Chị Vì Thị Oanh tự hào giới thiệu với những sản phẩm độc đáo của HTX dệt thổ cẩm Chiềng Châu khi tham gia triển lãm các sản phẩm nổi bật của ngành NN&PTNT tỉnh Hòa Bình năm 2015.
(HBĐT) - Mang trong mình tình yêu và niềm tự hào sâu sắc đối với nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc, chị Vì Thị Oanh – Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã dệt thổ cẩm Chiềng Châu (huyện Mai Châu) đã tìm được những trái tim đồng điệu khi tham gia dự án “Nâng cao năng lực phát triển ngành nghề nông thôn, phục vụ phát triển kinh tế xã hội ở nông thôn tỉnh Hòa Bình”. Từ năm 2009, chị Oanh và các xã viên HTX dệt thổ cẩm Chiềng Châu đã cùng nhau dành trọn tâm huyết cho việc khôi phục và phát triển nghề dệt thổ cẩm dân tộc Thái Mai Châu. Đến nay, tâm huyết của họ đã tạo ra những lan tỏa đẹp đẽ...
Trong khuôn khổ dự án “Nâng cao năng lực phát triển ngành nghề nông thôn, phục vụ phát triển kinh tế xã hội ở nông thôn tỉnh Hòa Bình” do tổ chức JICA (Nhật Bản) tài trợ, Sở NN&PTNT đã khảo sát và lựa chọn xã Chiềng Châu làm mô hình điểm để đầu tư, hỗ trợ cho người dân nơi đây phát triển nghề dệt thổ cẩm kết hợp gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Dự án được thực hiện trong ba năm từ 2009 đến 2011. Theo đó, năm 2009, HTX dệt thổ cẩm Chiềng Châu được thành lập gồm 33 xã viên, Ban chủ nhiệm gồm 3 thành viên, chị Vì Thị Oanh được bầu làm Phó chủ nhiệm HTX.
Cùng chung một tình yêu và niềm tự hào sâu sắc đối với nghề dệt thổ cẩm của dân tộc, chị Vì Thị Oanh và các xã viên HTX dệt thổ cẩm Chiềng Châu – những người phụ nữ dân tộc Thái Mai Châu đã dành nhiều tâm huyết cho việc khôi phục và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Vốn đã có từ lâu đời, nhưng xưa kia, nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Thái Mai Châu chỉ bó hẹp trong phạm vi tự cung, tự cấp, sản phẩm làm ra chủ yếu phục vụ sinh hoạt gia đình. Về sau, cùng với sự phát triển của ngành du lịch, cái tên Mai Châu gắn liền với những hoa văn tinh tế, đậm đà bản sắc của thổ cẩm dân tộc Thái nơi đây ngày càng tạo được sức hút mạnh mẽ đối với du khách thập phương. Các sản phẩm từ nghề dệt thổ cẩm dần có mặt nhiều hơn trên thị trường, trở thành sản phẩm du lịch độc đáo và thực sự tiêu biểu cho vùng đất du lịch Mai Châu.
Chị Vì Thị Oanh chia sẻ: Để phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình, chúng tôi xác định hạt nhân quan trọng là HTX dệt thổ cẩm Chiềng Châu. Chính vì vậy, khi tham gia HTX, tôi và các chị em xã viên đã không ngừng tìm tòi, sáng tạo, kế thừa và phát huy những tinh túy của nghề dệt thổ cẩm cổ truyền để tạo ra những sản phẩm mới vừa mang đậm nét văn hóa truyền thống của dân tộc vừa mang tính hiện đại, phù hợp với xu hướng. Các sản phẩm do HTX sản xuất khá đa dạng, điển hình như các loại quà lưu niệm, khăn dệt, túi xách, giầy dép, đồng hồ treo tường, búp bê, thú nhồi bông… Hiện tại, HTX đang sản xuất và kinh doanh theo đơn đặt hàng của khách hàng. Sản phẩm tiêu thụ chủ yếu tại các cửa hàng trưng bày sản phẩm ở bản Lác (Mai Châu), Hà Nội, Nghệ An, thành phố Hồ Chí Minh… Nếu như năm 2011, doanh thu của HTX đạt trên 500 triệu đồng/năm thì đến năm 2015 ước đạt trên 2 tỷ đồng. Hoạt động của HTX đã tạo được việc làm ổn định cho 30 xã viên HTX, ngoài ra còn có hơn 20 hội viên phụ nữ khác không phải là xã viên HTX cũng thường xuyên nhận hàng về nhà để tranh thủ làm thêm những lúc nông nhàn và nâng cao thu nhập.
