- Mới sáng sớm cô Hương đi đâu tất tưởi thế?
- Dạ! Em lên huyện tí. Nghỉ việc ở công ty hơn 1 năm rồi, công việc buôn bán của em đang vào guồng, hèn nỗi… khan vốn quá! Em đi rút bảo hiểm xã hội (BHXH) về để đầu tư trang trải chị ạ!
- Ối! Sao lại rút bảo hiểm? Cô đóng được bao năm rồi ?
- Em đóng được 11 năm rồi, rút cũng được khoản kha khá đó chị! Năm nay em mới ba lăm, đóng đến bao giờ mới được hưởng lương hưu. Trong khi em đang rất cần tiền để vừa làm ăn, vừa lo cho các con học hành. 
- Chú ấy đều việc thế còn gì! Cô tính toán lại đi kẻo rút sớm phí lắm!
- Dạ! Bí mới phải rút chị ạ. Chồng em đi làm thợ nề ngày công cao đấy nhưng quá vất vả, lại phụ thuộc vào sức khỏe, thời tiết nữa chứ. Thành ra mỗi tháng cũng chỉ được dăm bảy triệu. Anh ấy cứ theo công trình nay đây mai đó, ở nhà mình em xoay sở vừa lo buôn bán, vừa chăm sóc bố mẹ già với 2 đứa trẻ oải quá chị ạ. Mà độ này buôn bán nông sản sạch cũng làm ăn được nên em tính gọi nhà em về làm cùng. Thêm nhân công thì phải mở rộng kinh doanh nên em cần thêm món tiền để đầu tư chị ạ. Chẳng biết vay đâu em mới tính rút BHXH. Em cũng tìm hiểu rồi, Luật BHXH năm 2014 quy định: Trường hợp người lao động tham gia BHXH bắt buộc sau một năm nghỉ việc mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH khi có yêu cầu thì được nhận BHXH một lần. Mức hưởng BHXH một lần được tính theo số năm đã đóng BHXH, theo đó số tiền được hưởng gần như tương đương chứ không phải mất 80 - 90% như bên bảo hiểm nhân thọ đâu.  
- Thì vẫn biết là thế, nhưng cô không thấy đài, báo tuyên truyền thông điệp: "BHXH - điểm tựa của bạn và gia đình” đó à? BHXH là chính sách an sinh của Nhà nước nhằm mục đích chăm sóc sức khỏe, đảm bảo thu nhập cho người tham gia khi không may xảy ra các biến cố do ốm đau, bệnh tật, thai sản, già yếu... Người tham gia BHXH bắt buộc được hưởng 5 chế độ tương ứng với 5 quyền lợi như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất. Còn người tham gia BHXH tự nguyện thì được hưởng 2 quyền lợi về hưu trí và tử tuất. Ấy thế nhưng giờ đang có nhiều người lao động tự do hay buôn bán nhỏ tham gia BHXH tự nguyện đấy, thế mà cô đang có lại bỏ?
- Dạ! chung quy là tại… bí chị ạ!
- Úi chao! Nhiều người còn bí hơn cô, nhưng họ vẫn lo "Đóng góp khi lành, để dành khi yếu” đấy! Tức là bây giờ mình đang khỏe mạnh, đang còn kiếm tiền được thì cứ đóng BHXH, coi như một món tiết kiệm, đến khi già yếu rồi mình có lương lĩnh hàng tháng không phải phiền nhiều đến con cháu. Còn khoản "bí” của cô chắc tôi giúp được!
- Thế hả chị! Chị có cho em vay thì tốt quá để em giữ lại cuốn sổ BHXH phòng thân như chị nói!
- À! Cá nhân tôi thì không có tiền đâu! Nhưng từ nhiều năm nay, Hội Phụ nữ xã đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho hội viên vay phát triển kinh tế. Đợt này Hội đang khảo sát nhu cầu hội viên. Dự kiến trong buổi sinh hoạt Chi hội phụ nữ xóm ngày mai sẽ triển khai. Cô cứ mạnh dạn đăng ký nhé! Chi hội sẽ thống kê, khảo sát rồi gửi Hội Phụ nữ xã, huyện để đề nghị vay vốn. Cũng nhanh thôi mà lãi suất lại thấp. Khi được vay vốn rồi cô tham gia "Tổ tiết kiệm và vay vốn” cùng chị em trao đổi, chia sẻ việc quản lý sử dụng vốn vay, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau rất thiết thực và hiệu quả cô ạ.
- Vâng! Vậy em cảm ơn chị!  Em sẽ giữ lại cuốn sổ BHXH này và tiếp tục đóng góp để dành khi "yếu” chị nhỉ!

Lam Nguyệt (CTV)   

Các tin khác


Chuyện đời thường: Lợi bất cập hại!

(HBĐT) - Alo! Bác có nhà không? Em sang xin chén nước chè? - Ừ! Chú về quê hả? Chú sang đi! Nhưng không phải sang nhà mà đến đoạn suối ngày xưa anh em mình ngụp lặn sau mỗi buổi chiều chăn trâu nhé.

Mùa nóng, đừng cáu gắt!

(HBĐT) - Vừa vào nhà, vứt cái túi đồ xuống nền gạch hoa, ông N. rót cốc nước lấy đầy đá uống một hơi mới cất tiếng: "Nóng nắng, đi đâu gặp chuyện chướng mắt đều thấy bực”. Bà vợ tủm tỉm: "Dấu hiệu tuổi già đấy. Tôi bảo này, ra ngoài đường thấy chuyện nghịch mắt nên bỏ qua. Không dễ bị tim mạch lắm. Kệ đi…”. Kệ làm sao được...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục