(HBĐT) - Mặc dù đã bước sang tuổi thất thập nhưng ông Trần Quang Hải, phố Lâm Hóa 1, xã Vũ Bình (Lạc Sơn) vẫn hăng say lao động. Ông không chỉ tạo việc làm, thu nhập cho 8-10 người lao động mà còn là tấm gương cho nhiều người về lập thân, lập nghiệp trên mảnh đất quê hương.
Cơ sở sản xuất của ông Trần Quang Hải, xã Vũ Bình (Lạc Sơn) cung cấp cá giống chất lượng cao cho nhiều hộ nuôi cá trong và ngoài tỉnh.
Năm 2010, sau khi nghỉ làm ở Trung tâm thủy sản tỉnh, ông Hải quyết định về làm trại cá giống ở vùng đất quê hương. Nơi có nhiều ao, hồ nuôi cá nhưng người dân phải đi mua giống ở xa. Có chút vốn, ông đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị trên diện tích ban đầu là 7.000 m2, chi phí xây dựng khoảng 2 tỷ đồng.
Tuy có kinh nghiệm nhiều năm trong nghề nhưng khi xây dựng mô hình sản xuất và kinh doanh cá giống, ông Hải gặp nhiều khó khăn về mặt bằng, vốn, kỹ thuật sản xuất, đầu ra cho sản phẩm… Với nỗ lực của bản thân, ông đã tích cực nghiên cứu, tìm tòi để tìm ra phương pháp, kỹ thuật phù hợp nhất để phù hợp với nhu cầu thị trường. Ông luôn giữ tiêu chí lấy chất lượng làm đầu, mỗi vụ cá giống đảm bảo khoẻ mạnh, không xây xát, dịch bệnh, tỷ lệ sống cao mới bán cho người nuôi.
Cá của ông bán ra có sự đồng đều, tỷ lệ sống cao, chịu được môi trường khác nhau. Do vậy, người nuôi khi mua cá giống của ông đều cho năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, cơ sở sản xuất cá giống của gia đình ông Trần Quang Hải đã đi vào hoạt động ổn định và có chỗ đứng nhất định trên thị trường sản xuất cá giống khu vực miền Bắc.
Từ năm 2019 đến nay, mỗi năm khối lượng cá giống do cơ sở xuất ra thị trường trung bình khoảng 40 tấn, doanh thu ước đạt 3 tỷ đồng/năm. Trừ chi phí đầu tư, lợi nhuận thu được bình quân khoảng 700 triệu đồng. Hàng năm, cơ sở sản xuất cá giống của gia đình ông Hải tạo việc làm ổn định cho 10 lao động với mức lương 8 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, cơ sở sản xuất cá giống của gia đình ông trở thành nơi tham quan, thực tập của sinh viên ngành thủy sản các trường cao đẳng, đại học và bà con trên địa bàn tỉnh, các tỉnh lân cận. Ông còn tận tình giúp đỡ về kỹ thuật cho những người đầu tư nuôi cá.
Ông Hải cho biết: Cơ sở của tôi có thể sản xuất được hết các loại giống mà thị trường cần. Không chỉ có khách hàng trong tỉnh mà nhiều khách hàng ở các tỉnh: Thanh Hóa, Điện Biên, Sơn La cũng đến mua cá giống. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, trong thời gian tới, gia đình tôi tiếp tục mở rộng hồ nuôi, sản xuất giống với quy mô 3,7 ha. Với quy mô này sẽ tạo việc làm và thu nhập nhiều hơn nữa cho bà con địa phương.
Ngoài làm kinh tế giỏi, ông Hải và các thành viên trong gia đình luôn thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thực hiện tốt nội quy, hương ước nơi cư trú; tích cực tham gia các phong trào do địa phương phát động; đóng góp các loại quỹ, ủng hộ từ thiện như: quỹ đền ơn - đáp nghĩa, quỹ vì người nghèo, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam, người dân chịu ảnh hưởng thiên tai... với số tiền trên 10 triệu đồng/năm.
Việt Lâm
(HBĐT) - Nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của tuổi trẻ đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, trong đợt tuyển quân năm 2023, những người con ưu tú của quê hương Mường Động đã nghiêm chỉnh chấp hành Luật Nghĩa vụ quân sự, trong đó, tiêu biểu phải kể đến tấm gương cặp song sinh Bùi Thế Huynh và Bùi Anh Tuấn, trú tại xóm Ve, xã Đông Bắc đã cùng nhau tự nguyện viết đơn xung phong lên đường ngập ngũ.
(HBĐT) - Một ngày cuối năm 2022, chúng tôi đến thăm gia đình anh Bùi Văn Thiệu ở xóm Dài, xã Vũ Bình (Lạc Sơn). Mô hình kinh tế nhà anh tuy không lớn nhưng tận dụng được mọi thứ là "phế liệu” để sản xuất. Ngay cạnh nhà là khu làm đậu phụ và nấu rượu. Mỗi ngày, gia đình anh cung cấp hàng trăm bìa đậu phụ trên địa bàn xã và hàng trăm lít rượu cung cấp cho thị trường huyện Lạc Sơn, Yên Thủy và Hà Nội.
(HBĐT) - Việc thành lập xưởng may gia công không chỉ đem lại cho gia đình chị Đinh Thị Phương Thao, thôn Tiên Lữ, xã An Bình (Lạc Thủy) nguồn thu nhập ổn định, mà còn góp phần giải quyết hiệu quả "bài toán” lao động tại địa phương, tạo việc làm cho nhiều lao động nữ theo mô hình "ly nông bất ly hương”.
(HBĐT) - Những năm gần đây, sự ra đời của nhiều bộ phim truyền hình chất lượng đã mang đến món ăn tinh thần hấp dẫn, cuốn hút, tràn đầy cảm xúc cho khán giả như các bộ phim: 11 tháng 5 ngày, Anh có phải đàn ông không?, Hương vị tình thân, Bão ngầm, Hành trình công lý, Đấu trí… Trong đó không thể không nhắc đến những đóng góp qua các vai diễn ấn tượng của các nghệ sĩ, diễn viên quê hương Hòa Bình.
(HBĐT) - "Sống lạc quan, ăn nhiều rau” là bí quyết sống lâu, sống khỏe của đại lão Sùng A Sía ở bản Chà Đáy, xã Pà Cò (Mai Châu). Cụ Sía tròn 110 tuổi nhưng da dẻ vẫn hồng hào, chân bước vững chắc, vẫn còn nuôi lợn, chăn trâu và làm mọi việc sinh hoạt hàng ngày.
(HBĐT) - Cựu chiến binh Bùi Văn Nhụng sinh ra và lớn lên tại xóm Lương Mỹ, xã Lạc Lương, huyện Yên Thủy. Cũng như bao thanh niên trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, năm 1972, ông lên đường nhập ngũ, chiến đấu ở mặt trận Tây Nguyên. Năm 1982, ông được phục viên về quê hương, tham gia chi ủy chi bộ xóm.