(HBĐT) - Hiện nay, các chính sách dân tộc tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm triển khai thực hiện, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTS&MN) giai đoạn 2021 - 2030 và các chương trình, dự án khác triển khai trên địa bàn vùng dân tộc đã phát huy hiệu quả tích cực. Qua đó góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho ĐBDTTS; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững.
Lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh khảo sát điều kiện ăn ở của học sinh Trường PTCS bán trú Đồng Nghê, xã Nánh Nghê, huyện Đà Bắc.
Từ nhiều năm nay, do địa hình vùng núi cao, các xã: Nà Phòn, Sơn Thuỷ, Thành Sơn, huyện Mai Châu thường xuyên đối mặt với tình trạng khó khăn về nước sinh hoạt và sản xuất. Trước thực tế đó, thực hiện tiểu dự án 1 về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt thuộc CTMTQG phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS&MN, Phòng Dân tộc huyện Mai Châu đã triển khai hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho hơn 200 hộ thuộc 3 xã có nước đảm bảo vệ sinh. Cũng từ nguồn lực của CTMTQG, trong 2 năm (2022 - 2023), huyện Mai Châu đã hỗ trợ chuyển đổi nghề, hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp bền vững, đào tạo nâng cao năng lực cộng đồng và hỗ trợ bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc gắn với phát triển du lịch, cùng nhiều hoạt động thiết thực khác cho đồng bào dân tộc trên địa bàn với trị giá hàng chục tỷ đồng. Ngoài ra, huyện đã đầu tư 41 công trình hạ tầng các loại phục vụ đời sống vùng ĐBDTTS&MN với tổng số vốn trên 50 tỷ đồng.
Với đặc thù là một tỉnh miền núi có đông ĐBDTTS sinh sống, hiện nay, các chính sách về chăm lo phát triển KT-XH vùng dân tộc đang được tỉnh ta triển khai quyết liệt với nhiều nội dung cụ thể. Đồng chí Nguyễn Văn Tiến, Phó trưởng Phòng Chính sách - Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Thực tế cho thấy, bà con vùng DTTS&MN có xuất phát điểm thấp và chịu nhiều thiệt thòi. Chính vì vậy, Ban Dân tộc đã chủ động tham mưu UBND tỉnh tranh thủ các nguồn lực, nguồn vốn từ các chính sách dân tộc để giúp bà con thoát nghèo một cách hiệu quả, bền vững nhất. Trong đó, bao trùm là CTMTQG phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS&MN được triển khai từ năm 2021. Mặc dù còn nhiều khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai, song tính đến nay, toàn tỉnh đã giải ngân được 144.617 triệu đồng vốn đầu tư phát triển và 67.233 triệu đồng nguồn vốn sự nghiệp.
Bên cạnh CTMTQG, Ban Dân tộc đã tham mưu Tỉnh uỷ, UBND tỉnh phê duyệt một số đề án đặc thù nhằm thúc đẩy kinh tế khu vực miền núi phát triển, như: Dự án phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc Mông hai xã Hang Kia và Pà Cò, huyện Mai Châu; Đề án số 10 của Tỉnh uỷ về "Xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người DTTS”... Đặc biệt là Nghị quyết số 03-NQ/TU của Tỉnh ủy về lãnh đạo phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Nghị quyết đề ra mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2025 giảm 50% xã, thôn bản đặc biệt khó khăn; đến năm 2030 cơ bản không còn xã, thôn bản đặc biệt khó khăn. Triển khai Nghị quyết, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã tập trung các nguồn lực triển khai đồng bộ giải pháp đầu tư kết cấu hạ tầng KT-XH vùng dân tộc và miền núi, nhất là hạ tầng giao thông; cải thiện sinh kế, nâng cao đời sống người dân; nâng cao chất lượng GD-ĐT, y tế, bảo tồn bản sắc văn hóa; phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm, đảm bảo các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội. Kết quả bước đầu thực hiện Nghị quyết đã giúp đời sống ĐBDTTS&MN trong tỉnh dần được cải thiện. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 12,99%; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 55 triệu đồng; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 100% trẻ em các xã được đến trường đúng độ tuổi và người dân được đảm bảo tiếp cận các dịch vụ y tế. Toàn tỉnh đã có 73 xã đạt chuẩn nông thôn mới… Trong giai đoạn 2020 - 2022, tỉnh có 7 xã thoát khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn. Đặc biệt, nhận thức của bà con có đổi thay rõ rệt, nhiều hộ chủ động tìm hướng phát triển kinh tế, không phụ thuộc vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Có thể thấy, việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh tạo ra bước chuyển rõ nét về mọi mặt, làm thay đổi diện mạo khu vực miền núi, nâng cao đời sống người dân. Từ đó góp phần rút ngắn khoảng cách giữa miền núi với miền xuôi, tạo động lực để đồng bào đoàn kết, thi đua giảm nghèo bền vững, ổn định cuộc sống.
Đinh Hòa