(HBDDT0 -Từ ngày ra phố thị và có chút danh vị trong xã hội, gia đình anh MM thay đổi hẳn "gu” thưởng thức nghệ thuật. Công đầu thuộc về mấy cậu nhân viên thuộc cấp của anh. Biết anh hay karaoke, "cây văn nghệ” của phường cũ, họ bốc: "Anh giờ phải xây dựng hình ảnh. Anh là có khiếu nghệ thuật. Nhìn anh cầm cây đàn là biết anh thuộc… dòng dõi con nhà nòi!? Còn giọng nam trung của anh, nếu qua lớp thanh nhạc… mấy nghệ sỹ hay hát trên ti vi còn chạy dài”.


Chẳng biết họ tán anh điều gì nữa, mà sau một tháng, anh đã sắm cây ghi ta gỗ loại xịn. Mời hẳn thầy về dạy. Bà vợ anh, chủ một phản thịt ở chợ trung tâm cũng được "tiêm nhiễm” lời hay ý đẹp của "các chú”: "Hôm nọ thấy chị hát song ca cùng anh mấy bài dòng bô-lê–rô… chúng em thấy đấy mới là sở trường của chị… Ngọt lừ như Lệ Quyên”. Được lời như cởi tấm lòng, anh chị dành nhiều thời gian, kinh phí để tìm đến các đêm nhạc được tổ chức ở các hội chợ, rạp, nhà hát để… nâng đời "gu” thưởng thức nghệ thuật. Anh chị không bỏ sót đêm nhạc nào của một nhà văn, kiêm nhà thơ, viết kịch và kiêm viết nhạc, dù giới chuyên môn có nghề khi đi qua những băng rôn chăng đầy phố chính mà khẽ mỉm cười. Nhất là cái dòng nhạc thời thượng bây giờ, nghe mà… thấy sang hẳn lên. Dù rằng, chị vẫn nhất mực cho rằng: Ca sĩ Lệ Quyên ở hải ngoại và cô Lệ Quyên hát bô-lê-rô là một… Và hình như có họ hàng với nghệ sĩ cải lương Lệ Thủy… Thôi chuyện đó cũng chẳng chết ai. Nhưng việc bạn học cũ của anh, một tay "a-ma-tơ” vi-ô-lông chuyên phục vụ đám cưới ra một an-bum (tất nhiên phát hành nội bộ) và đưa lên "phây búc” khiến anh MM không ở yên. Các chú ấy đưa đẩy: "Họ chơi vi-ô-lông… Tuổi gì!… anh làm hẳn quả pi-a-nô cho xịn hẳn. Nổi hẳn lên cho không ai có thể đuổi kịp”. Cậu phòng bên hiến kế: "Em có ông anh học nhạc viện ra sẽ lo đệm cho anh và sẽ dạy cho anh. Còn bạn em đã có máy quay vi-đê-ô… Nhà anh rực rỡ, đẹp có thể làm luôn trường quay anh nhé”. Thích là một chuyện, mua lại là chuyện khác. Bà vợ anh nhảy lồng lên khi anh đề xuất, nhưng khi nghe các chú góp ý, chị thấy xuôi xuôi. Ừ, thiên hạ bây giờ họ chơi ra chơi. Anh nhà mình đâu phải người thường... anh có giọng, có năng khiếu "cầm kỳ thi họa” để anh ấy phát triển tài năng chứ… Anh chơi sang, đẳng cấp, thì mấy tiền cũng chẳng thể mua được”. Nửa năm học thêm loại nhạc cụ kinh viện này, anh thấy mình cũng rõ lên hương. Đã thế, ông thầy còn phán rằng: khả năng thẩm âm của anh tốt, khả năng còn có thể sáng tác vì ca từ của anh đẹp, dễ nghe… Đời người, được khen thì sướng gì bằng. Nhất là những lời nói thực bụng!!! Mà nhất là hôm nọ, một trường THCS sát cơ quan anh, đến "đòi” bằng được một nhạc phẩm viết cho chủ đề 20/11. Nghe các diễn viên không chuyên hát và nhất là nghe lời thầy hiệu trưởng bình về ý nghĩa của ca từ, làn điệu bài hát mà anh thấy mình thăng hoa, thấy mình trưởng thành… Thế là từ đó, tuần 1 lần, vào ngày nghỉ, anh í ới gọi mấy chiến hữu đến ghi hình, thu âm cho anh. Chà... Một hình ảnh thật lãng mạn. Anh ôm cây đàn ghi ta, mắt nhắm nghiền, lúc mơ màng cùng bài hát "Con đường xưa em đi", "Biển nhớ", lúc đắm đuối chút nhạc tiền chiến "Mơ hoa", "Đàn chim Việt"…. Lúc lại nghiêm túc bên đàn pi-a-nô với dòng nhạc đỏ, nhạc thính phòng. Lời ca, giọng hát bay lên chập chờn cơn tỉnh, cơn mê. Thu xong, đám các chú ấy dựng, chỉnh và đẩy thẳng lên trang chủ của anh cùng muôn vàn "sờ-tây-tớt” có cánh. Anh "táp” chia sẻ cho đủ các bạn (học phổ thông, đại học, bạn nghề, bạn bia hơi, bạn hàng thịt của vợ…). Rồi chính "các chú” ấy là người xung phong bình luận đầu tiên. Đưa đẩy, đưa lên đưa xuống… tỉa tót đủ kiểu. Rồi bạn học từ thuở xưa trầm trồ, ngạc nhiên về một tài năng nay đã phát lộ. Ngày trước… nốt nhạc bẻ đôi không biết, hát thì toàn kiểu "Lệ Rơi”, sao nay tiến bộ thế… Nhưng cũng có những bình luận thiếu thiện chí, kiểu "con gà tức nhau tiếng gáy" khiến anh bực, đại loại như "Giọng mà ré lên thế… khê nồng mà dám hát cùng pi-a-nô… Phí cả đàn”. Nhưng các chú ấy trấn an: "Một hiền triết từng nói rằng, vườn hoa nghệ thuật, giống như một khu vườn nhiều hương sắc, có cả chim, cả bướm và có cả… sâu bọ, rắn rết. Anh chấp làm gì”.

