Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Mêng bên cháu nội Nguyễn Văn Viện.
(HBĐT) - Không khí tưng bừng của những ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám như thôi thúc chúng tôi về thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Mêng ở xóm Hang Đồi II, xã Cư Yên (Lương Sơn). Con đường bê tông nhỏ dẫn vào ngôi nhà ba gian xum xuê cây trái là nơi sum vầy của mẹ và các con, cháu, chắt.
Năm nay, mẹ đã bước vào tuổi 97 nhưng còn khá khỏe mạnh, đôi bàn tay vẫn cần mẫn giã trầu và khâu vá. Đặc biệt, mẹ vẫn nhớ nhắc nhở con, cháu phải treo cờ Tổ quốc mỗi dịp trọng đại của đất nước. Bên bậc thềm nhà, nhìn lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới, đôi mắt mẹ lại xa xăm nhớ về quá khứ. Mẹ kể: Trước Cách mạng Tháng Tám, cuộc sống của nhân dân vùng Lương Sơn khó nhọc, vất vả, làm lụng suốt ngày mà cơm chẳng đủ no. Chế độ lang đạo hà khắc đã đè nén nhân dân. Cách mạng thành công, bước ngoặt lịch sử chính quyền về tay nhân dân. Ai cũng tự nhủ nguyện theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn để xây dựng cuộc sống ấm no hơn.
Nhìn dáng người nhỏ bé của mẹ, chúng tôi không nghĩ hồi còn trẻ thời kháng chiến chống thực dân Pháp, mẹ đã từng tham gia gánh gạo nuôi bộ đội và nuôi giấu cán bộ cách mạng. Khi Tổ quốc cần, mẹ sẵn sàng nhường cơm, sẻ áo, băng rừng, vượt suối vì nhiệm vụ chung. Lý tưởng sống tốt đẹp đó tiếp tục được thắp lên trong kháng chiến chống Mỹ. Chỉ có một người con trai duy nhất, chồng mẹ đã mất khi con lên 10 tuổi nhưng nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, mẹ đã động viên con lên đường nhập ngũ, góp sức giải phóng dân tộc. Một ngày thu tháng 8/1971, mẹ tiễn anh Nguyễn Văn Trây lên đường tòng quân. Phút bịn rịn tiễn chân anh còn có người vợ trẻ và ba đứa con nhỏ dại. Người ở lại động viên nhau vững tâm sống với niềm tin sẽ đến ngày đoàn tụ để người ra đi được yên lòng. Thế nhưng vào thời điểm đất nước chưa trọn vẹn niềm vui, ngày 23/4/1972, mẹ được tin con đã dũng cảm hy sinh tại chiến trường Tây Nguyên. Vượt lên tất cả, mẹ động viên con dâu Phùng Thị Nông (vợ liệt sĩ Nguyễn Văn Trây) biến đau thương thành hành động nuôi ba cháu trưởng thành, viết tiếp truyền thống cách mạng của gia đình. Trong những năm tháng gian khó của thập niên 80 thế kỷ trước, mẹ đã san sẻ những hạt thóc ít ỏi cho những gia đình khó khăn hơn, cùng đoàn kết cộng đồng với tinh thần “lá rách ít đùm lá rách nhiều”.
Giờ đây, 3 cháu nội của mẹ đã trưởng thành, đều giữ được phẩm chất gia đình cách mạng. Cháu Nguyễn Nam Phương và một người chắt của mẹ tiếp tục công tác trong LLVT. Cháu Nguyễn Văn Viện sống cùng mẹ cũng tham gia công tác xã hội và là một điển hình về phát triển kinh tế. Mẹ mừng lắm bởi niềm tin của mẹ vào Đảng, cách mạng đã trở thành hiện thực, cuộc sống đã ấm no. Hài cốt của con trai, liệt sỹ Nguyễn Văn Trây cũng được đưa về quy tập tại nghĩa trang huyện Lương Sơn từ năm 1994. Hôm nay, mẹ được sống trong tình thương yêu của con cháu và sự quan tâm chăm lo của Đảng, chính quyền, những người con trong làng xóm và trên mọi miền Tổ quốc. Tài sản giá trị nhất đối với mẹ giờ là tấm bằng Tổ quốc ghi công và danh hiệu gia đình cách mạng gương mẫu. Đó cũng là những hiện vật vô giá để mẹ tiếp tục nhắc nhở, giáo dục con cháu sống và làm việc sao cho xứng đáng với những hy sinh của các thương binh, liệt sĩ vì độc lập, tự do của non sông, đất nước.
Cẩm Lệ
(HBĐT) - Dáng đi nhanh nhẹn, thoăn thoắt, không ai nghĩ cụ đã ngoài 70 tuổi. Cụ là Vàng A Da - Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Hang Kia ( Mai Châu).
(HBĐT) - Tới xóm Gò Trạng, xã Cư Yên (Lương Sơn), nhắc tới anh Nguyễn Văn Phong ai cũng biết anh không chỉ là Bí thư chi đoàn năng nổ, nhiệt tình trong công tác mà còn là một thanh niên làm kinh tế giỏi.
(HBĐT) - Với tinh thần vượt mọi khó khăn gian khó, dám nghĩ, dám làm và ý chí tự lực, tự cường của người lính, CCB Đinh Ý Quỳnh, thương binh hạng 4/4 ở xóm Bẵn, xã Mông Hoá (Kỳ Sơn) đã không ngừng nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình và quê hương.
(HBĐT) - Hơn 10 năm trong quân đội, không biết bao nhiêu lần quyết tử với giặc. Bị thương nặng phải cắt bỏ chân trái với tỷ lệ thương tật 71%, trong người còn nhiều mảnh đạn ở vai, ở đầu nhưng thương binh Bùi Thanh Hin, xóm Vó Khanh, xã Kim Tiến ( Kim Bôi) đã vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương mình càng thấm nhuần lời căn dặn của Bác: “ Thương binh tàn nhưng không phế ”.
(HBĐT) - Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Song (bút danh Văn Song) đã có 47 năm là cộng tác viên thường xuyên của Báo Hòa Bình. Tham gia viết Chuyện đời thường từ những ngày đầu tiên mở chuyên mục, đến nay, ông vẫn luôn là cây bút chủ lực của chuyên mục này.
(HBĐT) - Kể từ lần đầu tiên đi tham gia phong trào hiến máu đến nay, anh đã 5 lần đi hiến máu nhân đạo và là 1 trong 15 cá nhân xuất sắc của phong trào hiến máu tình nguyện năm 2011 của tỉnh. Đồng thời, anh đã được làm đại biểu đi tham dự hội nghị biểu dương toàn quốc. Anh là Lê Văn Ý – Bí thư chi bộ thôn 3/2B xã Thành Lập (Lương Sơn). Quê anh ở xã Viên An, huyện Ứng Hoà ( thành phố Hà Nội) nhưng lập nghiệp và công tác ở Hoà Bình.