Anh Bùi Văn Bình ôn tập bài cho các em học sinh lớp 4.
(HBĐT) - Chưa tốt nghiệp THPT, chưa từng học sư phạm nhưng anh Bùi Văn Bình, thôn Yên, Kim Truy (Kim Bôi) vẫn được những người dân trong thôn yêu mến gọi hai tiếng “thầy Bình”. Liệt hai chân, bàn tay run rẩy không thể tự làm được những việc giản đơn nhất nhưng đã gần chục năm nay, ngôi nhà nhỏ của anh Bình không khi nào vắng tiếng đọc bài, tiếng nô đùa của các em nhỏ trong thôn. Đó là lớp học thêm do anh Bình duy trì để giúp các em nhỏ ôn luyện bài tập sau những giờ lên lớp.
Chúng tôi đến thăm anh Bình đúng lúc giờ học của các em học sinh lớp 4, lớp 5 bắt đầu. Trong ngôi nhà nhỏ không có mấy vật dụng đắt tiền, những chiếc cặp sách, tập vở viết được xếp ngay ngắn trên bàn. Đôi chân bị liệt, bàn tay co quắp, thật khó khăn anh Bình mới có thể ngồi lên chiếc phản nhỏ để vào giờ dạy, tuy nhiên, ngay khi nghe giọng đọc đều, rõ của thầy vang lên, lập tức những em nhỏ cũng bắt đầu một giờ học nghiêm túc. Sinh ra trong một gia đình nghèo tại xã Kim Truy, từ lúc nhỏ, anh Bình cũng khỏe mạnh bình thường như bao đứa trẻ khác. Tuy nhiên, năm học THCS, một trận ốm nặng đã biến đôi chân bình thường của anh Bình trở nên mất phản xạ, tay co quắp không thể vận động và làm việc một cách dễ dàng như trước. Lúc đó, trường học xa, gia đình khó khăn, nhiều người khuyên anh Bình nghỉ học nhưng anh nhất quyết không chịu. Cảm phục trước tinh thần hiếu học của anh Bình, các thầy, cô giáo trường THCS Kim Truy đã động viên và tạo mọi điều kiện để anh tới lớp. Hàng ngày, các bạn ở lớp thay phiên nhau cõng, dìu anh Bình đến trường. Khó khăn vất vả, những ngày mưa rét,nắng nóng, anh Bình vẫn cố gắng đến trường. Bị khuyết tật nhưng bù lại anh Bình có trí thông minh và đức tính cần cù. Trong suốt những năm học sau đó, anh đều là học sinh khá, giỏi của trường.
Nỗ lực gần 7 năm trời, đến năm anh học lớp 12, khi vừa bước qua tuổi 18, anh bị một trận ốm ác liệt tưởng chừng không qua khỏi. Nhưng khi nằm trên giường bệnh, anh chỉ lo sẽ phải bỏ dở năm học lớp 12, bỏ dở ước mơ có được tấm bằng tốt nghiệp THPT. Sau một thời gian dài chạy chữa, anh qua khỏi nhưng trận ốm đã thực sự cướp đi đôi chân của anh, anh bị liệt hẳn, không thể đi lại, bàn tay co quắp, ngay cả đến những việc giản đơn nhất của bản thân, anh Bình cũng phải dựa vào người khác nên anh không thể tiếp tục theo học. Quanh quẩn ở nhà với một đôi chân tật nguyền, nhiều lúc anh Bình chán nản cuộc sống. Anh tâm sự: Chính vào lúc bế tắc nhất của cuộc đời, tôi đã nhận được sự quan tâm của bạn bè, thầy cô giáo và những người thân quanh mình. Tôi hiểu rằng, cuộc sống với một người khuyết tật ở chân vẫn chưa phải là đã hết, tôi vẫn còn cái đầu để suy nghĩ, đôi mắt sáng thì tôi vẫn còn có thể cống hiến được cho xã hội. Vậy là từ đó, anh Bình quyết định nhận kèm miễn phí cho các em nhỏ trong thôn. Từ vốn kiến thức đã học của mình, hàng ngày, anh bỏ thời gian ôn luyện bài tập cho các em nhỏ trong thôn. Lúc mới đầu chỉ có 3 em là con của những người hàng