Thạch Giám đốc "mát mặt” lắm. Cũng từ đấy, trong quá trình thực thi công vụ, nếu lỡ để xảy ra sơ suất khiến người dân phàn nàn, khiếu kiện, quân sỹ lại "cạy cục” Thạch Giám đốc bằng phong bao nên mọi việc lại được giải quyết êm xuôi.
Cũng vì thế mà kỷ cương bị buông lỏng, quân cán dưới quyền Giám đốc Thạch mặc sức hành hoành. Nhưng mọi việc cũng chẳng kéo dài được lâu khi mà từ phòng đến huyện, từ đội đến xã liên tục để xảy ra những vụ việc "tày đình”. Nào là trực tiếp liên quan đến đối tượng mua bán, tàng trữ ma túy trái phép; nào là bảo kê cho các sới bạc và các tiệm cầm đồ hoạt động tín dụng đen; rồi thì sa đà vào lô đề, cá độ bóng đá dẫn đến nợ nần chồng chất không có khả năng thanh toán…
Để tránh bị triều đình quở trách, Thạch Giám đốc đã "biến to thành nhỏ, biến có thành không” bằng cách khuyên những quần thần "trót dại” mắc sai phạm làm đơn "tự nguyện xin về hưu non”. Quả là "cao kiến”, vì nếu sòng phẳng ra thì những sai phạm đó đều có thể phải đứng trước vành móng ngựa. Đằng này, "về hưu non” đàn em vừa được hưởng chế độ, mà cơ quan lại không bị mang tiếng trước bàn dân thiên hạ.
Những tưởng cách giải quyết ấy của Thạch Giám đốc là mọi chuyện sẽ đâu vào đấy. Nhưng chỉ một thời gian sau, triều đình đã quyết định ra tay "đốt lò” để loại trừ kẻ xấu. Với tinh thần "không có vùng cấm”, "lò đã đốt củi tươi cũng cháy” nên mọi vụ việc bấy lâu nay Thạch Giám đốc lẳng lặng tự xử lý, giải quyết đều bị phanh phui. Đương nhiên là việc xử lý của triều đình đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng sai phạm, nên những quyết định về hưu non cũng bị vô hiệu hóa và với vai trò là người đứng đầu, Thạch Giám đốc lại phải trở về nghề cũ cùng cung, rìu, búa, nỏ ở nơi rừng sâu, núi thẳm.
Đại Quang
(HBĐT) -Mới mồng 6 Tết mà nhà bà M.M đã có "tiếng chì tiếng bấc”. Mọi khi, chỉ nghe tiếng bà M.M "quán triệt” chồng con thôi. Nay lại nghe tiếng người này, người kia… râm ran, trầm bổng… Hôm sau, cô con dâu cả mau miệng với bạn, thành ra cả xóm biết hết nội tình. Chung quy cũng chỉ liên quan đến chuyện hành lễ đầu năm của gia đình.
(HBĐT) - Chỉ vì Thạch Phò mã mắc hết lỗi nọ đến tội kia, cực chẳng đã Vua cha đành bút phê ra Quyết định buộc thôi việc. Đang “ăn trên, ngồi trốc”, đi đâu cũng tiền hô, hậu ủng giờ trở về nghề cũ Thạch Sanh đầy tiếc nuối, ân hận. Từ đấy, vì mưu sinh nên vẫn phải ngày đêm băng rừng, vượt suối để lo cái ăn, cái mặc.
(HBĐT) - Năm hết, Tết đến, gia đình Thạch phò mã cùng con đàn, cháu đống dắt díu nhau tạm rời xa nhà tranh, vách đất nơi rừng xanh, núi đỏ để về đón một cái Tết đoàn viên bên vua cha. Những câu chuyện khóc giở, mếu giở cũng bắt đầu từ đấy.