Ông Vì Văn Mè luôn là người sát sao trong công việc và dành nhiều nỗ lực để xây dựng và phát huy tinh thần đoàn kết trong cộng đồng dân cư.
(HBĐT) - 3 lần tôi hẹn gặp để cùng đến với cơ sở, tiếp xúc với dân, cảm nhận những tình cảm chân thành, trọng thị mà người dân dành cho ông nhưng đều không thành. Những người quen biết và từng đồng hành với ông cho tôi một lời lý giải: Ông ấy quá bận rộn! Một phần là vì trách nhiệm, một phần là vì dòng nhiệt huyết trong ông luôn tuôn chảy, dẫu sức trẻ đã giảm sút. Ông là vậy, thế nên trong khối cơ quan đoàn thể huyện Mai Châu bấy lâu đã lan truyền câu cửa miệng “ ở đâu có việc khó, ở đó có ông Mè”! Ông Mè ấy có tên đầy đủ là Vì Văn Mè, Chủ tịch ủy ban Mặt trận tổ quốc huyện Mai Châu.
Một tấm gương về sự trung thực, tinh thần trách nhiệm, gắn bó với nhân dân.
“Chộp” được ông trong giờ nghỉ trưa giữa 2 cuộc hội nghị (sáng - chiều) đều do Chủ tịch Ủy ban MTTQ chủ trì, tươi cười rổn rảng ông mào đầu: Ngại nhà báo quá! Thực sự vào thời điểm này anh em tôi đang quá tải vì công việc. Nhưng không sao, Bác Hồ đã dạy rồi “Lao động là vinh quang”!. Có làm việc, có cống hiến thì mới cảm nhận rõ được niềm hạnh phúc và ý nghĩa của cuộc sống. Bỏ qua câu hỏi vốn thường trực trong đầu: Ông đã từng được nêu gương là điển hình “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”? tôi xoáy sâu vào những suy nghĩ, những công việc mà ông đã làm và được biết: “Chủ tịch” Mè vốn trưởng thành từ một cán bộ Đoàn (từ năm 1990- 2002 là Phó Bí thư và Bí thư Huyện Đoàn Mai Châu, từ năm 2002 chuyển sang vị trí Chủ tịch Ủy Ban MTTQ huyện cho đến nay). Trung thực, thẳng thắn là bản tính vốn có trong ông, từ khi được đứng trong hàng ngũ của Đảng và được giao nhiệm vụ là người lãnh đạo tổ chức đoàn thể ông khẳng định rõ hơn: Tiêu chuẩn đầu tiên của người cán bộ, đảng viên là trung thực, trách nhiệm và phải biết nêu gương. Không ngừng trau dồi những phẩm chất đó ông đã được dân quý, dân thương, cấp ủy, chính quyền tin tưởng. Được BTV Huyện ủy phân công phụ trách xã Hang Kia, tham gia HĐND huyện nhiệm kỳ 2011-2016, ông lại ứng cử ở 2 xã Hang Kia, Pà Cò. Nhận nhiệm vụ hầu như tháng nào ông cũng có mặt ở Hang Kia, Pà Cò, ít là 1-2 lần, còn nhiều thì lên đến cả chục lần. Ấy là bởi ông suy nghĩ rằng là cán bộ mặt trận thì phải làm dân vận tốt, mà để làm được điều đó thì không có cách nào ưu việt hơn là phải gần dân, nắm dân để… hiểu dân. Giờ thì người dân 2 xã Hang Kia, Pà Cò không chỉ coi ông là một người con của bản Mông mà còn là người có uy tín của bản. Cũng nhờ được dân quý, dân tin mà ông Mè đã dám một mình nhảy vào “chảo lửa” Hang Kia trong vụ án ma túy gây chấn động (3 chiến sỹ công an hy sinh vào ngày 5/2/2010), ông có mặt ở đó để vận động, thương thuyết, giúp lực lượng chức năng giải cứu con tin. Sau đó chính ông là người đến từng nhà để vận động 13 đối tượng bị truy nã trong vụ án ra đầu thú. Mưa dầm thấm đất, dần dần 