(HBĐT) - Sinh ra và lớn lên trong một gia đình đông anh chị em tại xóm Chềnh, xã Ngọc Lương (Yên Thủy), năm 1987, anh Lưu Hồ Lam tốt nghiệp cấp III. Vì hoàn cảnh gia đình, anh phải ở nhà giúp đỡ cha mẹ và nuôi dạy các em. Từ đó, anh đã tham gia hoạt động chi Đoàn thanh niên của xóm. Mặc dù chăm chỉ làm ăn nhưng cuộc sống gia đình vẫn thiếu thốn. Năm 2000, anh được nhân dân trong xóm tin tưởng bầu làm trưởng xóm. Bằng những hành động, việc làm cụ thể không chỉ vận động, tuyên truyền nhân dân làm đường GTNT, xây dựng nhà văn hóa, anh còn đi đầu trong tìm hướng đi mới cho phát triển kinh tế gia đình, từ đó, vận động nhân dân trong xóm làm theo.
Năm 2002, anh Lam tình cờ biết mô hình trồng cây bưởi Diễn tại xóm Đại Đồng, thế là anh mua giống, đưa cây bưởi Diễn về trồng trong vườn gia đình. Khi mới đưa cây về anh cũng gặp nhiều khó khăn về giống, vốn, kỹ thuật trồng nhưng cái khó lớn nhất đối với anh lúc này là vận động chuyển đổi tư duy của gia đình. Anh Lam nhớ lại: “Ngày trước, các cụ nhà tôi trồng rất nhiều cây lâu năm trong vườn như nhãn, vải, mít nên gia đình phản đối không cho chặt bỏ nhưng tôi thuyết phục dần dần và từ tỉa cành đến chặt cành rồi chặt bỏ cây sâu đi, khi bưởi lớn, phát triển có hiệu quả mới chặt các cây trồng không hiệu quả”. Với suy nghĩ phải tận dụng đất để không cho đất nghỉ, cùng với trồng bưởi Diễn, anh tìm hiểu và đầu tư nuôi ong lấy mật, nuôi gà thả vườn, đào ao nuôi cá. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, sau đó, anh đầu tư chăn nuôi bò sinh sản với 5 con cái. Do chủ động áp dụng KH-KT vào sản xuất, chăn nuôi nên hiện nay cây trồng, vật nuôi của gia đình sinh trưởng và phát triển tốt. Tổng thu nhập hàng năm của gia đình đạt hơn 200 triệu đồng. Kinh tế phát triển, anh có điều kiện nuôi dạy con và tích cực tham gia phong trào xóm. Hai con anh đều chăm ngoan học giỏi. Một cháu đang theo học đại học, một cháu học THPT.
Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, anh Lưu Hồ Lam còn tích cực vận động nhân dân trong xóm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiếp bộ KH-KT vào sản xuất; nhiệt tình chia sẻ những kinh nghiệm từ trồng trọt, chăn nuôi cho ngưười dân, từ đó từng bước làm thay đổi tư duy sản xuất của nhân dân trong xóm.
Với những nỗ lực không mệt mỏi của anh và nhân dân trong xóm, hiện nay, xóm Chềnh đã trở thành một trong những xóm có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất xã Ngọc Lương với 0,47%. Xóm liên tục giữ vững làng văn hóa. Nói về người Trưởng xóm - Phó Bí thư chi bộ xóm Chềnh, đồng chí Nguyễn Văn Quỳnh, Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Lương cho biết: “Đồng chí Lam không những là người Trưởng xóm mẫu mực, tiên phong gương mẫu trong công việc mà còn làm kinh tế giỏi, có công lớn trong vận động gia đình, giúp đỡ làng xóm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế cao”.
Từ những kết quả đạt được, anh Lưu Hồ Lam và gia đình đã nhận được nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp, ngành về thành tích xuất sắc trong phong trào phát triển kinh tế gia đình, tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng NTM, vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương. Điển hình như năm 2012 anh được tặng bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì đã có thành tích xuất sắc trong CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở KDC”. Năm 2013 được tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Năm 2015 được tặng bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2011-2015.
Xuân Thiên (Đài Yên Thủy)
(HBĐT) - Với bảng thành tích nổi bật, Nguyễn Văn Tiến là gương mặt tiêu biểu cho sự nỗ lực không ngừng, vượt qua mọi khó khăn để trở thành học sinh lớp 11 chuyên toán trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ.
(HBĐT) - Đã trải qua 29 năm công tác nhưng có tới 19 năm gắn bó với công tác thanh tra và kiểm tra Đảng. Sau khi tốt nghiệp đại học Tài chính, chị Bùi Thị Thu (ảnh) được tiếp nhận về làm cán bộ Ban Kế hoạch - UBND huyện Yên Thủy, rồi làm kế toán trưởng, trưởng cửa hàng thương nghiệp tổng hợp huyện, ở lĩnh vực công tác nào chị cũng thể hiện là một người khiêm nhường, đức độ, nghiêm túc và tận tụy.
(HBĐT) - Vợ ốm gần chục năm trời, một mình chăm sóc 4 người con thơ dại, đàn trâu gần 20 con cũng lần lượt phải đem bán để lấy tiền thuốc thang cho vợ, đã có lúc CCB Bùi Văn Đủi, xóm Mè, xã Bình Chân, huyện Lạc Sơn nghĩ mình trắng tay sau bao nhiêu năm vất vả miệt mài lao động. Nhưng rồi, với ý chí nghị lực của một người lính bộ đội cụ Hồ, một lần nữa ông lại bắt tay gây dựng mô hình trang trại chăn nuôi lợn thả vườn để phát triển kinh tế hộ gia đình.
(HBĐT) - Không chỉ luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, ông Dương Quốc Lập, bí thư chi bộ xóm Lâm Trường, xã Trường Sơn (Lương Sơn) còn là một trong những người đi đầu trong phát triển kinh tế trang trại, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm...
(HBĐT) - Chị Đinh Thị Thủy ở xóm Mượt, xã Cun Pheo là một trong những điển hình nông dân vượt khó vươn lên làm giàu ở huyện Mai Châu. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo, nhiều năm liền gia đình chị chỉ bám vào nghề nông để sống, thế nhưng cái nghèo vẫn luôn đeo bám, vợ chồng chị Thủy làm mọi việc từ cấy lúa, trồng màu, chăn nuôi đến đi làm thuê, làm mướn... để kiếm thêm thu nhập cho gia đình.
(HBĐT) - Đó là anh Nguyễn Thái Học ở phố Bưởi, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp xã Hạ Bì (Kim Bôi). ý tưởng cải tiến máy cấy của anh Học bắt đầu từ năm 2014, khi ấy, tại một số tỉnh, thành phố trong nước đã xuất hiện máy cấy của Hàn Quốc và sau đó là máy cấy thủ công của Trung Quốc.