Là Phó chủ nhiệm HTX, chị Vì Thị Oanh luôn ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình. Bản thân chị luôn không ngừng tìm tòi, học hỏi để sáng tạo ra những sản phẩm được thị trường đón nhận. Chị là người trực tiếp giao dịch ký kết các hợp đồng cung cấp hàng, là người tìm kiếm đối tác bao tiêu sản phẩm ổn định cho HTX, là người trực tiếp tính toán lập kế hoạch đầu tư vốn, mua nguyên vật liệu về cho chị em xã viên dệt, đồng thời cũng đóng vai trò là nhân tố tích cực nhất trong nỗ lực xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm của HTX dệt thổ cẩm Chiềng Châu. Để làm tốt tất cả những công việc đó, từ năm 2009 đến nay, chị Vì Thị Oanh đã tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chuyển giao công nghệ sản xuất sản phẩm mới, kỹ thuật nhuộm màu tự nhiên, hoạt động marketing, tham gia các hội chợ triển lãm, hội chợ thương mại tổ chức ở các tỉnh, thành trên mọi miền tổ quốc… Thông qua các hoạt động đó, chị Vì Thị Oanh đã dành trọn tâm huyết của mình để biến quyết tâm thành hiện thực: Phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Thái Mai Châu.
(HBĐT) - Tìm đến ngôi nhà to đẹp, xây khá kiểu cách, hiện đại với các cây cảnh, non bộ đắt tiền của bác Nguyễn Đình Lâm ở xóm 3 - 2B, xã Thành Lập (Lương Sơn), được người hàng xóm cho biết: “Chỉ có sang trang trại mới gặp được ông ấy thôi”. Chúng tôi vòng sang, gặp bác đang điều chỉnh lại quạt thông gió cho hệ thống chuồng gà, mồ hôi nhễ nhại nhưng ánh mắt lộ rõ niềm vui của người lao động đang đạt được các thành quả...
(HBĐT) - Chị Bùi Thị Kim Tuyến, Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình là tấm gương điển hình không ngừng học tập, phấn đấu để trở thành người phụ nữ có tri thức và văn hóa.
(HBĐT) – Khác với những gì chúng tôi nghĩ, Phó trưởng Công an huyện Mai Châu Hà Tiến Dũng là một người trẻ tuổi, sinh năm 1982, anh chia sẻ: Trước đây, cha tôi cũng là chiến sỹ công an và được bổ nhiệm làm Phó Công an huyện Mai Châu.
(HBĐT) – Là 1 trong 3 thanh niên tiêu biểu của tỉnh được nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2015 - phần thưởng cao quý của BCH T.Ư Đoàn dành cho “nhà nông trẻ xuất sắc” nhưng Bùi Văn Vì lại khiêm tốn khi nói rằng “Tôi chỉ may mắn hơn các bạn trẻ khác”. Chia sẻ về giải thưởng cũng như chuyến về Hà Nội nhận giải vừa qua, Bùi Văn Vì vui vẻ: “Đây là chuyến đi cho tôi nhiều trải nghiệm thú vị. Sự mạnh dạn, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của ĐV-TN trên cả nước đã tiếp thêm sức mạnh để tôi cố gắng hơn nữa”.
(HBĐT) - Không như những nghề khác, cứ 10 người vào làm thì sau 3 năm chỉ còn 2-3 người trụ lại với nghề. Nhưng sau 5 năm, số này vẫn còn nghỉ tiếp. Qua con số như thế mới biết ít ai chọn nghề làm vệ sinh môi trường.
(HBĐT) - Đồng chí Bùi Văn Mùi, Chủ tịch UBND xã Trung Hòa (Tân Lạc) giới thiệu: Gia đình ông Đinh Công Hợp, xóm Đạy là điển hình hiến đất góp công xây dựng NTM của xã. Ông đã hiến 2.500 m2 đất nông nghiệp lấy mặt bằng xây dựng trường mầm non của xã. Từ tấm gương của ông Hợp đã đẩy mạnh phong trào hiến đất, góp phần thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM trên địa bàn.