7/13 đối tượng ấy đã nghe lời khuyên của anh Mè, chú Mè ra đầu thú để được hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước. Đến nay có đối tượng đã mãn hạn tù, khi trở về hòa nhập cộng đồng người đầu tiên công dân ấy đến cảm ơn không ai khác là ông Mè. Để khẳng định rõ hơn mình đã thực sự là người con của bản Mông, ông Mè kể lại cho tôi nghe kỷ niệm sâu sắc khi đến Hang Kia để tuyên truyền thực hiện Đề án 1081 của tỉnh về “Vận động toàn dân giao nộp, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ trên địa bàn tỉnh”: “Đặt khẩu súng trước mặt tôi cụ Tràng rưng rưng nước mắt phân trần: Khẩu súng này là di vật của ông, cha tao để lại, nó được đổi bằng 5 trâu đấy. Mấy chục năm nay nó theo tao giữ nhà, giữ rừng. Giờ không còn hổ báo nữa tao nộp nó lại cho cán bộ. Thương nó, quý nó nên tao khóc thôi…!”. Có hiểu rõ phong tục, tập quán của đồng bào Mông mới thấy hết được giá trị của việc làm cũng như những giọt nước mắt cụ Vàng A Tràng ở xóm Hang Kia, xã Hang Kia trong giờ phút giao nộp cây súng. Cũng từ câu chuyện giao nộp súng của cụ Tràng đã tạo hiệu ứng lan tỏa để đồng bào Mông ở 2 xã Hang Kia, Pà Cò thực hiện tốt việc giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ theo chủ trương của Đảng, Nhà nước và của địa phương.
Xây dựng tình đoàn kết trong dân
Trong cuộc chuyện trò, ông Mè 2 lần nhắc đến lời dạy của Bác Hồ “ Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong” để nói lên suy nghĩ và những việc mà ông và những người cộng sự đã và đang làm trên cương vị được cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân giao phó: Tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân để thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, gìn giữ QP-AN. Những năm 2000, ma túy đã trở thành vấn đề nổi cộm và nhức nhối ở Mai Châu. Xác định cần phải có công tác tập hợp, phát huy sức mạnh đoàn kết, trí tuệ của người dân để giữ gìn ANTT ở từng khu dân cư, năm 2005, ông Mè đã phối hợp với lãnh đạo Công an huyện tham mưu cho Thường trực Huyện ủy, UBND huyện tổ chức xây dựng, thành lập mô hình điểm Tổ liên gia tự quản . Ý tưởng đó lập tức được ủng hộ và ngay trong năm 2005 bắt tay vào xây dựng mô hình điểm tại xóm Mỏ, xã Chiềng Châu và xóm Lầu, xã Mai Hạ. Qua 11 năm triển khai, thực hiện, đến nay toàn huyện đã thành lập và duy trì 753 tổ liên gia tự quản tại 138 xóm , bản. Từ khi có tổ chức và hoạt động của tổ liên gia tự quản ở KDC, tội phạm, tệ nạn ma túy, HIV/AIDS được đẩy lùi, từ năm 2013 đến nay có nhiều xã, nhiều KDC không còn phát sinh tội pham, tệ nạn ma túy, đời sống nhân dân được cải thiện, tình làng nghĩa xóm được gắn kết bền chặt hơn. Năm 2015 có 18/23 xã không phát sinh người nghiện mới, tăng 7 xã so năm 2014. Thành công đó được vinh danh cho cả tập thể, nhưng những người trong cuộc (lãnh đạo Đảng, chính quyền, đoàn thể huyện Mai Châu) đều ghi nhận công lao khởi xướng và đóng góp của cá nhân ông Mè.
