Đưa chúng tôi đi thăm quan mô hình, ông Thắng cho biết: "Năm 1998, một số hộ dân trên địa bàn xã đã đầu tư nuôi hươu lấy nhung nhưng vì nhiều lý do khác nhau nên không đem lại hiệu quả. Nhận thấy tiềm năng, lợi thế để phát triển mô hình, tôi đã mua 2 con hươu về nuôi thử. Ban đầu, tôi gặp rất nhiều khó khăn vì không nắm bắt được kỹ thuật và chưa có kinh nghiệm. Do đó, tôi đã nỗ lực tìm tòi, học hỏi cách làm của các trang trại nuôi hươu lấy nhung ở Hà Tĩnh. Trong quá trình chăn nuôi, tôi rút kinh nghiệm để kịp thời thay đổi, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm”.
Hiện nay, đàn hươu của gia đình ông Thắng nhân rộng trên 30 con, trong đó có 10 con hươu đực. Hươu đực nuôi hơn 1 năm sẽ nhú nhung và cho khai thác. Hươu cái sau 2 năm bắt đầu sinh sản, mỗi năm đẻ một lứa, mỗi lứa một con. Với chu kỳ thu hoạch 1 năm/lần, nhung hươu sau khi thu hoạch đạt tiêu chuẩn 500 - 700 gam, giá bán dao dộng từ 2,5- 3 triệu đồng/100 gam. Ngoài ra, thịt hươu còn được thị trường ưa chuộng với giá thành dao động 250.000 đồng/kg thịt hươu đực, 100.000- 150.000 đồng/kg thịt hươu cái. Năm 2017, sau khi trừ chi phí, gia đình ông Thắng thu về trên 80 triệu đồng. Sản phẩm được nhiều người trong vùng và khu vực lân cận lựa chọn vì uy tín, chất lượng.
Mô hình nuôi hươu của gia đình CCB Nguyễn Minh Thắng, chi hội Nam Sơn, xã Lâm Sơn (Lương Sơn) cho thu nhập trên 80 triệu đồng mỗi năm.
Ông Thắng cho biết thêm: ưu điểm của mô hình nuôi hươu lấy nhung là nguồn vốn đầu tư một lần nhưng chu kỳ thu hoạch có thể kéo dài từ 10- 15 năm. So với phát triển nông nghiệp, mô hình này cho thu nhập cao gấp 4 - 5 lần. Bên cạnh đó, hươu là động vật hoang dã, có sức đề kháng cao, không dễ mắc bệnh. Ngoài ra, nguồn thức ăn cho hươu khá phong phú, đa dạng, có thể tận dụng các loại cỏ tươi, lá cây. Tuy nhiên, đặc biệt lưu ý khi nuôi hươu đó là không cần diện tích chăn thả nhưng hệ thống chuồng trại phải luôn sạch sẽ, khô thoáng để tránh các bệnh ghẻ lở, mụn nhọt.
Nhận thấy hiệu quả kinh tế đem lại từ mô hình nuôi hươu lấy nhung, một số hộ trên địa bàn đã đến thăm quan, học hỏi cách làm của gia đình CCB Nguyễn Minh Thắng. Hiện nay, ông Thắng đã hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp con giống cho 4 - 5 hộ trong huyện. Một số hộ sau khi nuôi thí điểm đã có thu nhập bằng với số vốn đầu tư phát triển mô hình.
Đồng chí Bùi Minh Tường, Chủ tịch Hội CCB xã Lâm Sơn cho biết: "Mô hình nuôi hươu lấy nhung của CCB Nguyễn Minh Thắng được đánh giá phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Trong thời gian tới, Hội CCB xã sẽ đề nghị các ban, ngành, đoàn thể phối hợp tổ chức các lớp tập huấn để nâng cao kỹ thuật và chia sẻ kinh nghiệm cho hội viên. Qua đó góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho cán bộ, hội viên CCB.
Đức Anh