Anh Nguyễn Văn Phong chăm sóc đàn gà
(HBĐT) - Tới xóm Gò Trạng, xã Cư Yên (Lương Sơn), nhắc tới anh Nguyễn Văn Phong ai cũng biết anh không chỉ là Bí thư chi đoàn năng nổ, nhiệt tình trong công tác mà còn là một thanh niên làm kinh tế giỏi.
Sinh năm 1987, tốt nghiệp THPT năm 2005, cũng như bao bạn bè cùng trang lứa, anh Phong mong muốn được bước vào cổng trường đại học. Mặc dù không thi đỗ nhưng anh cho rằng, vào đại học không phải là con đường duy nhất để vào đời. Khác với những thanh niên khác đổ xô ra thành phố làm thuê kiếm tiền, anh quyết định lập nghiệp ngay trên chính quê hương mình. Tuy nhiên, phải bắt đầu từ đâu và bằng cách nào khi chỉ có hai bàn tay trắng? Sau nhiều đêm trăn trở suy nghĩ, thấy đất vườn của gia đình còn rộng gần 3.000 m2 lại chỉ là vườn tạp, anh đã nảy ra ý định tận dụng diện tích đó để phát triển trồng trọt, chăn nuôi. Trong quá trình loay hoay tìm hướng đi, anh nhận ra rằng dù muốn làm gì thì cũng cần phải có kiến thức làm nền tảng. Vì vậy, năm 2009, anh đã theo học hệ trung cấp thú y của trường Cao đẳng NN &PTNT tại Xuân Mai (Hà Nội). Trong thời gian học tập, được đi nhiều nơi, thăm nhiều mô hình chăn nuôi, anh nhận thấy giống gà Ai Cập khả năng chống chịu bệnh tốt, năng suất trứng cao, tiêu tốn ít thức ăn lại thích hợp với điều kiện ở địa phương. Đầu năm 2010, tuy chưa tốt nghiệp nhưng anh đã mạnh dạn vay 70 triệu đồng từ ngân hàng và bạn bè, người thân đầu tư mua giống, xây dựng chuồng với diện tích trên 100m2.
Với một thanh niên trẻ, việc phát triển kinh tế cũng không hề dễ dàng. Do thiếu kinh nghiệm chăm sóc, một số con gà đã bị chết. Không nản lòng, anh chịu khó nghiên cứu sách, vở, hỏi ý kiến thầy, cô, học hỏi kinh nghiệm bạn bè cách phòng, chống dịch bệnh. “Đợt xuất hiện dịch cúm A/H5N1, lo lắng đàn gà mắc bệnh hết thì phá sản, tôi đã ngày đêm theo dõi để tiêm phòng, chăm sóc. Nhờ tuân thủ đúng kỹ thuật, hơn 1.000 con gà vẫn khỏe mạnh và lớn nhanh” – Anh Phong tâm sự. Hiện nay, đàn gà của anh đã đẻ trứng với gần 400 quả/ngày. Với giá thị trường bán buôn 2.600 đồng/quả, mỗi lứa nuôi khoảng 5 tháng, anh thu về gần 200 triệu đồng. Theo anh Phong, để gà không bị mắc bệnh và phát triển tốt cần giữ ấm chuồng trại vào mùa đông, mùa hè phải cung cấp đủ nước, có bóng mát cho đàn gà. Đồng thời, thường xuyên theo dõi để biết lúc nào cần tiêm phòng, vệ sinh và khử trùng chuồng trại. Ngoài ra, anh còn trồng cây ăn quả như nhãn, vải vừa tạo bóng mát cho gà vừa tăng thêm thu nhập. Không dừng lại ở đó, thời gian tới, anh dự định vay thêm vốn để mở rộng chuồng trại nuôi gà với quy mô lớn hơn.
Cùng với làm kinh tế giỏi, anh Phong còn nhiệt tình, năng nổ trong công tác đoàn và sẵn sàng giúp đỡ những thanh niên khác cùng làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê nhà. Trong những buổi sinh hoạt chi đoàn, anh thường trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi, phòng bệnh để các bạn trẻ khác cùng học hỏi, rút kinh nghiệm trong phát triển kinh tế. Nhiều thanh niên ở các xóm và xã khác đến học tập cách làm, anh đều tận tình chia sẻ, tư vấn, giúp đỡ con giống, kỹ thuật. Vì vậy, anh được bạn bè yêu mến, được lãnh đạo địa phương tin tưởng. Anh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đưa phong trào thanh niên của xóm phát triển vững mạnh. Anh được mọi người nhắc tới như tấm gương để thanh niên học tập và làm theo.
Bùi Thị Kim Phượng
(Trường CĐ Truyền hình Hà Nội)
(HBĐT) - Khi nhắc tới trung tá Đặng Ngọc Thạch - Đội trưởng Đội CSĐTTP về ma túy – Công an thành phố Hòa Bình, từ các đồng chí lãnh đạo tới cán bộ, chiến sỹ đều có chung nhận xét: đó là con người luôn tận tụy, trách nhiệm với công việc, mưu trí, dũng cảm trong đấu tranh chống tội phạm ma túy. Tuy nhiên, khi tiếp xúc với anh, tôi thấy anh thật gần gũi, cởi mở. Khác xa với hình ảnh của anh khi đối mặt với tội phạm ma túy ở một địa bàn trọng điểm của tỉnh.
(HBĐT) - Với suy nghĩ và quyết tâm lập thân - lập nghiệp ngay trên mảnh đất quê hương, sau nhiều năm đi làm thuê, Bùi Văn Tôn ở xóm Quèn Thị - xã Cao Dương (Lương Sơn) chọn cho mình bước khởi đầu từ nghề ương thả cá giống và nuôi cá thịt.
(HBĐT) - Kể từ lần hiến máu đầu tiên vào tháng 3/2006 đến nay, anh Nguyễn Quang Tự, Bí thư Đoàn trường Trung cấp Y tế Hòa Bình đã 4 lần tình nguyện đăng ký, hiến máu cứu người bệnh. Với 250 ml máu mỗi lần, anh trở thành một trong những cán bộ, giáo viên trẻ của trường tham gia hiến máu nhiều nhất.
(HBĐT) - Trong các hoạt động chào mừng Tháng thanh niên (3/2011), các cơ sở đoàn huyện Kim Bôi đã giới thiệu không ít những mô hình hay, cách làm giỏi, sáng tạo của ĐVTN, trong đó có mô hình phát triển kinh tế trang trại của anh Quách Văn Hợp - Bí thư chi đoàn Cóc Lẫm, xã Kim Truy.
(HBĐT) - Ông yêu những đứa trẻ như chính con cháu nhà mình. Ông tin những đứa trẻ ấy là tương lai của ưuê hương. Ông là một người lính Cụ Hồ suốt đời sống, chiến đấu và cống hiến cho quê hương, dân tộc… Đó là những yếu tố để Ông Phạm Cao Tuần, hội viên Hội NCT xã Lạc Long (Lạc Thủy), tuy tuổi đã già, sức yếu vẫn sẵn sàng hiến đất cho nhà trường xây lớp học, cho xóm xây nhà văn hóa!
(HBĐT)- Nhỏ nhắn, xinh xắn, tác phong nhanh nhẹn, linh hoạt là ấn tượng của chúng tôi khi tiếp xúc với Bùi Linh Hoà học sinh lớp 5B, trường tiểu học Thanh Hối (Tân Lạc).