Trong tháng 3 vừa qua, Uỷ ban MTTQ tỉnh đã tổ chức hội thảo Nhân rộng mô hình Tổ liên gia tự quản tại Mai Châu. Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch trung ương MTTQ Việt Nam và Trần Đăng Ninh, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy đã ghi nhận và biểu dương những kết quả đạt được từ việc xây dựng mô hình Tổ liên gia tự quản ở Mai Châu. Đồng thời có ý kiến chỉ đạo: nên nhân rộng mô hình đến tất cả các huyện, thành phố trong tỉnh. “Được lời như cởi tấm lòng”- ông Mè vui lắm, vui vì mình đã làm được những việc thiết thực có ích cho cộng đồng xã hội. Nhìn lại quãng thời gian công tác ở 2 vị trí khác nhau: Bí thư Huyện đoàn và Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện có 2 việc lớn khiến ông Mè hài lòng nhất. Một là, sáng kiến: “Củng cố, nâng cao tổ chức hoạt động Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh trong các nhà trường”. Hai là, sáng kiến thành lập mô hình tổ liên gia tự quản ở Khu dân cư. Tất nhiên còn nhiều việc khác nữa không thể gọi thành tên bởi đó là những công việc hết sức thầm lặng và bình dị. Nhưng theo tôi, chính những công việc bình dị được thực hiện dưới sự điều khiển của trái tim nồng ấm, sự trung thực, trách nhiệm ấy đã làm ông tỏa sáng. Thực tế, từ lâu ông Mè đã trở thành người có uy tín trong mắt người dân và điều đó cũng đã được các cấp, các ngành vinh danh với hàng chục tấm bằng khen, giấy khen dành cho ông thuộc nhiều lĩnh vực.
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bằng những lời nói, việc làm cụ thể, ông Vì Văn Mè đã thể hiện rõ những phẩm chất như: sự trung thực, trách nhiệm, gắn bó với nhân dân, tập hợp khối đại đoàn kết trong nhân dân góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện.
Thúy Hằng
(HBĐT) - Anh Trần Văn Tuấn, phóng viên Báo Đời sống pháp luật vừa gửi thư cảm ơn tới Giám đốc Công an tỉnh bày tỏ lòng biết ơn hành động nhặt được của rơi, trả lại người mất của đồng chí Nguyễn Việt Anh, cán bộ Đội tuần tra cơ động Công an TP. Hòa Bình.
(HBĐT) - Hiện nay trên toàn huyện Cao Phong chủ yếu chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng cây có múi. Tuy nhiên, khi đến với Yên Lập ai cũng phải nhắc đến gia đình Ông Bùi Văn Sượn xóm Ngãi xã Yên Lập là người tiên phong trong việc chuyển đổi diện tích đất đồi từ làm nương rẫy trồng sắn, trồng ngô đem lại hiệu quả kinh tế thấp đã mạnh dạn chuyển sang trồng cây dó trầm.
(HBĐT) - Trung bình mỗi năm lương y Bùi Văn Phượng (ảnh), xã Yên Trị (Yên Thủy) khám - chữa bệnh miễn phí cho khoảng 150 - 200 bệnh nhân với giá trị tiền thuốc lên tới 40 - 50 triệu đồng. Nhờ tấm lòng vì cộng đồng của lương y, nhiều bệnh nhân thuộc diện hộ nghèo, gia đình chính sách, người tàn tật, thương bệnh binh... đã được ông cứu sống.
(HBĐT) - Không chỉ là đảng viên gương mẫu được nhân dân trong xã tín nhiệm, quý mến, ông Bùi Văn Òn ở xóm Mát, xã Nật Sơn (Kim Bôi) còn là người đi đầu trong phát triển kinh tế hộ gia đình qua phát triển lâm nghiệp và chăn nuôi đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm...
(HBĐT) - Từ sự gợi ý của Giáo sư sử học Lê Văn Lan, nhà đọc sách miễn phí của đồng chí Bùi Phi Diệp, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Trị được xây dựng từ năm 2014 là mô hình nhà đọc sách miễn phí đầu tiên trên địa bàn huyện Yên Thủy.
(HBĐT) - Trong lực lượng Công an tỉnh, ít người không biết nữ Trưởng phòng Quản lý xuất - nhập cảnh Phạm Thị Thu Thủy. Một lãnh đạo trẻ năng động, say nghề. Chị không chỉ chỉ đạo anh em mà “xắn tay áo” hỗ trợ mọi người trong công việc. Chính tác phong sâu sát, gần gũi với anh em giúp chị hiểu hơn về hoàn cảnh gia đình, công việc mỗi người để có biện pháp tháo gỡ, giải quyết kịp thời.