xóm cảm phục trí thông minh và sự nỗ lực của anh đã đưa con em đến học nhưng chỉ một thời gian ngắn, lớp học của anh đã thu hút hơn hai chục em, chia thành hai ca, buổi sáng và buổi chiều. Anh Bình cho biết: có những em học sinh lớp 1, nhiều từ phổ thông các em không hiểu đến đây mình giảng lại và giúp các em luyện chữ, luyện toán. Với các em lớp lớn có thể giảng giải lại những bài toán, bài văn khó mà các em chưa hiểu. Kiến thức mỗi ngày một khác nên mình cũng phải chịu khó học hỏi, đọc thêm tài liệu để làm sao cách học phù hợp với các em
Ngoài việc dạy kèm, anh Bình cũng trông các em tại nhà mình để tránh những trò chơi nguy hiểm. Không chỉ dạy kiến thức, anh Bình còn truyền dạy cho các em đạo lý sống thông qua những câu chuyện, trang báo mà hàng ngày anh đọc cho các em nghe. Đó là những câu chuyện về lòng hiếu học, nỗ lực vượt khó của con người. Anh nói, kiến thức thì anh có thể hạn chế nhưng để truyền dạy cho các em tình yêu con người, nét đẹp của cuộc sống, anh luôn sẵn sàng. Với anh, những em nhỏ ở đây như đang học thay anh, thực hiện ước mơ của chính anh vậy. Có lẽ chính vì vậy, giờ đây, ngôi nhà nhỏ của anh như đã là một địa điểm quen thuộc của những em nhỏ thôn Yên.
Phương Linh
(HBĐT) - Nhiệm kỳ 2011 - 2016, ông Nguyễn Văn Trinh ở xóm Yên Hòa 1, xã Yên Mông (thành phố Hòa Bình) được nhân dân bầu chọn làm đại biểu HĐND xã, trưởng xóm, người có uy tín trong cộng đồng dân cư nhiều năm liên tục.
(HBĐT) - Đến thăm gia đình anh Cao Xuân Quân, xóm Nam Thành, xã Nam Phong (Cao Phong), chúng tôi càng cảm phục ý chí tự lực vươn lên thoát nghèo của anh chị.
(HBĐT) - “Nếu được chọn cho mình một cách chào đời, tôi sẽ chọn cách khác êm ái, nhẹ nhàng và ấm áp hơn. Mẹ tôi kể lại rằng, vào một buổi sáng mẹ ra đồng mải lao động nặng nhọc bẵng đi quên mất đứa con trong bụng sắp chào đời. Đến khi đau bụng quá đến bệnh viện thì đã không kịp nữa. Tôi sinh ra trong tình trạng bị ngạt và để lại di chứng não nặng nề”. Phải mất hơn 5 phút, anh Nguyễn Ngọc Tuấn, sinh năm 1985 ở thôn Lão Ngoại, xã Phú Lão (Lạc Thủy) mới bật lên được những lời tâm sự chứa chan nước mắt đó.
(HBĐT) - Đó là ông Quách Hải Bằng, 70 tuổi, người dân tộc Mường ở thôn Đồng Huống, xã Liên Hòa (Lạc Thủy). Khi bước vào tuổi đôi mươi, ông lên đường nhập ngũ, chiến đấu nhiều năm tại các chiến trường miền Nam, nước bạn Lào, Campuchia. Sau chiến tranh, ông trở về quê nhà, tham gia hội viên Hội CCB và hiện là Chủ tịch Hội NCT xã.
(HBĐT) - Với mong muốn chuyển nhanh nông nghiệp sang sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, hiệu quả cao gắn với quy hoạch xây dựng NTM, ông Nguyễn Văn Nhàn, Bí thư chi bộ xóm Nút (xã Dân Hạ, huyện Kỳ Sơn) đã tiên phong trong vận động nhân dân dồn điền, xây dựng “Cánh đồng mẫu”. Sau hơn 1 năm triển khai, mô hình mới này đã được đông đảo nhân dân ủng hộ, mang lại hiệu quả rõ rệt.
(HBĐT) - Thân thiện, hòa đồng, cởi mở là ấn tượng đầu tiên khi tiếp xúc và làm việc với đồng chí Phạm Ngọc Giới, Phó chủ nhiệm TT UBKT Huyện ủy Mai Châu.