(HBĐT) - Những năm gần đây, phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, vượt khó vươn lên làm giàu đang được các cấp Hội phụ nữ huyện Cao Phong triển khai thực hiện hiệu quả và có sức lan tỏa sâu rộng. Từ phong trào đã xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương phụ nữ làm kinh tế giỏi. Một trong những tấm gương đó là bà Trần Thị Cầm, sinh năm 1959, tại khu 4, thị trấn Cao Phong.
Bà Cầm là người cần mẫn, ham học hỏi và mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, làm giàu. Vợ chồng bà vay ngân hàng để có vốn đầu tư trồng cam trên diện tích 5 ha đất mượn khoán của Công ty TNHH MTV Cao Phong và mua thêm 3 ha đất đồi. Vậy là diện tích đất trồng cam của gia đình bà trải rộng ở thị trấn Cao Phong, xã Tây Phong và khu bãi tập xã Bắc Phong.
Bà Cầm cho biết: Ban đầu, do đất bạc màu, thiếu nước tưới nên cây cam chậm phát triển, lá vàng và nhiều cây bị chết. Vợ chồng bà mạnh dạn đề nghị và được Công ty cho phép đầu tư đường ống dẫn nước từ đập Tra về tưới cho diện tích cam, quýt mà gia đình đã nhận khoán. Gia đình bà đầu tư mua ống nước, máy bơm, chi phí hết gần 150 triệu đồng. Từ khi có nước tưới kết hợp với chăm sóc hợp lý, khoa học và đảm bảo tốt công tác bảo vệ thực vật nên cây cam, quýt phát triển tốt. Gia đình bà còn trồng xen các loại cây màu để lấy ngắn nuôi dài.
Từ sự mạnh dạn, quyết tâm, gia đình bà Cầm đã thu được kết quả xứng đáng. Năm 2010, tổng thu nhập của gia đình đạt 900 triệu đồng. Năm 2015 thu nhập 5 khẩu trong gia đình đạt 1,4 tỷ đồng/người/ năm. Ngoài ra, gia đình bà còn tạo việc làm cho 40 lao động thường xuyên và hàng trăm lao động mùa vụ. Có vốn ổn định, ngoài mua sắm, xây dựng cơ sở vật chất khang trang, hiện đại, gia đình bà đã đầu tư mua sắm các loại máy móc hiện đại phục vụ sản xuất và chăm sóc cây trồng như: máy phun thuốc, phát cỏ, máy bơm nước, làm bể tưới tiêu...
Không chỉ mạnh dạn, thành công trong phát triển kinh tế, bà Cầm luôn là người phụ nữ mẫu mực trong gia đình. Nhiều năm gia đình bà đạt văn hóa xuất sắc. Đặc biệt, gia đình bà thường xuyên đóng góp, ủng hộ các loại quỹ: Ngày vì người nghèo, khuyến học, đền ơn - đáp nghĩa và hỗ trợ các hoạt động của thị trấn, KDC...
Nhờ biết phát huy những lợi thế của địa phương, nhạy bén trong đầu tư phát triển kinh tế cùng với bản chất cần cù, chịu khó, dám nghĩ, dám làm, bà Trần Thị Cầm không chỉ được Hội LHPN tỉnh chọn là 1 trong 10 phụ nữ tiêu biểu tham dự Hội nghị biểu dương phụ nữ dân tộc làm kinh tế giỏi khu vực Tây Bắc mà còn góp phần tích cực cổ vũ chị em mạnh dạn phát triển kinh tế, góp phần xây dựng quê hương giàu mạnh.
H.D
(HBĐT) - Đã qua nhiều công việc khác nhau như cán bộ phòng Tài chính - thương nghiệp, phòng Kế hoạch - Đầu tư; Phó Văn phòng, Chánh Văn phòng UBND thành phố; Trưởng phòng LĐ-TB&XH, dù ở cương vị nào, anh cũng luôn được đồng nghiệp đánh giá cao bởi tinh thần làm việc tận tụy, gương mẫu, chí công, vô tư.
(HBĐT) - Ngoài có bài thuốc dân gian của người Dao chữa trị cho nhiều người bệnh vô sinh, trĩ nội, trợ ngoại và dạ dày, bà Triệu Thị Lan ở xóm Tiến Lâm 1, xã Bắc Phong, huyện Cao Phong là một lang y hay giúp đỡ người bệnh ở xa.
(HBĐT) - Những năm gần đây, xã Phú Thành (Lạc Thủy) có nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi nâng cao thu nhập cho người dân. Tiêu biểu như mô hình kinh tế trang trại chăn nuôi kết hợp trồng trọt của ông Nguyễn Duy Lành, Bí thư chi bộ thôn Bột, hiện cho thu nhập từ 800 triệu - 1 tỷ đồng/năm.
(HBĐT) - Thực hiện lời dạy của Bác “Thương binh tàn nhưng không phế”, thương binh Bùi Văn Huy ở thôn Rộc Dong, xã An Bình (Lạc Thủy) đã khắc phục mọi khó khăn, gương mẫu đi đầu trong các hoạt động của xã. ông Huy còn là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm...
(HBĐT) - Là nữ cán bộ công an tiêu biểu của tỉnh, thượng úy Nguyễn Thị Phượng (ảnh), Phó Đội trưởng Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra (Công an tỉnh) từng giành nhiều giải thưởng ở các cuộc thi mà chị tham gia. Thượng úy Phượng luôn hết mình với công việc và các phong trào, chị say sưa sáng tạo, đưa ra nhiều sáng kiến để nâng cao chất lượng và hiệu quả công việc. Nhắc tới nữ cán bộ công an năng động, tràn đầy nhiệt huyết, đồng đội gọi chị với tên thân mật “người của các giải thưởng”.
(HBĐT) - Sinh ra và lớn lên ở xóm Sáng, xã Cao Răm, huyện Lương Sơn, với mộng làm giàu xứ người anh Bùi Văn Phương đã bán trâu, bò lấy tiền đi lao động nước ngoài. Sang xứ người anh mới biết để kiếm được đồng tiền quả không dễ dàng. Anh quyết định về quê và làm giàu trên quê hương mình.