 Không biết "nhạc sĩ kiêm ca sĩ phây - búc” của anh kéo dài bao tháng nữa, chỉ biết rằng vợ anh hiện cũng đang nằng nặc đòi đi học thanh nhạc, học đàn… cho dù việc bán hàng ở chợ đang lên như diều. Khó lắm thay…

Bùi Huy

Các tin khác


Chữa bách bệnh

(HBĐT) - Từ mấy chuyện lùm xùm do Thạch Sanh và thuộc hạ gây ra, để tránh tai tiếng, vua cha đành hạ chỉ buộc thôi việc chàng rể quý. Thậm chí tài sản còn bị kê biên, nhà ở bị tịch thu để khắc phục hậu quả. Trắng tay trở về vùng "rừng xanh, núi đỏ”, chàng tiều phu vô cùng ngán ngẩm vì không biết làm gì để kiếm kế sinh nhai.

Về hưu non

(HBĐT) - Với những chiến công diệt trăn tinh, ác điểu cứu công chúa, Thạch Sanh không chỉ trở thành phò mã mà còn được nhà vua phong cho làm Giám đốc của một Sở ở vùng "rừng xanh, núi đỏ”. Quán xuyến hàng nghìn quân cán, chỉ đạo hàng trăm đầu việc khiến Thạch Giám đốc suốt ngày đêm trăn trở để lo cho công việc trôi chảy, "ấm trên, bền dưới”.

Quan hệ rộng

(HBĐT) - Thông tin Thạch Sanh bị cơ quan cảnh sát điều tra bắt và tống vào sau song sắt về tội lừa đảo bỗng chốc lan khắp vùng "rừng xanh, núi đỏ”. Mọi người xôn xao bàn tán, nào là: "Lừa từ trong nhà lừa ra, chết cũng đáng”, "Chịu nói, chịu đi, chịu khó, chịu chai mặt… vậy mà cũng phải tù tội”…

Chuyện cuối tuần: Đừng tự coi mình là “bác sỹ”

(HBĐT) -Vì sức đề kháng kém nên tôi hay ốm vặt. Cũng vì thường xuyên gặp chứng đau đầu, chóng mặt, cảm gió… nên mấy năm gần đây, hễ thấy có triệu chứng là tôi tự tìm đến hiệu thuốc. Phần vì sợ cảnh chen chúc ở bệnh viện, phần vì thói quen mua thuốc về tự điều trị đã ăn sâu.

Bán trà - "buôn thất nghiệp, lãi quan viên"

(HBĐT) - Người ta vẫn nói vui với nhau là nghề bán trà góc phố, vỉa hè ví như nghề "buôn thất nghiệp, lãi quan viên" cũng có phần đúng. Vốn bỏ ra không nhiều, chỉ là đầu tư bàn ghế, mua đồ pha chế, bếp đun nước, chè, lá vối, các loại đồ ăn vặt như kẹo lạc, hướng dương, thuốc lá, thuốc lào... là có thể mở quán bán trà. Thứ đến là cần có điểm bán tốt, mát mẻ, cách pha trà, pha nước ngon để giữ chân khách là có thu nhập cả trăm nghìn đồng mỗi ngày.

U23 Việt Nam giàu kinh nghiệm hơn so với Thái Lan và Indonesia

So với hai đối thủ chính trong bảng K vòng loại U23 châu Á là Thái Lan và Indonesia, U23 Việt Nam được đánh giá cao hơn về mặt kinh nghiệm, nhờ các cầu thủ đã trải qua nhiều giải đấu căng thẳng hơn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục